Vua Bơ lấn sân ca nhạc

Anh Mười bơ trổ tài ca sĩ tại văn phòng Ban đại diện báo Tiền Phong KV Tây Nguyên.
Anh Mười bơ trổ tài ca sĩ tại văn phòng Ban đại diện báo Tiền Phong KV Tây Nguyên.
TP - Vẫn bàn tay sần chai, nước da cháy nắng, nhưng chàng nông dân đa tài xứng danh tỷ phú bây giờ không chỉ gắn đời mình với cây bơ, đất đai nương rẫy, mà còn miệt mài thu âm biểu diễn với chất giọng ngọt lịm trời cho, khiến không ít ca sĩ phải... ghen tị!

Nhà nông tân thời

Cách đây tròn 6 năm, khi báo Tiền Phong đăng phóng sự “Tỷ phú Mười Bơ”, thì Trịnh Xuân Mười đã tạo dựng được thương hiệu cho vườn ươm bơ giống của anh trở nên đắt hàng, quen tiếng khắp các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên.

Bây giờ Mười Bơ càng... khét tiếng hơn xưa, bởi khách hàng muốn mua bơ giống, bơ trái của anh không chỉ đến từ khắp cả nước, mà còn có cả khách Nhật, khách Hàn. Hình dáng anh Mười gò lưng lòng khòng trên chiếc xe đạp rách, rồi xe máy cà tàng đã vào dĩ vãng. Nay chỉ còn lại một giám đốc Công ty TNHH Trịnh Mười mỗi sáng lái ô tô từ xã Hòa Thắng gần chục cây số vào nội thành chơi cầu lông, ghé nhà hàng điểm tâm với nhiều sếp lớn cấp ngành, cấp tỉnh.

 Anh Mười 6 năm nay không còn phải đi chào hàng bán giống, tặng thêm bầu cây khuyến mãi để làm quen, mà ngày đêm luôn phải lăm lăm 2 tay hai điện thoại liên tục nghe, trả lời những cú gọi đặt hàng mua giống, hỏi xin tư vấn của cả dân nghèo lẫn đại gia. Anh Mười không còn sợ hàng trăm nghìn bầu ươm mỗi vụ ế hàng, chỉ than đã nỗ lực hết cỡ vẫn nhân giống bơ không đủ bán.

Trường hợp đổi đời, trắng tay thành tỷ phú kiểu Mười Bơ, ai đó mượn lời các cụ gọi “thời thế tạo anh hùng”! Có lẽ thế thật, nếu như cách đây hơn chục năm, trước Xuân Mười chưa có nhà khoa học nào chịu nghiên cứu, và phổ biến thành công về việc tìm ra những giống bơ ngon đặc biệt, cách chiết ghép giống bơ, và mô hình trồng xen bơ che mát vườn cà phê, làm cho nông dân xa gần chộn rộn với phép tính cây bơ đem lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm trên 1 hécta náo nức tìm đến, thì chắc chi danh hiệu “Vua Bơ” rơi vào anh nông dân Trịnh Xuân Mười, học vấn chưa qua lớp tám? 

Ghi nhận đóng góp đáng kể của Mười Bơ với nông dân, nông nghiệp, giáo sư Nguyễn Lân Dũng  đã tỉ mỉ ghi chép suốt quá trình nhiều năm anh phải tự tìm tòi, thử nghiệm đủ các kiểu, kiên trì bám đuổi với vô số lần thất bại, cho tới khi tự mình nắm chắc được mọi khâu kỹ thuật phức tạp trong việc nhân giống các loại giống bơ vừa ngon vừa sai quả ngay trên khu vườn đầu tiên rộng hơn 1,3 ha, mua bằng số tiền chắt chiu hàng chục năm cày thuê, cuốc mướn của đôi vợ chồng nghèo!

Bây giờ số điểm bán cây bơ giống khắp nơi phải lên đến hàng trăm. Cách công ty TNHH Trịnh Mười không xa, ngay bên đường Nguyễn Lương Bằng đồng tuyến với quốc lộ 27 là trụ sở bề thế của Viện nghiên cứu Khoa học Nông - Lâm - Nghiệp Tây Nguyên, nơi các nhà khoa học được nhà nước đầu tư ngân sách để nghiên cứu về các loại cây trọng điểm, trong đó có bộ sưu tập tới 43 giống bơ với nhiều đề tài cấp bộ, cấp quốc gia. 

Vậy mà vườn ươm của “Vua Bơ” vẫn cứ là địa chỉ rộn ràng đón khách, và sản nghiệp Mười Bơ vẫn không ngừng lớn mạnh. Từ tiền bán bơ giống, bơ quả, ngoài khu vườn 1,3 ha đầu tiên nay trở thành nơi trình diễn bộ sưu tập giống của Mười Bơ chủ yếu để lấy chồi chiết ghép, anh còn mở 2 khu vườm ươm khác rộng 1,8 ha, đủ cung ứng cả chục vạn cây giống mỗi năm.

Thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng, Mười Bơ vẫn nguyên chất nông dân, ngày ngày trực tiếp cuốc xới hướng dẫn những người làm thuê chăm cây cho đúng cách. Tỷ phú vẫn cầm tay chỉ việc cho thợ lái máy xới luống khoai tự chế, mà như anh tiết lộ với giá thành chưa tới hai chục triệu đồng, chiếc máy này còn có thể lắp các giàn công cụ đa năng, hiệu quả tương ứng 20 nhân công. Ô tô Mười Bơ lái cũng là loại ít tốn xăng dầu, giá tám trăm triệu. Vợ anh, một phụ nữ trẻ chưa từng biết mùi chốn phù hoa quanh năm phơi mưa đội nắng cùng hàng chục nhân công lao động ở vườn ươm.

Tuy nhiên, hiếm người biết 2 công chúa hương đồng gió nội của vợ chồng anh suốt mùa hè đèo nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ chăm chỉ học tiếng Nhật, quyết tâm du học Nhật Bản. Còn ông bố Mười Bơ ngoài việc mới tậu thêm một vùng đất ba zan rộng 10 hécta liền khoảnh tuyệt đẹp giá 8 tỷ đã vun giồng trồng khoai xen bơ xanh tốt bạt ngàn, còn không tiếc tiền trải nghiệm vào vai... ca sĩ.     

Tiếng hát Mười Bơ!

Từ tháng 7/2010, tôi trở thành bà chị mà chàng nông dân độc đáo này thường hẹn để “tám”, sau khi báo Tiền Phong đăng phóng sự “ Tỷ phú Mười Bơ”.

Vua Bơ lấn sân ca nhạc ảnh 1

Niềm vui chăm vườn của tỷ phú Mười bơ.

Năm 2011 tranh thủ công tác vào TP Hồ Chí Minh, tôi đến một phòng thu ở quận 10 ghi đĩa CD đầu tiên, viết phóng sự “Vào phòng thu bình dân làm ca sĩ ”. Năm 2012 tôi in bộ sách ký sự báo chí “Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược”, bán sách lấy tiền gây quỹ học bổng “Đọt chuối non”.

Trong bộ sách có in lại bài “Tỷ phú Mười Bơ”, nhân vật bèn mua 10 bộ ủng hộ học bổng. Thời đó Mười Bơ chưa sắm ô tô. Một lần ngồi xe do tôi cầm lái, nghe CD tôi hát, Mười Bơ tò mò hỏi làm thế nào ra được những chiếc đĩa “phục vụ trọn gói” kiểu như thế? Tôi kể. Mười Bơ hào hứng tuyên bố: Em hát nghe... được lắm đấy!

Vài tháng sau Mười Bơ đến trụ sở Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, tặng tôi đợt đầu... 3 đĩa CD, mỗi đĩa 13 bài, giá thu mỗi bài gần bằng giá tôi thu cả đĩa, thực hiện tại phòng thu toàn thiết bị cao cấp của ca sĩ Ngọc Sơn. Lưng đĩa trên và dưới list bài toàn nhạc sến, có in “Nhạc tuyển chọn Trịnh Mười - Chung tay từ thiện”! 

Thả đĩa vào máy, một giọng ca ngọt ngào, sến rện, luyến láy truyền cảm và đầy nội lực... cứ thế ru ngủ, thôi miên người nghe liền tù tì từ bài này qua bài khác. Tôi kinh ngạc: “Trời, giống giọng Ngọc Sơn dữ vậy?”. Mười cười sảng khoái: “Không phải chỉ mình chị nói vậy đâu, ai cũng nhận xét y như thế đó! Ca sĩ Ngọc Sơn còn bảo thôi em bỏ làm vườn về Sài Gòn đi hát với ảnh. Nhưng Mười Bơ sao bỏ vườn bơ được?”.

Vua Bơ lấn sân ca nhạc ảnh 2

Ông chủ Mười bơ với thợ lái máy xới giồng.

Có lần, Mười đề nghị tôi kết nối giúp anh tổ chức một đêm nhạc gây quỹ từ thiện tại Đắk Lắk. Anh sẽ bỏ tiền mời thêm vài ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi cùng biểu diễn, dàn dựng chương trình. Để thuyết phục, anh không ngần ngại mở nhạc nền cài sẵn trong điện thoại, đứng hát hồn nhiên say mê trước mấy cô phóng viên tập sự ở phòng bên đổ dồn qua tròn mắt im nghe. 

Mười vừa ca dứt câu, các cô vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Đợt đó, va vào mớ thủ tục rắc rối lằng nhằng, trời lại mưa không dứt, anh Mười chào thua. Tuy nhiên, cũng nhiều lần anh trích hàng chục triệu tiền bán bơ góp quỹ học bổng, giúp người nghèo, tặng quà động viên các bạn trẻ khuyết tật...

Tới nay, Mười Bơ chăm lên xuống TP Hồ Chí Minh, khám phá nhiều phòng thu khác nhau và ghi âm ngót 150 bài, nhân đĩa khoảng vài nghìn bản. Trong đó, có những bài anh song ca cùng nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền. Cơ duyên là sau mấy lần chị em hội ngộ tại phòng trà, mến tài nên rủ nhau hòa giọng. Đợt ghi âm mới đây, chủ phòng thu bảo để gửi đĩa cho chị Thúy Nga Paris nghe thử.

Nhiều báo vẫn tiếp tục viết bài giới thiệu về tấm gương lao động cần cù sáng tạo của Mười Bơ. Nhiều cây bút không ngần ngại phong cho anh danh hiệu Vua Bơ. Tường nhà anh ngày càng giăng đầy đủ các loại bằng khen, cúp mạ vàng, bạc về nông dân sản xuất giỏi, về giàu lòng từ thiện.

 Cũng đã có người sáng tác ca khúc khen ngợi Trịnh Xuân Mười tay trắng ra đi từ làng quê nghèo khổ, nay giàu có nổi tiếng như cồn. Còn anh vẫn cứ khiêm tốn lễ phép nhũn nhặn như thế, nhiệt tình như thế mỗi khi cần tư vấn tỉ mỉ về bơ cho bất cứ nông dân nào, hay chủ đại lý muốn giao dịch mua bán độc quyền với Mười Bơ trên mọi miền đất nước.

Mới đây, khán giả truyền hình thấy Trịnh Xuân Mười được vinh danh top 10 nông dân xuất sắc của cả nước trên chương trình “Sao thần nông”. Hơn thế nữa, lần đầu tiên màn ảnh “Chào buổi sáng bông lúa” mời anh lên không phải để nói về cây trồng, mà để khoe với khán giả truyền hình cả nước giọng hát ngọt ngào thiên phú. Chàng nông dân kiêm ca sĩ Mười Bơ say đắm thả hồn theo giai điệu, chẳng để ý gì tới đôi diễn viên múa phụ họa vờn quanh...


MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.