Xóm không chồng

Xóm không chồng
TP - Như đã hẹn từ trước, những người phụ nữ quá lứa, lỡ thì tìm đến đây lập nghiệp quần tụ thành một xóm. Họ là những người thuộc khu 6, tổ 11, thị trấn Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Xóm không chồng ảnh 1
Cả xóm chỉ có giếng nước nhà bác Lộc là trong, trẻ con thi nhau tắm

Chúng tôi về thăm “xóm không chồng” trong buổi chiều se lạnh của mùa đông xứ Huế, trò chuyện với các chị trong những ngôi nhà lụp xụp của khu xóm.

Mỗi ngôi nhà là mỗi hoàn cảnh, nhưng các chị có một điểm chung là phải chèo lái gia đình trong cảnh không chồng. Hình thành cách đây gần 20 năm, “xóm không chồng” giờ đã có 33 hộ dân.

Những thân cò lặn lội

 Mười năm về trước, cả cái xóm này tối thui, không điện, không nước sạch,  ẩm thấp, lầy lội. Hai năm trở lại đây xóm mới có điện.

Còn nước sạch thì e phải chờ 15 năm nữa. Không ít lần tôi phải ra Ủy ban xã xin làm giấy khai sinh cho các cháu.

Bọn trẻ con nơi đây rất ít được học hành, phần lớn đi làm thêm từ khi còn rất nhỏ, cuộc sống rất nhiều khó khăn nên đường đến trường còn xa lắm.  

 Ông Nguyễn Văn Tam - Tổ trưởng tổ 11

Đi qua từng ngôi nhà của khu xóm, đâu đâu chúng tôi cũng thấy dây phơi đồ áo của đàn bà và trẻ nhỏ. Cái vẻ lam lũ nghèo khó hiện ra trong mỗi ngôi nhà. Đám trẻ, phần lớn cởi truồng từ đâu ùa ra.

Chúng nhiệt tình dẫn đường cho tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thuận, thực ra gần giống như một túp lều nằm giữa những lùm cây. Chị là một trong những người lập ra cái xóm này 18 năm trước.

Căn nhà trống không được dựng lên cách đây 10 năm chẳng có gì đáng giá ngoài cái giường cũ. Tường nhà là những tấm bạt đã rách nát. Với cái chân tập tễnh, bị teo lại sau một lần châm cứu, hàng ngày chị phải sống với con trai trong tình cảnh túng quẫn.

“Khi sinh cháu được hai tuần, tui phải gượng dậy đi  lượm ve chai ở các đường phố để bán. Một thân một mình nhiều lúc tôi nghĩ không thể vượt qua nỗi…” - Chị Thuận nói.

Xóm không chồng ảnh 2
Chị Dương Thị Thúy với đôi chân tật nguyền và hai đứa con không cha

Giờ đây, với đôi chân tật nguyền, hàng ngày chị vẫn đi phụ hồ. Chị kể nhiều khi xách nước cứ phải lết từng đoạn. Còn những lúc trời mưa thì chị đi lượm bọc ni lông: “Làm việc thế mà chẳng đủ ăn.

Nhiều lúc căn bệnh tái phát nào là tiền thuốc thang rồi tiền ăn hằng ngày, nhưng có phải khi nào cũng đi làm được thường xuyên đâu. Có lần đi đổ sàn nhà cho người ta vì mệt quá trên đường bị ngất, thế là về nằm một tuần hai mẹ con xin mì về ăn cho qua bữa”.

Đến nhà chị Lê Thị Tươi, chúng tôi lại càng thấy ngậm ngùi. Trong cái giá rét ngọt của mùa đông xứ Huế, hai đứa con nhỏ của chị chỉ mặc áo rách, nằm cuộn tròn lên chiếc giường trải mền.

Ngoài trời gió vẫn cứ lồng lộng thổi vào, tôi nép bên vách cửa nhà chị mà cũng thấy lạnh tê cả người. Vậy mà hai đứa trẻ vẫn ngủ ngon lành. “Chúng nó quen thế rồi.

Mặc dù lạnh thế nhưng hằng đêm ba mẹ con tui chỉ lấy cái màn đắp, nhiều lúc lạnh cóng, hai đứa cứ trở mình liên tục. Nhưng biết làm sao được?”. - Chị Tươi giọng nghẹn lại. Căn nhà chỉ khoảng chừng 12m2, đồ để nấu ăn duy nhất chỉ có một chiếc nồi và ba cái bát ăn cơm.

Là người có nhan sắc, chị Tươi từng yêu rồi bị người yêu chối bỏ trách nhiệm. Chị quyết định sinh con trong cảnh nghèo khó. Sau đó lại có người đến với chị, nhưng cũng nhanh chóng ra đi. Do sức khỏe yếu, hàng ngày chị chỉ biết đi bán vé số, rồi đi nhặt ve chai. Ngày kiếm được nhiều nhất cũng chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng.

Cứ ngỡ ở cái xóm này, các chị mà tôi gặp đã khổ lắm rồi, nhưng đến nhà chị Dương Thị Thúy, chúng tôi lại phải chứng kiến hoàn cảnh bi đát hơn. Năm nay chị Thúy đã 50 tuổi, là một trong những người đến lập nghiệp sớm nhất ở cái xóm này.

Đôi chân của chị thì bị tật nguyền khiến công việc mưu sinh của chị khó khăn gấp bội: “Một lần đói quá không có chi ăn nên phải đi hái rau, không may chân sập xuống hầm, bị thép gai đâm phải. Rồi tui bị nhiễm trùng buộc phải thảo khớp đầu gối khi mới 17 tuổi” - Chị Thúy kể lại giọng xót xa.

Cũng từ đó chị sống thu mình, ngại tiếp xúc trước đám đông. “Cái tuổi nó đuổi xuân đi”, chị lại tật nguyền nên chưa có người con trai nào đến với chị: “Tui thế này nên cũng chẳng ai lấy về làm vợ cả, nên muốn kiếm lấy một đứa con, để có động lực mà sống” - Chị gượng cười.

Rồi chị cũng sinh được 4 đứa con. Cuộc sống khó khăn quá, chị phải mang con gái thứ hai cho một gia đình ở thành phố Huế nhờ nuôi giúp. Cháu đầu phải đi giúp việc nhà theo thời vụ ở thành phố Huế. Với cái chân giả, hằng ngày chị phải cà nhắc đi lượm ve chai, đi chặt củi gồng gánh ra chợ bán hoặc đổi gạo về ăn để nuôi con.

Xóm không chồng ảnh 3
Một góc nhỏ của tổ 11 có những bà mẹ đơn thân

Tương lai nào cho những đứa trẻ không cha?

Thiệt thòi trên đời dường như trẻ con xóm này đều nếm cả. Không một lần được gọi tên cha, không biết mặt, biết tên cha, hoàn cảnh gia đình lại quá khó khăn, chúng phải lam lũ từ nhỏ để phụ giúp mẹ và nuôi sống mình.

Mỗi trẻ em ở đây đều có công việc. Cô bé Huệ, con của chị Thúy mới 4 tuổi phải trông nhà cho mẹ đi làm kiếm tiền: “Tụi trẻ nhỏ thì trông nhà, chúng thường chơi với nhau, có ai trông nom gì đâu. Buổi tối nếu mẹ có về sớm thì còn tắm rửa cho chúng.

Nếu mẹ về muộn chúng tự tắm. Các cháu trên 10 tuổi phải đi theo mẹ kiếm miếng ăn”. – Bà Muồng, một người ở trong xóm nói. Bà cũng là người không may mắn. Cháu bà đã là thế hệ thứ ba của xóm này.

Các em nhỏ trong xóm chủ yếu là không học hết THCS, hoặc không được đi học. Trước đây còn có lớp dạy tình thương của cô giáo Ngọc, vài đứa trẻ trong xóm chịu khó đến lớp, nên cũng biết được qua con chữ.

Nhưng từ khi cô giáo Ngọc không dạy nữa vì tuổi già thì những đứa trẻ cũng bỏ bê việc học. “Cô cũng đã đưa bọn em đến trường cấp hai, nhưng do xa xôi, khó khăn, không học được với các bạn, nên bọn em nghỉ luôn để giúp mẹ” - Em Quỳnh Thanh, 13 tuổi, con đầu của chị Thúy tâm sự.

Rồi bé Ngọc Ánh, 6 tuổi, con chị Lê Thị Thúy, do mẹ không có hộ khẩu thường trú nên muốn làm giấy khai sinh cũng chưa làm được. Vì không có giấy khai sinh nên cháu Ngọc Ánh không đến trường nữa.

“Nhiều lúc nghĩ cũng tội con, nhưng mà cuộc sống khó khăn quá!” - Chị Lê Thị Thúy ngậm ngùi. Mái nhà đã đến lúc phải phải lợp lại, nhưng không có bàn tay người đàn ông nên đành để vậy, những hôm trời mưa mấy mẹ con ở trong nhà cũng gần như ngoài trời.

Người phụ nữ tuổi bốn lăm không kìm nổi từng giọt nước mắt lăn dài khi trò chuyện với chúng tôi: “Hai đứa lớn đã đi làm thuê cho người ta khi mới 8 tuổi, đứa thứ ba đang ở nhà. Mỗi lần mẹ đi làm thì cho nó đi theo”.

Cuộc sống của những người đàn bà không chồng cứ ngày qua ngày trong cảnh lam lũ. Không biết tương lai của những đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha rồi sẽ ra sao khi giấc mơ đến trường cũng khó thành sự thật

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Như Ý).
Giá vàng đồng loạt vọt tăng
TPO - Sáng nay (29/3), giá vàng trong nước tăng tới 700.000 đồng/lượng, lên mức 81 triệu đồng/lượng vàng SJC, vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao mới, lên mức 2.232 USD/ounce.