Xuyên đêm cùng kiểm dịch viên

Kiểm dịch viên Nguyễn Thị Bích Nguyệt (bìa trái) đang chỉ cho ông Huỳnh Đức Thơ, kết quả test nhanh kiểm tra chất tạo nạc.
Kiểm dịch viên Nguyễn Thị Bích Nguyệt (bìa trái) đang chỉ cho ông Huỳnh Đức Thơ, kết quả test nhanh kiểm tra chất tạo nạc.
TP - Họ là những bác sỹ, kỹ sư, thạc sỹ hằng đêm thức trắng tại các lò mổ, chợ đầu mối và cảng cá để kiểm tra chất lượng nông lâm, thủy sản đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.  

Âm thầm, lặng lẽ, họ góp sức mình cho cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đang được thành phố Đà Nẵng triển khai quyết liệt.

Nửa đêm nhảy vào lò mổ

Bác sĩ thú y Nguyễn Thị Bích Nguyệt, kiểm dịch viên của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng có hơn 30 năm gắn bó với nghề. Gặp chị tại Trung tâm giết mổ gia súc gia cầm Đà Sơn lúc nửa đêm, khi chị đang cùng hai đồng nghiệp khác lấy mẫu để test nhanh kiểm tra chất tạo nạc của hàng ngàn con lợn đang tập trung tại đây. Từng mẫu phẩm được test nhanh cho kết quả là cơ sở xác nhận thực phẩm đảm bảo an toàn trước khi ra thị trường.

“Còn hơn 1 năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu, về với cuộc sống gia đình, chăm sóc chồng con sau ngần ấy năm cống hiến. Chỉ sợ nghỉ rồi lại nhớ nghề đêm hôm lọ mọ này mà thôi”, chị Nguyệt tâm sự. Chị cho biết: Ngoài công việc ở cơ quan, mỗi tháng chị thức khoảng 15 đêm cùng anh em đi làm nhiệm vụ kiểm dịch tại các lò mổ, chợ đầu mối. Nhịp sinh học cũng dần quen. Cũng may chồng con hiểu và thông cảm nên khó khăn chị đều vượt qua và luôn hoàn thành nhiệm vụ.

“Chúng tôi động viên anh em, vì bà con, vì biển đảo quê nhà, làm hết mình. Tình hình đang dần được cải thiện, trong đó, đóng góp âm thầm lặng lẽ của anh em kiểm dịch viên là không hề nhỏ. Chúng tôi đang kiến nghị cơ quan chức năng nâng mức hỗ trợ phụ cấp cho những người làm công tác này, để khích lệ tinh thần họ sát cánh cùng bà con ngư dân”.

Ông Nguyễn Tứ cho biết

1h sáng, Trung tâm giết mổ gia súc gia cầm Đà Sơn rộng lớn ngổn ngang gia súc gia cầm đã và đang được giết mổ. Trong những lò mổ, những “đao phủ” đánh trần, vạm vỡ, tay lăm lăm dao sáng choang sắc lẻm, khiến người lần đầu đến đây phải ớn lạnh. Chị Nguyệt bảo: Sợ lắm chứ, mình là phận đàn bà, nhìn cảnh dao búa, máu me rất ghê. Nhưng vì nhiệm vụ phải làm nên liều mình, khôn khéo để hoàn thành công việc được giao. Để có kết quả chính xác, trung thực, kiểm dịch viên phải xuất hiện đột xuất để lấy mẫu. Bởi thế, chuyện anh em trong đội bị chủ lò mổ, các “đao phủ” đe dọa, dằn mặt xảy ra thường xuyên. Nhưng bằng kinh nghiệm lâu năm cùng khả năng nói chuyện khôn khéo, chị đã hóa giải được tất cả. “Phải khôn khéo lựa lời, nhiều lúc phải dỗ dành thuyết phục. Mềm dẻo nhưng phải làm đúng, kiên quyết xử lý những trường hợp phát hiện chất cấm, không đảm bảo an toàn”, chị Nguyệt cho biết.

Bác sĩ thú y Vũ Thành An và kỹ sư chăn nuôi Trần Quốc Anh cả hai vừa tròn 27 tuổi, về làm đồng nghiệp với chị Nguyệt tại chi cục từ hai năm nay. Công việc chủ yếu của cả ba người thường bắt đầu từ khoảng 9h tối đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Lấy mẫu kiểm dịch, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn giết mổ, phòng chống dịch bệnh tại chợ đầu mối và trung tâm giết mổ này là nhiệm vụ chính. Nhờ sự dẫn dắt của “người chị cả” đến nay cả An và Anh đã trưởng thành hơn trong công việc và trở thành những kiểm dịch viên và kỹ thuật viên kiểm dịch chủ lực của chi cục.

“Anh em làm rồi quen, thấy công việc của mình mang lại ý nghĩa to lớn, đảm bảo an toàn cho hàng ngàn người tiêu dùng trong đó có người thân gia đình mình lại càng thêm yêu nghề. Được đào tạo kiến thức chuyên môn nay được thực tế tại những lò mổ, cọ xát tích lũy kinh nhiệm cũng là cơ hội để khẳng định mình. Thức đêm nhảy vào lò mổ nhiều rồi cũng quen. Hôm nào có việc, xin nghỉ, lại thấy nhớ”, anh Anh tâm sự.

Hai chàng trai trẻ tháo vát, luôn vui vẻ nói cười với các chủ lò, “đao phủ” để tạo không khí thân mật, dễ dàng hơn trong việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng. Cả hai bảo: đó là một nghệ thuật, dù rằng nghệ thuật đang phải diễn ở lò mổ, chuồng heo.

Xuyên đêm cùng kiểm dịch viên ảnh 1

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giữa) “đột kích” việc kiểm tra an toàn thực phẩm vào 1h sáng ngày 20/5 vừa qua.

“Vừa kiểm tra, vừa vận động tuyên truyền, thời gian gần đây, ý thức của người dân, tiểu thương, chủ lò mổ về an toàn thực phẩm đã thay đổi nhiều, anh em xem đó là niềm vui. Chúng tôi chỉ mong nhận được sự hợp tác, sẻ chia để công việc được trôi chảy, bữa ăn cho người dân trong đó có gia đình mình sẽ được đảm bảo hơn từ khâu đầu tiên là lấy mẫu kiểm tra”, chị Nguyệt cho biết.

Đau đáu nỗi lòng với ngư dân!

Cảng cá Thọ Quang, những ngày này tàu thuyền đánh bắt xa bờ cập cảng đạt 80 - 90 % so với bình thường. Sự cố cá chết ở miền Trung đã ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân đánh bắt xa bờ.

 Để ổn định tâm lý cho người tiêu dùng và thị trường cho ngư dân đánh bắt cá, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo rốt ráo các ngành chức năng trong đó có Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản lấy mẫu giám sát, kiểm tra tại chỗ và cấp giấy xác nhận đánh bắt ở vùng khai thác an toàn cho các chủ tàu có nhu cầu để bán hải sản.

Kỹ sư Lê Hữu Phận đã quá quen thuộc với ngư dân ở cảng cá Thọ Quang. Hai giờ sáng, tàu thuyền cập cảng tấp nập, cũng là lúc anh Phận và anh em của phòng kiểm nghiệm bận rộn hơn. Anh em chia nhau nhảy xuống từng tàu cá vừa cập cảng, xuống hầm lấy những mẫu cá để tiến hành xét nghiệm. Những thao tác nhanh chóng, mẫu kiểm nghiệm được gửi qua Trung tâm quản lý chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 xét nghiệm và ngư dân được cấp giấy chứng nhận nhanh nhất.

“Cá bà con đánh bắt ở ngoài khơi, cách đất liền hàng trăm hải lý, cá to, tươi rói nhưng vẫn không bán được, anh em chúng tôi cũng xót lắm. Anh em bảo nhau, cố gắng hết sức, dù phải thức đêm, khó nhọc, chỉ mong sao tất cả sẽ ổn định, bà con làm ăn thuận lợi hơn”, anh Phận tâm sự.

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đà Nẵng cho biết: Chỉ đạo của UBND thành phố là làm hết sức mình để khẩn trương ổn định tâm lý người tiêu dùng, ổn định thị trường. Sẻ chia khó khăn với bà con ngư dân, thời gian qua anh em kiểm dịch viên thường xuyên cắt cử nhau túc trực 24/24h, tại cảng cá kịp thời kiểm tra chất lượng, cùng bộ đội biên phòng cấp giấy xác nhận. Do tàu thuyền thường về ban đêm và rạng sáng nên anh em phải chong mắt, khổ cực, trong khi phụ cấp ngoài giờ theo quy định rất thấp.

Xuyên đêm cùng kiểm dịch viên ảnh 2

Kỹ sư Lê Hữu Phận (trái) đang lấy mẫu cá của bà con ngư dân để gửi đi xét nghiệm.

Ngày 20/5 vừa qua, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có chuyến “đột kích” bất ngờ từ nửa đêm để kiểm tra công tác kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm tại cảng cá Thọ Quang, Trung tâm giết mổ gia súc gia cầm Đà Sơn và chợ đầu mối Hòa Cường. Đợt kiểm tra bất ngờ không báo trước khiến bà con ngư dân, các tiểu thương, chủ lò mổ hết sức ngạc nhiên. 

Tại cảng cá Thọ Quang, ông Thơ một lần nữa khẳng định: Chính quyền luôn đồng hành, sát cánh và sẻ chia khó khăn của ngư dân đang phải trải qua. Hiện nay, thành phố đang yêu cầu Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản lấy các mẫu hải sản ngay tại cảng cá kiểm tra công bố hằng ngày để người dân yên tâm sử dụng cá mực của ngư dân đánh bắt về. Đồng thời, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con yên tâm bám biển, giữ ngư trường, chủ quyền Tổ quốc.   

Ông Trần Tới - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng cho biết: “Đây là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố kiểm tra đột xuất vào lúc nửa đêm khiến anh em rất bất ngờ. Việc này chứng tỏ công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn của người dân đang được thành phố rất quan tâm. Riêng với anh em trong ngành, ý thức hơn về nhiệm vụ của mình đang làm quan trọng, có ý nghĩa với cộng đồng”.


MỚI - NÓNG