Biết rồi còn hỏi

Biết rồi còn hỏi
TP - -Có nhân ắt có quả… -Gớm! Dạo này bỗng dưng đắc đạo phết! -Thì cũng tự răn mình thôi!

-Duyên do nào khiến cậu đột nhiên ngộ đạo, ăn năn hối cải làm vậy?

Có phải từ vụ buôn bán trẻ em nấp dưới một mái chùa từ bi không?

-Mình không phải là phật tử nên không thấu hiểu hết cái vi diệu của kinh kệ. Mình chỉ ngẫm từ cuộc đời và thấy cái gì cũng có cái giá của nó…

-Há ha! Lại chàng màng làm triết gia chăng? Thử nêu xem điều gì khiến cậu phải đằm mình lại để suy ngẫm chuyện nhân tình thế thái?

-Vẫn là chuyện cũ mà người ta ồn ào bấy nay đó thôi. Ấy là chuyện chạy chức chạy quyền, chạy vào làm người nhà nước…

-Chuyện xưa như trái đất rồi cậu ơi! Thời xưa xắc đã có chuyện mua quan bán tước…

-Thế cậu không thấy hệ quả của sự mua bán sao? Đã mua bán là thành thị trường. Đã thị trường thì người mua và người bán đều tính đến chuyện lãi. Muốn có lãi thì phải tìm mọi cách. Hết cách rồi thì làm liều, làm ẩu, gian dối, bất minh…   

-Lòng vòng rắc rối quá! Ví dụ xem nào?

-Thì đây! Ví dụ đầu tư chạy một suất kiểm lâm chừng 200 triệu đồng, muốn thu hồi vốn phải ít nhất 2 lần như ông tổ trưởng kiểm lâm cơ động Thanh Hóa ăn tiền mãi lộ. Hay, muốn làm chân quản lí thị trường phải chi mua đề, mua quan hệ vài trăm triệu đồng thì sau đó đi bóp cổ, bóp hầu tiểu thương thu lại. Hoặc để được làm nhân viên ngân hàng phải chi cả nửa tỷ đồng thì sau đó lấp ló một Huyền Như…

-Hiểu rồi! Hiểu rồi! Nghĩa là các công bộc có được nhờ mua bán, tiềm năng sẽ trở thành quan tham tương lai đúng không?

-Biết rồi còn hỏi!

MỚI - NÓNG