10 năm không ăn cơm và hành trình trở về từ cõi chết

10 năm không ăn cơm và hành trình trở về từ cõi chết
TP - Tính đến tháng 5/2006, bà Nguyễn Thị Tỵ, 57 tuổi, ở thôn Đồng Miếu, Hành Tín Tây- một xã vùng sâu thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã bỏ cơm 10 năm.

Khi chúng tôi tìm đến, bà Tỵ không có nhà. “Bả đi vắng, mấy hôm rồi - Ông Lê Tấn Sỹ (64 tuổi), chồng bà bị nặng tai nên nói khá to - Xuống nhà thầy Chơn. ít hôm nữa mới về”.

Lê Tấn Huy (26 tuổi), con trai đầu của ông bà cho biết: “Năm nay là năm thứ 10 má tôi không ăn cơm mà chỉ ăn trái cây như chuối, táo... Mỗi ngày chỉ ăn một ít, nhưng sức khoẻ của má tôi tốt hơn nhiều so với trước đây, khi còn ăn cơm”.

Huy còn cho biết, bà Tỵ tuy không đi làm việc ngoài đồng được nhưng vẫn lo được việc trong nhà, đi chợ, nấu cơm cho mọi người trong nhà ăn.

Những người hàng xóm cũng xác nhận từ lâu lắm rồi không thấy bà Tỵ ăn cơm. Chị Ba Luôn, người cùng thôn Đồng Miếu cho biết, thỉnh thoảng thấy bà Tỵ đi chợ mua về ít trái cây, chủ yếu là chuối để ăn.

Theo sự chỉ dẫn của Huy, chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Chơn ở thôn Phúc Minh, xã Hành Thuận (cùng huyện Nghĩa Hành), cách Đồng Miếu khoảng 18 km. Từ 15 năm qua, bà Tỵ thường xuyên lui tới, tá túc chữa bệnh tại nhà anh Chơn.

Đến nơi, gặp được bà Tỵ, trời đã nhập nhoạng tối. Bà Tỵ cho biết: “Hồi  mùa hè năm 1996, sau một đợt ốm, đột nhiên tôi không muốn ăn cơm nữa. Ngay từ thời gian đầu, tôi cũng chẳng thấy đói hay cồn cào.

Đã nhiều lần tôi thử ăn cơm (kể cả cháo) nhưng không được vì hễ ăn vào, dù chỉ một ít cũng bị nôn ra, thậm chí ngửi mùi cơm là thấy ớn. Hiện tại cứ hai, ba ngày tôi mới ăn một trái táo cũng được. Nhiều lúc không có tiền mua trái cây, tôi chỉ uống ít nước đường”.

Anh Chơn xác nhận điều đó và bổ sung: “Ngay cả khi bà Tỵ bị cảm, phải uống thuốc Tây cần ăn cơm để đỡ cồn ruột nhưng bà cũng không ăn hột cơm nào”.

Trở về từ cõi chết

10 năm không ăn cơm và hành trình trở về từ cõi chết ảnh 1
Chồng, con trai, con dâu và cháu nội bà Tỵ trước căn nhà xập xệ

Từ khi còn trẻ, bà Tỵ đã bị bệnh nhưng do điều kiện kinh tế gia đình vô cùng khó khăn nên không được chạy chữa thuốc men. Lâu ngày bệnh biến chứng nảy sinh thêm nhiều bệnh mới, trong đó có cả bệnh thần kinh.

Những lúc lên cơn bà thường đập phá nhà cửa, người nhà và bà con trong thôn xóm rước thầy về cúng. Cúng mãi chả thấy bớt, bệnh tình lại thêm trầm trọng.

Lê Tấn Huy nhớ lại: “Một lần, lúc tôi mới 10 tuổi, má tôi nằm bất động như người chết 42 ngày đêm liền. Cha con tôi phải cạy miệng đổ cho bà từng muỗng nước cháo cầu may. Tưởng má không qua khỏi, nhưng không ngờ má tỉnh dần rồi sống lại…”.   

May sao “thầy Chơn” xuất hiện đúng lúc. Anh Chơn sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghề thuốc Đông y. Hồi mới lớn anh cũng theo học nghề thuốc một thời gian. Mặc dù không chuyên, nhưng nay ai cần anh vẫn xem mạch và tư vấn giúp.

Những năm 1980, anh Chơn từng làm thợ chế biến đường thủ công tại Đồng Miếu nên quen biết nhiều người tại đây.

“Năm 1991, một lần trở lại Đồng Miếu, thấy tình trạng sức khỏe của chị Tỵ rất xấu, gia đình chỉ còn biết để nằm chờ chết, tôi “liều” xin đưa chị về nhà chữa trị miễn phí. Anh Sỹ, chồng chị đã viết tự nguyện giao cho tôi cứu chữa nếu có gì cũng không khiếu kiện làm khó dễ cho tôi”- anh Chơn kể.

Ngày 16/7/1991, bốn thanh niên trong xóm đã giúp đưa bà Tỵ về nhà anh Chơn trên chiếc võng buộc vào hai xe đạp.

Anh Chơn khẳng định: “Tôi xem xét thấy chị Tỵ có biểu hiện rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch, tuần hoàn… Vì hoàn cảnh khó khăn, không được chữa trị nên bệnh này nối đuôi, chồng chất lên bệnh kia.

Tôi “gỡ” từng bệnh một. Lúc đầu là chữa bệnh rối loạn tiêu hoá giúp chị ăn được để có sức khoẻ, sau đó mới đến các bệnh khác. Trước đây, trong một lần lên cơn thần kinh chị Tỵ bị ngã chấn thương chảy máu trong tại vùng sau gáy nhưng không ai biết…”.

Bốn năm kiên trì chữa trị, bà Tỵ dần bình phục và 11 năm qua bà không còn bị bệnh tật hành hạ như trước. Tuy nhiên vì suy kiệt trong một thời gian dài nên sức khoẻ bà không thể trở lại như xưa - vả lại giờ bà đã có tuổi… “Tôi không nghĩ mình được sống lại và sống được như ngày hôm nay”- Bà nói trong xúc động.

Gần 10 năm đầu, thấy bà Tỵ quá khổ, anh Chơn không những chữa trị miễn phí mà còn nuôi luôn. Những năm sau này, khi sức khoẻ ổn định, bà Tỵ về nhà ở với chồng con nhưng hàng tháng vẫn thường xuyên xuống nhà anh Chơn và ở lại giúp vợ chồng anh chị ít việc vặt trong nhà.

Cảnh đời khốn khó

Gia đình ông Sỹ, bà Tỵ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hồi còn làm kinh tế tập đoàn, rồi hợp tác xã, ông Sỹ được giao việc chăn đàn trâu của tập thể. Nhưng rồi, vì sức khoẻ hạn chế nên ông Sỹ dần không cáng đáng nổi những việc nặng nữa, trong khi bà Tỵ thì bệnh nặng.

Nhà ông bà ở gần chân núi nhất. Thực chất chỉ là túp lều trống trước dột sau được chống đỡ bằng 4 cây cột gỗ. Nghèo đến mức, hễ nói đến nghèo khó là mọi người đều lấy ra so sánh: “Nghèo như Sỹ Tỵ”.

Vì gia cảnh khó khăn, con  đầu của ông bà là Huy học hết cấp 1 phải nghỉ. Năm 12 tuổi, Huy được một người quen đưa vào Sài Gòn kiếm sống đến khi  trưởng thành, năm 18 tuổi Huy trở về làm ăn nuôi gia đình.

Hiện tại Huy đã có vợ và một con trai lên 4. Hoàng, em kế của Huy cũng phải nghỉ học sớm vào Sài Gòn kiếm sống và hiện đang làm thuê cho một cơ sở dệt tại quận Tân Bình.

Gần đây anh em Huy dành dụm mua được căn nhà nhỏ của người hàng xóm và chuyển cả gia đình sang ở. Mặc dù đỡ khó khăn hơn nhưng gia đình ông Sỹ vẫn thuộc diện nghèo nhất làng.

Căn nhà mới mua mái ngói, vách đất cũng đang trong tình trạng mục nát. Ông Sỹ bảo: “Nếu không sửa mùa mưa tới sẽ sụp”. Hiện nay, mỗi quý gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 195.000 đồng, số tiền thật ít ỏi...

 Ghi chép của Đại Dương

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.