10 nghìn thẻ bảo hiểm y tế đến với hộ cận nghèo Tây Nguyên

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao thẻ cho lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao thẻ cho lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
TPO - Sáng 26/1, lãnh đạo 3 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông đã chính thức nhận hơn 10 nghìn thẻ bảo hiểm y tế từ tay Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao. Đây là số thẻ vận động từ các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội nhằm giúp những người thuộc hộ gia đình cận nghèo tại 3 tỉnh trên.

Tại lễ trao thẻ do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đóng góp này nhằm chung tay chăm sóc sức khỏe cho các gia đình thuộc hộ cận nghèo, thoát được cảnh đói nghèo do ốm đau và bệnh tật.

Trong hơn 10 nghìn thẻ được trao, Bộ Y tế đã trao cho tỉnh Đăk Lăk 3.521 thẻ, tương đương 656 triệu đồng; Kon Tum 3.521 thẻ, tương đương 656 triệu đồng và Đắk Nông 3.542 thẻ, tương đương 656 triệu đồng.   

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến hết năm 2014, cả nước ước có 64,12 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,36 triệu người, tương đương 3,82% so với năm 2013, tỷ lệ bao phủ khoảng 70,8% dân số. Trong đó, người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công…. đã được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

"Đối với người thuộc hộ cận nghèo, theo báo cáo của BHXH Việt Nam năm 2014 đã có 3,2 triệu/ 5,1 triệu người tham gia BHYT, tăng 20,2% so với năm 2013, nhưng vẫn nằm trong nhóm có tỷ lệ tham gia thấp, vẫn còn khoảng 40% số người thuộc hộ gia đình cận nghèo chưa tham gia BHYT, mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT"- bà Tiến cho biết.

10 nghìn thẻ bảo hiểm y tế đến với hộ cận nghèo Tây Nguyên ảnh 1

Ông Lê Quang Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế trao thẻ cho các hộ cận nghèo ở tỉnh Đắk Lăk

Theo người đứng đầu Bộ Y tế, kể từ năm 2008, hộ gia đình cận nghèo được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng và từ năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức hỗ trợ lên tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế, đồng thời hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo và người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định...

Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, một số địa phương đã chủ động cân đối ngân sách, hỗ trợ 30% phần mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Tuy nhiên, với mức đóng hiện nay thì 30% mức đóng bảo hiểm y tế còn lại (khoảng 200.000 đồng/1 thẻ bảo hiểm y tế ) với nhiều người vẫn còn vượt quá khả năng đóng góp.

Riêng Đăk Lăk vẫn còn khoảng 90%, Kon Tum còn khoảng 95%, Đắc Nông còn khoảng 97% số người thuộc hộ gia đình cận nghèo chưa tham gia BHYT. Vì vậy việc giúp đỡ cho các hộ cận nghèo tiếp cận khám chữa bệnh y tế là rất cần thiết.  

"Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội ưu việt nhất, là cơ chế tài chính bền vững nhất cho chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúng tôi mong muốn các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải chung sức để vận động, để dấy lên phong trào toàn dân tham gia BHYT"- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.