1.000 lao động VN bị kẹt tại biên giới Libya - Tunisia

Lao động VN tại sảnh sân bay Djerba (Tunisia) 23h30 tối qua Ảnh: Đình Thắng
Lao động VN tại sảnh sân bay Djerba (Tunisia) 23h30 tối qua Ảnh: Đình Thắng
TP - Ngày 2-3, đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng sau khi làm việc với đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã tiếp tục hành trình sang biên giới Tunisia và Libya là Djerba trợ giúp các lao động Việt Nam.

>> Giải cứu

Lao động VN tại sảnh sân bay Djerba (Tunisia) 23h30 tối qua Ảnh: Đình Thắng
Lao động VN tại sảnh sân bay Djerba (Tunisia) 23h30 tối qua. Ảnh: Đình Thắng.

Thứ trưởng Hưng cho biết, IOM hứa sẽ hỗ trợ người lao động Việt Nam hồi hương. Được biết, do biên giới giữa Tunisia và Libya gần Tripoli hơn, nhiều lao động Việt Nam di tản về hướng này. Nếu đi về phía Cairo (Ai Cập), lao động Việt Nam sẽ phải trải qua quãng đường dài gấp từ 3-4 lần so với đi về hướng ngược lại sang Tunisia.

Hơn nữa, đường di tản về hướng Cairo qua cửa khẩu Saloum còn phải vượt qua sa mạc khắc nghiệt của Libya với ngày nắng nóng, đêm lạnh âm 10 độ C. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hưng, hiện ở Tunisia, Việt Nam chưa có cơ quan đại điện nên sẽ gây không ít khó khăn cho các lao động Việt Nam. Theo đó, đoàn công tác do ông Hưng dẫn đầu sẽ cố gắng tiếp cận biên giới giữa Tunisia và Libya để giúp đỡ nhập cảnh, cũng như liên hệ với chính quyền địa phương.

PV Tiền Phong trước đám biểu tình trên Quảng trường Tahrir-nơi một nữ PV Hoa Kỳ từng bị đám đông biểu tình hãm hiếp
PV Tiền Phong trước đám biểu tình trên Quảng trường Tahrir-nơi một nữ PV Hoa Kỳ từng bị đám đông biểu tình hãm hiếp.

Đoàn công tác còn mang theo nhiều phôi giấy thông hành. Dự đoán số lao động Việt Nam còn bị kẹt tại biên giới Tunisia và Libya khoảng 1.000 người. Số chưa thể rời khỏi nơi làm việc trong lãnh thổ Libya khoảng 2.000 người. Trong thời gian nhanh nhất có thể, đoàn công tác đặc biệt sẽ khảo sát và thiết lập đường bay từ Việt Nam sang Tunisia (chuyến bay dự kiến sang vào ngày 2-3 nhưng phải hoãn lại).

Cùng ngày, theo các báo tiếng Anh của Ai Cập, đã có dấu hiệu quân đội vũ trang của Libya xuất hiện ở gần khu vực biên giới giữa Libya và Tunisia. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, chưa thể khẳng định chắc chắn liệu xung đột có xảy ra gần nơi người lao động Việt Nam di cư sang Tunisia hay không. PV Tiền Phong cũng đang trên đường qua Thổ Nhĩ Kỳ và theo đoàn công tác đặc biệt tới thủ đô của Tunisia sau đó tới biên giới giữa Tunisia và Libya.

Tối 1-3, ở Cairo đã xảy ra biểu tình quy mô vừa (khoảng 2.000 người) tại Quảng trường Tahrir. Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu đòi Thủ tướng Ahmed Shafiq và nội các của ông này từ chức. Họ nói, sẵn sàng cắm trại để gây áp lực với Chính phủ Ai Cập.

Trên Quảng trường Tahrir lúc đó không thấy bóng truyền thông nước ngoài. Các cửa ngõ trọng yếu của thủ đô Cairo đều được bố trí xe tăng thiết giáp. Đặc biệt, tại Quảng trường Tahrir, số lượng tăng thiết giáp và lính vũ trang đông hơn cả, ước tính có khoảng 20 xe tăng chổng nòng về phía quảng trường. Ngoài ra, hầu như đường vào nơi này đều đã bị phong tỏa bởi các tấm bê tông.

Trước Đại sứ quán Hoa Kỳ, tăng thiết giáp và lính vũ trang cũng đông hơn ở các nơi khác trong thành phố. Sau khi có mặt tại nơi biểu tình, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, PV Tiền Phong mới có thể thoát khỏi những tuyến đường tắc trầm trọng để về khách sạn.

Cairo dường như đang chứa đựng nhiều điều bất thường trong vẻ bình thường khó hiểu. Sân bay quốc tế vắng khách, người ngoại quốc hầu như không xuất hiện trên đường phố của một thành phố vốn nổi tiếng du lịch.

Tại sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhiều công dân các nước có lẽ tháo chạy từ Libya và Ai Cập sang nằm la liệt chờ chuyến bay về nước (đây là điểm trung chuyển chính đi khắp thế giới). Chưa thể khẳng định trong số những người đó có lao động Việt Nam hay không.

Đình Thắng
(Tường thuật từ Cairo,Istanbul và Tunisia)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG