Trở lại Việt Nam với lời xin lỗi

Trở lại Việt Nam với lời xin lỗi
Trong đoàn tàu Hòa Bình của Nhật Bản cập Cảng Đà Nẵng cuối tháng Năm vừa qua có một người đàn ông da đen, cao lớn lặng lẽ với chiếc camera cá nhân ghi lại hầu như tất cả những gì mà ông nhìn thấy.

Ông ghi lại tất cả, một cách tỉ mỉ, trân trọng, thỉnh thoảng lại thấy ông quay mặt đi, lén lau nước mắt. Đó là Allen Nelson - Nguyên lính thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ xuống Đà Nẵng vào tháng 6/1966. Khi đó Allen Nelson mới vừa tròn 18 tuổi.

Gặp gỡ mọi người, Allen Nelson nghẹn ngào nói: "39 năm trước, tôi đến Việt Nam bằng tàu chiến với những vũ khí tối tân để gây nên những tội ác. Bây giờ, chúng tôi trở lại chính mảnh đất này trên con tàu Hòa Bình để nói lời xin lỗi những người dân Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ phải xin lỗi người dân Việt Nam và bồi thường vì những hậu quả của cuộc chiến tranh mà họ gây ra trên đất nước các bạn".

Người cựu chiến binh 57 tuổi này đã mang trong người những hậu quả nặng nề của cuộc chiến phi nghĩa mà ông tham gia. Trở về Mỹ , không nghề nghiệp, không nhà cửa, ông còn bị nhiễm căn bệnh có tên "hội chứng hậu chiến tranh Việt Nam" và phải mất 18 năm điều trị, ông mới vượt qua được những ám ảnh nặng nề về tội ác mà mình gây ra.

Sang Nhật Bản làm việc, vợ chồng Allen Nelson đã trở thành những người tích cực đấu tranh cho hòa bình. Ông cho biết vợ chồng ông đã chọn con tàu Hòa Bình để trở lại Việt Nam và đi khắp thế giới tuyên truyền ủng hộ cho hòa bình. Trên chặng hành trình này, vợ chồng ông đã quyên góp được 1.000 USD để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Còn bà Waka Kubaishi - Vợ của Allen Nelson - khi được GS Nguyễn Trọng Nhân - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam - giới thiệu những hình ảnh và tư liệu về hậu quả mà cuộc chiến của Mỹ để lại cho những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã rất xúc động. Đặc biệt, khi nhìn thấy hình ảnh dị dạng của những nạn nhân bị nhiễm chất điôxin, vị nữ giáo sư của trường Đại học Y khoa Baghdad (Iraq) lại càng xúc động hơn.

Bà khẳng định sẽ đem các thông tin về chất độc da cam thu thập được từ Việt Nam về Irắc để góp phần giải quyết những vấn đề tương tự cũng đang nảy sinh ở đất nước mình.

Anh Fadi Sami - Con trai của bà Waka Kubaishi - nói: “Thật khó mà nhìn thẳng vào những bức ảnh về các nạn nhân chất độc da cam, vì quá thương tâm. Không khác hình ảnh của nhiều người dân Iraq đang bị mắc các chứng ung thư da và nhiều chứng bệnh khác kể từ sau cuộc chiến vùng Vịnh!”.

Tất cả những ai có lương tri trên trái đất này đều không thể và không bao giờ thờ ơ với những gì họ đã thấy từ những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Họ đang cố gắng làm tất cả những gì có thể, nhằm góp một phần nhỏ xoa dịu nỗi đau mà những nạn nhân và người thân của những nạn nhân chất độc da cam đang gánh chịu.

MỚI - NÓNG