13 bệnh viện TƯ cam kết không còn nằm ghép: Liệu có khả thi?

Cảnh chen chúc nhau ở BV Ung bướu TPHCM. Ảnh: Lê Nguyễn.
Cảnh chen chúc nhau ở BV Ung bướu TPHCM. Ảnh: Lê Nguyễn.
TP - Hơn một tuần kể từ khi 13 bệnh viện (BV) trung ương cam kết không để bệnh nhân nằm ghép ngay trước ngày Thầy thuốc VN 27/2 đã có những băn khoăn từ chính bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các bác sĩ.

Tại cuộc họp tổng kết ngành y tế, 13 BV ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, một lãnh đạo BV Nhi T.Ư cho biết đã 4 tháng nay BV này không còn tình trạng nằm ghép. Để làm được điều này, theo vị lãnh đạo này, BV đã có hàng loạt giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt thiết lập chặt chẽ quy định chuyên môn về sàng lọc, khống chế lượng bệnh nhân nhập viện để đảm bảo chỉ có 1.500 bệnh nhân nội trú.

Với những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ tư vấn và cho thuốc về nhà điều trị. Một số bệnh nhi sẽ được lưu lại BV trong vòng 5-6 giờ để theo dõi trước khi có quyết định điều trị nội trú hay ngoại trú chứ không có nhập viện ồ ạt như trước. Theo cam kết của BV Nhi T.Ư thì BV này sẽ đảm bảo mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú, bắt đầu từ ngày 20/1/2015.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên trưa hôm qua (28/1), Khoa Gan mật (BV Nhi T.Ư) vẫn có tình trạng 3 bệnh nhân nằm ghép trên 2 giường, một phòng 9 bệnh nhân với 5 giường. Tại Khoa Huyết học và Truyền máu, bệnh nhân Hemophilia nằm chung giường với bệnh nhân mắc bệnh tế bào máu. Chị N.T.H (Nghệ An) cho biết, con chị đã điều trị tại BV Nhi được 15 ngày và vẫn nằm ghép 3 bé trên 2 giường được kê sát vào nhau vì nhiều bệnh nhân nặng.

Anh Nguyễn Miên Thụy (Nam Định) lo lắng với cam kết sẽ không để bệnh nhân nằm ghép bởi “nếu trả về non thì lo cho sức khỏe của con, thà nằm ghép mà được điều trị tại BV còn hơn”. Hiện con trai anh Miên đang nằm chung giường với một bệnh nhi khác. Đáng chú ý là có một số trường hợp nếu không được nội trú lại phải chuyển ra ngoại trú, thuê nhà để ở, vì nhà xa. Vô hình trung, áp lực tài chính, nỗi lo lại dồn lên người bệnh, đặc biệt với những bệnh nhân ở tỉnh xa chi phí điều trị sẽ đội lên.

Tại BV Ung bướu T.Ư ở Hà Nội, để giảm tải, giải pháp của BV sẽ là đưa bệnh nhân ra điều trị ngoại trú nhiều hơn. Như thế những bệnh nhân phải điều trị ngoại trú này, nếu không vì việc cam kết giảm tải, chắc chắn sẽ được điều trị nội trú. Lãnh đạo BV K cho biết đang giảm tải bằng cách căn cứ vào tình trạng bệnh sẽ cho bệnh nhân điều trị ngoại trú thay vì nhập viện điều trị nội trú. Nhiều bệnh nhân lo lắng nếu để thực hiện cam kết mà bệnh nhân phải rời viện sớm hoặc BV trì hoãn cho bệnh nhân nhập viện thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng.

13 bệnh viện TƯ cam kết không còn nằm ghép: Liệu có khả thi? ảnh 1

Cảnh 2 bệnh nhân nằm chung 1 giường tại Bệnh viện Nhi Trung ương (ảnh chụp lúc 17 giờ ngày 28/1). Ảnh: Bình Minh.

Bệnh viện lớn vẫn chịu nhiều áp lực

Trong danh sách 13 BV lớn cam kết không còn bệnh nhân nằm ghép không có tên BV Bạch Mai, cơ sở điều trị lớn nhất cả nước. Chia sẻ về điều này, PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai thừa nhận, BV chưa chuẩn bị đủ cơ sở vật chất để thực hiện được cam kết này. Theo PGS Lợi, mặc dù BV đã mở rộng nhiều khoa phòng, tăng cường giường bệnh nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.

Tại BV Bạch Mai còn tới 10/25 khoa (tim mạch, ung thư, hô hấp, thận, nội tiết...) còn tình trạng quá tải. Được biết đến cuối năm nay, BV Bạch Mai sẽ đưa một số tòa nhà trong BV và cơ sở BV Bạch Mai II (Hà Nam) cơ bản hoàn thành thì BV Bạch Mai mới có thể giảm nằm ghép. Tuy nhiên, ông Lợi cho hay BV chưa dám khẳng định sẽ không còn nằm ghép bệnh nhân.

Điều người dân lo lắng nhất là để thực hiện cam kết, nhiều bệnh nhân phải rút ngắn thời gian điều trị nội trú sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, hạn chế cho bệnh nhân nhập viện điều trị... Việc đang từ tình trạng quá tải trầm trọng chỉ trong vòng vài tháng đã không còn nằm ghép có vẻ như khiến người dân lo lắng và thiếu tin tưởng khi mà cơ sở vật chất và nhân lực của nhiều BV trong những năm qua chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu điều trị.

Hiện nay, BV Việt Đức là đơn vị thực hiện không nằm ghép tốt nhất. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV cho biết: “Tổng số giường và cáng của BV là 1.100, nhưng số bệnh nhân nhiều tháng qua chưa từng vượt quá 1.040 bệnh nhân. Ngày 27/2 tới BV sẽ đưa thêm 350 giường tại khu nhà mới xây vào hoạt động nên sẽ không còn tình trạng bệnh nhân nằm cáng. Bệnh nhân sẽ được nằm điều trị tại BV lâu hơn thay vì chuyển xuống BV vệ tinh. Khoa nào để xảy ra tình trạng nằm ghép thì trưởng khoa sẽ bị nhắc nhở, thậm chí kỷ luật”.

Sắp tới cùng với số giường mới, BV Việt Đức sẽ có thêm 20 phòng mổ, nâng tổng số phòng mổ lên 52 phòng. Tuy vậy, ông Quyết cũng thừa nhận, sẽ chưa thể giảm được áp lực mổ cấp cứu vì mỗi ngày BV mổ cấp cứu 25-30 bệnh nhân với 5 phòng mổ cấp cứu. Trong khi đó phần lớn mổ cấp cứu lại tập trung vào cùng thời điểm do bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên, hoặc nhiều ca tai nạn giao thông nhập viện cuối giờ chiều.

Điều người dân lo lắng nhất là để thực hiện cam kết, nhiều bệnh nhân phải rút ngắn thời gian điều trị nội trú sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, hạn chế cho bệnh nhân nhập viện điều trị... Việc đang từ tình trạng quá tải trầm trọng chỉ trong vòng vài tháng đã không còn nằm ghép có vẻ như khiến người dân lo lắng và thiếu tin tưởng khi mà cơ sở vật chất và nhân lực của nhiều BV trong những năm qua chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu điều trị.

Vấn đề căn cốt là phải giải quyết từ gốc, có lộ trình thích hợp thay vì đưa bệnh nhân vào trạng thái bất an như hiện nay. Và vì thế cam kết là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác.

Danh sách 13 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cam kết không để bệnh nhân nằm ghép (Nguồn: Bộ Y tế):

Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư (kể từ ngày 27/2/2015); Bệnh viện Lão khoa T.Ư (20/1/2015); Bệnh viện Da liễu T.Ư (1/2/2015); Bệnh viện Nhi T.Ư (20/1/2015); Bệnh viện Tâm thần T.Ư1 (20/1/2015); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư  (27/2/2015); Bệnh viện Việt Đức (21/1/2015); Bệnh viện Châm cứu T.Ư (27/2/2015); Bệnh viện Hữu nghị - Việt Nam Cu Ba Đồng Hới (19/1/2015); Bệnh viện ĐKT.Ư  Thái Nguyên (1/2/2015); Bệnh viện E (19/1/2015); Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển - Uông Bí (15/1/2015); Bệnh viện ĐK T.Ư Huế.

MỚI - NÓNG