13 người chết, mất tích do bão số 10

Con số thiệt hại do bão số 10 ở các địa phương tăng nhanh so với báo cáo hôm qua (Ảnh: Hồng Vĩnh)
Con số thiệt hại do bão số 10 ở các địa phương tăng nhanh so với báo cáo hôm qua (Ảnh: Hồng Vĩnh)
TPO - Số người chết, mất tích do bão số 10 đã tăng 13 người, trên 150.000 nhà bị tốc mái, sập, ngập nước hư hại, một số địa phương vẫn chưa có điện.  

Sáng 17/9, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, thiệt hại về người, tài sản do bão số 10 đã tăng tăng lên ở các địa phương so với hôm qua. 

Theo đó, đến nay, bão đã làm 9 người chết, tăng 5 người so với hôm qua (trong đó Hòa Bình 3 người, Thanh Hóa 2 người, Nghệ An 1 người, Quảng Bình 2 người và Thừa Thiên-Huế 1 người).

Đến nay vẫn còn 4 người mất tích ở Quảng Bình; số người bị thương lên đến trên 110 người (tăng hơn 90 người), trong đó Quảng Bình tới  89 người bị thương, Quảng Trị 10 người, Hà Tĩnh 9 người...

Con số thống kê mới nhất cũng cho thấy, số nhà bị tốc mái, bị sập, ngập đã tăng mạnh so với hôm qua, đặc biệt con số thiệt hại ở Quảng Bình. Trong số hơn 152.500 nhà bị tốc mái, Quảng Bình chiếm tới gần 80.000 nghìn nhà (tăng 30.000 nhà so với hôm qua), Hà Tĩnh bị 70.000 nhà...

Hiện số nhà bị sập do bão lên gần gần 1.200; trong đó, chủ yếu là của Quảng Bình (hơn 1.065 nhà), còn lại ở Thanh Hóa gần 50 nhà, Thừa Thiên-Huế hơn 50 nhà... Số nhà bị ngập hiện cũng lên đến gần 11.000 nhà, chủ yếu là Quảng Bình 5.850 nhà (tăng 4.350 nhà so với hôm qua), Hà Tĩnh bị ngập gần 4.700 nhà, Thanh Hóa hơn 350 nhà...

Bão cũng làm đổ gần gần 1.560 cột điện hạ thế, trong đó Quảng Bình gần 1.450 cột, còn lại ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị...Trong số 1,3 triệu khách bị mất điện do bão, đến nay, vẫn còn gần 530.000 khách hàng chưa cấp điện trở lại, trong đó có thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, bão cũng đánh chìm 7 tùa cá; trên 180 thuyền nhỏ bị bìm, cuốn trôi,chủ yếu là Quảng Bình, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế.

Bão cũng làm gần 4.500 ha lúa bị ngập (nặng nhất là Thanh Hóa trên 1.800 ha, Thái Bình 1.000 ha, Hà Tĩnh 1.000 ha...); gần 8.300 ha màu bị ngập (nặng nhất là Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa Quảng Trị...); trên 16.200 ha cây lâu năm bị đổ gãy, giảm năng suất (Quảng Bình gần 13.000 ha, Quảng Trị hơn 3.200 ha...). Diện tích thủy sản bị thiệt hại cũng trên 16.000 ha.

Nhiều sự cố về đê biển ở các địa phương ven biển: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quang Trị, Thừa Thiên-Huế. Các tuyến đê sông ở Nam Định, Nghệ An bị gặp sử cố; các tuyến kênh mương ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị bị hư hỏng khá nặng; 10 đập thủy lợi nhỏ ở Nghệ An cũng bị sạt lở, hư hỏng. Về giao thông, trên 10 km đường quốc lộ và gần 18 km đường giao thông địa phương, 5 cầu, 16 cống bị sạt lở, hư hỏng.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất và lũ quét có khả năng xảy ra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ như: Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. 

Do vậy, các địa phương cần khẩn trương huy động lực lượng  xử lý các sự cố về đê điều thủy lợi và các cơ sở hạ tầng khác để sẵn sàng ứng phó với những đợt mưa, lũ tiếp theo; tiếp tục kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.

MỚI - NÓNG