Trần Đình Thanh – thủ lĩnh tân Việt cách mạng Đảng:

Công lao to lớn, hy sinh thầm lặng

Công lao to lớn, hy sinh thầm lặng
TP- Có một người bán báo dạo tìm chúng tôi, nói quả quyết: Có một thủ lĩnh của Tân Việt cách mạng Đảng, bạn chí thiết đồng chí Trần Phú và đồng chí Hà Huy Tập... đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Nghe ông Trần Văn Thành nói vậy tôi không tin nhưng đọc hết trăm trang tài liệu và đến Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh... được biết thêm bao nhiêu chuyện bất ngờ. 

Công lao to lớn, hy sinh thầm lặng ảnh 1
Chân dung ông Trần Đình Thanh

Những sự thật sử sách còn ghi

Trong tập sách viết về đồng chí Trần Phú của nhà văn Sơn Tùng - NXB Thanh Niên 1979 hàng chục lần nhắc đến một người tên là Trần Đình Thanh, bạn chiến đấu thân thiết với nguyên Tổng bí thư Trần Phú. Ở trang 63 có đoạn: “Hà Huy Tập tốt nghiệp Thành chung và anh không muốn dạy ở Trường tiểu học Nha Trang theo sự bổ nhiệm của “Chính quyền bảo hộ Trung Kỳ” mà bàn trước với anh Trần Phú xin về Trường Cao Xuân Dục ở Vinh do Trần Đình Thanh làm Hiệu trưởng. Ba người: Trần Đình Thanh, Trần Phú, Hà Huy Tập kết thân với nhau là hạt nhân của nhóm đọc sách báo bí mật do Nguyễn Ái Quốc viết”.

Tại “Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh” - Sở Văn hoá Thông tin Nghệ An và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh xuất bản năm 1996, dẫn lời Giáo sư viện sỹ Trần Huy Liệu (1901-1969): “Tháng 6/1925 tôi về Vinh bàn với Trần Đình Thanh; Phan Kim Huy, Ngô Đức Diện thành lập chi nhánh Việt Nam Nghĩa Đoàn có khoảng 10 người  tham gia. Khi chúng tôi chuẩn bị tuyên thệ thì cụ Giải Huân đến. Cụ rất hoan nghênh việc tổ chức đoàn thể yêu nước, sẵn sàng tham gia. Cụ nói: “Tôi xin đặt tên hội ta là Phục Việt Hội. Mọi người tán thành ngay. Trần Đình Thanh được anh em cử làm Hội trưởng. Ông là một Giáo sư tiến bộ, từ hồi học Trường Quốc học Huế đã lập nhóm Thanh niên tu tiến để cùng nhau đọc sách báo và tìm hiểu thời thế”...

Được biết sau lần phát tán truyền đơn đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh bị lộ... “đầu năm 1926 Tôn Quang Phiệt về Vinh gặp Trần Đình Thanh bàn chuyện đổi tên Phục Việt thành Hưng Nam rồi chủ trương đưa người sang Quảng Châu bàn việc thống nhất chương trình kế hoạch hành động với Thanh niên cách mạng đồng chí hội”.

Trong tạp chí Văn hoá Nghệ An số 62 và 63 tháng 7/2005 có bài viết của PGS-TS - Đinh Trần Dương: “Trần Mộng Bạch (Trần Đình Thanh) với việc hình thành cương lĩnh của Tân Việt cách mạng Đảng”. Khẳng định: “Trần Mộng Bạch là người soạn thảo Cương lĩnh của Đảng Tân Việt.

Trong nguồn tài liệu lịch sử đề cập tới các hoạt động cứu nước những năm 1920 -1930, vai trò của Trần Mộng Bạch rất quan trọng kết nối lực lượng những người yêu nước. Mật thám Pháp coi Trần Mộng Bạch là đối tượng “nguy hại” với an ninh chính trị của chúng ở Đông Dương.

Tại Thông báo số 2951 SC của Quyền Khâm sứ Trung Kỳ gửi các công sứ và đốc lý nhiều lần nhấn mạnh mối quan hệ giữa Trần Mộng Bạch với các sỹ phu đầu thế kỷ XX. Mật thám Pháp khẳng định: “Mục tiêu của Trần Mộng Bạch cho đến tháng 7/1928 kỷ niệm ngày thành lập Đảng Tân Việt là đi tới chỗ hợp nhất 2 Đảng song song tồn tại và theo đuổi một mục đích chính là tống cổ người Pháp...

Năm 1929 một nhóm Đảng viên bị bắt không chịu được cực hình của giặc đã khai  ra tổ chức, Trần Mộng Bạch đã bị địch bắt, đem ra xét xử. Tại bản án số 11 ngày 11/1/1930 mà Hội đồng cơ mật Nam Triều công bố, tên ông đứng đầu trong danh sách 41 Đảng viên của Tân Việt cách mạng Đảng bị tuyên xử”.

Chúng giam ông qua các nhà tù Vinh, Huế và Buôn Mê Thuột, tra tấn đủ cực hình nhưng không có kết quả. Sau khi đưa ông về cho án sát Hà Tĩnh là Nguyễn Khắc Niêm dụ dỗ không thành, chúng đã tiêm thuốc độc vào người ông rồi thả về quê, được mấy hôm ông đã mất vào ngày 30/6/1931.

Trần Đình Thanh mất để lại một người vợ trẻ là Đoàn Thị Cơ và hai con gái, tên là Trần Thị Dục Anh (sinh 1924) và Trần Thị Dục Chi (sinh 1927).

Cuốn “Tân việt cách mạng Đảng trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” của PGS -TS Đinh Trần Dương - NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2006, từ trang 346 đến trang 370 ghi danh sách 233 Đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng hoạt động ở Nghệ An và Hà Tĩnh thời kỳ 1925 - 1929, có những nhân vật kiệt xuất như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu... trong đó có ghi Trần Đình Thanh quê Nghệ An làm Hội trưởng. Có lẽ do Trần Đình Thanh lấy vợ người Vinh ở rể ngoài ấy nên nhiều người nhầm tưởng ông quê Nghệ An. Thực ra quê ông ở làng Trung Tiết, huyện Thạch Hà, nay là phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh.

Ôm sử sách đi tìm nhân chứng

Năm 1987 bà Trần Thị Dục Anh, 60 tuổi trú quán tại ngõ Trần Đức Vịnh - phường Nam Hà - TX Hà Tĩnh và em gái là Trần Thị Dục Chi trú quán tại phường Lê Mao - TP Vinh Nghệ An  làm đơn xin truy nhận cha là Trần Đình Thanh đã hy sinh năm 1931, đề nghị cấp trên công nhận cha mình là liệt sĩ để đưa phần mộ nằm tại Núi Nài được vào phía trong nghĩa trang ghi tên những người đã hy sinh vì nước.

Các nhà chức trách yêu cầu văn bản phải có sự xác thực của hai cán bộ lão thành cách mạng. Gia đình tìm đến ông Hồ Bình ở khu phố Bồng Sơn TX Hà Tĩnh và ông Lê Danh Tôn ở xã Thạch Thanh, huyện Thạch  Hà nhờ xác nhận. Mọi thủ tục đã hoàn tất gửi lên cấp tỉnh. Sau đó Nghệ Tĩnh chia tách thành Nghệ An – Hà Tĩnh, sự việc rơi vào im lặng.

Mười bảy năm trôi qua, mãi đến năm 2004 nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng; trong diễn văn đọc tại buổi lễ có nhắc đến tên ông Trần Đình Thanh người bạn chiến đấu thân thiết của đồng chí Trần Phú, bao nỗi niềm ngậm ngùi xúc động dậy lên trong lòng, bà Trần Thị  Dục Anh, đã gần 80 tuổi.

Ông Trần Văn Thành một thương binh từng làm nghề bán báo dạo, đọc qua sử sách, biết được công lao đóng góp của ông Trần Đình Thanh, đã vào cuộc ôm tài liệu sử sách mà lịch sử đã ghi nhận công lao đóng góp của ông Trần Đình Thanh - Thủ lĩnh của Tân Việt cách mạng Đảng, ra xã Việt Xuyên, huyệnThạch Hà gặp cụ Trần Xu và lên xã Phú Phong - Hương Khê gặp cụ Nguyễn Văn Chữ những bạn từ xưa của ông Thanh xin xác nhận.

Cụ Nguyễn Văn Chữ cho biết thêm: Hồi ấy tại nhà lao Buôn Mê Thuột cụ bị giam ở lao trong còn Trần Đình Thanh chúng cho là “thành phần cực kỳ nguy hiểm” nên bị giam ở lao ngoài được canh gác cẩn mật.

Từ những lời xác nhận nói trên, ngày 6/9/2006 Thị ủy Hà Tĩnh đã có Công văn số 117 CV/TH.U “V/v đề nghị xác nhận liệt sĩ, cấp bằng Tổ Quốc ghi công” cho liệt sĩ Trần Đình Thanh do ông Nguyễn Đức Hảo - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy ký, gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Ngày 14/9/2006 Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã có giấy báo tử Số 11 chứng nhận: Ông Trần Đình Thanh sinh 1900 nguyên quán xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, tham gia cách mạng từ năm 1920 đến 1931.

Chức vụ hoạt động cách mạng: Hội trưởng Hội Phục Việt.

Đã hy sinh ngày 30/6/1931.

Đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ công nhận liệt sĩ và tặng Bằng Tổ Quốc ghi công cho ông Trần Đình Thanh; văn bản do Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Thanh Bình ký.

Ngày 13/11/2007 UBND tỉnh có tờ trình số 240 về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ Quốc ghi công cho ông Trần Đình Thanh do ông Hà Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.

Công lao to lớn, hy sinh thầm lặng ảnh 2
Ông Trần Văn Thành, bà Trần Thị Dục Anh (từ phải sang) và con cháu đang thắp hương trước mộ

Ngôi mộ đất vẫn nằm ngoài nghĩa trang

Ngày 24/4/2008 Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định Số 432/QĐ-TTg cấp bằng Tổ Quốc ghi công cho liệt sĩ Trần Đình Thanh - cán bộ cách mạng năm 1931.

Nguyên quán xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc.

Ngày 29/8, Sở Lao động Thương binh - Xã hội phối hợp với UBND Thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức lễ truy điệu ông Trần Đình Thanh, người con của quê hương từng là bạn chiến đấu thân thiết với hai Tổng Bí thư của Đảng là Trần Phú và Hà Huy Tập.

Trước lúc lễ truy điệu diễn ra 7 ngày, chúng tôi đã cùng với gia đình đến thắp hương nơi ngôi mộ của ông Trần Đình Thanh được an táng dưới chân Núi Nài.

Trong danh sách 233 Đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng khởi đầu do Trần Đình Thanh làm thủ lĩnh nhiều người đã hy sinh vì nước như các đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Lê Mao, Nguyễn Viết Thuật... đều được đặt tên đường, tên phố và lưu danh trong lòng nhân dân.

Với công lao của mình, hy vọng ông Trần Đình Thanh sau khi được Tổ quốc ghi công, sẽ được ghi nhận tôn vinh đúng mức ở địa phương.    

 Tháng 8/2008

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.