Kon Tum: Lao đao vì lúa giống kém chất lượng

Kon Tum: Lao đao vì lúa giống kém chất lượng
TP- Nhiều hộ dân ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy-Kon Tum) đã  khóc dở, mếu dở vì mua phải giống lúa lai Nhị ưu 838 không lên mầm. Điều đáng nói là giống được mua từ Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Kon Tum…
Kon Tum: Lao đao vì lúa giống kém chất lượng ảnh 1
Bao lúa giống bị thay nhãn hiệu

Phó trưởng thôn 12 (xã Đăk Tờ Re) ông Trần Văn Quyền nói: Năm nay, theo giá bán của Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Kon Tum, giống lúa Nhị ưu 838 là 31.000 đồng/kg, nhưng vì được Nhà nước trợ giá nên bà con chỉ mua với giá 13.000 đồng/kg. Sau khi có giống, một số hộ dân trong thôn đã tiến hành gieo ủ thì phát hiện tem, nhãn, bao bì không đúng tiêu chuẩn qui định.

Không những thế, chất lượng giống lúa cũng không đạt, vì số lượng lúa giống không mọc, hoặc bị chết chiếm gần 50%, mặc dù bà con thực hiện các bước ngâm, ủ lúa giống đúng như trong bản hướng dẫn kèm theo. Lạ hơn, lúa giống năm nay khi ngâm nước có màu đen không phải màu vàng như mọi năm, sờ vào thấy nhơn nhớt, có mùi chua như men rượu.

Phần lớn số lượng nẩy mầm lại không có rễ, dùng tay bóp nhẹ là hạt gạo vỡ vụn...dẫn đến quá trình ngâm ủ mạ chỉ nẩy mầm được khoảng 70% và khi đưa ra gieo cấy lại tiếp tục bị thối rễ và chết tiếp khoảng 30% nữa.

Cho nên số lượng lúa giống mọc được chỉ đạt khoảng 55%, cá biệt có hộ dân bị chết đến 60 - 70%. Những cây lúa còn sống thì thân cây mảnh khảnh, rễ mọc yếu, không sung sức như mọi năm. 

Ông Nguyễn Văn Sâm (ở thôn 12) bức xúc: “Gia đình tôi đã hơn 30 năm trồng lúa. Vụ trước, tôi trồng 1 sào lúa giống Nhị ưu 838, thấy có kết quả nên năm nay mua tiếp 38 kg giống Nhị ưu 838 để gieo hết 5 sào của gia đình. Sau thấy lượng lúa giống bị hỏng nhiều nên tôi tiếp tục mượn thêm 15 kg lúa giống Nhị ưu 838 nữa để gieo sạ.

Nhưng, tỷ lệ nẩy mầm đạt rất thấp, chỉ khoảng 35%, mặc dù gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt đúng theo quy trình từ ngâm, ủ đến bón phân. Theo tôi, lô giống do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Kon Tum cung ứng cho bà con nông dân thôn 12 lần này “có vấn đề”, vì khi bóc bao lúa giống ra, nhiều hạt đã chuyển sang màu nâu sẫm.

Tem, nhãn thì được in bằng giấy A4 với dòng chữ “Nhị ưu 838” sau đó cắt ra dán chồng lên dòng chữ “Bác ưu 253” được in sẵn trên bao bì. Xuất xứ trên bao bì sản phẩm là đảo Hải Nam (Trung Quốc) biến thành Tứ Xuyên. Ngoài ra, trên bao bì cũng không thể hiện ngày sản xuất, thời hạn sử dụng...”.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Kon Tum đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Rẫy và chính quyền xã Đăk Tờ Re tiến hành ngâm ủ mẫu, nhưng sau 3 ngày kết quả thử nghiệm cũng chỉ cho 73% tỷ lệ lúa giống nẩy mầm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Thanh Hương- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Kon Tum cho biết: Vụ mùa năm 2008, Trung tâm ký hợp đồng mua của Cty TNHH đầu tư và phát triển Việt Hoa (Hà Nội) 60 tấn giống lúa Nhị ưu 838 để cung ứng trên địa bàn tỉnh, trong đó đã cung ứng cho huyện Kon Rẫy là 14 tấn.

Sở dĩ có tình trạng tem, nhãn mác được dán chồng lên trên bao bì  của giống lúa khác là do bao bì giống lúa Nhị ưu 838 của phía Cty đã hết, chưa in kịp, nên Cty đã sử dụng bao bì của giống lúa Bác ưu 253 có xuất xứ từ Hải Nam (Trung Quốc) và dán nhãn giống Nhị ưu 838 có xuất xứ tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) chồng lên (?!).

Cũng theo bà Hương, tình trạng lúa giống không nẩy mầm hoặc tỷ lệ nẩy mầm thấp thì chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân. Phía Cty đã lấy mẫu giống nói trên gửi Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phân tích, kiểm tra làm rõ để trả lời bà con.

Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Kon Tum là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cung ứng các loại giống cây trồng cho nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Từ nhiều năm nay đây là địa chỉ phát sinh nhiều loại giống lúa không hạt, năng suất kém trên địa bàn Kon Tum song tỉnh này chưa có biện pháp triệt để khắc phục.

Được biết, tháng 3/2008 ông Nguyễn Viết Liệu lúc đó là Phó GĐ  Trung tâm giống nông lâm nghiệp Kon Tum (nay là Giám đốc) ký hợp đồng với Cty TNHH Đầu tư Hoa Việt mua giống lúa nhị ưu 838 giá trị hợp đồng lên đến hơn 1,7 tỷ đồng, với giá là 29.500đ/kg về bán ra 31.000đ/kg.

Tuy nhiên người mua chỉ trả 13.000đ, còn lại ngân sách hỗ trợ từ nguồn “trợ giá trợ cước”. Nghĩa là thông qua hợp đồng này ngân sách tỉnh Kon Tum phải chi hơn 1 tỷ đồng bù lỗ song không hề được đấu thầu! Ông Liệu cho rằng việc ông mua bán với ai, giá cả như thế nào là tùy bởi ông kinh doanh?! 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.