Mổ xẻ vấn nạn tắc đường ở Hà Nội

Mổ xẻ vấn nạn tắc đường ở Hà Nội
TP - Căn bệnh ùn tắc giao thông tại Hà Nội mỗi ngày thêm trầm trọng. Nếu không có đột phá từ khâu quy hoạch, Hà Nội cho dù mở rộng diện tích gấp ba lần vẫn phải đối mặt với ùn tắc giao thông trong hiện tại và cả tương lai.

Chỉ khi nút giao thông “méo” tại Thanh Xuân (trên đường vành đai 3)  vừa được chỉnh thành “hơi méo” người ta mới giật mình nhận ra rằng Hà Nội có hàng chục nút giao thông có hình dáng “dị dạng”, và những con đường chẳng giống ai.

Nút giao thông Giảng Võ - Cát Linh là một ví dụ. Đường Giảng Võ với mặt cắt lớn khi đến điểm giao với đường Cát Linh thì thắt hẹp một nửa và lượn một đường cong trước khi đấu nối ra Nguyễn Thái Học. Đường Cát Linh với đường Giang Văn Minh là đường đồng trục, nhưng lại tạo thành một góc lớn vì thế nút giao thông này có hình “dị dạng”.

Công tác tổ chức giao thông vô cùng khó khăn và góp phần làm nóng tình trạng ùn tắc. Cuối đường Giảng Võ nối với Láng Hạ và cắt đê La Thành cũng tạo thành một nút giao thông xiên xẹo.

Hiện tại, khu vực nút Chùa Bộc- Tây Sơn dù được đổ rất nhiều tiền để cải tạo và tổ chức giao thông song ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên. Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc tại đây là nút giao thông này hiện có 3 góc nở và một góc khuyết (góc Chùa Bộc rẽ phải Tây Sơn).

Vì lẽ đó, các phương tiện đổ dồn về nút nhưng lại không thoát gây bất tương xứng về khả năng thông hành của các hướng dẫn đến lộn xộn và ùn tắc.

Gây bức xúc dư luận nhiều nhất là tại nút Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Trước kia khi chưa có đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (mới) đấu vào nút thì đây là ngã 5. Khi có con đường mới nối vào, giao thông tại nút lộn xộn thêm nhiều lần. Lý do, con đường mới đấu vào nút nhưng lại thông qua một ngã ba cách trung tâm nút 30m và tạo thành một ngã sáu mới.

Chưa đủ, do cốt đường mới cao hơn cốt đường cũ đến 80 cm nên hai con đường nối với nhau bằng một con dốc nhân tạo (?). Dòng phương tiện chuyển hướng bị xung đột liên tục dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông.

Nút giao thông Đại Cồ Việt - Giải Phóng cũng trong tình trạng méo lệch. Hai góc phía đường Kim Liên  nở rộng. Trong khi đó hai góc phía đường Đại Cồ Việt bị thu hẹp.

Hơn nữa đường Giải Phóng với mặt cắt rất rộng nhưng lại đấu với đường Lê Duẩn hẹp bằng một nửa... Vì lý do đó nên tại nút Giải Phóng - Đại Cồ Việt trở thành điểm “nóng” nhất về ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Có thể chỉ ra hàng loạt nút giao thông tại Hà Nội được vẽ với hình dáng kỳ dị: Nút Đê La Thành- Kim Mã; nút Bưởi - Hoàng Quốc Việt; nút Yên Phụ - Thanh Niên; Yên Phụ - Hàng Đậu; Tôn Thất Tùng - Trường Chinh; Trần Khát Chân - Lò Đúc; Hoa Lư - Đại Cồ Việt, Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn, Bà Triệu - Nguyễn Du; Điện Biên Phủ - Trần Phú...

Với việc quy hoạch hàng loạt nút giao thông “dị dạng” đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác tổ chức giao thông. Còn người tham gia giao thông thì đối mặt với ùn tắc và tai nạn.

Đường cụt và cua tay áo giữa lòng Hà Nội!

Đường đê 401 chạy dọc từ Trần Nhật Duật xuống Trần Khánh Dư (trên mặt đê sông Hồng) đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải thiện tình trạng giao thông. Tuy nhiên, con đường vừa làm xong đã tạo ra những “điểm đen” về tai nạn.

Trước hết phải kể đến hàng loạt cửa khẩu mở từ con đường này ra khu vực bãi sông Hồng. Do bức đê chắn nước sông được xây dựng như bức tường và cửa khẩu như chiếc cửa nên che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông từ các hướng. Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra.

71 điểm có nguy cơ ùn tắc cao

Báo cáo của Phòng CSGT Hà Nội cho thấy, sau khi hợp nhất tình hình giao thông tại Hà Nội đã phát sinh một số khó khăn, phức tạp.

Chỉ tính từ ngày 1/9 đến 15/9/2008, trên địa bàn đã xảy ra 15 vụ ùn tắc giao thông. Trong đó có nhiều vụ ùn ứ trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài, ví như vụ ùn ứ từ 10 giờ 30 đến 13 giờ  và từ 15 giờ đến 17 giờ 40 ngày 4/9 trên đường Pháp Vân.

Nguyên nhân gây ùn tắc chủ yếu do lượng phương tiện tham gia giao thông quá đông trong khi hạ tầng giao thông xuống cấp.

Cũng theo phòng CSGT, trên địa bàn Hà Nội có 71 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Sau nhiều lần kiến nghị, một số nút giao cửa khẩu được lắp đèn tín hiệu hoặc có CSGT ứng trực, song TNGT thì vẫn rình rập 24/24 giờ. Không chỉ vậy, do khi thiết kế chưa tính đến khả năng tương tác giữa đê 401 và con đường cũ nên mới đây người ta cho nối giữa đường cũ và mới bằng những cái dốc và tạo thành những khúc “cua tay áo” như tại dốc Bác Cổ, dốc khu vực Ngân hàng Công thương... Nhiều lái xe tái mặt vì các khúc cua này.

Do đầu tư dàn trải, lại thiếu quyết tâm nên “thành quả” mà giao thông Hà Nội đạt được trong những năm qua còn là nhiều tuyến đường dở dang và được gọi là đường cụt. Nửa mặt cắt đường Yên Phụ cụt và biến thành bãi đỗ xe.

Đường Trần Khát Chân bị cụt tại ngã tư Lò Đúc; đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa cụt tại Ô Chợ Dừa; đường Văn Cao, Đào Tấn đều giậm chân tại đê Bưởi.

Tương tự, những con đường xuyên tâm cũng bị cụt cả đầu ra và đầu vào: Đường Hoàng Quốc Việt dừng tại đê Bưởi và “chấm hết” tại đường Phạm Văn Đồng; đường Lê Văn Lương giậm chân tại đường vành đai 3...

Nếu chú ý quan sát, thì hầu như các tuyến đường của Hà Nội đều có chung tình trạng, cụt và dang dở. Phương thức làm đường theo kiểu “dễ làm, khó bỏ” được áp dụng tại hàng chục dự án.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội thì hiện tại cả 3 tuyến đường vành đai quan trọng của Hà Nội là vành đai 1, 2 và 3 đều dang dở và chưa thể thông tuyến.

Điều này có nghĩa là những tuyến đường mới được đầu tư không những chưa phát huy hiệu quả cao mà trái lại còn góp phần gây nên ùn tắc và tăng nguy cơ TNGT.

Dự án giao thông - “trăm hoa” nhưng đường “chưa nở”

Nếu như tính cả các đơn vị hành chính vừa nhập về Hà Nội thì  tại Thủ đô có đến 30 đơn vị (gồm các quận, huyện, thị xã) có ban quản lý dự án xây dựng đường!

Hơn nữa, thành phố Hà Nội có 3 “siêu ban” QLDA là Ban QLDA trọng điểm phát triển đô thị, Ban QLDA đường sắt đô thị, Ban QLDA Tả Ngạn. Sở GTVT cũng có 4 ban QLDA đặc trách xây dựng đường, Sở Xây dựng cũng có Ban QLDA tham gia xây dựng đường.

Chưa đủ, tại Hà Nội, chúng ta còn thấy sự góp mặt nhiều doanh nghiệp “quả đấm” của thành phố tham gia quản lý và thực hiện dự án giao thông như: Tổng Công ty Hạ tầng đô thị, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Thương mại.

Đặc biệt, góp phần làm phong phú thêm bức tranh phát triển hạ tầng giao thông của Hà Nội còn phải kể đến hàng loạt ban QLDA của Bộ GTVT như: Ban Thăng Long (xây dựng đường vành đai 3, cầu Thanh Trì, đường Láng- Hòa Lạc), Ban Quản lý dự án giao thông 2 ( QL 70), Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt)...

Tuy nhiên, sau gần 10 năm “trăm hoa” đến nay bộ mặt giao thông của Hà Nội vẫn chưa được cải thiện. Hàng chục dự án dang dở. Do bị xé lẻ đồng vốn, đầu tư dàn trải, manh mún, trong khi năng lực quản lý dự án lại hạn chế nên nhiều tuyến đường mới hoàn thành đã xuống cấp, nhiều tuyến đường hoàn thành nhưng chưa thể phát huy hiệu quả.

Hơn nữa, do làm đường theo kiểu “trăm hoa” nên nhiều dự án khi khớp nối với nhau thiếu đồng bộ, phản tác dụng. Trung bình trong 8 năm lại đây, mỗi năm các ban QLDA của Hà Nội chỉ xây dựng thêm được khoảng 5-6 km đường. Như vậy so với lực lượng hùng hậu các ban QLDA thì rõ ràng hiệu quả đem lại quá thấp.

Đặc biệt, từ đầu năm 2008 đến nay hầu như Hà Nội chưa có cây số đường mới nào đưa vào sử dụng. Trong khi đó, tốc độ xây dựng đô thị của Hà Nội mỗi năm đạt hàng triệu mét vuông nhà. Phải chăng Hà Nội mới chỉ say mê với việc xây nhà mà quên xây đường (?).

Mổ xẻ vấn nạn tắc đường ở Hà Nội ảnh 1
Cảnh tượng thường xảy ra trên đường phố Hà Nội - Ảnh: Hồng Vĩnh

Chống ùn tắc: Bắt đầu từ quy hoạch!

Hà Nội đã có chính sách “hạn chế” đăng ký xe máy, rồi đề xuất ý tưởng  xe số chẵn đi ngày chẵn, xe số lẻ đi ngày lẻ, rồi đề xuất hạn chế xe ngoại tỉnh… Số giải pháp này hoặc không được thực hiện, hoặc “chết yểu”.

Trong 5 năm trở lại đây, cứ vào những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng của Hà Nội lại nháo nhác với hàng loạt giải pháp “cấp bách” chống ùn tắc. Hàng ngàn lượt CSGT, TTGT, sinh viên tình nguyện giăng ra mặt đường, song ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc, “đá ném ao bèo”.

Có một thực tế là  quy hoạch giao thông của Hà Nội còn quá yếu trong khi đó việc quản lý và thực hiện quy hoạch còn lơi lỏng, chậm chạp dẫn đến nhiều tuyến đường bị quy hoạch treo hoặc “biến dạng”, ùn tắc ngày một nghiêm trọng.

Hà Nội (trước ngày hợp nhất) chỉ có 955km đường, trong đó đường nội thành 440km, chiếm khoảng 6,8% diện tích đất đô thị. Trong khi đó tại các nước phát triển, đất dành phát triển đường sá phải từ 20-25% đất đô thị. Đường thiếu lại có đến 20% diện tích đường dành làm bãi đỗ xe dẫn đến gia tăng ùn tắc.

Theo cơ quan chức năng, hiện tại mỗi kilômét đường Hà Nội đang oằn lưng “gánh” 550 ô tô và 6.000 xe máy. Và lượng phương tiện vẫn tiếp tục gia tăng mạnh. Khi xe chồng lên xe, người chồng lên người thì đường phố Hà Nội biến thành những con đường chết.

Điều đáng lo ngại là nếu như trước đây các điểm ùn tắc giao thông chủ yếu nằm ngoài đường vành đai 2 thì nay nhiều tuyến phố cổ, phố cũ của Hà Nội cũng gia tăng ùn tắc.

Lại thêm một “sai lầm” trong công tác quy hoạch, đó là việc Hà Nội cho xây dựng hàng loạt các cao ốc tại trung tâm, rồi việc cho phép phá biệt thự cũ xây cao ốc tràn lan... rồi việc chuẩn bị cải tạo nâng tầng, nâng hệ số sử dụng đất, nâng mật độ xây dựng của rất nhiều khu đô thị : Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ.

Như vậy, thay vì giãn dân ra ngoại ô, Hà Nội sẽ thu hút hàng trăm ngàn dân đổ bộ vào trung tâm thành phố và vì vậy mọi nỗ lực cải thiện giao thông nội đô sẽ trở về con số âm.

Tháng 7/2008, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2020 (chưa tính đến việc có thêm Hà Tây, Mê Linh và 4 xã của Hòa Bình).

Theo mục tiêu bản quy hoạch đưa ra thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có mạng lưới đường bộ tương đối hoàn chỉnh. Theo đó, đến thời gian này Hà Nội sẽ có 464km đường nội thành (9 quận), 1.670 km đường ngoại thành. Đặc biệt đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 11.500 ha đất dành cho giao thông đường bộ.

Như vậy trong vòng 12 năm nữa, Hà Nội mỗi năm sẽ phải xây dựng thêm ít nhất 110 km đường (cả nội và ngoại thành) và thu hồi khoảng 500 ha đất cho giao thông thì mới có thể đạt được mục tiêu trên.

Đây thực sự là điều “không tưởng” nếu như tốc độ xây dựng đường không có gì đột phá.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia thì Hà Nội cần có một tổng công trình sư cho chuyên đề giao thông với nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch giao thông; thẩm định yếu tố giao thông trong các dự án phát triển đô thị để tránh tình trạng làm nhà xong, thừa đất mới tính đến làm đường.

Hơn nữa, quy hoạch giao thông phải được làm trước một bước và các quy hoạch ngành phải lấy quy hoạch giao thông làm nền tảng.

Trước mắt, Hà Nội nên rà soát lại 500 nút giao thông, 600 tuyến đường nội thành để điều chỉnh những bất hợp lý về quy hoạch và tổ chức giao thông. Chỉ như vậy ùn tắc giao thông mới có thể được cải thiện sớm.

Lượng ô tô đăng ký mới ở Hà Nội năm 2008 sẽ tăng gấp đôi năm 2007

Theo thống kê của phòng CSGT- CA TP Hà Nội, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2008, toàn thành phố Hà Nội có 30.495 ô tô đăng ký mới (chủ yếu xe của Hà Nội trước khi mở rộng). Trong khi đó cả năm 2007, số ô tô đăng ký mới là 21.800 xe.

Dự kiến số ô tô đăng ký mới của Hà Nội năm 2008 sẽ gấp đôi năm 2007 (khoảng 42.000 xe). Hà Nội (trước khi mở rộng) quản lý khoảng 220.000 ô tô và 2,4 triệu xe máy.

Mổ xẻ vấn nạn tắc đường ở Hà Nội ảnh 2

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG