Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng:

Tỷ lệ án oan sai trên 10%

Tỷ lệ án oan sai trên 10%
TP - “Đã có những bản án oan sai, đến khi được phát hiện thì đã hết thời hạn giám đốc thẩm, tái thẩm” - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng trao đổi với Tiền phong bên lề Quốc hội, chiều 24/10.
Tỷ lệ án oan sai trên 10% ảnh 1
Ông Trần Thế Vượng trả lời phỏng vấn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Trần Thế Vượng nói: Tình hình dân khiếu nại, đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu lực diễn ra từ nhiều năm nay và năm 2008 cũng vậy.

Năm qua, TANDTC đã thụ lý hơn 11.000 đơn loại này, đã xem xét hơn 5.000 đơn, trong số đó có hơn 503 trường hợp Tòa án các cấp đã kháng nghị.

Như vậy, trình độ xét xử, sơ thẩm, phúc thẩm là rất đáng lưu ý. Nếu cộng thêm số vụ kháng nghị của VKSNDTC (đã được Tòa án đưa ra xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm 289 trường hợp), số vụ TAND các cấp chấp nhận kháng nghị của VKSND 265 trường hợp, tổng số sẽ là gần 800 trường hợp. Như vậy, tỷ lệ có oan sai rất cao, trên 10%. Có nghĩa là chất lượng xét xử rất đáng quan tâm.

Thưa ông, vậy còn hơn 6.000 đơn chưa được xem xét thì sao?

Cái đó đáng quan tâm hơn nữa. Cũng theo TANDTC báo cáo còn hơn 6.000 đơn đề nghị nữa chưa được xem xét. Nếu TANDTC, VKSNDTC và TAND, VKSND cấp tỉnh không kịp thời xem xét (theo quy định thời hiệu giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ có 3 năm), thì đến khi chúng ta phát hiện sai lầm, thời hiệu kháng nghị đã hết, nhiều người dân sẽ phải chịu các bản án oan sai. Trên thực tế đã xảy ra.

Tôi băn khoăn nhất là hơn 6.000 cái đơn này. Nếu TANDTC và VKSNDTC không có chỉ đạo để cho các đơn vị nghiệp vụ quan tâm, chắc chắn sẽ có những người phải mang những bản án oan như thế... Nhưng cuối cùng, vì quy định của pháp luật, hết thời hiệu giám đốc thẩm, tái thẩm, sẽ không có cách gì để làm được.

Phải chăng tình trạng này có nguyên nhân từ việc tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện?

Tôi nghĩ đó không phải nguyên nhân. Chủ trương tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện là đúng đắn, nhưng giải pháp về cán bộ, cơ sở vật chất cho toà án chưa đảm bảo.

Khi tăng thẩm quyền cho tòa cấp huyện thì số án theo thủ tục sơ thẩm tăng 15%, tòa cấp tỉnh xử phúc thẩm cũng tăng lên 20%. Hệ quả, trường hợp người dân khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng tăng lên.

Nghĩa là, chủ trương đúng, nhưng vấn đề đặt ra phải tăng số lượng, chất lượng cho cán bộ nói chung, đặc biệt là với đội ngũ thẩm phán cấp huyện. Đi cùng đó là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên cấp huyện. Nếu không đồng bộ thì chủ trương đó khó mà tốt được.

Hơn 6.000 đơn thư là không nhỏ, chắc chắn sẽ có nhiều trường hợp oan sai, thưa ông?

Theo tôi, nếu lấy con số đã được xem xét (án oan sai trên10%- PV) thì có lẽ tỷ lệ oan sai  trong 6.000 đơn cũng sẽ hơn kém không nhiều, vấn đề đặt ra là ở chỗ đó.  

Năm 2009, trình đề án chuyển trại giam, cơ sở giáo dưỡng về Bộ Tư pháp

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Hầu hết các nước trên thế giới đều giao Bộ tư pháp quản lý thi hành án phạt tù, quản lý trại giam. Đây là vấn đề được xem là có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc cải tạo con người, tái hòa nhập cộng đồng.

“Bộ chính trị đã giao cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, khả năng cuối năm 2009 chúng tôi sẽ trình tiếp vấn đề này ra Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư xem xét. Còn việc lo lắng Bộ Tư pháp không quản lý được cũng phải thôi, vì đây là vấn đề của cả đất nước, không riêng Bộ Tư pháp. Vấn đề tôi cho rằng vẫn là nhận thức”- Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Nguyễn Tuấn
thực hiện

MỚI - NÓNG