150 năm Thảo Cầm Viên

Mẹ đưa bé xem voi. Ảnh: T.N.A
Mẹ đưa bé xem voi. Ảnh: T.N.A
TP - Một người Sài Gòn gốc nói với tôi rằng, năm 2014 này, Thảo Cầm Viên Sài Gòn tròn 150 năm, nhưng tịnh không thấy Thảo Cầm Viên động tĩnh gì. Mới rồi Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) tuyên bố đóng cửa, rồi lại mở, người ta kéo tới xem đông nghẹt. Còn Thảo Cầm Viên vẫn lặng lẽ như mọi năm?

Dấu vết thời gian

Thảo Cầm Viên Sài Gòn chính là vườn thú, vườn bách thảo hiện đại đầu tiên của Việt Nam, được hình thành rất sớm, ngay sau khi thực dân Pháp chiếm được Nam bộ. Anh Trần Ngọc Quyết, cán bộ làm việc tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn từ năm 1992 đến giờ, nói: “Hiện có hai ý kiến về tuổi của Thảo Cầm Viên. Một số người lấy mốc năm 1864 là năm khởi công, nhưng chúng tôi thì tính mốc năm 1865 là năm Thảo Cầm Viên Sài Gòn được hoàn thành. Do vậy, mọi hoạt động kỷ niệm 150 năm chỉ diễn ra vào năm sau”. 

Tôi nhìn thấy những tủ sách đóng bằng gỗ từ thời Pháp vẫn còn nguyên, với những cuốn sách được đánh số cẩn thận, tất cả đều bằng tiếng Pháp. Những cuốn sách khổ lớn liệt kê nghiên cứu những loài thực vật, động vật ở xứ Đông Dương, với những bản vẽ bằng tay đầy chi tiết. Người thực hiện chúng đều đã qua đời từ lâu. 

“Chúng tôi dự kiến năm 2015 phải tăng giá vé lên 50.000 đồng. Với mức vé này, phải bán được khoảng 1,6 triệu vé mới đủ trang trải chi phí cho Thảo Cầm Viên hoạt động độc lập”.

Anh Quyết

Khu nuôi hổ ngày nay vẫn nằm ở chính vị trí của trăm năm mươi năm trước. Có điều chúng được lắp bằng kính cường lực thay cho các song sắt cũ. Người ta để lại một góc chuồng hổ từ thời Pháp, với những song sắt to. Chuyện kể, trước đây một người đàn ông đầu óc không bình thường cho lắm, thường trèo vào nằm ngủ trưa sát những song sắt ấy, thậm chí thường vuốt ve những con hổ cho đến khi chúng bực mình động nanh vuốt, khiến vườn thú phải đưa ông đi viện cấp cứu. “Những con thú già nhất đã chết hết cả rồi – những người nuôi thú nói – người chăm thú cũng đã mấy đời thay thế”. 

Chuồng cũ vẫn đó và voi, hổ bây giờ đều là lớp “hậu duệ” thay đổi mấy lần. “Hồi năm 1975, khi mới giải phóng, bộ đội đem tặng một con hổ bắt được ở rừng. Rồi nó cũng già đi và chết nhiều năm nay rồi” - mọi người nói với tôi. Nuôi mãnh thú trong thảo cầm viên là một công việc khó khăn, nguy hiểm. Khác với việc thuần hóa thú ở rạp xiếc, nuôi thú trong thảo cầm viên cốt làm sao vẫn giữ được sự hoang dã sức mạnh tự nhiên của con thú thì người xem mới thích. 

150 năm Thảo Cầm Viên ảnh 1

Cây xà cừ 150 tuổi

Dấu vết 150 năm giờ còn cây xà cừ vĩ đại 10 người ôm. Nó đứng uy nghi, tạc lên trời cao hình dáng vững chãi của bậc đại cổ thụ. Cũng nhờ xứ phương Nam ít bão tố, người ta không phải đốn cành hạ ngọn nên cây xà cừ được trồng từ những ngày đầu tiên ấy vẫn sum suê tỏa bóng xuống con đường nghiêng nghiêng cho bao thế hệ tình nhân thả bước.

Muộn mằn cơ chế

Tôi hỏi các cán bộ rằng, nhiều vườn thú tư nhân xã hội hóa đã ra đời thu hút nhiều du khách, vậy Thảo Cầm Viên Sài Gòn – vườn thú của nhà nước, liệu thay đổi nhiều không? Hay như người ta thường quan tâm là liệu cơ chế thị trường ảnh hưởng gì đến những cây xà cừ trăm tuổi và những con hổ vườn thú?

Cán bộ Thảo Cầm Viên cho biết: “Từ năm 2013 về trước, chúng tôi chỉ lo việc chuyên môn, còn bao nhiêu vé bán được, nộp vào ngân sách. Thành phố chi trả các khoản chi phí hoạt động của chúng tôi. Từ năm 2014 này, chúng tôi được cho phép thay đổi hình thức quản lý điều hành theo hướng tự hạch toán thu chi, cố gắng tự trang trải hoạt động bằng việc bán vé”. Sau đúng 150 năm, Thảo Cầm Viên lại trở về với hình thức tồn tại ban đầu của nó là hoạt động theo cơ chế thị trường. “Năm 2013, giá vé chỉ 12.000 đồng, năm 2014 này chúng tôi đang bán vé với giá 30.000 đồng”. Điều các cán bộ nhân viên vui mừng là trái với dự tính của nhiều người, mặc dù giá vé tăng hơn gấp đôi, nhưng “số lượt khách đến thảo cầm viên không hề giảm mà vẫn duy trì khoảng 2 triệu lượt khách trong năm 2014!”. 

Đến với Thảo Cầm Viên sau một năm xóa bỏ bao cấp và chuyển sang cơ chế thị trường, một khung cảnh khá sôi động và đẹp mắt bày ra. Các vườn cây xanh mướt, còn khu nuôi thú đều sạch sẽ. Đám nhiếp ảnh còn đưa cả người mẫu và cô dâu chú rể vào chụp hình. Chị Loan, dân thành phố gốc đem con vào xem thú và chụp ảnh, nói: “Thảo Cầm Viên giờ sạch và đẹp, thậm chí vườn thú không hề có mùi hôi. Các con thú đều khỏe, lông mượt – chị nói thêm – Nom chúng vui vẻ với du khách xa gần chứ không ủ rủ như những năm trước”. Giá vé khá cao, nhưng theo chị xứng đồng tiền bát gạo. 

Các cán bộ Thảo Cầm Viên vẫn thường làm việc 360 ngày một năm, “chúng tôi chỉ nghỉ Tết vào chiều 30, sau khi cho thú ăn bữa tất niên. Sang ngày mồng Một Tết, cán bộ công nhân viên vẫn đi làm việc”. Những con voi, con hổ thậm chí còn phải phục vụ du khách nhiều hơn ngày thường. Chúng cũng đói bụng. 

150 năm Thảo Cầm Viên ảnh 2

Những tài liệu của Thảo Cầm Viên từ thời Pháp vẫn được lưu trữ

Chuyển sang cơ chế tự hạch toán thu chi không hề đơn giản, mỗi năm riêng tiền nuôi đàn thú vào khoảng 50 tỷ đồng. “Chúng tôi dự kiến năm 2015 phải tăng giá vé lên 50.000 đồng. Với mức vé này, phải bán được khoảng 1,6 triệu vé mới đủ trang trải chi phí cho Thảo Cầm Viên hoạt động độc lập”. Anh Quyết nói

Thu hẹp 

Giám đốc của Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đang giữ chức Chủ tịch hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á và 30% du khách viếng thăm nơi này là khách nước ngoài. Vườn thú với bề dày 150 năm quả là một điểm đến hấp dẫn, không dễ có. Năm 1930, vua Thái Lan tặng thảo cầm viên một con voi bằng đồng và đến nay hằng năm Lãnh sự quán Thái Lan vẫn tới thăm con voi này. Khoảng 30% sinh viên trong nước và nước ngoài tới Thảo Cầm Viên để nghiên cứu các loài động thực vật Đông Dương. 

Nhiều người dân Sài Gòn tỏ ra ái ngại khi Thảo Cầm Viên 150 tuổi. Số là, trước năm 1975, Thảo Cầm Viên vẫn giữ được vị trí và diện mạo như thời Pháp, với diện tích trải dài hai bên sông Thị Nghè, tạo ra diện mạo cảnh quan lãng mạn, phóng khoáng. Hai bờ nối với nhau bằng cây cầu gỗ (người ta nói rằng cây cầu gỗ từng bị sập vào thời của Ngô Đình Diệm). 

“3 ha đất ở bên kia sông Thị Nghè vốn là vườn ươm, nay đã được thành phố trưng dụng để xây dựng nhà tái định cư, nên quy mô Thảo Cầm Viên chỉ còn lại một bên này sông thôi” – người dân sống xung quanh sông Thị Nghè nói. 

Bên này sông, đường sá mở mang và người ta cũng không ngần ngại xem Thảo Cầm Viên như một nơi lấy đất để xây dựng công trình mà không tốn nhiều tiền đền bù. 2 ha đã được trưng dụng chỉ để làm đường, may mắn nhiều cây cổ thụ được di dời thành công vào trong. Tổng diện tích nguyên thủy 20 ha của Thảo Cầm Viên Sài Gòn được bảo tồn qua hàng thế kỷ biến động, nhưng chỉ trong mấy năm qua Thảo Cầm Viên đã bị trưng thu 5ha diện tích cho mục đích khác.
Người đi xem vườn thú cũng chờ đợi một phong cách chuyên nghiệp hiện đại hơn nữa trong trưng bày. Sự năng động, thích ứng cùng với trình độ của những người dân làm việc ở Thảo Cầm Viên luôn được cập nhật, nâng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của người thưởng ngoạn là điều cần, nên có.

12/2014

Thảo Cầm Viên có 500 loài thực vật và 150 loài động vật, trong đó nhiều loài quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam như chim trĩ sao. Loài chim trĩ có đuôi dài cả mét này được in trong danh thiếp của các cán bộ làm việc tại Thảo Cầm Viên. Nhiều loài thực vật phát triển tốt, hà mã cũng sinh sản, một con hổ mẹ đang vui vầy với 3 hổ tử mới được sinh ra. Chim hồng hoàng thậm chí nuôi thả tự do, chúng tha hồ bay lượn đó đây rồi lại trở về dưới những tán cây giữa hồ nước.

MỚI - NÓNG