Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng?

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng?
TPO - Nhân sự kiện lần đầu tiên 10 cá nhân có thành tích về phòng, chống tham nhũng được tôn vinh, tại TPO đã diễn ra Bàn tròn trực tuyến "Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng?". Dưới đây là nội dung buổi giao lưu.
Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 1
Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong tặng hoa các vị khách mời có mặt tại tòa soạn.

Thưa quý vị, đúng 14h chiều nay, các vị khách mời đã có mặt tại tòa soạn báo Tiền phong để sẵn sàng trả lời trực tuyến bạn đọc.

Mở đầu cuộc giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn nói:

Thay mặt báo Tiền phong, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách mời đã đến tham dự buổi giao lưu trực tuyến này. Những năm vừa qua Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm rất lớn đến việc phòng chống tham nhũng. Cũng từ quyết tâm này, Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng đã được thành lập và nhiều vụ án tham nhũng lớn đã bị phơi bày và đưa ra xét xử. Công cuộc phòng chống tham nhũng đạt được nhiều thành tựu lớn.

Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này sẽ còn cao hơn rất nhiều nếu chúng ta làm tốt hơn việc bảo vệ  những người tham gia phòng chống tham nhũng.  Thực tế cho thấy, vừa qua còn ở nơi này, nơi khác, những người tham gia phòng chống tham nhũng còn chưa được bảo vệ đúng mức. Họ gặp nhiều sức ép, bị gây khó khăn trong cuộc sống, công việc. Đôi khi gặp cả đe dọa về tính mạng của bản thân và gia đình. Trong đơn tố cáo gửi đến báo Tiền Phong trong thời gian qua, nhiều rất nhiều đơn người tố cáo không dám nêu rõ họ tên, địa chỉ thật của mình.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 2
Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn
Với mong muốn góp thêm tiếng nói vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhân sự kiện lần đầu tiên 10 cá nhân có thành tích về phòng, chống tham nhũng được tôn vinh, báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa những người tham gia phòng chống tham nhũng, những lãnh đạo các cơ quan chuyên trách về việc phòng chống tham nhũng với bạn đọc của báo Tiền phong trên cả nước.

Đó là những sĩ quan quân đội nghỉ hưu tuổi đã cao, có người mắt đã mờ nhưng vẫn tham gia phòng chống tham nhũng như các bác Nguyễn Văn Vượng, Hoàng Cường.

Đó là nhà giáo về hưu Lê Hiền Đức, người đã tố cáo những vụ việc tham nhũng bất chấp những những kẻ bị tố cáo tham nhũng đã có những hành động đe dọa trả thù như gửi vòng hoa tang đến nhà riêng…

Đó là ông Lê Thiên Long, cán bộ Ban Kiểm soát, TCty Vật tư Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, người đã đứng lên tố cáo vị Tổng giám đốc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp thời đó về những sai phạm trong quản lí sản xuất, kinh doanh và tham nhũng.

Đó là bốn chiến sĩ Đại đội 3, Trung đoàn CSCĐ, Công an TP Hà Nội (Phạm Văn Trúc, Nguyễn Ngọc Phương, Trương Thành Đức, Nguyễn Vương Vũ), những người đã từ chối khoản tiền hối lộ lên tới 120.000 USD.

Đó là các ông Ngô Đức Hòa, Hoàng Thái Dương - những cán bộ của các cơ quan được Đảng, Nhà nước phân công chuyên trách công tác phòng chống tham nhũng.

Rất mong cuộc trao đổi và giao lưu của chúng ta sẽ góp thêm tiếng nói để làm tốt hơn việc bảo vệ người chống tham nhũng, tức là cũng làm tốt hơn việc thực hiện nhiệm quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang dành nhiều tâm sức là phòng chống "quốc nạn" tham nhũng. 

Câu hỏi chung cho các cá nhân được vinh danh về thành tích phòng, chống tham nhũng : Các vị có cảm thấy đơn độc khi tham gia phòng, chống tham nhũng không ?

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 3
Ông Nguyễn Văn Vượng, nguyên sỹ quan quân đội, Hà Nội
Ông Nguyễn Văn Vượng, nguyên sỹ quan Quân đội, Hà Nội:

Tôi đã có hơn 8 năm đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tôi đã tranh thủ được sự ủng hộ nhân dân, Chi bộ, Quận ủy, Bí thư Thành ủy, Trung ương Hội Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội.

Tại cuộc họp cựu chiến binh VN thành phố Hà Nội năm 2007, 2008, đồng chí Phó chủ tịch Cựu chiến binh đã từng phát biểu trên báo Cựu chiến binh là: "Tất cả cán bộ và hội viên  Hội cựu chiến binh toàn thành phố Hà Nội  đồng tình ủng hộ và đánh giá cao tinh thần đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng của hai hội viên Hội viên Hội cựu chiến binh Nguyễn Văn Vượng và Hoàng Cường."

Với câu hỏi chúng tôi có đơn độc không, tôi xin trả lời ngay là chúng tôi không đơn độc vì có cả một hậu phương vững chắc ủng hộ.

Ông Hoàng Cường, nguyên sỹ quan quân đội, Hà Nội: Về việc chúng tôi có đơn độc hay không, anh Vượng đã nói rồi. Tôi muốn nói thêm hai điều. Thứ nhất, dù bọn tiêu cực có tìm đủ mọi cách để gây rối cho gia đình tôi cũng như gây khó khăn trong việc được đề bạt của con cái chúng tôi, nhưng chúng ta phải đấu tranh đến cùng và bảo vệ được mình. Tôi đã được Công an, chính quyền bảo vệ, nhưng nếu sự việc mình làm đúng đắn, hợp với lòng dân, được dân đồng tình ủng hộ thì đó là bảo vệ vững chắc nhất.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 4
Ông Hoàng Cường, nguyên sỹ quan quân đội, Hà Nội

Bên cạnh chống tham nhũng, trong cuộc tọa đàm với Hội cựu chiến binh thành phố, câu chuyện còn dài, nhưng tựu chung, chúng tôi có hai tâm niệm: bản thân tuổi đã cao, sức khỏe ngày một yếu đi,  nhưng là anh lính Cụ Hồ, chúng tôi muốn trong thời gian còn lại của đời mình góp được gì cho xã hội thì cố gắng hết sức,kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng đến cùng.

Điều thứ hai chúng tôi băn khoăn nhất là bản thân chúng tôi dù được sự ủng hộ của Quận ủy, Thành ủy, thậm chí được Quốc hội biết đến và  ủng hộ, mà cuộc tranh còn kéo dài như vậy, nên chúng tôi trăn trở là làm sao để những người dân bình thường nhất có thể đấu tranh đấu tham nhũng một cách hiệu quả.

Ông Lê Thiên Long, cán bộ Ban kiểm soát, TCty Vật tư Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT:

Theo tôi, muốn bảo vệ Người chống tham nhũng thì trước hết chính những người chống tham nhũng phải tự bảo vệ mình. Muốn vậy, người chống tham nhũng phải tố cáo một cách khách quan, đúng sự thật, chính xác để kẻ tham nhũng không thể tìm ra được kẽ hở để lợi dụng.

- Bên cạnh đó, người chống tham nhũng cũng phải bảo vệ những người giúp đỡ mình.

- Biết giữ gìn tài liệu của mình tới cùng, tới đoạn nào cần cung cấp thì mới cung cấp, tránh bị xóa mất tang chứng, dấu vết.

- Kết hợp đấu tranh pháp lý và mở rộng tuyên truyền - báo chí, dư luận, xã hội. Tuyên truyền tốt cũng là một biện pháp để bảo vệ cho mình. Chính người dân, quần chúng sẽ là người giúp mình.

- Người chống tham nhũng và gia đình phải luôn cảnh giác trước những hình thức đe dọa, moi tin, khiến mình ức chế.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 5
Ông Lê Thiên Long, cán bộ Ban kiểm soát, TCty Vật tư Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT

* Vai trò của cơ quan chủ quản: 

Kẻ tham nhũng là những người có chức, có quyền, có tiền và có "ô" , nên chống họ rất khó. Vì vậy, đề nghị cấp chủ quản cần có biện pháp ngay khi nhận được thông tin tố cáo để đảm bảo tiêu cực được ngăn chặn ngay , và người chống tiêu cực được bảo vệ, đồng thời bảo vệ được những tài liệu quan trọng; Phải thành lập được những đoàn thanh tra, kiểm tra có đủ Tâm và Tầm để kiểm tra một cách công khai, khách quan,  dân chủ và chính xác. Khi kết luận cũng cần công khai .

* Thông tin đại chúng: đây là phương thức quan trọng nhưng cũng phải phải thật khách quan, đúng đắn, tránh gây hoang mang cho quần chúng. Người đấu tranh phòng chống tham nhũng phải cung cấp thông tin đúng và cơ quan thông tin đại chúng cũng phải thông tin thật chính xác.

* Pháp luật: Cách làm của chính phủ có đổi mới nhiều, nhưng chủ yếu mới chỉ ở cấp cao, còn ở cấp trung gian thì nhiều nơi vẫn còn cần xem xét, cấp trung gian là cấp sát quần chúng nhưng vẫn còn biểu hiện "trì trệ"...

Đề nghị:

- Các cơ quan bảo vệ pháp luật sử dụng những luật hiện hành một cách trực tiếp và hiệu quả nhất để bảo vệ người đấu tranh phòng chống tham nhũng, những gì sẵn có nên áp dụng ngay. Còn thiếu thì tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.

- Các cơ quan chức năng vào cuộc ngay khi phát hiện và kết hợp cùng người tố cáo một cách chặt chẽ để người tố cáo được bảo vệ và công việc tiến triển nhanh.

- Làm tốt hơn công tác biểu dương, khen thưởng. Hiện đã có quy định, nhưng những trường hợp đấu tranh nội bộ trong cơ quan, đơn vị với những người có vị trí lãnh đạo thì ai sẽ đứng ra khen thưởng?

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 6
Trung úy Nguyễn Ngọc Phương
Các chiến sĩ Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ, Công an Thành phố Hà Nội:

Đại úy Phạm Văn Chúc (Tổ trưởng), Trung úy Nguyễn Ngọc Phương, Thượng sĩ Trương Thành Đức, Thượng sĩ Nguyễn Vương Vũ: Chúng tôi đang là lực lượng chiến đấu trực tiếp, chống tội phạm. Chúng tôi được đào tạo cơ bản và  các cấp lãnh đạo thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về phẩm chất đạo đức cũng như phải luôn có bản lĩnh vững vàng trước mọi cám dỗ trước những hành vi hối lộ của những đối tượng vi phạm. Và quan trọng nhất là mỗi chiến sĩ như chúng tôi, đều phải biết tự vượt qua sự cám dỗ đối với chính bản thân mình.  

Bà Lê Hiền Đức: Đầu tiên, tôi cho rằng chủ đề “Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng”này rất thích hợp. Ngày 31/10/08, tôi được dự hội thảo “Bảo vệ cho những người khơi ra những vụ tham nhũng'  tầm nhìn Á- Âu” ở Athen-  Hy Lạp của tổ chức Minh bạch thế giới.

Người chống tiêu cực có đơn độc không ? Theo tôi, về hình thức thì dường như là đơn độc. Hiện tại không ai dám cùng tôi ký những kiến nghị, công văn gửi đến các cấp. Đấy là đơn độc về hình thức nhưng đằng sau thì nhiều người dám cung cấp cho mình những chứng cớ, những tài liệu.

Hàng ngày, liên tục điện thoại, tin nhắn, email của  nhân dân gửi đến cho tôi. Người dân đến nhờ tôi kêu cứu nhờ tôi lên tiếng. Đôi khi tôi hơi buồn, nhưng tôi có niềm tin, bởi vì các cấp lãnh đạo rất lắng nghe khi tôi gửi lên các kiến nghị.

Các ông Phạm Quang Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội), Trương Vĩnh Trọng (Phó Thủ tướng),  Nguyễn Thiện Nhân (Phó Thủ tướng), Lê Tiến Hào (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ), … nghe điện thoại của tôi đã bố trí tiếp tôi ngay, lắng nghe tôi trình bày và sau đó chỉ đạo cấp dưới.

Điều tôi buồn nhất là hiện nay, một số cấp trung gian, cụ thể là có một số cán bộ cấp quận, huyện, sở có sự đùn đẩy, bao che, thậm chí có trường hợp tìm cách “chạy tội” cho người có tội (có những vụ tôi theo đuổi đến nay đã hơn 3 năm, kẻ có tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật)…

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 7
Bà Lê Hiền Đức

Một tuần rồi tôi gọi cho anh Lê Tiến Hào anh Hào bảo tôi gọi cho thanh tra Hà Nội. Nhưng tôi chưa hẹn được với ở đó... 

Tóm tắt lại: các cấp trên thì rất nghiêm túc, lắng nghe và chỉ đạo nhưng một số cấp trung gian thì tôi cho rằng đôi khi lại là “vật cản” trong việc chống tham nhũng của tôi và của những người khác.

Hiện nay, tôi gửi tới thanh tra Chính Phủ 314 vụ rồi. Nay dân lại gửi tới tôi cả trăm vụ nữa, có vụ không lớn lắm về tiền nhưng kẻ có tội đã ngang nhiên tuyên bố “Ai thích kiện tôi thì tôi chỉ đường cho đi mà kiện. Đằng sau tôi có một hậu phương rất vững chắc” (Điều này có trong hồ sơ vụ việc).

Tôi bắt đầu điều tra xem cái “hậu phương vững chắc” của kẻ có tội này nằm trong ê kíp nào.

Nguyên tắc của tôi là nói có sách mách có chứng. Tôi sẽ làm đến cùng, còn sống ngày nào tôi còn làm việc. Tôi sẽ cùng bên thanh tra tìm ra kẻ đằng sau người tuyên bố là có hậu phương vững chắc đó.

Đôi khi tôi buồn mặc dù nhân dân ủng hộ tôi. Có khi sáng sớm 5h đã có người gọi nhờ tôi giúp, 12h đêm còn gọi điện.  Dân khổ nhưng người ta dựa vào đâu? Tôi vẫn sẵn sang bỏ ăn bỏ ngủ vì người dân còn đang bức xúc trước tiêu cực, tham nhũng.

Theo tôi, đằng sau những vụ tham nhũng có những ekip hẳn hoi. Điều này rất khó nhưng tôi sẽ làm khi những kẻ có tội vẫn ngoài vòng pháp luật.

Ngoài đặt vòng hoa, người ta còn đe dọa tôi, “nếu không dừng lại vụ này thì xe tông”, “ sẽ bị đập chết như một con chuột”….

Việc này tôi đã báo cáo với các cơ quan chức năng, từ 2 năm nay rồi nhưng kẻ có tội vẫn luôn rình rập tôi.

Đấu tranh chống tham nhũng - cuộc chiến của tôi đầy cam go nhưng tôi không chùn bước.

Theo tôi, cần có một đường dây nóng và có một hành lang pháp lý, có Luật để bảo vệ người chống tham nhũng. Tôi  nay đã 79 tuổi rồi thì ra đi lúc nào cũng được, còn nhiều người cộng sự với tôi họ còn có gia đình. Nhưng gần như bây giờ họ rút lui vào bí mật vì họ sợ bị trả thù. Họ muốn gọi điện cho tôi thì phải gọi nhiều số vì sợ bị trả thù. Người ta còn cuộc sống, miếng cơm manh áo, gia đình nên người ta lo lắm. Có Luật để bảo vệ người chống tham nhũng thì người ta mới dám dấn thân vào cuộc chống tham nhũng.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 8
Ông Ngô Đức Hòa - Vụ trưởng, phụ trách Vụ Thông tin tuyên truyền, BCĐ Phòng, chống tham nhũng T.Ư
Ông Ngô Đức Hòa - Phó Vụ trưởng, phụ trách Vụ Thông tin tuyên truyền, BCĐ Phòng, chống tham nhũng T.Ư : Người tố cáo tham nhũng không đơn độc !

Những người tố cáo tham nhũng đúng phải được hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng; người tố cáo sai, nhất là những người lợi dụng việc tố cáo vì mưu đồ cá nhân, phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Qua theo dõi việc xử lý các vụ việc tham nhũng trong thời gian qua, chúng tôi thấy, đây là vấn đề vừa cơ bản lâu dài, vừa cấp bách trước mắt, được các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở chỉ đạo, tổ chức thực hiện với một số giải pháp phù hợp có tính khả thi.

Kết quả công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, trong đó có việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng, là kết quả tổng hợp, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu; phát huy vai trò giám sát của đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của báo chí công luận và dư luận; của ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng chống tham nhũng.

Như vậy, người tố cáo tham nhũng không đơn độc.

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Luật Phòng chống tham nhũng quy định 12 hành vi tham nhũng, Luật cũng quy định các nguyên tắc xử lý tham nhũng.

Trong đó có 4 nguyên tắc chúng ta cần chú ý đó là: Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải xử lý về hành vi tham nhũng do mình thực hiện.

Từ việc xác định tính chất nguy hại của tham nhũng và những nguyên tắc xử lý tham nhũng nghiêm minh, triệt để như trên làm cho đối tượng tham nhũng tìm mọi cách che giấu, trốn tránh pháp luật, khi bị phát hiện thì cũng tìm mọi cách mua chuộc, lôi kéo, đe dọa trả thù và có thể thực hiện trả thù đối với người chống tham nhũng.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 9
Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ
Như vậy chống tham nhũng có thể ví như chống giặc “nội xâm”, người đánh giặc phải được bảo vệ thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới giành thắng lợi.

Với chủ đề “Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng?”, trong buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, tôi có một số ý kiến như sau: Trước hết tất cả chúng ta cần thống nhất rằng hành vi tham nhũng phải được phát hiện và xử lý theo pháp luật, mọi người đều phải có trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và trách nhiệm trong bảo vệ người chống tham nhũng. Tôi muốn nhấn mạnh tới vấn đề nhận thức, vai trò của xã hội thừa nhận và sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của dư luận.

Có được sự đồng thuận, ủng hộ thì mỗi tổ chức, cá nhân sẽ có cách riêng để thực hiện hoặc thể hiện việc bảo vệ người chống tham nhũng. Hệ thống pháp luật phải hoàn thiện hơn, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực thi nhiệm vụ nghiêm minh.  Người đấu tranh chống tham nhũng phải biết tự bảo vệ mình. Chống tham nhũng phải có phương pháp tốt, đúng pháp luật, cương quyết nhưng khôn khéo.

Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa X về tăng cường sự chỉ đạo của Nhà nước về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã ban hành một số chủ trương, giải pháp trong đó có chủ trương giải pháp bảo vệ, biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng. Các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng: Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 điều 57 và 100; Nghị định 136/2006/NĐ-CP điều 38 khoản 3; Nghị định 120/2006/NĐ-CP mục 2 quy định bảo vệ khen thưởng người tố cáo tham nhũng.

Hiện Chính phủ sắp ban hành (có thể trong tháng 4/2009) Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng. Trong phần giải pháp cũng đã đưa ra nội dung phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế khen thưởng, bảo vệ người chống tham nhũng.

Việt Nam cũng đang xem xét để phê chuẩn Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. Theo đó tại điều 32 quy định việc bảo vệ nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân. Điều 33 quy định bảo vệ người tố giác. Việc bảo vệ nhân chứng, chuyên gia, người ta đưa ra rất nhiều giải pháp: bảo vệ nhân thân, bảo vệ người chống tham nhũng. Trong nhiều trường hợp thậm chí có thể đưa người chống tham nhũng sang nước khác để được bảo vệ.

Cháu chào bác Long, cháu rất khâm phục hành động dũng cảm của bác. Bác cho cháu hỏi một câu đó là trong quá trình đấu tranh, có khi nào những kẻ tham nhũng dùng tiền để mua chuộc bác không nói ra sự thật không ạ? Và bác đã làm gì trước những hành động đó?(Cháu Mạnh Hùng, 23 tuổi, Thái Thịnh, Hà Nội.)

Những kẻ tham nhũng đã từng đưa tiền. Đó là vào một ngày đầu tháng Giêng năm 2007, Tổng Giám đốc đã từng đưa một phong bì to và dày, nói là: Chú cầm lấy để mua cổ phần vì cổ phần sẽ lên tới 4-5 lần đấy. Tôi đã lập tức đứng dậy cảm ơn và ra khỏi phòng Tổng Giám đốc.

Thưa ông Hòa, trong những năm vừa qua tôi có nghe việc người dân đi kiện, tố cáo việc tham nhũng ở địa phương đã vượt cấp (bỏ qua cấp cơ sở) trong khi thực tế thì họ đã hàng chục lần gửi đơn lên các cấp cơ sở nhưng không được cấp cơ sở "ngó" vào. Tại sao chúng ta không thành lập một ban hoặc, vụ để nghiên cứu xem xét xem các cấp cơ sở đã thực hiện đúng chức năng của mình chưa để đề ra phương án xử lý mà cứ "đá bóng" cho người dân phải "đi từ cơ sở" để họ phải chán cái việc gửi đơn vào đó cũng như không...(Nguyễn Huy Hoàng, 25 tuổi, Hà Tĩnh)

Ông Ngô Đức Hòa: Việc có một đơn vị cơ sở nào đó cấp chính quyền chưa vào cuộc xử lý tố cáo tham nhũng có cần một ban hay một vụ chuyên trách để nghiên cứu xem xét việc này? Hiện nay, đã có ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và người đứng đầu các cấp trên cơ sở chịu trách nhiệm xử lý.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 10
Bà Lê Hiền Đức
Hỏi bà Lê Hiền Đức: Vì bà chống tham nhũng mà con cháu bà đã không thể chung sống cùng bà, bà cảm thấy thế nào?(Hoài Thu, 37 tuổi tuổi, Hoàng Mai - Hà Nội)

Bà Lê Hiền Đức: Tôi tình nguyện sống một mình để làm việc khỏi ảnh hưởng đến cuộc sống của con cháu tôi. Tôi vẫn vui vì con cháu tôi vẫn luôn chăm sóc tôi bằng nhiều hình thức khác.

Tôi thấy nhiều vụ việc tham nhũng quá rõ ràng mới bị xử lý,  nhiều vụ việc bị bưng bít, tôi muốn biết ý kiến của ông Ngô Đức Hòa về vấn đề này? (Nguyen Quang Tuan, 35 tuổi, Thi tran Ky Son, huyen Ky Son, Hoa Binh)

Ông Ngô Đức Hòa: Hiện nay, chúng ta đang tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng đã rõ ràng. Theo chúng tôi, chỉ có vụ việc đã được xử lý, đang được xử lý và sẽ được xử lý. Đối với các vụ việc mà chúng tôi tiếp nhận xử lý, không có vụ việc nào bị bưng bít.

Cháu chào bác Long, cháu rất khâm phục hành động dũng cảm của bác. Cháu rất tò mò rằng không biết trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực, bác đã gặp những khó khăn, nguy hiểm như thế nào ạ?(Thành Lương, 24 tuổi, Cao Bằng).

Ông Lê Thiên Long: Đã làm là phải có khó khăn. Tổng Giám đốc và cả bộ máy của ông ta đã cô lập cách ly bản thân tôi, cho miễn nhiệm một số nhiệm vụ mà cá nhân đang đảm nhiệm, thậm chí ra nghị quyết của Đảng ủy quy tội là "kiện cáo vượt cấp", cho rằng là làm cả trở quá trình Cổ phần hóa của Cty; Bắt phải kiểm điểm, phải cung cấp tài liệu; Thậm chí hạ lương và gây sức ép, tìm cách đưa ra khỏi Ban kiểm soát; Dùng tay chân viết rất nhiều đơn thư, gửi tới nhiều cấp để bôi nhọ người tố cáo: rượu chè bê tha, mạt sáp cấp trên, bỏ bê vợ ốm, không chăm để con hư; Tung tin người tố cáo đã bị bắt do vu khống lãnh đạo... Nhưng vững lòng nên quyết tâm phải làm đến cùng!

Cháu chào bác Long, cháu muốn hỏi bác một câu, đó là tốn khá nhiều chi phí để thu hồi lại được hàng trăm tỉ đồng cho nhà nước như vậy... có tổ chức hay cá nhân nào tỏ ý giúp đỡ bác không ạ?(Thanh Xuân, 23 tuổi, Hà Nội)

Ông Lê Thiên Long: Việc phải chi phí để tiến hành chống tiêu cực là khá tốn kém, như tiền trang bị máy in, máy chụp ảnh, máy ghi âm, tiền gửi tài liệu, tiền gửi chuyển fax nhanh, tiền vật liệu khác (giấy, mực...). Một phần cá nhân phải bỏ ra, nhưng phần lớn là do được những người ủng hộ mình giúp đỡ chứ không được một tổ chức nào giúp đỡ.

Ông có thấy điểm gì bất hợp lý tại điều 64, 65 của Luật Phòng, chống tham nhũng khi nói về việc tố cáo và xử lý tố cáo khi quy định tố cáo là trách nhiệm của mỗi công dân trong khi đó gán thêm cho họ cả nghĩa vụ TỐ ĐÚNG, TỐ TRÚNG nếu không sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật (xử lý thế nào chắc chắn đã có chế tài), gán cả trách nhiệm và nghĩa vụ đối với chủ thể chuẩn bị thực hiện việc tìm ra hành vi tham nhũng – hành vi có độ ẩn lên tới hơn 80%, cao nhất trong các loại tội phạm hình sự. (Vũ Thanh, 30 tuổi, Đội Cấn - Hà Nội)

Ông Ngô Đức Hòa: Theo tôi, không có điểm gì bất hợp lý tại điều 64, 65 của Luật Phòng, chống tham nhũng khi quy định việc tố cáo hành vi tham nhũng gắn với trách nhiệm của người tố cáo tham nhũng.

Kính chào ông Dương – Cục phó cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ; rất vui vì ông có mặt tại buổi đối thoại trực tuyến này. Tôi có một số câu hỏi vừa mang tính trao đổi với ông như sau:(Vũ Thanh, 30 tuổi, Đội Cấn - Hà Nội)

1. Ông có thấy điểm gì bất hợp lý tại điều 64. 65 của Luật chống tham nhũng khi nói về việc tố cáo và xử lý tố cáo khi quy định tố cáo là trách nhiệm của mỗi công dân trong khi đó gán thêm cho họ cả nghĩa vụ TỐ ĐÚNG, TỐ TRÚNG nếu không sẽ bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật (xử lý thế nào chắc chắn đã có chế tài), gắn cả trách nhiệm và nghĩa vụ đối với chủ thể chuẩn bị thực hiện việc tìm ra hành vi tham nhũng – hành vi có độ ẩn lên tới hơn 80%, cao nhất trong các loại tội phạm hình sự?

Các cơ quan nhà nước chỉ có trách nhiệm nhận và xử lý đơn tố cáo của người dân trong khi đó lại chẳng có một chế tài cụ thể nào về việc xử lý việc không giải quyết và giải quyết chậm của các cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước. Vô hình trung ngay chính trong đạo luật gốc về PCTN đã tạo ra sự thiệt thòi cho người đi tố cáo khi gán cho họ một trách nhiệm, một nhiệm vụ thực sự không công bằng khi đứng trước ranh giới mà chính họ cũng ngại bước qua: NÊN hay KHÔNG NÊN, kiểu gì cũng THIỆT. Từ đó dẫn tới việc tặc lưỡi, bỏ qua tạo ra một thói quen xấu là ngại tố cáo.

Ông Hoàng Thái Dương:  Xin cảm ơn bạn đã có câu hỏi đối với tôi. Vấn đề bạn hỏi tôi xin có ý kiến như sau: Thứ nhất, Luật quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của người tố cáo là thể hiện tính nghiêm minh đối với việc tố cáo. Để đảm bảo cho việc tố cáo đúng, không lợi dụng quyền tố cáo để thực hiện các hành vi cá nhân khác, luật quy định như vậy không có nghĩa là buộc người tố cáo phải đi điều tra như một chiến sĩ công an hoặc như một cán bộ thanh tra mà người tố cáo phải biết đích thực những bằng chứng cụ thể, biết đến đâu thì tố cáo đến đó, không tố cáo sai sự thật gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và làm phức tạp tình hình.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 11
Các chiến sĩ Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ, Công an Thành phố Hà Nội

Hỏi các anh CSCĐ: Các anh có thể kể lại vụ việc đối tượng đã hối lộ 120 ngàn USD chi tiết hơn không? Tôi chỉ được đọc thông tin này qua một mẩu tin nhỏ trên báo chí (Nguyễn Quang Chánh, 53 tuổi, Tổ 51, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, HN)

Các chiến sĩ Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ, Công an Thành phố Hà Nội: Vào khoảng 3h sáng ngày 30/09/2008, trời mưa phùn và rất lạnh. Chúng tôi đang làm nhiệm vụ tại khu vực cầu dẫn Thanh Trì thì phát hiện có hai thanh niên đi trên chiếc xe Win mang biển kiểm soát 98F3 - 3588 đi hướng từ Bắc Giang về Hà Nội. Phát hiện trên tay người ngồi sau mang theo một thanh kiếm dài khoảng 70cm và một ba lô có nhiều biểu hiện nghi vấn, các đồng chí Ngọc Phương và Thành Đức đã đuổi theo, vượt lên trước và áp sát đối tượng.

Hai đồng chí Văn Chúc, Vương Vũ đi xe sau "khóa đuôi" và yêu cầu đối tượng dừng xe để kiểm tra. Đối tượng ngồi sau đã bất ngờ rút kiếm định chống trả thì bị đồng chí Ngọc Phương nhanh chóng khống chế, tóm tay và tước kiếm. Lúc này đồng chí Thành Đức tóm được ba lô của đối tượng. Thấy sự nguy hiểm của hai đối tượng này, nên chúng tôi đã lập tức khóa tay đối tượng và kiểm tra ba lô. Phát hiện trong ba lô có một quả lựu đạn mỏ vịt, một bình xịt hơi cay và rất nhiều ngoại tệ. Tổ công tác ngay lập tức đã đưa đối tượng về trụ sở Đội CSĐT An toàn XH, công an quận Long Biên.

Trên đường đi, hai đối tượng này đã đề nghị chúng tôi dừng lại và nói: "Trong này có rất nhiều tiền đô, hơn 2 tỷ, chúng em biếu các anh hết, và cả chiếc xe máy nữa". Đối tượng tên Tiến rút trong túi quần thêm một xấp tiền mệnh giá 500 ngàn (50 triệu đồng) đưa cho đồng chí Ngọc Phương và xin được tha. Chúng tôi kiên quyết không nhận và lập biên bản về hành vi hối lộ, đưa đối tượng về trụ sở. Sau đó về đến trụ sở, chúng tôi cùng với các điều tra viên trực hôm đó mới kiểm tra và biết số tiền trong đó là 120 ngàn USD.

Hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra về Phòng chống ma túy đang tiếp tục điều tra và bước đầu các đối tượng đã khai nhận chúng nằm trong đường dây ma túy lớn.

Bản thân tôi là một người dân muốn tố cáo tham nhũng thì thực sự tôi biết rằng những việc mình nhìn thấy đoán chắc là tham nhũng nhưng không có bằng chứng cụ thể – mà thực ra vụ việc này rất nhiều trong khi đó chính quyền địa phương lại không xử lý. (Vũ Thanh, 30 tuổi, Đội Cấn - Hà Nội)

Ông Ngô Đức Hòa, Vụ trưởng vụ Thông tin tuyên truyền, BCĐ Phòng, chống tham nhũng T.Ư : Theo tôi, việc tố cáo tham nhũng phải có chứng cứ cụ thể. Cấp trên khó có thể đôn đốc cấp dưới xử lý tố cáo tham nhũng mà thiếu bằng chứng hoặc không có bằng chứng.

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Khi tố cáo một hành vi tham nhũng thì không thể dùng từ “đoán chắc” mà phải biết rõ việc đó thì mới nên tố cáo. Có như vậy mới giúp cho cơ quan chức năng thẩm tra xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, những băn khoăn, những suy nghĩ, những phỏng đoán của bạn cũng có thể cung cấp như một thông tin để các cơ quan tổng hợp, nghiên cứu.

Công việc cụ thể của chú Long trong ban kiểm soát là gì? Chú có thể kể cho mọi người nghe một kỷ niệm đáng nhớ trong số những công việc chống tham nhũng của chú được không?(Hoàng Anh Tú, 25 tuổi, Đà Nẵng)

Theo đúng quy định của Pháp luật thì Ban kiểm soát có quyền kiểm soát mọi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kể cả nhữnh hành vi của Tổng Giám đốc. Nhưng trên thực tế, tại Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, việc kiểm sóat chỉ được tiến hành tại các cơ sở trực thuộc, còn phần quan trọng nhất - đó là hoạt động của Văn phòng Tổng Cty - thì lại là "vùng cấm địa" đối với Ban kiểm soát. Do đó, những tiêu cực không thể phát hiện được kịp thời.

Còn kỷ niệm đáng nhớ nhất là việc xâm nhập thành công vào mạng LAN tại văn phòng Tổng Cty để lấy được rất nhiều tài liệu, nhờ đó mới có căn cứ để phát hiện tiêu cực.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 12
Bác Lê Hiền Đức
Chào bác Hiền Đức, cháu có một câu hỏi: Tại sao sau những khủng bố, dọa dẫm, bác vẫn quyết tâm chống tham nhũng? Có khi nào bác nản lòng?(Ngọc Hà, 35 tuổi, Hà Nội)

Bà Lê Hiền Đức: Mặc dù bị kẻ xấu tìm nhiều cách đe dọa nhưng vì việc chống tham nhũng là điều đem lại lẽ phải và quyền lợi hợp pháp cho người dân thì bác không sợ.

Chưa một lúc nào bác muốn dừng lại khi mọi việc chưa được kết thúc. Bởi lẽ, kẻ phạm  tội có rất nhiều mánh khóe để có thể chạy tội. Vì vậy, bác luôn phải suy nghĩ để  tìm mọi phương án đấu tranh.

Thí dụ: Một vụ việc tuy số tiền tham nhũng không lớn lắm (kẻ có tội đã phải nhả ra ), nhưng theo bác vụ này không đơn giản chỉ là tham nhũng tiền mà theo bác gọi là một tội ác. Bởi lẽ đây là một viên hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ của một trường tiểu học đã chỉ đạo ăn bớt tiền ăn của hơn 500 cháu học sinh trong suốt 2 năm học. Những người dưới quyền của viên hiệu trưởng này không muốn làm điều bất nhân ấy, nhưng viên hiệu trưởng đe dọa những người cấp dưới là: “Ai thích đi kiện tôi thì tôi chỉ đường cho mà đi kiện, đằng sau tôi có một hậu phương rất vững chắc”.

Cụ thể là sự việc đã diễn ra từ cách đây 3 năm nhưng viên hiệu trưởng này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vẫn là một đảng viên. Vì vậy, tôi còn phải suy nghĩ để tìm ra hậu phương của kẻ ấy là ai, hậu phương đó chính là ê kip của kẻ có tội này.

Tôi sẽ làm đến cùng để kẻ có tội này phải thấy rõ được tội ác của mình  và theo tôi phải cho ra khỏi ngành giáo dục để cho nghề trồng người được trong sạch và kẻ này cũng không thể là một đảng viên của Đảng chân chính được.

Vì vậy, kẻ có tội này phải đuổi ra khỏi Đảng để giữ vững niềm tin của dân đối với Đảng.

Chống lại Tổng giám đốc tại chính nơi mình làm việc, chú Long đã làm một việc "ngược" với nhiều người. Có khi nào chú băn khoăn, lo sợ bị trù dập, đuổi việc hay trả thù không?(Lê Xuân Tuấn, 26 tuổi, Từ Liêm - Hà Nội)

Ông Lê Thiên Long: Chống lại chính những sai trái của lãnh đạo trực tiếp tại đơn vị thì thực sự là nguy hiểm vì nó liên quan trực tiếp đến vận mệnh chính trị, đến công ăn việc làm và thu nhập... Nhưng do xác định rõ mục đích của việc chống tham nhũng và cũng lường cả đến phương án xấu nhất là thất bại, bị đuổi việc nên đã quyết tâm làm đến cùng.

Tham nhũng thì có tới 90% là cán bộ công chức nhà nước ở các cấp và các lĩnh vực. Vậy nhà nước chống tham nhũng bằng hành động hay bằng tuyên truyền? (cuong, 43 tuổi, hà nội)

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Câu hỏi của bạn có lẽ bạn nên tìm hiểu cụ thể các quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng đã được Quốc hội ban hành, trong đó đã quy định rất rõ hành vi tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ quyền hạn. Đương nhiên họ phải là cán bộ công chức nhà nước chứ không phải là 90% như bạn nghĩ. Thứ hai, luật quy định cụ thể các giải pháp phòng ngừa phát hiện và xử lý tham nhũng chứ không chỉ là tuyên truyền. Xin cảm ơn bạn.

Thưa ông Long, từ sau vụ ông Tổng Giám đốc, ông đã có thêm một vụ chống tham nhũng nào khác chưa? (Nguyễn Mạnh Dũng, 30 tuổi, Đồng Nai).

Ông Lê Thiên Long: Giới hạn trong một đơn vị nhỏ nên không có nhiều tiêu cực đến mức độ phải làm liên tục. Với người lãnh đạo mới, phải có thời gian kiểm chứng thì mới biết được có tiêu cực hay không, vì thế nên chưa phải làm thêm một vụ nào nữa.

Xin hỏi bác Hiền Đức, làm thế nào, ở tuổi 80 bác vẫn học được tiếng Anh và lướt web? Bác có bí quyết nào, có thể chia sẻ với cháu được không?(Đức Nam, 19 tuổi, Hà Nội)

Bà Lê Hiền Đức:

Say mê là bí quyết của thành công cháu ạ. Công việc chống tham nhũng rất cần sử dụng máy vi tính, và giao dịch với thế giới rất cần tiếng Anh.

Khi sang Berlin nhận giải thưởng liêm chính của Tổ chức Minh bạch thế giới năm 2007, mặc dù có người phiên dịch nhưng tôi vẫn rất cần phải có tiếng Anh thì mới có thể giao tiếp thuận lợi.

Ngoài ra, khi đến Paris, Varsava, … nếu không biết tí ngoại ngữ nào thì rất buồn nên tôi thấy còn càng cần phải học thêm nữa. Trong dịp đến dự hội thảo chống tham nhũng toàn cầu ở Athen - Hy Lạp, cũng rất cần đến tiếng Anh.  Nhu cầu thi lớn như thế mà vốn tiếng Anh của tôi có ít nên hàng ngày tôi vẫn học. Còn bí quyết thì chỉ cần say mê và phương pháp đúng. Về các điểm này thì lớp trẻ giỏi hơn tôi nhiều.

120.000 USD là một khoản tiền rất lớn. Liệu có phải vì khoản tiền lớn ấy mà các anh "không dám nhận"? Còn các khoản "nhỏ nhỏ" thì sao?(Xuân Cường, 30 tuổi, TPHCM)

Các chiến sĩ Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ: Chào anh Cường, cảm ơn anh vì câu hỏi rất thú vị này.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi bị mua chuộc và đối tượng phạm pháp có ý định hối lộ. Công việc hàng ngày của chúng tôi là giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội, từ những người vi phạm việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đến những đối tượng tội phạm hình sự như các bạn vừa nghe kể ở trên.

Chúng tôi không bao giờ nghĩ mình vì bất cứ lý do gì mà quên đi trách nhiệm giữ gìn an toàn xã hội và để mất niềm tin của nhân dân. Hơn nữa, chúng tôi đang thực hiện Đề án 1323 về Chống tiêu cực & Nhận hối lộ và "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn ngành Công an.

Tham nhũng thì có tới 90% là cán bộ công chức nhà nước ở các cấp và các lĩnh vực. Vậy nhà nước chống tham nhũng bằng hành động hay bằng tuyên truyền? (cuong, 43 tuổi, hà nội)

Ông Ngô Đức Hòa: Đảng và Nhà nước ta đề ra 10 giải pháp về phòng chống tham nhũng:

(1) Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, nhân dân về phòng chống tham nhũng.

(2) Nâng cao tính tiền phong gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên, tăng cười vai trò của chi bộ trong quản lý giáo dục đảng viên.

(3) Tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ, phục vụ công tác phòng chống tham nhũng.

(4) Bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động cơ quan tổ chức đơn vị.

(5) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý kinh tế xã hội.

(6) Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng.

(7) Thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng.

(8) Xây dựng cơ quan đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

(9) Tăng cường giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử.

(10) Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 13
Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ
Hằng năm nhà nước ta có tổ chức những hội nghị biểu dương khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc với những danh hiệu và phần thưởng xứng đáng. Tại sao những người tích cực chống tham nhũng lâu nay không được như thế? (Hoàng Hà, 45 tuổi, Nha Trang).

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Xin cảm ơn bạn về câu hỏi vừa rồi. Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng mới tổ chức được một hội nghị vinh danh những người đấu tranh chống tham nhũng ngày 18/3/2009 vừa qua. Đang tham dự cuộc giao lưu này có nhiều người trong số những người được vinh danh. 

Về quan điểm của Đảng và Nhà nước thì bất kỳ ai có thành tích trong đấu tranh chống tham nhũng đều được ghi nhận. Việc biểu dương thành tích của những người đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Vườn Quốc gia Yook Đôn (Đak lak): Từ những báo cáo, tố cáo của tôi, Công an huyện Buôn Đôn đã khởi tố vụ án, sau đó đã chuyển cho Công an tỉnh Đak Lak.  Đến nay, (sau hơn một năm), vụ án chưa có kết luận, đối tựợng phá rừng chưa được làm rõ. Cơ quan điều tra chỉ yêu cầu chúng tôi kiểm điểm, xử lí kỷ luật Giám đốc và Phó Giám đốc vườn. Chúng tôi rất buồn vì chính chúng tôi là những người tố cáo, rồi chúng tôi lại phải ngồi lại để kiểm điểm. Chúng tôi xin hỏi: Đến bao giờ thì vụ án phá vườn quốc gia Yook Đôn mới có kết luận? Chúng tôi có công tố cáo, vậy bắt chúng tôi phải kiểm điểm có phải là "dằn mặt " người chống tiêu cực, tham nhũng?

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Xin cảm ơn ông. Vụ việc mà ông đã tố cáo đang được xem xét và xử lý. Ông nên kiên trì phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ để được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Có thể vụ việc phải tốn nhiều thời gian chờ đợi nhưng chắc rằng sẽ được xử lý nghiêm minh. Xin cảm ơn và chúc ông thành công.

Ông Ngô Đức Hòa: Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến phản ánh này và có trách nhiệm đôn đốc việc xử lý.

Câu hỏi cho bà Lê Hiền Đức: Biết rằng người đứng lên để chống lại nạn tham nhũng gặp rất nhiều nguy hiểm, tại sao bà vẫn làm điều này? Động lực sâu xa của bà là gì? (Nguyễn Cương, 23 tuổi, Hà Nội)

Bà Lê Hiền Đức:

Làm công việc này tuyệt đối không liên quan đến quyền lợi cá nhân tôi và gia đình tôi. Nhưng vì tôi thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ: vì quyền lợi chính đáng hợp pháp của nhân dân, và để cho xã hội được trong sạch nên mặc dù biết công việc đầy nguy hiểm những tôi vẫn sẵn sang dấn thân.

Đơn giản tôi là một người dân yêu nước, tôi muốn làm cho xã hội trong sạch, cho nhân dân hạnh phúc.

Câu hỏi cho Bốn chiến sĩ Đại đội 3, Trung đoàn CSCĐ, Công an TP Hà Nội (Phạm Văn Trúc, Nguyễn Ngọc Phương, Trương Thành Đức, Nguyễn Vương Vũ): Có một thực tế buồn là nạn tham nhũng đang "hoành hành" ở nhiều nơi, các anh có nghĩ những việc làm của mình chỉ là muối bỏ bể không?(Nguyễn Cương, 23 tuổi, Hà Nội)

Các chiến sĩ Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ: Thực tế, trong ngành Công an nói riêng và các ngành khác nói chung đều có những người vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đó là những "Con sâu làm rầu nồi canh" vậy bạn Cương ạ. Tuy nhiên, con số đó ít hơn rất nhiều so với những người đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên hết như chúng tôi. Riêng về ngành Công an, chúng tôi đang cố gắng để trở thành lực lượng trong sạch, vững mạnh hơn nữa và đã có rất nhiều tín hiệu tốt.

Trong một năm, có rất nhiều những tấm gương không nhận hối lộ, chỉ có điều không phải đồng chí nào cũng được mọi người biết đến nhiều mà thôi. Họ đã thầm lặng làm, phấn đấu và đấu tranh vì sự bình yên cho xã hội và làm trong sạch nghề của mình. Ví dụ, điển hình như vụ đồng chí Nguyễn Hải Đường - tổ trưởng tổ công tác tuần tra thuộc Đại đội 3 cũng đã từ chối nhận hối lộ 80 triệu đồng của đối tượng trộm cắp tài sản tại khu vực cầu Chui thuộc quận Long Biên, Hà Nội.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 14
Ông Ngô Đức Hòa (bên phải)
Luật sư Vũ Quang Ninh, đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh: Văn bản của Viện KSND Tối cao tổng kết 5 năm thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự, có nêu: "Việc giải quyết vụ án còn để kéo dài nhất là đối với các vụ án tham nhũng lớn do các cơ quan tố tụng cấp T.Ư thụ lý giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân". Xin mổ xẻ nguyên nhân tình trạng này và đưa ra giải pháp

Ông Ngô Đức Hòa: Theo ý kiến cá nhân tôi, có mấy nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, vụ án tham nhũng thường có tính chất rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Thứ hai, xử lý vụ án tham nhũng cần có các giám định thiệt hại vật chất, trong khi chúng ta chưa có trung tâm giám định quốc gia.

Thứ ba, một số vụ án tham nhũng trọng điểm có yếu tố nước ngoài, việc điều tra gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, có vụ án tham nhũng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có ý kiến khác nhau, cần thời gian để xử lý.

Xin hỏi ông Hoàng Thái Dương, bản thân ông đã bao giờ tự tìm hiểu và tố cáo một cá nhân, tập thể tham nhũng nào chưa? (với tư cách cá nhân?) (Hoài Nam, 50 tuổi, Hà Nội)

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Xin cảm ơn ông. Câu hỏi của ông rất thẳng thắn. Tôi cũng xin trả lời rằng tôi xuất thân từ một người lính, cũng đã tham gia chiến đấu ngoài mặt trận, tôi coi chống tham nhũng là chống giặc "nội xâm". Hiện nay, tôi làm việc tại cơ quan chống tham nhũng và luôn cố gắng nỗ lực cùng với tập thể phát hiện, làm rõ các hành vi tham nhũng xảy ra. Đó là chức trách, công vụ của tôi.

Thưa bác Nguyễn Văn Vượng: Cháu xin hỏi bác cụ thể về hiệu quả của việc bác đã đấu tranh chống tham nhũng tại địa phương, đã có những ai đã bị xử lý ký luật, và bác đã hài lòng về kết luận của các cơ quan hữu quan chưa?(Trần Xuân Lộc, 37 tuổi, Thị xã Tuyên Quang)

Ông Nguyễn Văn Vượng: Cảm ơn cháu Trần Xuân Lộc đã gửi câu hỏi biểu thị sự quan tâm tới cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng tôi. Bác xin trả lời cháu như sau: hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của bác Nguyễn Văn Vượng và bác Hoàng Cường đã đạt được kết quả như sau:

- Về thu hồi đất đai: đã thu hồi được 2.041m2 đất công ven hồ Tây, giá thị trường 100 triệu /m2 nên trị giá có thể tính được là khoảng 200 tỷ đồng. Sắp tới cơ quan chức năng sẽ ra quyết định thu hồi tiếp khoảng 1.500 m2 đất, trị giá 150 tỷ đồng.

- Về xử lý cán bộ có sai phạm: Qua thực tế đấu tranh, lửa thử vàng, thấy rõ được cán bộ  nào tích cực, liêm khiết, cần được bồi dưỡng sử dụng, chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo Thành ủy và Quận ủy. Đã có quyết định của Thành ủy sử dụng cán bộ tốt, kiện toàn Thường trực Quận ủy, nên lãnh đạo Quận ủy đã có bước khởi sắc.

Đối với cán bộ có sai phạm, chúng tôi đã báo cáo với Quận ủy Tây Hồ điều Chủ tịch UBND phường Bưởi có sai phạm  đi nhận công tác khác. Và quận ủy đã bổ sung Phó Ban tổ chức Quận ủy về làm Chủ tịch UBND phường Bưởi. Kết quả cụ thể, Đảng bộ phường Bưởi từ một Đảng bộ không trong sạch năm 2007 đã trở thành Đảng bộ trong sạch, vững mạnh của quận năm 2008. UBND phường Bưởi đã được nhận bằng khen của UBND thành phố Hà Nội năm 2008.

- Đã báo cáo với đồng chí Bí thư Thành ủy và được Thường vụ Thành ủy ra quyết định điều động Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đi nhận công tác khác.

Kết luận thanh tra và quyết định 471 ngày 13/2/2007 xử lý đơn tố cáo của chúng tôi đã được nhân dân Võng Thị đánh giá là đúng pháp luật, đúng tình  hình thực tế và hợp lòng dân.

Nhưng rất tiếc, khâu tổ chức thực hiện không nghiêm túc nên đến nay đã 2 năm 2 tháng trôi qua, mới chỉ thực hiện được hai việc, còn ba việc chưa thực hiện được.

Rất đáng buồn, trong cơ quan bảo vệ pháp luật, còn có những người kém phẩm chất... nên làm sai lệch kết quả thanh kiểm tra.

Chúng tôi đã đấu tranh để họ phải thực hiện theo đúng ý kiến của chúng tôi, nhưng rồi UBND thành phố vẫn chậm và chưa ra quyết định thực hiện. Chúng tôi đã phải nói rằng, chậm một ngày thì bức xúc của dân tăng 1 độ, lòng tin của dân giảm 1 độ.

Thưa bà Lê Hiền Đức, cho cháu hỏi bà một câu đó là các con cháu của bà, khi chứng kiến những hành động đe dọa và khủng bố tinh thần của những kẻ hèn hạ đối với bà, có khi nào can ngăn bà tiếp tục tố cáo tiêu cực không ạ?(Bích Ngọc, 28 tuổi, Hà Nội)

Bà Lê Hiền Đức:

Khi con cháu tôi biết những việc tôi bị đe dọa, họ luôn nhắc nhở tôi phải cảnh giác. Không chỉ riêng con cháu mà rất nhiều người cũng nhắc nhở tôi phải cảnh giác và động viên tôi nên tôi vẫn vững tâm làm việc.

Con cháu tôi rất tôn trọng tôi nên không ngăn cản mà chỉ nhắc nhở cảnh giác thôi.

Con cháu tôi rất chiều tôi, quan tâm, mua sắm đồ đạc, may sắm đầy đủ, cung cấp ăn uống rất đầy đủ  nhưng riêng tiền thì “cấm vận”. Vì vậy, nên công việc chống tham nhũng của tôi chỉ được phép sử dụng số lương hưu 1,7 triệu của nhà giáo mà thôi.

Gia đình người tham gia chống tiêu cực thường bị quan chức chính quyền địa phương làm khó dễ, phải làm gì để giải quyết vấn đề này?(Thu Hương, 27 tuổi tuổi, Cầu Giấy - Hà Nội)

Ông Ngô Đức Hòa: Xin bạn cung cấp cho chúng tôi địa chỉ cụ thể gia đình nào chống tiêu cực bị địa phương nào làm khó dễ. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm đôn đốc xử lý.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 15
Các chiến sĩ Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ

Tôi gặp nhiều Cảnh sát nói chung coi việc nhận tiền hối lộ là... bình thường, còn những người như các anh là cá biệt. Là những người trong ngành, các anh thấy việc nhận tiền hối lộ của đồng nghiệp mình là thế nào? (Lê Xuân Quang, 30 tuổi, Nha Trang - Khánh Hòa)

Các chiến sĩ Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ: Chào anh Quang. Trước hết xin khẳng định với anh rằng chúng tôi không phải là những nhân tố cá biệt của ngành như anh nói. Hầu hết những người đã vào ngành Công an là phải xác định tư tưởng, lập trường vững vàng trước mọi cám dỗ. Công an nhân dân là từ dân mà ra, "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Tất nhiên là con người, cũng không thể nói rằng mình không bao giờ phạm phải sai lầm. Nhưng anh Quang khẳng định "việc nhận tiền hối lộ là...bình thường" thì chúng tôi lại khẳng định tiếp nữa là không hề bình thường. Đó là vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Tất cả những sai phạm đó nếu có đều bị xử lý rất nghiêm khắc như một số cá nhân cá biệt mà các phương tiện truyền thông đã đưa tin. 

Xin đồng chí Hoàng Thái Dương cho biết, việc xử lý các đơn thư tố cáo về tham nhũng có hiệu quả không khi mà trên thực tế, quyền hạn và chức năng của Thanh tra Chính phủ vẫn chỉ dừng ở mức kiến nghị. Hiệu lực và hiệu quả của công tác chống tham nhũng của Cục Chống Tham nhũng nói riêng và cơ quan Thanh tra Chính phủ nói chung? Xin chân thành cám ơn đồng chí. (Hoà, 32 tuổi, Hà Nội).

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Cảm ơn bạn. Đây là một câu hỏi sâu sắc có liên quan đến các quy định của pháp luật. Những vấn đề pháp luật chưa hoàn thiện thì vẫn phải tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng như bạn đã nêu.

Tuy nhiên, trong thực tế, Thanh tra Chính phủ đã giúp Chính phủ chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; Thanh tra Chính phủ cũng trực tiếp tiến hành giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc đông người, đạt kết quả giúp cho việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật, nhiều vụ việc hiện nay đã được các cơ quan chức năng xử lý hình sự.

Chào bác Cường, bác nghĩ sao khi đứng về phía bác Vượng trong cuộc đấu tranh này, mặc dù bác biết là nó nguy hiểm? (Phan Long, 35 tuổi, Hà Tây)

Ông Hoàng Cường: Tôi và đồng chí Vượng đều là cán bộ quân đội cũ ở Phòng không Không quân, sau đó cùng làm việc ở Bộ Tổng Tham mưu. Sự việc đấu tranh này, bác Vượng đã kiên trì trong nhiều năm. Về sau, tôi về Võng Thị sinh hoạt cùng Chi bộ, cho nên chúng tôi có trách nhiệm cùng sát cánh với nhau để chống bọn tham nhũng, tiêu cực.

Bởi vì khi đó, trong nhân dân, cũng như trong Chi bộ rất ít người dám đấu tranh. Ở đó, họ còn có quan hệ họ hàng, anh em, chú bác, cho nên dù có sai phạm đến đâu, họ cũng làm ngơ. Trước tình hình như vậy, là một anh Bộ đội Cụ Hồ, là một Đảng viên, chúng tôi phải sát cánh cùng nhau để đấu tranh giải quyết vấn nạn này.

Do trong đấu tranh, không được khiếu kiện đông người, không gây mất ổn định chính trị tại địa phương, không gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng bộ cũng như trong quần chúng nên khi bác Vượng đứng đơn tố cáo, tôi là người cộng tác với bác Vượng, luôn luôn ủy nhiệm bác Vượng thay tôi ký đơn.

Mặt khác, trong thời gian sau này, bác Vượng sức khỏe bị hạn chế, mắt càng ngày càng mờ đi, cho đến nay không nhìn thấy gì, cho nên chúng tôi càng phải sát cánh với nhau để hỗ trợ nhau trong việc đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 16
Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (bên trái)
Hiện nay mặc dù biết nhiều quan chức tham nhũng, hạch sách nhưng vì bản thân là một nhân viên bình thường, tố cáo thì sợ bị trù dập, chèn ép. Vậy có cách gì để chúng tôi phản ánh tốt hơn mà không bị chèn ép, phản ánh ở đâu để tin cậy và ai đảm bảo sẽ bảo vệ chúng tôi khi chúng tôi tố cáo ? (Nguyễn Quảng Hà, 30 tuổi, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Bạn có thể phản ánh trực tiếp đến các cơ quan phòng chống tham nhũng ở tỉnh, trung ương và đề nghị được giữ kín danh tính.

Hằng năm nhà nước ta có tổ chức những hội nghị biểu dương khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc với những danh hiệu và phần thưởng xứng đáng. Tại sao những người tích cực chống tham nhũng lâu nay không được như thế?(Hoàng Hà, 45 tuổi, Nha Trang)

Ông Ngô Đức Hòa: Công tác biểu dương, khen thưởng cá nhân có thành tích trong phòng, chống tham nhũng rất được Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng coi trọng.

Vừa qua, Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo TP Hà Nội tổ chức gặp mặt một số cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng. Cuộc gặp mặt này đã thu được kết quả tốt. Sắp tới, chúng tôi sẽ có các cuộc gặp mặt, biểu dương.

Chúng tôi tin tưởng rằng, trong các hội nghị thi đua khen thưởng của T.Ư và địa phương sắp được tổ chức, sẽ có các gương mặt tiêu biểu trên lĩnh vực công tác phòng, chống tham nhũng.

Thưa Bà Hiền Đức, trong xã hội còn rất nhiều ngừoi cũng có tâm huyết như Bà, nhưng thực sự họ chưa đủ lòng dũng cảm nói ra sự thật. Cháu xin hỏi nếu được nói với họ, Bà sẽ nói điều gì ạ?(Trần Đức Anh, 28 tuổi, Hà Nội)

Bà Lê Hiền Đức:

Tôi chỉ có thể nói đơn giản là công việc chống tham nhũng là một công việc đầy cam go nếu vì mục đích cá nhân mình thì không thể làm được đâu mà phải vì nhân dân thì mới có được quyết tâm làm được.

Công việc chống tham nhũng không thể một sớm một chiều mà phải bền bỉ, kiên quyết, không sợ nguy hiểm thì hãy dấn thân vào.

Khi làm công việc chống tham nhũng này thì phải có sự phân biệt, phải tìm hiểu kĩ ai là người làm việc nghiêm túc, nhiệt tình thì dựa vào đó. Còn những kẻ né tránh, đùn đẩy thì phải kiên quyết tấn công đến cùng để đưa ra ánh sáng. Một khi đã tìm ra kẻ nào có tội thì phải kiên quyết.

Tôi vẫn thường nói , đối với kẻ có tội, mặc dù được bao che bưng bít nhưng với tôi thì kiên quyết “Bay lên trời thì tôi vít cổ xuống, chui xuống đất thì tôi cũng đào đất moi lên”, làm việc gì làm tới nơi tới chốn. Không một sức mạnh nào làm tôi có thể chùn được.

Trong công việc chống tham nhũng, ngoài kẻ có tội ra còn cần phải tìm xem những ai là người bao che, bưng bít thì đều phải đưa ra ánh sáng và điều quan trọng nhất là phải có một niềm tin chắc chắn Công Lý sẽ thắng. 

Nhà nước có chính sách gì cụ thể để bảo vệ những người chống tham nhũng, như chế độ bảo vệ đặc biệt đối với nhân chứng chẳng hạn? (HH, 33 tuổi, Hanoi)

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Hiện Nhà nước đã có các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng như Luật Khiếu nại tố cáo năm 1998 (Điều 57 và 100); Nghị định 136/2006/NĐ-CP (Điều 38 khoản 3); Nghị định 120/2006/NĐ-CP (Mục 2).

Hiện nay Chính phủ chuẩn bị ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Theo đó, đưa ra giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế khen thưởng, bảo vệ người chống tham nhũng bằng các quy định cụ thể của pháp luật. Xin cảm ơn bạn.

Xin hỏi bác Vượng: Chống tham nhũng ngay tại địa phương, bác có gặp những phản ứng gây sức ép nào đáng kể không? từ người có chức quyền, từ một vài cá nhân hay thậm chí là láng giềng chẳng hạn? (Lâm Cao Nguyên, 25 tuổi, Tây Nguyên)

Ông Nguyễn Văn Vượng: Chào Lâm Cao Nguyên. Quá trình đấu tranh chống tham nhũng luôn vấp phải phản ứng, những hành động trả thù của một số đối tượng. Có kẻ là bọn tiêu cực, tham nhũng. Có người là tay chân của họ trong chính quyền cơ sở. Có người không ưa thích mình nên "tát nước theo mưa".

Họ tố cáo bác với bác Hoàng Cường là những kẻ gây rối ở cơ sở. Họ gửi đơn lên lãnh đạo các cấp nói rằng nội dung tố cáo của hai bác là vu cáo. Thậm chí  họ lên báo Cựu chiến binh Việt Nam lên án báo này đăng một loạt bài ủng hộ cuộc đấu tranh của hai bác là vi phạm pháp luật và đòi xử lý bác Vượng, bác Cường là hai phần tử gây rối ở cơ sở.

Các bác đã làm được việc tác động để họ tự nhận thấy sai lầm, khuyết điểm. Ví dụ, chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh đã tìm gặp bác Vượng ôm chặt lấy người và nói rằng: "Vừa qua có nhiều việc làm không đúng đối với bác, mong bác thông cảm, thứ lỗi cho". Bác đã nắm chặt tay người đó và nói rằng: "Tôi rất vui vì đồng chí đã hiểu tôi hơn".

Với người gửi đơn tố cáo tôi và bác Cường là phần tử gây rối, tôi đã góp ý với Bí thư Đảng ủy phường chỉ tổ chức phân tích nhẹ nhàng để người đó tự nhận thấy nội dung đơn tố cáo là không đúng sự thật, không chính xác.

Thông qua Chi bộ, không cần xét kỷ luật. Người này đã viết đơn nhận rõ khuyết điểm của mình và mong hai chúng tôi thông cảm. Bí thư đảng ủy phường đã hoan nghênh ý kiến chúng tôi là các bác rất bao dung, độ lượng.

Gần đây, Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường đã gặp tôi đề nghị xí xóa mọi việc đã qua. Tôi bắt tay hai đồng chí và nói rằng, chúng tôi vui mừng vì các đồng chí hiểu chúng tôi hơn. Các cụ thường nói "Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân."

Ngoài việc từ chối 120.000 USD, các anh có tham gia vào hoạt động chống tham nhũng nào khác không? (Nguyễn thị Huyền, 27 tuổi, Hà Nội)

Các chiến sĩ Đại đội 3 - Trung đoàn CSCĐ: Chào bạn Huyền. Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Trước vụ này khoảng 3 tháng, tôi (Trương Thành Đức) có tham gia trong tổ công tác của đồng chí Nguyễn Hải Đường.

Hôm đó tôi cũng trực tiếp tham gia bắt đối tượng Nguyễn Thị Thiều. Đối tượng này đã trộm cắp một vali trong đó có 135 triệu đồng tại tượng đài Lê-nin, đường Điện Biên Phủ, HN. Khi đối tượng đi đến khu vực cầu Chui thì bị bắt. Sau đó đối tượng đã xin hối lộ tổ công tác 80 triệu và xin lại 55 triệu nói là để đi trốn. Tổ công tác đã kiên quyết lập biên bản đối tượng về hành vi hối lộ và trộm cắp tài sản. Đó là một ví dụ.

Tôi từng gọi đến số điện thoại của Cục chống tham nhũng và nhận được trả lời là thuộc thẩm quyền của cấp huyện, cấp tỉnh. Cục rất khó đứng ra giải quyết. Liệu có cơ chế nào liên thông không bởi không phải việc nhà tôi, tôi tố cáo vì thấy nó phi lý, chướng tai gai mắt mà các cơ quan nhà nước buộc chúng tôi phải theo hết cấp này đến cấp khác. (Vũ Thanh, 30 tuổi, Đội Cấn - Hà Nội)

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Việc tố cáo tham nhũng đã được pháp luật quy định. Hành động tố cáo tham nhũng của bạn cũng được ghi nhận. Tuy nhiên, việc giải quyết tố cáo phải theo trình tự thủ tục pháp luật quy định. Nếu cấp cơ sở không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp. Bạn nên thực hiện việc tố cáo đúng theo quy định của pháp luật.

Chắt An và bố mẹ Hải Hà chúc mừng cụ Vượng, mong cụ khoẻ và sống lâu, làm được nhiều việc tốt.(Phạm Minh An, 0,5 tuổi, Switzerland)

Ông Nguyễn Văn Vượng: Năm nay ông có ba niềm vui. Niềm vui thứ nhất là lên 80 tuổi. Niềm vui thứ hai có thêm chắt nội và chắt ngoại. Niềm vui thứ ba là được vinh danh là  một trong mười người tiêu biểu chống tham nhũng, tiêu cực. Ông gửi các niềm vui này tới Hải Hà và chắt Minh An. Chúc chắt Minh An hay ăn chóng lớn.

(Trả lời câu hỏi này, ông Vượng đưa tay lên lau những giọt nước mắt. Giọng  nghẹn ngào.)

Vẫn biết người tố cáo chống tham nhũng là không đơn độc nhưng liệu cánh tay của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư có với tới được những người chống tham nhũng ở cơ sở rất xa xôi hay không? Hay việc tố cáo lại bị những phần tử biến chất ở cơ quan chức năng địa phương bưng bít và "khoanh vùng" rồi "chia lẻ, diệt dần" (Nam, 27 tuổi, Vụ Bản - Nam Định)

Ông Ngô Đức Hòa: Phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là cơ quan chuyên trách, có chức năng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng. Việc xử lý tham nhũng ở cơ sở nói chung và việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng nói riêng, trước hết thuộc về trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu ở cơ sở đó.

Chào bác Vượng. Vợ bác đã có những ủng hộ như thế nào với việc bác tố cáo những hành động sai trái về sử dụng đất tại khu Võng Thị, Tây Hồ. Thời gian đầu bác gái có sự lo ngại hay e sợ gì không ạ?(Thanh Phương, 23 tuổi, (Cầu Giấy - Hà Nội).)

Ông Nguyễn Văn Vượng: Chào cháu Thanh Phương. Về tâm lý phổ biến, đấu tranh- tránh đấu, người trong gia đình không khỏi lo ngại hành động trả thù. Nhưng gia đình bác là một gia đình cựu chiến binh, hai bác cũng như con trai, gái, con dâu, con rể, đều là bộ đội Cụ Hồ đã nghỉ hưu hoặc chuyển ngành. Trong quân đội, hiện nay còn một cháu nội và cháu ngoại. Cho nên, gia đình bác là một hậu phương vững chắc cho bác yên tâm đấu tranh.

Bác gái mang tinh thần nữ chiến sỹ thi đua Điện Biên Phủ, làm trợ thủ đắc lực cho bác trong cuộc đấu tranh này. Không những chỉ chăm lo bệnh tật, sức khỏe mà thực sự là người cộng sự đắc lực.

Mắt bác đã quá mờ, bác gái đã đọc đi đọc lại nhiều lần các văn bản, tài liệu để bác nhập tâm, để nhớ lâu. Mỗi khi viết đơn từ tài liệu, bác đọc cho bác gái ghi chép hộ. Chồng say sưa đọc, vợ miệt mài ghi chép. Đôi bạn đời 56 năm vẫn chung bước quân hành.

(Nói đến đây, bác Vượng đã bật khóc

Xin cho tôi hỏi ông Hoàng Thái Dương, tại sao nhiều vụ tham nhũng nếu không có sự tố cáo của dân hoặc báo chí thì cơ quan Nhà nước rất ít phát hiện. Vậy theo ông, vai trò của tổ chức Đảng và chính quyền ở đâu trong việc chống tham nhũng?(Hồ Lầm, 50 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định)

Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: Vấn đề ông hỏi có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tự phát hiện tham nhũng và chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan tổ chức còn hạn chế. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó có thể là tính chiến đấu của cơ quan, tổ chức còn hạn chế. Lối sống "dĩ hòa vi quý" còn tồn tại hoặc tâm lý ngại va chạm, sợ bị trả thù trù dập muốn khắc phục tình trạng này thì trước hết mọi người phải có trách nhiệm trong đấu tranh chống tham nhũng. Nhà nước phải hoàn thiện cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng. Toàn xã hội phải ủng hộ, đồng tình với việc đấu tranh chống tham nhũng.

Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng? ảnh 17
Ông Ngô Đức Hòa (phải)
Nói như 2 bác Hòa và bác Dương thì phải có đủ chứng cứ mới đi tố cáo tham nhũng!? Thế thì chắc chỉ có những người về hưu mới có đủ thời gian, hoặc những người thực sự bị xâm hại lợi ích vì tham nhũng!? Thưa ông Hòa, ông có nghĩ vậy không khi yêu cầu tố tham nhũng phải chỉ tận tay day tận trán để đưa ra "Chứng cớ đâu?"(Minh Anh, 29 tuổi, Hà Nội)

Ông Ngô Đức Hòa: Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đề ra và thực hiện 10 giải pháp về phòng, chống tham nhũng. Nếu bạn có nguyện vọng tham gia công tác phòng, chống tham nhũng mà gặp khó khăn về việc tìm ra chứng cứ, thì bạn có thể tham gia thực hiện các giải pháp khác.

Người ta thường bảo những người chống tham nhũng là "hâm", các bác (anh) có cảm thấy tủi thân khi nghe thấy điều này? Có lúc nào, các bác cảm thấy mình "hâm" không? (Hoàng Hà, 27 tuổi, Hà Nội)

Ông Lê Thiên Long: Có thể có cái gì đó khác khác một chút, chứ "hâm" thì không. Vì khẳng định như vậy nên không có tủi thân. Vì nếu "hâm" thì không thể đủ khả năng để tiến hành đến cùng cuộc chiến thật gian khổ và kết thúc với thắng lợi.

Xin hỏi các bác, những người hùng của cuộc chiến chống "giặc từ bên trong", sau lớp các bác sẽ là những ai tiếp tục con đường của các bác, tôi thấy những người trẻ bây giờ hơi thiếu dũng khí. (Hoang Hà, 45 tuổi, Nha Trang)

Ông Nguyễn Văn Vượng: Chào cháu Hoàng Hà. Bác và bác Hoàng Cường đang ở tuổi 70, 80 vẫn kiên quyết lao vào cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm". Cuộc đấu tranh này đòi hỏi toàn dân tham gia.

Trên thực tế, trong danh sách 10 nguời được vinh danh những gương mặt tiêu biểu chống tham nhũng, chỉ có 4 nguời ở lứa tuổi 70-80, hai người ở lứa tuổi 40-50, còn  bốn nguời ở lứa tuổi 20-30. Điều này chứng tỏ rằng, các thế hệ nhân dân Việt Nam, tuổi trẻ, trung niên tới cao niên đều có những tấm gương đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Bác e rằng, cháu nhận xét về lớp trẻ như vậy là chưa chính xác.

Khen dễ chê khó, vậy xin cho biết phải làm thế nào để kết quả được khách quan nhất?(nguyễn thị mai linh, 24 tuổi, Gia Lai)

Ông Lê Thiên Long: Cái quan trọng nhất là chính "Tâm" của mình, xác định làm việc đó để làm gì. Nếu chỉ có chút cá nhân lồng vào chắc chắn công việc không thể trọn vẹn.

Ông Nguyễn Văn Vượng: Cảm ơn cháu Mai Linh đã đặt câu hỏi. Đấu tranh chống tham nhũng muốn đạt kết quả cao và muốn bảo vệ mình chống lại sự trả thù của bọn tiêu cực, tham nhũng, thì hàng đầu là phải có nhiều chứng cứ, chứng cứ phải chính xác. Các cơ quan pháp luật trọng cứ, hơn trọng cung. Do đó, trong kết luận thanh tra và quyết định 471 của UBND quận Tây Hồ xử lý đơn tố cáo của hai bác đã phải ghi nhận:

"1. Nội dung tố cáo của ông Nguyễn Văn Vượng và ông Hoàng Cường hoàn toàn đúng sự thật.

2. Ông Vượng và ông Cường đã cung cấp rất nhiều thông tin, chứng cứ tạo thuận lợi cho đoàn thanh tra liên ngành xem xét, xác minh, kết luận.

3. Lãnh đạo quận Tây Hồ đồng tình ủng hộ, biểu dương, đánh giá cao tinh thần đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng của ông Nguyễn Văn Vượng và ông Hoàng Cường đã thể hiện tính tiên phong của người Đảng viên cộng sản trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng."

Đó và là bửu bối đấu tranh vừa là yếu tố tự bảo vệ mình.

"Nói phải củ cải cũng phải nghe", nên chứng cứ chính xác thì cấp nào cũng phải nghe và xử lý. Tuy rằng, quá trình thanh tra, điều tra có người muốn xuyên tạc sự thật, các bác cũng buộc họ phải công nhận sự thật và ra quyết định đúng pháp luật, đúng tình hình thực tế.

Cháu chào bác Vượng! Được biết, khi nhận thấy chuyện đất công bị ngang nhiên lấn chiếm ở khu Võng Thị bác đã đưa những vấn đề “tế nhị” này ra nhưng nhiều người lại lảng tránh. Theo bác, những người đó đáng giận hay đáng thương, vì sao họ lại có thái độ đó? -(Ngọc Cương, 25 tuổi, Giáp Bát - Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Vượng:Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thực tế ai cũng nhận thấy tiêu cực, tham nhũng, ai cũng muốn đấu tranh, nhưng vấp phải tâm lý đấu tranh- tránh đâu, nên có những nguời ngần ngại.

Bác và bác Hoàng Cường đã dùng phương pháp "mưa dầm, thấm lâu". Mỗi lần họp Chi bộ, nêu ra một vài vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Mỗi lần gặp Đảng viên hay bà con nhân dân, lại rỉ rả nói về chuyện tiêu cực, tham nhũng.

Cho nên,  Chi bộ ra nghị quyết ủng hộ hai bác đấu tranh. Lúc này cuộc đấu tranh không chỉ là riêng lẻ của hai bác mà là ý chí của cả Chi bộ. Hai bác đã làm được việc là buộc lãnh đạo phường khi đó phải vào đối thoại với nhân dân Võng Thị.

Trong buổi đối thoại này, 15 trên 18 ý kiến phát biểu của Đảng viên và nhân dân bày tỏ sự ủng hộ hai bác đấu tranh và yêu cầu lãnh đạo phường phải trả lại đất công cho khuôn viên đất đình.

Cho nên, lúc này, nhân dân rất ủng hộ hai bác đấu tranh. Nhiều nguời đã cung cấp chứng cứ cho hai bác, nhưng để tránh sự phức tạp, hai bác phải giữ bí mật, không để lộ danh tính những người đã tiếp sức cho mình.

---------------

Thưa bạn đọc, thời gian buổi Bàn tròn trực tuyến thú vị và đầy ý nghĩa này đã hết, dù còn rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến. Chúng tôi xin phép dừng lại tại đây. Xin trân trọng cám ơn sự tham gia của các vị khách mời và của tất cả bạn đọc trong và ngoài nước.

MỚI - NÓNG