Lý Sơn - bảo tàng sống Hoàng Sa

Lý Sơn - bảo tàng sống Hoàng Sa
TP - Trong các nhà thờ tộc họ, nơi Âm Linh Tự khói nhang nghi ngút thành kính, hình ảnh về đội hùng binh Hoàng Sa, các bậc tiền hiền ra đi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa lại ùa về trong ký ức các thế hệ con cháu Lý Sơn.

Tại đình làng An Vĩnh, bên đôi câu đối “Ân đức dựng xây miền đảo Lý/ Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”, ông Lê Hai (78 tuổi), Trưởng ban khánh tiết đình làng kể lại lời nhắn nhủ của tiền nhân: “Dù thế nào, các thế hệ con cháu cũng phải quyết giữ gìn cho được đình làng cổ này. Bởi đây chính là nơi từng in dấu chân của những người con quê hương trước khi ra biển bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, hi sinh vì Tổ quốc”.

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Ngày trước, Nhà Nguyễn có thiết lập Đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên chia nhau đi biển, tháng Giêng nhận lãnh chỉ thị ra đi làm sai dịch. Đội Hoàng Sa được cấp phát mỗi người sáu tháng lương thảo. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo (tức đảo Hoàng Sa). Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim cá làm đồ ăn...”. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng chép tương tự.

70 suất đinh Đội Hoàng Sa được chia đều cho các tộc họ ở Lý Sơn, theo nguyên tắc luân phiên nhau, con trưởng ở nhà lo tế tự, con thứ phải đăng lính.

Các vị lão niên trong làng kể lại: Người lính Hoàng Sa xưa kia đi làm nhiệm vụ được Triều Nguyễn cấp cho một chiếc chiếu, bảy đòn tre, một số sợi dây mây dài và một thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán, phiên hiệu, chuẩn bị lương thực dùng trong sáu tháng, cùng với 5 chiếc thuyền ra khơi. Họ đến đảo để vừa canh giữ đảo vừa đánh cá, khai thác báu vật. Đến tháng Tám thì về Phú Xuân dâng nộp báu vật cho triều đình.

Thuyền nan mỏng mảnh, Biển Đông bao la dập dồn sóng dữ, người đi lính Hoàng Sa đều chuẩn bị hậu sự cho mình trước khi xuống thuyền. Nếu không may gặp nạn, đồng đội sẽ bó xác trong chiếu mang về đất liền hoặc không mang được thì thả xuống biển cho xác trôi về đảo.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đúc rút: “Về nguyên nhân xác lập các Đội dân binh Hoàng Sa ở Lý Sơn đầu tiên phải phải kể đến vị trị địa lý - từ Lý Sơn ra Hoàng Sa gần hơn các khu vực khác.

Mặt khác, các ngư dân trên đảo Lý Sơn cực kỳ giỏi bơi lội, thạo nghề đi biển, có sức vóc, nhất là các ngư dân ở làng An Vĩnh. Đây cũng là nơi có nghề truyền thống đóng ghe thuyền đi biển. Điều này giải thích việc hầu hết các tộc họ thuộc làng An Vĩnh đều có người là lính Hoàng Sa”.

Người dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa

Lý Sơn - bảo tàng sống Hoàng Sa ảnh 1
Ngôi mộ gió của tiền nhân Phạm Hữu Nhật

Tôi cùng ông Phạm Thoại Tuyền ra thăm ngôi mộ gió (mả chiêu hồn) của bậc tiền nhân Phạm Hữu Nhật, tên húy là Phạm Văn Triều (1804 - 1854).

“Chẳng biết tiền nhân Phạm Hữu Nhật đã đi bao nhiêu chuyến ra Hoàng Sa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, lần cuối cùng ông đi mãi không về, nên người xưa ở Lý Sơn đành xây nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt” - Ông Tuyền chậm rãi.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người nhiều năm nghiên cứu về Lý Sơn và Hoàng Sa - Trường Sa, cho biết: Năm 1836, Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật được Vua Minh Mạng sai đi cắm mốc chủ quyền tại Hoàng Sa, là người gốc tộc họ Phạm Văn ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.

Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản cả Đội Bắc Hải, làm nhiệm vụ ở Trường Sa và các đảo phía Nam. Đặc biệt, Đội dân binh Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, canh chừng giặc biển, dựng bia chủ quyền và giữ gìn các đảo ở Hoàng Sa.. .

Chính sử Triều Nguyễn chép rằng: Vào mùa xuân năm Bính Thân (1836), sau khi nghe tấu trình của Bộ Công, Vua Minh Mạng đã sai Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 bài gỗ. Mỗi bài gỗ rộng 5 tấc, dài 5 thước, dày 1 tấc.

Trên bài gỗ có khắc dòng chữ “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự”.

Những đợt ra Biển Đông như thế, Phạm Hữu Nhật dẫn đầu 5 - 6 chiếc thuyền với khoảng 10 người/mỗi thuyền. Sự khắc nghiệt của biển cả, khiến Chánh đội trưởng hi sinh trong lần giong thuyền cuối cùng vào năm 1854. Tổ quốc cũng ghi công của ông bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa (diện tích khoảng 0,32km2).

“Sự kiện năm 1836, Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật được Vua Minh Mạng sai đi cắm mốc chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa quá đặc biệt và quá rõ ràng, đến mức ngay thời nay cũng khó ghi rõ ràng đến thế !” - Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhấn mạnh.

Và những ký ức Hoàng Sa

Lý Sơn - bảo tàng sống Hoàng Sa ảnh 2
Biểu tượng đội dân binh Hoàng Sa đang được xây dựng. Ảnh: Nguyễn Huy

“Hoàng Sa trời bể mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”, câu thơ nhói lòng vẫn lưu truyền tại Âm Linh Tự - nơi đang thờ vong linh những người lính Hoàng Sa xưa. Ngày ấy trước khi lên đường, vì nhiệm vụ quá nguy hiểm, nên người lính Hoàng Sa được tế sống bằng một lễ gọi là Khao lề tế lính.

Các vị lão niên kể lại: Khi chiêng trống gióng lên, đến giờ Tý, lễ chính phần nhập yết diễn ra và kéo dài khoảng vài giờ. Hương án có các lễ vật: trầu rượu, giấy vàng, gà, cá nướng, cua, xôi chè... có cả muối, gạo, củi, mắm, nồi niêu được đặt trong thuyền (những thứ mà lính Hoàng Sa mang theo).

Các tộc họ thường làm những hình nộm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc giả hình người đem tế lễ, đóng thuyền bằng cây chuối, đặt hình nộm lên và thả trôi ra biển với quan niệm các hình nộm kia sẽ gánh chịu mọi nguy hiểm, tai nạn trên biển thay cho Đội Hoàng Sa và cầu mong người thân bình an trở về.

Nhưng không ít “Mãn mùa tu hú kêu thanh/Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về”, nhiều người đã bỏ mình nơi góc bể. Những ngôi mộ gió của người lính Hoàng Sa trên Lý Sơn lại nhiều thêm. Khu mộ gió ở thôn Tây (xã Lý Vĩnh) là nơi yên nghỉ của vong hồn Phạm Quang Ảnh cùng 9 người lính Hoàng Sa đã gửi xác thân cho biển cả.

Ông Phạm Thoại Tuyền cho biết: “Các cụ có truyền lại rằng, để làm mộ gió, người ta phải lấy đất sét trên đỉnh núi, lấy cây dâu làm xương cốt, lấy trứng gà nhào đất làm lục phủ ngũ tạng... rồi làm lễ chiêu hồn nhập cốt”.

Lần giở những trang sách sử thấy nhiều tên tuổi của các vị cai đội, những binh phu đi Hoàng Sa, Bắc Hải trên đảo Lý Sơn trong suốt thời kỳ đầu nhà Nguyễn đến cuối thế kỷ XIX mà... Ngày nay trong các gia phả và những bàn thờ ở các dòng họ Lý Sơn vẫn còn linh vị rõ ràng các vị tiền nhân để hậu thế thờ phụng nhang khói.

Mới đây, gia đình ông Đặng Lên, ở xã An Hải (Lý Sơn) vừa công bố văn bản cổ là công lệnh của quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, ghi rõ ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Trong đó giao cho ông Đặng Văn Siểm (tiên tổ của ông Đặng Lên) đảm trách việc dẫn đường, ông Võ Văn Công lo lương thực và ông Võ Văn Hùng tuyển chọn người đi biển giỏi...

Văn bản quý này bổ sung vào kho tư liệu bảo tàng Lý Sơn, thêm một bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã: Bảo tàng sống gồm các di tích và những sinh hoạt tại các nhà thờ tộc họ lưu giữ những sắc phong, bằng cấp, tờ lệnh đi công tác Hoàng Sa, những mộ gió của những dân binh thủy quân đi công tác Hoàng Sa và Trường Sa, những miếu thờ lính Hoàng Sa, nhất là lễ Khao lề tế lính Hoàng Sa, những thuyền buồm đi Hoàng Sa, khung cảnh một đảo ngọc đi tiên phong khai thác biển, kinh tế biển và quản lý biển, chống hải tặc ở Biển Đông….

MỚI - NÓNG