Theo ông Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện KH-CN, khoảng 2 tháng sau khi hoàn thành dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Viện này đã phát hiện một số vết nứt xuất hiện cục bộ trên mặt đường mới rải nhựa.
Diện tích mặt đường cần phải xử lý do chịu ảnh hưởng của các vết nứt gây ra tại thời điểm tháng 3 khoảng 200m2. Tuy nhiên, do vết nứt được trám, vá vội, chưa đảm bảo tính thẩm mỹ và kỹ thuật. Vì vậy đã tạm dừng trám vá...
Về nguyên nhân nứt mặt cầu, ông Tâm cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố nứt, nhưng yếu tố thi công tại hiện trường là nguyên nhân chính.
“Nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành một số vết nứt cục bộ trên mặt cầu là do một số mẻ bê tông nhựa SMA đã bị nguội nhanh trong quá trình lu lèn, dẫn tới bê tông nhựa sau khi kết thúc lu lèn ở nhiệt độ thấp hơn 12 độ C đã làm cho bê tông nhựa vừa không đủ nhiệt độ để bám dính với lớp dưới, vừa không đảm bảo độ chặt như thiết kế, dẫn tới cường độ chịu lực bị suy giảm mạnh và phát sinh vết nứt kéo” - Lãnh đạo Viện lý giải.
Sẽ tổ chức kiểm điểm
Đề cập về hướng xử lý các vết nứt trên mặt cầu, lãnh đạo Viện KH-CN cho hay, hiện nay các đơn vị của Viện vẫn tiếp tục chương trình khảo sát, nghiên cứu đánh giá sự cố nứt mặt cầu Thăng Long. Định hướng xử lý các vết nứt theo đề xuất của Viện này là xác định phạm vi các vết nứt cục bộ đã phát hiện và khoanh mảng để cắt bỏ lớp bê tông nhựa chưa đủ độ chặt, kém dính bám với lớp dưới.
Ngoài ra, Viện sẽ sử dụng loại hỗn hợp vật liệu nhựa SMA để trám vá và kết hợp biện pháp thoát nước nhanh ra khỏi phạm vi mặt cầu. Đồng thời tiếp tục khoan kiểm định đánh giá chất lượng bê tông nhựa và theo dõi tình hình làm việc của mặt đường tại các vị trí khác.
Dù việc thiết kế và lựa chọn công nghệ mới được xem là tốt nhất và đều do các đơn vị của Viện thực hiện. Thế nhưng, khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Viện này mới thừa nhận:
“Các cán bộ được Viện giao học tập chuyển giao công nghệ mới sử dụng hỗn hợp bê-tông nhựa SMA để rải mặt cầu chưa thực sự nắm hết bí quyết chuyển giao công nghệ mới nên đã làm phát sinh một số vết nứt trên mặt cầu. Lẽ ra phải rút ngắn chiều dài công đoạn lu và tăng số lượng lu lên thích hợp khi nhiệt độ thấp để đảm bảo thời gian lu lèn, tránh hỗn hợp bị nguội trong quá trình lu”.
Viện trưởng Viện KH-CN Doãn Minh Tâm cũng cho biết, sau khi hoàn thành công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Viện sẽ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố nứt này, tổ chức rút kinh nghiệm về chuyên môn, kinh nghiệm chuyển giao công nghệ mới tại dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long.