Đón đọc số tới: Giọt nước nhỏ giữa biển mênh mông

Tình sử bằng thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao

Tình sử bằng thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao
Trên đường tìm hình ảnh và tìm mộ anh trai mình, cô giáo Hoàng Liên Thái tình cờ được biết liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã từng được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tình sử bằng thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao ảnh 1
Chị Hoàng Liên Thái và các đồng đội trước mộ liệt sỹ Hoàng Kim Giao

Cuối cùng chị cũng xác định được hố bom ngày xưa anh Giao đã hy sinh và khi lần giở lại những bức thư tình mà nhà khoa học trẻ ấy gửi về gia đình, chị sững sờ như tìm được một kho báu...

 “Anh và em phải dằn mình lại trước hạnh phúc yêu đương”

Tình yêu của họ được bắt đầu trong một hoàn cảnh có vẻ cổ điển: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi; Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”. Hàng ngày, chàng trai trẻ Hoàng Kim Giao vẫn hay vượt giậu mồng tơi ấy để sang với Lan, cô hàng xóm dịu dàng thùy mỵ.

Thời gian cứ thế trôi, họ đã yêu nhau mà không phải nhờ vào “con bướm trắng” như trong thơ tình Nguyễn Bính. Hai người đã có những giây phút thật đẹp để rồi sau này ở chiến trường ác liệt Hoàng Kim Giao đã nhớ về để thêm sức mạnh giúp anh vượt qua gian nan, nguy hiểm.

Ấy là một đêm mùa hè trăng sáng vằng vặc, Giao ngồi cạnh Lan, họ nhìn lên bầu trời tìm “ngôi sao của anh, ngôi sao của em” và cùng hát : “Anh không làm sao Hôm, em không làm sao Mai, làm ngôi sao không tên, để gần nhau suốt đời”.

Nhưng đó mãi mãi vẫn chỉ là mơ ước, bởi dẫu muốn “làm ngôi sao không tên”, nhưng sau đó ít lâu Giao vào chiến trường và chẳng bao giờ trở về nữa. Khi xa người yêu, chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi đầu ấy đã hồi tưởng lại cái thuở ban đầu trong thư viết cho Lan: “Những đêm ngồi dưới ánh trăng tìm những ngôi sao sáng nhất.

Rồi lần đầu tiên anh nói với  em những lời yêu thương, nắm tay em trong tay anh, anh cảm thấy em nhất định phải là của anh, vuốt nhẹ những sợi tóc, nhìn vào khuôn mặt mà anh nghĩ rằng sẽ thuộc về anh, anh thấy em xinh đẹp vô cùng, nhìn đôi mắt trong sáng của em anh cảm thấy trong đó anh có tất cả...”.

Họ cưới nhau trong những ngày cả thành phố Hải Phòng  phải oằn mình hứng chịu những trận bom phá hoại của đế quốc Mỹ. Đêm tân hôn ở nơi sơ tán, bom vẫn nổ rền vang, người mẹ của Giao chép miệng: “ Đêm đầu tiên của chúng nó mà thế này thì không biết sau sẽ ra sao”.

Cô em gái Hoàng Liên Thái đang nằm trên giường, nghe được câu nói đó bỗng bật khóc. Chị Lan sau đó cũng đầm đìa nước mắt. Anh Giao nghe em khóc, gặng hỏi lý do nhưng Thái chỉ lắc đầu. Sáng hôm sau, Hoàng Kim Giao đã làm bài thơ có tựa đề “Hạnh phúc” tặng vợ, trong đó có những câu thế này: “Nếu nước mắt báo cuộc đời cay đắng; Lòng yêu thương anh uống cạn khổ đau; Nếu nước mắt tiếc nguồn vui cũ; Dù xé lòng anh - Đời vẫn của riêng em” .

Đôi vợ chồng mới cưới đó  ở bên nhau chẳng được mấy ngày rồi Giao phải lên Hà Nội còn Lan xuống Hưng Yên học. Có hôm được nghỉ, bất chấp bom đạn, Lan đạp xe từ Hưng Yên lên Hà Nội thăm chồng. Hai người gặp nhau chưa kịp hàn huyên thì có tiếng còi báo động máy bay Mỹ ném bom. 

Chồng vội đạp xe về đơn vị, vợ đạp xe về Hưng Yên khỏi trễ chuyến đò, kịp lên lớp sáng mai. Khao khát gặp Lan dẫu chỉ được vài giờ, nhưng Giao đã đề nghị đơn vị không cho mình nghỉ phép! Anh viết thư cho vợ: “Đáng lẽ anh lại được gần em trong đêm trăng sáng nhìn ánh mắt vui chờ đợi hồi hộp lo âu của em...

Và đáng lẽ phải hơn nữa kia. Nhưng em yêu quý đừng trách anh nhé! Anh đề nghị cấp trên không cho nghỉ phép. Anh rất nhớ em nhưng rất mong yêu cầu của mình  được chấp nhận.

Tình sử bằng thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao ảnh 2
Chị Hoàng Liên Thái

Bây giờ thì yêu cầu đó được chấp nhận rồi, có lẽ chúng ta chỉ có thể gặp nhau rất ít. Anh biết em sẽ không trách anh và hiểu vì sao chúng ta phải dằn mình lại trước hạnh phúc yêu đương, những sự hy sinh của chúng ta không đáng là bao nhưng cần thiết...”.

Thế rồi, chẳng những xin không nghỉ phép, người thanh niên ấy đã xung phong ra chiến trường, nơi có thể biến sự xa cách tạm thời thành vĩnh viễn.

Đời sống vợ chồng của họ đã có gì ngoài sự xa cách? Nhưng những bức thư tình thực sự là một sự giải thoát cho sự xa cách vời vợi đó. Tình sử của họ được dệt bằng thư. 

Có cảm giác những bức thư của Hoàng Kim Giao gửi cho người vợ trẻ càng về sau này, khi chiến tranh càng ác liệt, lại càng nồng nàn yêu thương, càng thấm đẫm chất lý tưởng và lãng mạn.

Hình như anh đã viết thư như một sự cứu rỗi, như một sự chứng tỏ mình đang sống và đôi khi như một lời trăng trối? Những lá thư ấy chỉ chấm dứt “cõi đi về”  khi tiếng nổ định mệnh vang lên trên một ngọn đồi ở huyện Nam Đàn - Nghệ An năm 1968.

Hành trình tìm mộ và những chuyện bây giờ mới kể

36 năm kể từ ngày nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao hy sinh, nỗi thương nhớ anh trai chẳng những không nguôi ngoai mà ngày càng nặng trĩu trong lòng cô giáo Hoàng Liên Thái. Trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam vừa rồi, chị đã một mình từ Hải Phòng vào Nghệ An thăm mộ anh. Chiều tối 29/4, sau khi chị thắp hương khấn vái, bó hương trên đài cao bỗng bùng lên ngọn lửa dù lúc ấy trời lặng gió. 

Chưa hết sững sờ thì chị Thái lại trông thấy một cánh bướm nâu, từ đâu bay đến đậu trên vai mình. Dùng tay phẩy đuổi, cánh bướm vẫn không chịu bay đi mà cứ lượn vòng bia mộ. Ngạc nhiên hơn, ngày hôm sau, khi về tới Hải Phòng, chị bàng hoàng khi thấy cánh bướm nâu ở nghĩa trang Nam Đàn đang đậu trên tấm huân chương của liệt sỹ Hoàng Kim Giao.

4 ngày sau, con bướm đã chết trên bàn thờ, dưới bức ảnh cụ Hoàng Văn Luận – thân sinh của người liệt sỹ.  Cho đến bây giờ, chị Thái vẫn nâng niu, gìn giữ con bướm nâu ấy như một cái gì đó linh thiêng thuộc về anh trai mình.

Chẳng hiểu có sự mách bảo nào của tâm linh, chị Thái mường tượng thấy anh mình ở thế giới bên kia mang một hình hài kỳ dị. Chị muốn tìm ảnh của anh trai để về nghĩa trang liệt sỹ ở Nam Đàn, đốt lên bên mộ như một sự chứng minh cho cõi âm biết liệt sỹ Hoàng Kim Giao có dung mạo đẹp lắm. Nhưng anh ra đi mà không để lại một tấm ảnh riêng còn nguyên vẹn ở nhà.

Trên đường  từ Nam Đàn về chị ghé Hà Nội  tìm đến Viện Điện tử – Viễn thông Quân đội– đơn vị cũ của anh Giao với hy vọng ở đây còn lưu lại tấm ảnh. Vừa bước vào phòng truyền thống, chị đã thấy ảnh anh trai mình, liền đó là một sự ngạc nhiên đến sững sờ khi đọc dòng chữ trên bức sơn mài ghi nhận liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I vì đã có đóng góp giải pháp kỹ thuật cho công trình: “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông 1967 -1972”. 

Giải thưởng  Hồ Chí Minh trao năm 1996 mà đến lúc đó gia đình nhà khoa học trẻ vẫn không hề biết? Niềm vui đến bất ngờ mà cô giáo Hoàng Liên Thái nước mắt cứ trào ra. Cũng chẳng trách được đơn vị cũ vì địa chỉ nhà liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã thay đổi từ lâu.

Ông Đinh Quốc Khải -  cán bộ Viện Điện tử - Viễn thông Quân đội nhớ lại: “Anh Giao là một trong những người đầu tiên nghiên cứu cách đối phó với bom từ trường. Lúc đó anh cũng như hầu hết cán bộ nghiên cứu ở Viện còn rất trẻ, sẵn sàng đem hết khả năng và kết quả nghiên cứu phục vụ cho chiến đấu, dù biết rằng mình có thể hy sinh.

Tôi còn nhớ anh Lê Hoài Tuyên khi được cử đi chiến trường (tháng 10 năm 1971) đã nói với tôi: “Mình rất mãn nguyện được đi lần này...”. Sau đó anh Tuyên hy sinh ở binh trạm 14 tuyến 559 vào ngày 26 tháng 3 năm 1972, khi ấy mới tròn 24 tuổi”.

Cũng tại đơn vị cũ, cô giáo Hoàng Liên Thái mới hay mộ anh trai mình ở Nam Đàn chỉ là mộ giả. Thân xác, hình hài anh hầu như còn gì nữa khi hứng trọn quả bom 300 kg thuốc nổ. Từ khi biết tin này lòng chị không còn bình yên nữa. Chị lại lặn lội vào Nam Đàn tìm kiếm hố bom nơi anh trai mình đã hi sinh.

Chị tin rằng đó mới đích thực là mộ của anh. Nhưng thời gian quá ngắn, thân gái dặm trường, chuyến đi đó cũng chưa mấy kết quả. Đến tháng 7/2005, chị cùng đoàn cựu chiến binh, trong đó có những đồng đội của liệt sỹ Hoàng Kim Giao, đó là các ông Đặng Sỹ Mốc, Phạm Văn Cư, Lương Ngọc Tước, trở về tuyến lửa năm xưa tìm lại nơi nhà khoa học trẻ ấy đã hy sinh. 

Chị Nguyễn Thị Lan, người vợ của liệt sỹ Hoàng Kim Giao cũng đi trong chuyến này. Họ đã lên tận xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hưng của huyện Nghĩa Đàn nhưng mãi khi về xã Nam Hưng gặp ông Phạm Đình Sơn 80 tuổi, nguyên Xã đội phó dân quân, địa điểm liệt sỹ Hoàng Kim Giao hy sinh  mới dần sáng tỏ.

Ông Sơn kể: Năm 1968 có mấy chú bộ đội về đây phá bom, không may bom nổ, 2 chú đã hy sinh cùng lúc, dân quân nhặt xác chôn trong đêm...Cuối cùng địa điểm liệt sỹ Hoàng Kim Giao hy sinh đã được xác định. Hố bom năm xưa nay trở thành một chiếc vũng nông choèn nằm trên đồi sim, mua.

Trên miệng vũng có hai cây si xanh rì và trông  hoàn toàn khác lạ so với quần thể thực vật xung quanh. Chị Lan đứng trước mộ chồng, mái tóc dày đen ngày nào đã khiến anh Giao nhớ da diết trong những cuộc hành quân, giờ đã lấm tấm bạc...

Cô giáo Hoàng Liên Thái lấy một ít đất ở hố bom để đưa về Hải Phòng  rải lên mộ bố mẹ mình, rồi thả xuống biển. Chị nghĩ làm vậy sẽ giúp anh Giao gần hơn với quê hương. Vừa về đến nhà, đáng lẽ gọi tên chồng nhưng chẳng hiểu sao từ vô thức chị lại buột miệng gọi “Anh Giao ơi”. Chị gọi trong vô thức như thế đến 9 lần.

Lần hồi giở lại những bức thư của anh Giao gửi về cho gia đình, chị đọc lại  và giật mình như vừa phát hiện ra một điều gì quý giá lắm. Sau đó, được chị Lan đưa cho những bức thư tình mà anh Giao đã gửi trước đây, cô giáo Hoàng Liên Thái đã gác hết mọi công việc, ngày ngày ra cửa hàng vi tính đánh máy lại những bức thư, chữ nhỏ li ti đã úa vàng. Hầu như đọc bức thư nào chị cũng khóc.

Càng đọc, chị càng bất ngờ trước tình cảm, lẽ sống của anh Giao, đó là một thế giới nội tâm thanh sạch và nếu soi mình vào đó sẽ có cảm giác được gột rửa. Được sự ủy thác của gia đình liệt sỹ Hoàng Kim Giao, những lá thư của nhà khoa học trẻ này  sau đó đã được nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng  biên soạn và giới thiệu thành tập sách mang tên “Sống để yêu thương và dâng hiến”, sắp được xuất bản. 

Đón đọc số tới: Giọt nước nhỏ giữa biển mênh mông

“... Có những lúc anh mệt mỏi, anh thấy mình bé nhỏ lắm Lan ạ! Anh chỉ muốn là con chim nhỏ, bay về sã cánh giữa lòng em, em vỗ về nuôi nấng, em làm tất cả, em trách móc yêu thương...Nhưng anh không muốn tình yêu làm con người trở nên tiều tụy.

Người ta trở về với con người cá nhân của mình, ngắm nghía mãi và suốt ngày điểm phấn, tô son cho mối tình nho nhỏ...” - Đó không chỉ là những trang thư mà là những trang đời của Hoàng Kim Giao, một con người đầy nghị lực, quả cảm và tài hoa đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.