20 học sinh mắc viêm cầu thận cấp tại Nghệ An: Vào vùng tâm bệnh

Các bác sỹ khám lâm sàng, tư vấn sức khỏe cho học sinh trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch.
Các bác sỹ khám lâm sàng, tư vấn sức khỏe cho học sinh trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch.
TP - Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức khám sàng lọc cho 200 em học sinh tại xã Hạnh Dịch (huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An), nơi xuất hiện 20 ca bệnh viêm cầu thận cấp khiến 2 bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ.

Vì nghèo, phải rời viện về quê

Ngày 22/1, tại Trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng, Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong khám và tư vấn sức khỏe cho các em học sinh. Anh Vi Văn Cường (SN 1976, trú tại bản Na Xai) cho biết: “Con tôi học lớp 7, không có biểu hiện bệnh gì, để cho yên tâm tôi cứ đến đây xem sao. Cán bộ cũng đã tuyên truyền về vệ sinh, xung quanh nhà đã dọn sạch sẽ rồi”. Cùng chung tâm lý với anh Cường, rất nhiều phụ huynh đã nghỉ làm để lên trường xem bác sỹ khám cho con mình. Trên nét mặt của nhiều người hiện rõ lo âu.

Cô Lang Thị Tuyển - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch cho hay: “Toàn trường có 175 học sinh, 19 cán bộ, giáo viên. Sự việc lần đầu xảy ra tại trường khiến cho phụ huynh, giáo viên đều lo lắng. Để trấn an, trường đã cử giáo viên đến tận nhà người dân tuyên truyền, động viên. Trường cũng đã kiểm tra việc ăn uống đối với học sinh bán trú”. 

Trong 20 học sinh nghi mắc bệnh viêm cầu thận cấp, 2 em đã tử vong, hiện có 2 em đang phải nghỉ học để theo dõi, 16 em khỏi bệnh đã đi học bình thường. Lô Văn Thành (học sinh lớp 9A) chia sẻ: “Nhà cách trường khoảng 12km nên em ở trọ nhà người quen. Ngày 9/1/2017, em được đưa đến bệnh viện khám, lúc đó em thấy khó thở, sưng tấy cả người. Nằm ở bệnh viện 2 tuần thì em về. Giờ em thấy bình thường rồi. Ở nhà em thường uống nước lạnh đầu nguồn”.

20 học sinh mắc viêm cầu thận cấp tại Nghệ An: Vào vùng tâm bệnh ảnh 1

Anh Hà Văn Tiến đưa con trai Hà Văn Dậu đến trường khám bệnh.

Anh Hà Văn Tiến (SN 1973, trú tại bản Mứt) có con là Hà Văn Dậu (học sinh lớp 6A) bị bệnh chưa khỏi. Điều khiển xe máy chở con vượt qua nhiều đèo dốc để ra trường khám bệnh, giữa đường, chiếc xe máy ọp ẹp của anh Tiến bị đứt xích đành vào nhà người dân ven đường gửi tạm. Hai bố con cuốc bộ 5km, cháu Dậu đang còn mệt nên anh Tiến lầm lũi cõng con ra trường. Được biết, vợ chồng anh Tiến có ba người con, Dậu là con út, gia đình thuộc diện hộ nghèo. 

“Hạnh Dịch chưa có hệ thống nước sạch, nước sinh hoạt người dân đều lấy nước từ khe suối đầu nguồn về sử dụng. Hiện 6 bản chưa có điện và không sóng điện thoại”. 

Ông Lương Tiến Lê - Chủ tịch xã Hạnh Dịch

“Chiều thứ 6 ra trường đón con về thấy nó bình thường nhưng sau đó thấy mặt sưng phù, hai vợ chồng cứ tưởng là con béo lên. Ai ngờ, hôm sau cháu kêu mệt, ngứa, nổi mụn nhọt nên tôi đưa đi khám thì bác sỹ bảo cháu mắc bệnh. Nằm viện điều trị được một tuần thì tôi phải xin phép đưa con trở về nhà tự chăm sóc. Gia đình nghèo quá, ở bệnh viện nữa thì không có tiền”, anh Tiến kể.

Gia đình anh Lô Văn Quê (SN 1975, trú tại bản Chăm Pụt) có hai con tử vong vì nghi mắc bệnh viêm cầu thận cấp. Hôm nay, gia đình anh Quê làm lễ mai táng cho con trai Lô Văn Tuấn. Ngôi nhà sàn tuềnh toàng tang thương hơn bao giờ hết khi hai người con trai tử vong. “Lúc đưa các em đi viện bác sỹ bảo bị bệnh nặng. 

Xuống Vinh chữa rồi ra Hà Nội nhưng gia đình cũng phải đưa em về. Bệnh của em Tuấn có thể cầm cự được nhưng phải chạy thận, khám liên tục. Gia đình biết rõ nhưng không có tiền để cho các em chữa trị, đành đưa về nhà”, Lô Văn Hoài (anh trai của hai học sinh đã tử vong là Lô Văn Tuấn, Lô Văn Hiếu) nói.

Chưa rõ nguyên nhân

Ngày 21/2, đoàn công tác của Sở Y tế Nghệ An gồm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, BV Sản Nhi đến vùng dịch. Cơ quan chuyên môn lấy 10 mẫu máu của bệnh nhân đang điều trị tại nhà và bệnh nhân đã ổn định, đi học. Qua xét nghiệm, có 5 mẫu dương tính với ASLO (xét nghiệm huyết thanh đo lượng kháng thể kháng liên cầu khuẩn); 4 mẫu nước tại gia đình có 2 bệnh nhân tử vong, tại trường THCS Hạnh Dịch chưa có kết quả xét nghiệm.

“Chẩn đoán ban đầu của cơ quan y tế địa phương là các bệnh nhân nói trên bị viêm cầu thận cấp, nhiều khả năng do liên cầu khuẩn nhưng không loại trừ các nguyên nhân khác từ thức ăn, nước uống, hóa chất”, PGĐ Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Xuân Hồng, người được phân công trực tiếp theo dõi, xử lý dịch bệnh tại Hạnh Dịch cho biết.

 Ngày 21/2, Sở Y tế Nghệ An do ông Hoàng Văn Hảo- PGĐ sở chủ trì cuộc họp về vấn đề này. Sở Y tế chỉ đạo khám sàng lọc cho 200 học sinh tiểu học, THCS Hạnh Dịch; triển khai tổng vệ sinh môi trường, báo cáo và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị thích hợp.

Trong công văn số 189/KCB-QLCL gửi Sở Y tế Nghệ An ngày 22/2, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê  đề nghị Sở Y tế tỉnh Nghệ An khẩn trương xác minh sự việc, tìm rõ nguyên nhân, tập trung cứu chữa, yêu cầu hỗ trợ của tuyến trên nếu cần. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Nghệ An báo cáo cụ thể về vụ việc trước ngày 28/2.                 

Thái Hà

MỚI - NÓNG