Hai Bộ trưởng Quốc phòng và tám vị tướng từ một ngôi trường

Hai Bộ trưởng Quốc phòng và tám vị tướng từ một ngôi trường
Sau ngày 9/3/1945 Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương Đảng ta đã có chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Một phong trào Việt Minh sôi nổi, phát triển rầm rộ từ Bắc chí Nam nối tiếp các cao trào cách mạng trước đó.
Hai Bộ trưởng Quốc phòng và tám vị tướng từ một ngôi trường ảnh 1
Vị trí từng là trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế có ghi “ở Huế có Trường Thanh niên tiền tuyến… học sinh Trường Thanh niên tiền tuyến một số là cơ sở Việt Minh đã hướng thanh niên theo mặt trận Việt Minh, lực lượng bảo an binh và nhiều anh chị em sinh viên Trường thanh niên tiền tuyến dưới quyền chỉ huy của anh Phan Tử Lăng cũng đã đứng về phía cách mạng (anh Phan Tử Lăng sau này là Đại tá Cục trưởng của quân đội ta)”.

Những dẫn chứng trên chứng tỏ sự đánh giá rất đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên – Huế đối với anh em Trường Thanh niên tiền tuyến (tên đầy đủ là Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến).

Học sinh Trường Thanh niên tiền tuyến hầu hết là những sinh viên các trường đại học ở Đông Dương, một số đã là cơ sở của Việt Minh, hướng thanh niên theo mặt trận Việt Minh.

Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu là người tổ chức chỉ đạo học sinh, hướng họ về với cách mạng. Hai ông được học sinh kính phục, tin yêu, là hai nhà trí thức lớn có lòng yêu nước, cả hai ông sau này đã đi theo cách mạng và trở thành hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta.

Trong bài tường thuật lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta ở Việt Bắc ( năm 1948) có đoạn: “Sau khi đồng chí Võ Nguyên Giáp lên nhận sắc lệnh phong hàm Đại tướng từ tay Bác, cụ Bùi Bằng Đoàn nói mấy lời căn dặn. Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói lời chúc mừng. Ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó đã thay mặt toàn thể bộ đội nói lên niềm phấn khởi tự hào khi quân đội ta có vị Đại tướng đầu  tiên làm Tổng chỉ huy.

Ông Phan Anh đã từng làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1946 do Bác Hồ bổ nhiệm. Ông Tạ Quang Bửu khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giúp ông Phan Anh, sau ông Tạ Quang Bửu lại là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cộng tác với Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp.

Sau này tình hình ngoại giao có những yêu cầu mới, đồng chí Võ Nguyên Giáp thôi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng một thời gian để trao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho đồng chí Tạ Quang Bửu”.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng và tám vị tướng từ một ngôi trường ảnh 2
Bộ trưởng Phan Anh, những năm bốn mươi thế kỷ trước

Trường Thanh niên tiền tuyến chỉ có hơn bốn mươi học sinh, qua 2 cuộc kháng chiến được Đảng và Quân đội rèn luyện đã có 2 vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và 8 đồng chí trở thành cấp tướng, 10 đồng chí là Đại tá và các hàm Giáo sư. Các vị tướng đó là:

- Trung tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng Tham mưu trưởng.

- Các Thiếu tướng: Đào Hữu Liêu - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế;

- Đoàn Huyên – Tư lệnh bộ đội tên lửa phòng không, Phó Tư lệnh Quân chủng phòng không, không quân;

- Mai Xuân Tần - Đại đoàn quân tiên phong; Võ Quang Hồ - Cục phó Cục tác chiến;

- Phan Hàm - Bộ Tổng tham mưu,

- Nguyễn Thế Lâm quyền Tư lệnh Quân khu 5, Cao Pha - Phó Tư lệnh đặc công.

Vậy Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến là ngôi trường như thế nào?

Đó là một trường huấn luyện quân sự trực thuộc Bộ Thanh niên chính phủ Trần Trọng Kim nhưng do những trí thức yêu nước theo Việt Minh dẫn dắt.

Trung tướng Lê Tự Đồng trước Cách mạng Tháng 8 là người lãnh đạo Việt Minh thành phố Huế đã kể lại “Trong khi phong trào đang phát triển rầm rộ thì ở Huế thỉnh thoảng xuất hiện một số truyền đơn kêu gọi quần chúng tham gia phong trào cứu quốc. Bên dưới ký là Việt Minh Thuận Hóa”.

Lạ thật ! Sao lại có một tổ chức Việt Minh nào nữa trong thành phố này? Có phải đây là một tổ chức “Việt Minh tự phát” của anh chị em yêu nước theo lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh hay là của một bọn khiêu khích thân Nhật?

“Phải tìm cho ra tổ chức này. Tôi được giao nhiệm vụ ấy, vì tôi là người phụ trách Huế. Qua chị Đào Thị Đính lúc đó là Tổ trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc cho biết có một số anh em trong công chức sinh viên cũng tự xưng là Việt Minh và họ nhận chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh từ Hà Nội gửi vào.

Sau khi xác nhận tổ chức Việt Minh Thuận Hóa này bao gồm những người tiến bộ, yêu nước trong các công sở, trường học và cả trong Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến, chúng tôi quyết định cần phải gấp rút hợp nhất lại thành một mối mới thúc đẩy phong trào lên nhanh được.

Hội nghị hợp nhất được tiến hành, bên chúng tôi gồm các đồng chí: Hoàng Anh, Nguyễn Đính và tôi là đại diện. Bên nhóm Việt Minh Thuận Hóa có Nguyễn Tấn, Nguyễn Thế Lâm và Lê Khánh Khang. Phong trào phát triển nhanh như diều gặp gió, từ trong các tầng lớp quần chúng cơ bản đến cả các tầng lớp trung gian”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, học sinh Trường Thanh niên tiền tuyến tiếp tục đi theo con đường cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thiếu tướng Mai Xuân Tần kể lại “Tổ chức thanh niên tiền tuyến chỉ là bề ngoài, bên trong ông Phan Anh và ông Tạ Quang Bửu trực tiếp chỉ đạo, sau hai ông trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của quân đội ta.

Với sự giúp đỡ của mấy anh em đã vào Việt Minh trước đây, học sinh của trường đã giác ngộ cách mạng, trong những ngày Nam tiến, sang giúp bạn Lào hoặc ra Bắc bổ sung cho quân đội, hầu hết học sinh đã tiến bộ, nhiều người trở thành cán bộ cao cấp của quân đội”.

Thiếu tướng Đoàn Huyên ngày ấy đi Nam tiến, bị địch bắt ở Biên Hòa năm 1946, đã hai lần chúng đưa ra dọa hành quyết nhưng nhất quyết không khai và rồi lại trốn về với cách mạng.

Thiếu tướng Cao Pha và đồng chí Đặng Văn Việt người Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng đã chỉ huy Trung đoàn chiến đấu lập công liên tiếp trên đường số 4 mà kẻ địch đã phải gọi là “con hùm xám trên đường số 4”. Các ông đã treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ thành Huế.

Hai ông kể lại: “Chúng tôi nai nịt gọn gàng trong quân phục chỉnh tề, ca lô đội đầu kiểu kỵ binh mã vàng, ghệt cao cổ của chàng ngự lâm quân, tất cả binh hỏa lực để xung trận chỉ là một khẩu súng và 6 viên đạn. Hai chúng tôi cuộn tròn lá cờ gác lên hai chiếc xe đạp, chúng tôi đẩy và thẳng tiến về phía kỳ đài. Khi đến kỳ đài gặp tên chỉ huy lính triều đình chúng tôi truyền lệnh “hạ cờ cũ, treo cờ mới”.

Lúc đó khí thế cách mạng bừng bừng, chúng tôi hạ lệnh tiếp - 5 lính pháo đùng buộc cờ vào dây qua ròng rọc đưa cờ đỏ sao vàng từ từ lên cao và cờ nhà Vua từ từ hạ xuống. Anh Thế Lương tức Cao Pha sau này và 5 lính pháo đùng xếp hàng ngang đưa tay chào. Lúc đó là giờ Mùi khoảng 14 giờ ngày 21/8/1945” tức là hai hôm trước ngày giành chính quyền ở Huế 23/8/1945.

Mấy phút sau, một máy bay 2 thân cánh bạc quốc kỳ USA lượn 3 vòng quanh cột cờ nghiêng cánh như vẫy chào rồi biến mất phía chân trời. ý nghĩa quan trọng của việc nhỏ này là “báo hiệu sự chấm dứt một triều đại trị vì của nhà Nguyễn trên 143 năm (1802-1945), kết thúc chế độ phong kiến để chuyển qua một thời kỳ mới của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”.

Trong số học sinh có nhiều người đã hy sinh ngay những ngày đầu dựng nước. Sinh viên Lê Thiệu Huy là con trai của Giáo sư Lê Thước - một nhà giáo uyên bác và yêu nước, được đi bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông về nước, đoàn ra tới giữa sông Mêkông thì bị máy bay của giặc bắn. Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình che cho Hoàng thân và hy sinh anh dũng vào sáng ngày 21/3/1946.

Hoàng thân Xuphanuvông đã viết bức thư xúc động gửi tới cụ Lê Thước. Trong thư có đoạn “Thưa ngài, anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý nhất của ngài mất đi, không những riêng trong gia quyến mất một người con yêu dấu mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất một chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý.

Với riêng tôi cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm tôi bùi ngùi thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho nước Lào, cho dân tộc Lào. Tinh thần hy sinh cao cả đó đã nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho nhân dân Lào luôn luôn bền bỉ chiến đấu để tiêu diệt đế quốc xâm lăng và giành độc lập cho đất nước…”.

(Ký và đóng dấu của Chính phủ kháng chiến Lào)

Học sinh Trường Thanh niên tiền tuyến trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám đã làm được nhiều việc quan trọng:

1.Bảo vệ các cuộc mít tinh lớn ở Huế như lễ ra mắt của ủy ban khởi nghĩa trung bộ và ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế.

2. Tước vũ khí của lực lượng vũ trang cũ, bắt nhiều phần tử phản động thân Pháp, Nhật.

3. Hộ tống phái đoàn Chính phủ đưa Vua Bảo Đại thoái vị ra Bắc.

4. Tham gia xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng quân đầu tiên của Thừa Thiên – Huế rồi tiếp tục Nam tiến – giúp bạn Lào bảo vệ vùng chiến lược quân khu 5 – tham gia xây dựng trường võ bị lục quân Trần Quốc Tuấn, lên Việt Bắc, công tác tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu…

Ngày nay trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, ngôi trường Thanh niên tiền tuyến nằm bên đường Quốc lộ I, đoạn qua thành phố Huế. Khuôn viên của ngôi trường ấy nay là trụ sở của Công ty Công viên cây xanh Huế.

MỚI - NÓNG