Nữ Robinson trên Vịnh Hạ Long

Nữ Robinson trên Vịnh Hạ Long
TP - Mười năm không biết Tết đất liền, người phụ nữ quyết tâm làm dự án trồng rừng trên một hòn đảo hiu quạnh ở Vịnh Hạ Long. Đảo của bà sẽ là một khu du lịch sinh thái hấp dẫn.
Nữ Robinson trên Vịnh Hạ Long ảnh 1
Bà Lương Kim Loan (trái) bên cây vải Thanh Hà mang ra từ đất liền

Đang sống yên bình, hạnh phúc cùng chồng con ở thành phố Hạ Long xinh đẹp và thơ mộng, bà xin ra làm việc tại một nơi hiu quạnh.

Sau 10 năm, mọi người thấy bà có một cơ ngơi không dễ gì ai cũng có được. Họ gọi bà là Robinson của Vịnh Hạ Long.

Mọi việc bắt đầu từ khi  anh Nguyễn An Lộc, con trai bà, nuôi trồng hải sản ở đảo Lờm Bò - động Mê Cung, phát hiện ra ở sau đảo có đất, bãi bằng có thể trồng cây và sinh sống được.

Ra đảo, thấy nhiều dấu tích của người dân Hùng Thắng, Hạ Long, tản cư trong những năm kháng chiến chống Mỹ, trên đảo còn nhiều mồ mả, cây nhãn, cây dứa được trồng thành hàng lối do họ để lại, bà Loan nghĩ đến một dự án trồng cây ăn quả để phủ xanh hòn đảo.

Đầu năm 1994, thời gian Vịnh Hạ Long chưa được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, bà Loan làm đơn xin ủy ban nhân dân phường Bạch Đằng và thành phố Hạ Long làm dự án phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng vải trên hòn đảo này, với diện tích đăng ký là 4,5 ha, thời gian trong 50 năm.

Vốn ban đầu vỏn vẹn có 40 triệu đồng, bà đóng một con tàu nhỏ dùng đi lại hết 28 triệu đồng. Còn lại, bà mua giống vải. Ngày đầu ra đảo, chỉ um tùm cỏ lau, cỏ le và mồ mả, rắn rết, cuộc sống quạnh hiu, buồn tẻ. Gia đình không ai ủng hộ bà. Hưu rồi, còn cố làm gì. Bà vẫn quyết tâm ra đảo. 

 Sang Hải Dương mua giống vải Thanh Hà quả vừa to vừa ngọt, bà có được sự cộng tác của ông Nguyễn Văn Liệu, người cùng cơ quan. Nhưng được một thời gian ông Liệu cũng vướng víu nhiều chuyện.

Chỉ còn mình bà trên hoang đảo. Cuộc sống của bà không khác gì Robinson Cruso trong tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defo. Có lúc, bà nghĩ đến việc bỏ đảo vào đất liền.

Nhờ vào sự cần cù của con người, nay vườn vải đã tốt bời bời. Thiên nhiên cỏ cây cũng không phụ sức người. Đảo Lờm Bò phủ xanh hơn bốn ha đất trống đồi trọc bằng vải và nhiều loại cây ăn quả có giá trị. 

Bà Loan thuê bốn nhân công sinh sống hẳn ở đảo chăm sóc vườn cây ăn quả. Mỗi năm, khu vườn đem lại ít nhất cũng 4-5 tấn vải. Ngoài vải, bà Loan trồng thêm quýt, na, nhãn, bòng bưởi, nuôi gà, ngan để tạo thực phẩm tại chỗ cho nhân công. Thời gian tới, bà Loan đưa một số cây giống có giá trị kinh tế khác vào trồng trên đảo như xoài, cam, v.v...

Để tạo mỹ quan cho hòn đảo, bà trồng 31 cây dừa Bình Định (giống dừa chịu được nước mặn) ở chân đảo. Hòn đảo hoang vắng ngày nào nay trở nên xinh xắn, duyên dáng, hấp dẫn.

Đặc biệt hơn, năm 2001 mẹ con bà Loan phát hiện ra một hang động còn nguyên sơ trong lòng đảo. Sau đó báo chí cũng rộ lên đưa tin về hang động mới phát hiện này. Bà Loan đặt tên là Bích Động Thủy.

Bà cho biết 10 năm nay chưa ăn Tết trong đất liền. Bây giờ ở đảo bà thấy vui, yêu đảo hơn. Đảo, biển Hạ Long là nhà của bà rồi. Vào các dịp lễ, Tết, gia đình, bạn bè, họ hàng thường tổ chức ra thăm bà, thăm đảo.

Hiện đảo Lờm Bò đang là điểm lý tưởng để xây dựng, phát triển khu du lịch sinh thái. Bà Loan sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước để xây dựng khu du lịch sinh thái trên đảo.

MỚI - NÓNG