Độc đáo pháo thần công

Độc đáo pháo thần công
TP - Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm làm quà tặng có ý nghĩa chào mừng Đại lễ, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, cán bộ Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - Không quân đã tạo ra một khẩu pháo thần công thu nhỏ hết sức độc đáo.

Trên cương vị quản lý Xưởng cơ khí của Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - Không quân, nhiều năm liền, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong ấp ủ làm một sản phẩm mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khẩu pháo thần công với tên gọi “Tiếng vọng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội” ra đời như vậy sau nhiều đêm người lính này miệt mài trong xưởng chế tạo.

Thượng tá Phong bày tỏ, thần pháo là tác phẩm sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật kết hợp giữa việc bố trí sắp đặt tạo hình với những nét chấm phá của nghệ thuật điêu khắc sống động nhằm tôn vinh giá trị tư tưởng nhân văn, giá trị thẩm mỹ sự kiện Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn với các bậc cha ông.

Thần pháo dựa trên nguyên mẫu khẩu pháo cổ, mà chúng ta hay gọi là pháo Thần công. Thượng tá Phong bật mí, khi thiết kế, chế tạo súng pháo ngoài các yếu tố kỹ thuật cơ bản, thì có hai yếu tố vô cùng quan trọng là trọng tâm và tầm bắn. Pháo Thần công tức là sức mạnh vô song, công phá như thần.

“Nhiều người cứ hỏi sao ngày Đại lễ lại tặng quà kỷ niệm là khẩu pháo?”- Thượng tá Phong kể. “Đó là mọi người chưa hiểu hết ý nghĩa của pháo Thần công. Đâu phải cứ nghĩ đến pháo là chiến tranh, là xung đột. Ngược lại, pháo thường gắn liền với sự kiện vui mừng hoan hỷ: bắn pháo hoa đón năm mới, bắn pháo chào đón các nguyên thủ quốc gia...

Sản phẩm “Tiếng vọng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội” có đầy đủ ba yếu tố Tâm - Tầm - Trí Lực. Tâm là trọng tâm để khẩu pháo luôn cân bằng. Tầm là tầm bắn để nói đến sự hiệu quả. Trí lực là sức công phá, sức chiến đấu. Đây cũng là những yếu tố vô cùng quan trọng mà mỗi người đều mong muốn có ở trong mình, tự tin là làm bất cứ việc gì đều đạt được thành công”.

Thượng tá Phong cho biết, khẩu pháo đẹp nhất đã được anh dâng tặng Đại tượng Võ Nguyên Giáp, với mong muốn Đại tướng mạnh khỏe, chung vui sự kiện Hà Nội nghìn năm tuổi.

Một mẫu pháo thần công
Một mẫu pháo thần công.

Có thể bắn như pháo thật

Thượng tá Nguyễn Hồng Phong cho biết, những khẩu pháo này tuy nhỏ, nhưng nếu được lắp thêm một ống bắn kẹp nòng vào thân pháo, thì có thể bắn như một khẩu pháo hoàn chỉnh. Dù bắn được, nhưng sản phẩm không phải là một thứ vũ khí bởi pháo chỉ tạo ra tiếng nổ đầu nòng chứ không gây nguy hiểm. Những khẩu pháo này có thể trở thành pháo lễ khi được nhồi một loại thuốc gọi là thuốc tống vào ống bắn kẹp nòng, sau đó đốt phần đuôi pháo sẽ tạo ra tiếng nổ nhỏ ở đầu pháo.

"Điều khiến nhiều người bất ngờ là khi nhìn từ trên xuống, khẩu pháo như chiếc nỏ thần, được làm ra để giữ thành mà giặc phải dùng kế gian mới chiếm được. “Chúng ta luôn tự hào về những người Việt Nam đầu tiên sáng tạo ra vũ khí để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từ nỏ thần An Dương Vương cho đến pháo thần công do Hồ Nguyên Trừng sáng tạo ra thời nhà Hồ." - Thượng tá Nguyễn Hồng Phong

Đối với những khẩu pháo lớn kiểu này để chào mừng các ngày lễ lớn, ngoài thuốc tống, người ta cho thêm những dải kim tuyến vào nòng pháo. Khi bắn, những sợi kim tuyến sẽ bắn ra trong khoảng cách khoảng 1 - 2 m, tạo hình ảnh rất đẹp. Tuy nhiên, những sản phẩm làm quà lưu niệm, do không có ống bắn kẹp nòng, nên không thể kích nổ.

Theo quan sát của chúng tôi, tuy là sản phẩm lưu niệm, song bố cục của thần pháo rất độc đáo, mọi bộ phận đều hài hòa: Bệ đỡ như hình ảnh cách điệu của cuốn sách đang mở ra, có chạm khắc các họa tiết tường thành cổ. Bánh xe được chạm khắc các hoạ tiết của mặt trống đồng, tia nắng mặt trời và đàn chim lạc đang bay, nhắc nhở mọi người nhớ về thời kỳ đầu dựng nước của các vị Vua Hùng. Càng pháo là hình ảnh cách điệu hai con rồng cuộn, tái hiện giấc mơ của vua Lý Thái Tổ. Phần đuôi mang hình ngọn lửa, châm ngòi cho sự khởi đầu trọng đại trong lịch sử của dân tộc Việt. Phần thân dưới là toàn văn Bản chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ…

Kỹ sư Phạm Thế Anh (Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - Không quân) cho biết, những khẩu pháo càng nhỏ thì kỹ thuật chạm khắc càng phải tinh xảo. Để chạm khắc những thân pháo nhỏ xíu, phải dùng kỹ thuật quang hóa (quang học và hóa chất). Khó khăn nhất là công đoạn viết chiếu dời đô bằng chữ Hán nhỏ li ti. Đối với chữ Hán chỉ thiếu một nét là đã khác nghĩa, nên đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải làm việc hết sức tỉ mỉ, nghiêm túc.

Được biết, sản phẩm của Thượng tá Phong đã được Cục Bản quyền, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền và quyền sở hữu. Trong kịch bản kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự kiến sẽ có màn bắn pháo mừng. Nếu được giao trọng trách chế tạo những khẩu đại pháo theo mẫu này, Thượng tá Phong cùng các cộng sự của anh sẵn sàng đảm nhận.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".