Vì sao dân phải đợi thêm năm nữa?

Công trình âu thuyền Phú Hải, có trị giá đầu tư hơn 42 tỷ đồng, chỉ lèo tèo vài công nhân làm việc
Công trình âu thuyền Phú Hải, có trị giá đầu tư hơn 42 tỷ đồng, chỉ lèo tèo vài công nhân làm việc
TP - Khởi công gần 3 năm, dự án khu neo đậu tàu thuyền tránh bão Phú Hải (tỉnh TT- Huế) dự kiến đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2010. Tuy nhiên đến thời điểm này, công trình vẫn trong tình trạng ngổn ngang. Hàng trăm tàu thuyền vẫn chưa có chốn neo đậu an toàn giữa mùa gió mưa khắc nghiệt.
Công trình âu thuyền Phú Hải, có trị giá đầu tư hơn 42 tỷ đồng, chỉ lèo tèo vài công nhân làm việc
Công trình âu thuyền Phú Hải, có trị giá đầu tư hơn 42 tỷ đồng, chỉ lèo tèo vài công nhân làm việc . Ảnh: Ngọc Văn

Liên tục khất tiến độ

Tháng 4-2008, dự án khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Phú Hải (huyện Phú Vang) do Sở NN&PTNT tỉnh TT- Huế làm chủ đầu tư được khởi công, với tổng mức đầu tư trên 42 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vay nước ngoài.

Công trình được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu neo đậu, trú tránh bão cho khoảng 500 tàu, thuyền công suất từ 20 CV trở lên của nhiều xã, thị trấn ven biển và đầm phá huyện Phú Vang.

Ngay từ khi triển khai, dự án đã bộc lộ sự ì ạch. Tháng 11-2009, ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh uỷ TT- Huế (khoá 13) trực tiếp về chỉ đạo, buộc nhiều nhà thầu cam kết hoàn thành các gói thầu theo mốc thời gian đã xác định, để kịp đưa công trình vào sử dụng trong mùa mưa bão năm 2010.

Ông Mãn đã lưu ý: Tiến độ giải ngân dự án đạt và vượt kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng được dân ủng hộ, nhà thầu không gặp trở ngại lớn trong thi công, do đó, không có lý do gì để chậm trễ. Công trình phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-5-2010.

Lần đó, lãnh đạo tỉnh TT- Huế đặc biệt lưu ý gói thầu xây lắp số 1 (XL1, xây dựng đê chắn sóng, cầu tàu, trụ neo). Đây là hạng mục quan trọng nhất của dự án, nhưng tiến độ lại chậm nhất. Kết thúc cuộc làm việc, Cty CP Xây dựng và Phát triển Cơ sở hạ tầng Vinashin đã cam kết hoàn thành gói thầu XL1 vào ngày 30-5-2010. Nhưng cho đến đầu tháng 10-2010, các hạng mục gói thầu XL1 vẫn ngổn ngang, kéo theo sự chậm trễ của nhiều gói thầu khác.

Sau nhiều lần dời thời hạn gói thầu XL1 theo thoả thuận giữa các bên liên quan (từ 30-3-2010 sang 30-6-2010), UBND tỉnh đã quyết định mốc hoàn thành cuối cùng là ngày 30-8-2010. Tuy nhiên, dự án tiếp tục xin gia hạn tiến độ.

Ông Phan Văn Song, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Hải phân tích: “Gói thầu XL1 chậm tiến độ kế hoạch, không bảo đảm các cam kết là do năng lực nhà thầu yếu kém, thiếu máy móc, nhân lực, phương tiện thi công. Thời hạn cấp bách, nhưng trên công trình lại rất mỏng công nhân. Âu thuyền chắc chắn không thể hoàn thành trong năm nay vì còn rất nhiều khối lượng công việc phải làm”.

Chậm thêm 1 năm

Nhà thầu tham gia gói XL 1 yếu kém, phương tiện kỹ thuật, nhân lực hạn chế là vậy, nhưng chủ đầu tư (Sở NN&PTNT TT- Huế) vẫn không thay đổi nhà thầu mới, vì cho rằng sẽ mất nhiều thời gian bàn giao hồ sơ công trình, lựa chọn lại nhà thầu, tái đấu thầu...

“Năng lực nhà thầu thực hiện gói XL1 là yếu kém, nhưng tiến độ chưa chậm đến mức buộc chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng theo quy định. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa nhà thầu này vào danh sách những đơn vị không được tiếp tục tham gia đấu thầu các gói liên quan trong thời gian tới”, ông Trần Công Đăng Tướng, chuyên viên dự án âu thuyền Phú Hải cho biết.

Theo thông báo từ Sở NN&PTNT, trước tình hình tiến độ thực hiện liên tục bị “trôi”, tỉnh TT-Huế và các bên liên quan đã thống nhất gia hạn thời gian kết thúc công trình dự án vào ngày 30-6-2011, chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu.

Như vậy, ngư dân Phú Vang phải mất thêm một năm nữa sống trong chờ đợi và sợ hãi. Điều đó cũng đồng nghĩa, hàng trăm tàu cá ven biển và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai tiếp tục chới với tìm chốn đỗ an toàn giữa một mùa mưa bão mới đầy hiểm nguy, khốc liệt.

Mưa quá lớn, khẩn cấp di dời dân

Mưa lớn kéo dài gây lũ ở mức xấp xỉ báo động 3 trên tất cả các sông chính của tỉnh TT-Huế đã đặt nhiều địa phương trong tình trạng sẵn sàng di dân phòng tránh nguy hiểm. Lượng mưa đo được trong vòng 48 giờ qua trên địa bàn toàn tỉnh dao động ở mức 250 - 406mm, cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Ngay trong sáng 3-10, lệnh di dời dân đã được Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh phát đi khẩn cấp, yêu cầu các huyện, thành phố Huế và thị xã Hương Thủy sơ tán dân ra khỏi các vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá, khu vực miền núi, vùng có nguy cơ lũ quét. Có phương án phòng chống tại những vùng ven biển được đánh giá là nguy hiểm nhất gồm Phong Hải, Quảng Công, Hải Dương, Thuận An, Phú Thuận, Vinh Hải, Vinh Hiền…

Do mưa lớn, nước lụt dâng cao cục bộ từ 0,5-1m tại nhiều tuyến đường, trong suốt ngày 3-10, giao thông tại thành phố Huế và các vùng thấp trũng Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy gần như bị tê liệt.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".