Vết nứt lạ đe dọa 16 căn nhà ở Lâm Đồng

Vết nứt lạ đe dọa 16 căn nhà ở Lâm Đồng
TP - Ngày 4-5, Sở TN&MT Lâm Đồng phối hợp UBND huyện Di Linh kiểm tra thực địa tại khu vực rộng khoảng 15ha - nơi xảy ra hiện tượng nứt đất.

> Nứt đất tại Lâm Đồng khó xảy ra động đất

Nhiều vết rạn nứt lớn trên đường
Nhiều vết rạn nứt lớn trên đường.

Tình trạng sụt lún đất đai đã gây hư hại 15 nhà kiên cố cùng 1 nhà tạm của 16 hộ dân tại khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi thuộc tổ 5, khu phố 1, thị trấn Di Linh.

Nhiều khe nứt hở xuất hiện không theo quy luật: Bề rộng trung bình từ 2cm – 10cm, chiều sâu trung bình 0,3m – 0,8m. Hầu hết các căn nhà đều bị xé nền; nứt tường, móng và sân, trong đó một căn có tường bị lệch khỏi móng và đổ sập. Thời điểm đó các thành viên trong gia đình đều đã rời khỏi nhà nên không xảy ra thương vong.

Gần 1 tuần nay cũng đã xảy ra nạn sụt lún trong các vườn cà phê và trên đường. Vết nứt kéo dài khoảng 100m từ đường Hai Bà Trưng qua đường Nguyễn Văn Trỗi tạo sự chênh lệch rõ rệt giữa phần đất phía trên và phần dưới vết nứt. Đặc biệt trên đường Hai Bà Trưng (gần ngã ba đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Trỗi) có khe nứt rộng tới 15cm, sâu hơn 2m cắt ngang qua mặt đường giao thông.

Chủ tịch UBND huyện Di Linh Nguyễn Canh cho rằng hiện tượng sụt lún nói trên là rất bất thường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống các hộ dân, gây xáo trộn và tạo dư luận phức tạp trong nhân dân, cần phải có biện pháp kiểm tra, xử lý ngay.

Nền nhà và tường bị nứt
Nền nhà và tường bị nứt.

Theo nhận định ban đầu của lãnh đạo ngành TN&MT, hiện tượng nứt đất ở Di Linh có thể do trượt đất bởi cấu trúc địa chất (nền đất chủ yếu là đất sét, độ bám dính yếu) và tụt mực nước ngầm. Hầu như toàn bộ nước sinh hoạt của khu vực này được khai thác từ nguồn nước ngầm. Mùa khô, mực nước ngầm đã thấp lại bị khai thác quá mức nên bị tụt đột ngột dẫn đến tai biến nứt đất.

Đây là hiện tượng ngoại sinh chứ không phải do các chuyển động kiến tạo như động đất, núi lửa. Hiện tượng này từng xảy ra ở thôn Đarahoa (xã Hiệp An) năm 2002: Các vết nứt dài hàng trăm mét, rộng từ 5 đến trên 20 cm và sâu hơn 12m làm nứt tường nhà, giếng của nhiều hộ dân và đường liên thôn. Hoặc như các vết nứt xuất hiện vào năm 2005 trên quốc lộ 20, trước cổng Nhà máy chế biến rau quả cấp đông thuộc địa bàn thôn Trung Hiệp, Hiệp An.

Lãnh đạo Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết có 5 - 6 căn nhà trong khu vực hiện không đảm bảo an toàn do tường và móng bị rạn nứt nghiêm trọng, cần có biện pháp di dời ngay.

 

Tiến sĩ Phạm S - Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng cũng nhận định có những cơn địa chấn kéo dài trong lòng đất thuộc các huyện tiếp giáp nhau là Đức Trọng, Di Linh… Viện Địa lý - Tài nguyên đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về hiện tượng nứt đất gây ra bởi những cơn địa chấn này.

Trước tình trạng các khe nứt có xu thế mở rộng và có chiều hướng phát triển lan rộng, Sở TN&MT đề nghị huyện Di Linh tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình nứt đất tại khu vực nói trên, có biện pháp khắc phục ngay, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong việc ăn, ở, đi lại tại khu vực này;

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, khảo sát địa chất để có những thông tin chính xác về nguyên nhân, trên cơ sở đó ngăn ngừa hữu hiệu những thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG