Hà Nội nóng ngang 'chảo lửa' miền Trung

Nhiều người Hà Nội mặc kín mít khi ra đường để chống nóng Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều người Hà Nội mặc kín mít khi ra đường để chống nóng Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hà Nội và Vinh đứng đầu chín thành phố nóng nhất của cả nước. Đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay lan ra hầu khắp nửa nước có khả năng kéo dài đến giữa tuần này.

> Bão mạnh cấp chín ảnh hưởng đến biển Đông

Nhiều người Hà Nội mặc kín mít khi ra đường để chống nóng Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều người Hà Nội mặc kín mít khi ra đường để chống nóng.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đợt nắng nóng bắt đầu từ thứ bảy tuần trước, 7-5, ở vùng núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, với nhiệt độ phổ biến 35 - 37oC; một số nơi cao hơn như Tây Hiếu, Tương Dương, Quỳ Hợp (Nghệ An) và huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) lên đến 37,5o C.

Cỗ máy hút nhiệt

Đầu chiều qua, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương (DBKTTVTƯ), Hà Nội và Vinh là hai trong số 9 thành phố đại diện các vùng địa lý - hành chính khác nhau trên cả nước có nhiệt độ cao nhất, 35oC.

TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ cũng đang vào mùa nóng nhưng nhiệt độ đo được ở Tân Sơn Nhất vẫn thấp hơn Hà Nội, chỉ 34oC.

TP Việt Trì chìm sâu trong vùng tác động của một áp thấp nóng phát triển từ cao nguyên nam Tây Tạng và Ấn - Miến như đối với Hà Nội.

Tây Nguyên, Nam Bộ bắt đầu mùa mưa

Từ nay đến cuối tuần, gió mùa tây nam sẽ bắt đầu xuất hiện trên vùng trời Nam Bộ và Tây Nguyên, gió sẽ mạnh dần lên từ tầng thấp lên cao. Từ tuần này, mùa mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên chính thức bắt đầu.

Những ngày đầu mưa nhiều ở nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Sau đó lan ra các khu vực khác.

Mùa mưa năm nay ở Nam Bộ và Tây Nguyên được nhận định đến sớm hơn bình thường khoảng 5-10 ngày.

TP Hải Phòng nằm cùng vĩ độ với Hà Nội, nhiệt độ thấp hơn nữa, chỉ 32oC. Hải Phòng được hưởng gió biển, mật độ xây dựng chưa cao so với các đô thị khác. TP Sơn La, nằm sâu vùng tây bắc, vốn cũng chịu ảnh hưởng nặng của rìa nam vùng áp thấp nóng phía tây nói trên.

Nơi đây, diện tích rừng tự nhiên cũng bị suy giảm rất nhiều, chỉ còn một nửa so với cách đây nửa thế kỷ. Nhưng cũng chiều qua, nhiệt độ Sơn La chỉ 31oC.

Hứng trực tiếp những đợt gió khô hanh từ Lào thổi về, còn gọi là hiệu ứng Phơn, TP Vinh nằm trong danh sách hai thành phố nóng nhất hôm qua là điều dễ hiểu.

Vậy tại sao Hà Nội, nơi gió khô từ tây Trường Sơn ít khi với tới, giờ lại sánh ngang TP Vinh về mức độ nóng trong khi nắng nóng ở Vinh khô hanh thì nắng nóng ở Hà Nội lại oi bức do độ ẩm cao hơn?

Mặt hàng máy phát điện, quạt máy tiêu thụ mạnh
Mặt hàng máy phát điện, quạt máy tiêu thụ mạnh.

Hà Nội những năm gần đây nóng nhiều, theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, là do biến đổi chế độ tiểu khí hậu không hề được cải thiện mà, trái lại, ngày càng trở nên tồi tệ hơn, ngày càng chịu tác động trực tiếp của đô thị hóa và quy hoạch thiếu khôn ngoan.

“Đô thị hoá ở Hà Nội hiện nay ảnh hưởng tới nhiệt độ trung bình và khiến nơi đây nóng không kém chảo lửa miền Trung. Nhiệt độ tại các khu vực trung tâm Hà Nội mấy năm nay thường cao hơn ít nhất vài độ so với miền quê xung quanh”, GS Đăng nói.

Xô nhựa thay… mũ bảo hiểm chống nóng
Xô nhựa thay… mũ bảo hiểm chống nóng .

Nóng gay gắt ở Hà Nội còn do có nhiều máy móc, xe cộ, và máy điều hòa nhiệt độ. Cũng không thể bỏ qua hiện tượng ít nhiệt ngầm hơn do tiếp tục có quá ít cây xanh, trong khi các tòa nhà mới và các con đường mới mọc lên như nấm khiến bầu không khí tiếp tục tồi tệ hơn.

Đêm xuống, Hà Nội vẫn không thoát khỏi nóng bức. Do hiệu ứng tích nhiệt ban ngày và tỏa nhiệt ban tối, bề mặt các công trình xây dựng và mặt đường màu xám làm nhiệm vụ tiếp tục hâm nóng môi trường xung quanh. Đã thế, không khí Hà Nội trở nên khó đối lưu hơn bởi các tòa cao tầng san sát. Xây dựng quá gần nhau, dẫn đến hiện tượng bức xạ theo chiều ngang. Hiệu ứng này trở nên lớn nhất vào ban đêm.

Đi tắm ở bể bơi để chống nắng Ảnh: Hồng Vĩnh
Đi tắm ở bể bơi để chống nắng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Giữa tuần dịu mát

Do ảnh hưởng của rìa nam vùng áp thấp nóng phía tây phát triển mạnh nhất từ đầu mùa đông đến nay, nhiều tỉnh phía bắc nước ta chịu đợt nắng nóng, oi bức rõ rệt nhất kể từ đầu mùa hè đến nay. Ngoài ra, hoạt động của gió tây nam vượt dãy Trường Sơn, ngăn hơi ẩm, gây hiệu ứng phơn (foehn), từ hôm qua và hôm nay, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cũng có nắng nóng và khô hanh trên diện rộng.

Cồng kềnh quạt máy, nón lá Ảnh: Hồng Vĩnh
Cồng kềnh quạt máy, nón lá. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tác động hút gió và mây của một cơn bão vừa hình thành ở Tây Thái Bình Dương cũng khiến tình thế nắng nóng này có thể kéo dài đôi ba ngày nữa. Đến khoảng giữa tuần, một đợt gió mùa đông bắc tràn từ lục địa Trung Quốc sẽ khiến thời tiết miền Bắc dịu hẳn với những cơn mưa và dông lốc đầu mùa. Đợt nắng nóng diện rộng này được nhận định không quá gay gắt như cùng kỳ năm ngoái và cũng không phải quá sớm.

Tuy nhiên, trong hai tháng tới, có khả năng xuất hiện các đợt nắng nóng với cường độ mạnh hơn, nhất là với các tỉnh bắc và trung Trung Bộ mà thủ phạm chính vẫn có thể là hiệu ứng foehn hay còn gọi là gió Lào. Năm ngoái, nửa nước chứng kiến hai đợt nắng nóng kỷ lục, một đợt giữa tháng 6 và một đợt gần giữa tháng 7. Đợt thứ hai kéo dài 16-18 ngày, được cho là dài nhất từ trước đến nay.

Biển động rất mạnh ở Biển Đông

Cơn bão đầu tiên trong năm nay ở Tây Thái Bình Dương hình thành sáng 7-5, mạnh lên cấp 9 chiều 8-5, và tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc sẽ gây biển động rất mạnh ở vùng đông bắc Biển Đông từ hôm nay, 9-5.

Chiều qua, vị trí tâm bão AERE ở vào khoảng 14,5 độ vĩ bắc; 123,5 độ kinh đông, cách đảo Luzon, Philippines, 250 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 9, cấp 10 (từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo, cho đến chiều nay, bão AERE tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, trên khu vực phía bắc đảo Luzon. Sau đó, bão có thể chuyển lên phía bắc với tốc độ di chuyển nhanh hơn, khoảng 20 km/h, hướng về phía đảo Đài Loan.

Do ảnh hưởng của bão, từ hôm nay, 9-5, vùng biển phía đông bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7; vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; biển động rất mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG