Nỗi niềm phố cổ sang sông

Nỗi niềm phố cổ sang sông
TP - Cuộc sống của người dân phố cổ Hà Nội đầy náo nhiệt, nhưng ẩn sau đó là những nỗi niềm người đi, người ở khi Tết đến xuân về.

Phố nghề trăm tuổi đang biến mất

Thương hiệu công dân phố cổ

Tường gạch tróc vữa, bộ cửa mất cánh chỉ còn trơ khung gỗ. Ra vào dưới vòm cửa ấy mấy chục năm trời khiến những cũ kỹ, chật chội, nhỏ hẹp trở thành nếp sống của những hộ dân cư trú tại số nhà 53 Hàng Buồm. “Đây vốn là một biệt thự cổ, do thương nhân người Hoa xây khi kinh doanh trên phố cổ. Nay ngôi nhà có tới gần 50 hộ sống chen chúc nhau trong những căn buồng nhỏ hẹp, được ngăn bởi những bức tường, ván gỗ mỏng mảnh”, bà Nguyễn Thị Thành một người dân sống trong ngôi nhà nói.

Cả khu nhà với một khoảng trống nhỏ duy nhất có ánh sáng trời. Nơi bà Thành ở là căn phòng nhỏ trên gác 3, lối lên là chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, lúc nào cũng phải thắp sáng bằng chiếc bóng điện 40W. Giống như những hộ dân khác sống tại tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà, phòng của bà Thành cũng không có phòng vệ sinh riêng. Mấy chục hộ dân phải chung nhau 5 cái “toilet loại cổ” cửa chắn bằng tấm ván gỗ ở tầng 1. “Chẳng ai muốn đi khỏi đây cả, ăn đời ở kiếp với phố cổ rồi đâm quen với cái chật hẹp nơi này. Về chỗ ở mới theo đề án di dân rộng rãi thật nhưng cái gì cũng bất tiện”, bà Thành tiếp chuyện.

Cùng với suy nghĩ của bà Thành, nhiều hộ dân cư ở phố cổ cho rằng, nếu sang sông chuyển về Việt Hưng sống theo đề án thì riêng chuyện đi lại là sự bất tiện đối với những cư dân đang làm việc trong nội thành hoặc kinh doanh tại phố cổ. “Sống chật chội như thời bao cấp nhưng có trăm cái tiện. Muốn ra ngoài một bước là xuống phố, muốn mua cái gì chỉ cần đứng cửa ới một tiếng là người ta mang đến tận nơi. Ở số nhà 53 có nhiều hộ sống bằng nghề mở hàng ăn, quán trà đá, bán bánh kẹo, quần áo…, là nguồn sống đối với họ từ nhiều năm nay”. - Anh Hoàng, một người dân ở 53 Hàng Buồm, nói.

Anh Huy ở phố Hàng Đào cũng bày tỏ: “Nếu được lựa chọn, tôi sẽ không đi đâu cả. Nhà tôi đã sống ở đây mấy đời rồi. Sang Việt Hưng có nhà rộng, xe ô tô cũng không bằng cảnh sáng đưa con đi học Trưng Vương, sau đó ăn phở Phú Xuân rồi lê la uống cà phê Nghĩa”. Theo anh Huy, phố cổ đã trở thành thương hiệu, nên không lạ gì việc ai đó hãnh diện nhà của mình ở khu nào đó của 36 phố phường, mặc dù diện tích bé tý teo, chật chội, hay cuộc sống hàng ngày chỉ gắn bó với gánh hàng rong, quán nước vỉa hè. “Chỉ riêng với hộ khẩu phố cổ, muốn đi đâu, xin gì cũng dễ hơn, như việc xin nhập học, xin việc làm, hay cầm sổ đỏ có thương hiệu phố cổ cũng dễ vay tiền hơn những nơi khác” - Anh Huy nói.

Nặng lòng với phố

Dường như mỗi dịp Tết đến Xuân về, đối với những người dân phố cổ là những thời khắc khó quên nhất. Bao nhiêu những bực bội, phiền muộn thường ngày do phải sống xoay xở trong không gian chật hẹp, cũ kỹ được tưới lên không khí rộn ràng, sầm uất của phố xuân. “Chỉ cần bước ra phố thôi là thấy những sắc đào phớt đỏ, hoa bày rợp ven đường, những quầy bánh trưng xanh mướt, sạp bánh kẹo tấp nập người mua…”, ông Đỗ Ngọc Thanh, cư dân nhà 47 Hàng Bạc, tâm sự. Năm nay hơn 70 tuổi, ông Thanh gắn bó với phố cổ gần cả đời người.

Ngôi nhà số 47 Hàng Bạc là một trong những ngôi nhà thuộc diện cổ nhất, được xây dựng từ năm 1880. Ngôi nhà rộng hơn 200 m2, với kiến trúc nhà ống, mặt tiền rộng 7 m, 3 giếng trời, lợp ngói vảy rồng, khung cột nhà đều bằng gỗ… Đặc biệt nhất, tường nhà được trắt bằng vôi, cát trộn mật mía. Có một thời ngôi nhà trở thành niềm tự hào của của phố cổ vì liên tục có du khách nước ngoài đến tham quan, chụp ảnh, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc đến tìm hiểu. Tuy nhiên, hiện ngôi nhà đã xuống cấp khá trầm trọng. Năm 2010, một vụ hỏa hoạn nhỏ trên gác hai khiến ngôi nhà càng xuống cấp hơn. Sau vụ cháy đó, 2 hộ dân sống trên gác đã phải tạm di dời. Gia đình ông Thanh cùng 5 hộ dân khác vẫn đang bám trụ, chờ phương án giãn dân của thành phố. Chứng kiến ngôi nhà từ lúc huy hoàng nhất, đến lúc thoi thóp, lòng ông Thanh không khỏi ưu tư.

Có lẽ những cư dân nặng lòng với 36 phố phường nhất hiện nay là những người đang gắn bó, sinh nhai bằng nghề cũ, những nghề đã làm lên thương hiệu phố cổ thời huy hoàng nhất. “Nhà tôi 3 đời gắn bó với nghề rèn rồi. Ở con phố này giờ chỉ còn tôi làm cái nghề này. Lớp trẻ chẳng ai theo nữa. Bếp lửa phố Lò Rèn cũng sắp tắt hết cả rồi. Ông Nguyễn Phương Hùng, một người làm nghề truyền thống ở phố Lò Rèn kể với giọng tiếc nuối cho con phố từng một thời huy hoàng với lò bễ lửa, tiếng quai búa chan chát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.