Bộ GTVT ủng hộ thu phí vào nội đô

TPHCM đang xem xét đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố để giải quyết nạn kẹt xe Ảnh: LT
TPHCM đang xem xét đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố để giải quyết nạn kẹt xe Ảnh: LT
TP - Chiều 7-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GTVT, đại diện Bộ GTVT bày tỏ quan điểm ủng hộ thu phí phương tiện vào nội đô mà Hà Nội và TPHCM vừa đề xuất; Bộ đã kiến nghị Chính phủ cho phép 2 thành phố thực hiện giải pháp trên.

> Thu phí phương tiện cá nhân không khả thi

“Tuy nhiên, các địa phương cần xem xét thận trọng về cách làm cụ thể để nhận được sự ủng hộ của người dân.

Về chủ trương đổi giờ học, giờ làm, Bộ đang phối hợp với Hà Nội đánh giá lại sau 3 tháng thực hiện và báo cáo Chính phủ trước khi tiếp tục triển khai ở các địa phương khác”, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường nói.

Nội đô sẽ tràn xe máy, ngoại thành đầy ô tô

Theo nhiều chuyên gia,việc TPHCM tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng thực hiện đề án thu phí ô tô vào trung tâm sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân, làm biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ, gây áp lực lên lạm phát, song nạn ùn tắc giao thông vẫn không giảm.

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm (gọi tắt HCCS) do Cty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) làm chủ đầu tư, theo đó, TPHCM sẽ xây dựng 35 cổng thu phí tự động trên các tuyến đường đi vào khu vực trung tâm (quận 1, 3 và vùng giáp ranh quận 5, 10).

Ô tô vào khu vực trung tâm phải nộp phí với nhiều mức khác nhau tùy loại phương tiện và giờ lưu thông thấp hay cao điểm. Riêng xe buýt và xe công cộng không nộp phí.

ITD kỳ vọng khi thực hiện HCCS, lưu lượng taxi vào trung tâm giảm 55%, ô tô cá nhân giảm 70%, xe buýt tăng khoảng 15%...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi về tính khả thi vì nạn kẹt xe do nhiều nguyên nhân. Một khi chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được cải thiện, nhiều người sẵn sàng nộp phí hay chuyển sang sử dụng xe máy để vào trung tâm.

Theo Tổng giám đốc ITD Lâm Thiếu Quân, khi triển khai thu phí, lượng xe máy vào trung tâm TPHCM sẽ tăng khoảng 13%.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều doanh nghiệp taxi cho rằng HCCS sẽ khiến nạn kẹt xe khu trung tâm trầm trọng hơn.

Để tránh nộp phí, tài xế taxi chỉ hoạt động ở ngoại ô, không vào trung tâm. Ngược lại, tài xế chỉ loanh quanh trong khu vực trung tâm để tránh nộp phí nhiều lần.

Theo một số chuyên gia, các vụ ùn tắc gần đây có xu hướng chuyển từ nội ô ra vùng ven, cửa ngõ, đặc biệt là tại ngã tư Hàng Xanh, các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp..., nạn kẹt xe còn nghiêm trọng hơn ở quận 1 và 3.

Theo ông Quân, để thu phí, các xe phải gắn thiết bị OBU (thẻ đọc). Các chủ xe mua thiết bị thanh toán phí (OBU) hoặc thuê OBU tại 35 điểm để đi vào khu vực thu phí.

Khi xe qua trạm, hệ thống sẽ nhận diện OBU, xử lý, phân tích số liệu trên xe và trực tiếp trừ tiền trong tài khoản của chủ xe. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó chi phí mua sắm thiết bị hơn 1.000 tỷ đồng.

Thạc sỹ Huỳnh Thanh Tùng, chuyên gia giao thông, nói: Thay vì triển khai đề án thu phí, UBND TPHCM nên dùng khoản tiền trên để nâng cấp, đường giao thông, đầu tư xe buýt, triển khai các dự án bãi đỗ xe ngầm khu vực trung tâm đang nằm trên giấy. Số tiền trên đủ để làm ít nhất 10 bãi đỗ xe.

“Dự án cho rằng sẽ tiết kiệm được khoảng 16 tỉ đồng từ lượng thời gian ùn tắc giao thông nhưng chưa lường tới sự mất mát của xã hội khi bị ngăn cản lưu thông hay giá thành vận chuyển cao vì đóng phí khi năng lực giao thông công cộng còn quá yếu kém”, TS Tùng nói.

“Đi đôi với thu phí, TPHCM cần phải nâng cao chất lượng giao thông công cộng vì khu vực quận 1, 3 là “đầu não”, nơi tập trung rất nhiều các cơ quan hành chính, doanh nghiệp, trung tâm thương mại.

Nếu phải gửi ô tô ở ngoại ô thì họ sẽ đi vào trung tâm bằng phương tiện gì? Hiện nay chất lượng xe buýt thấp, trong khi các tuyến đường sắt đô thị lại chưa được đưa vào sử dụng”- Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP HCM Thái Văn Chung nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG