Nơi nghiêm ngặt, chỗ buông lơi

Phố Lý Thái Tổ dày đặc ô tô, xe máy Ảnh: Anh Trọng
Phố Lý Thái Tổ dày đặc ô tô, xe máy Ảnh: Anh Trọng
TP - Tròn một tháng Hà Nội thực hiện cấm trông xe trên 262 tuyến phố, nhưng theo khảo sát của PV Tiền Phong tại nhiều tuyến phố cấm các điểm trông xe bỗng có phép trông xe trở lại.

> Tăng thêm các tuyến phố cấm trông giữ xe

Phố Lý Thái Tổ dày đặc ô tô, xe máy Ảnh: Anh Trọng
Phố Lý Thái Tổ dày đặc ô tô, xe máy Ảnh: Anh Trọng.

Cấp phép cho phố cấm

Là một trong 262 tuyến phố bị cấm để xe, nhưng thời gian gần đây, người làm việc trong các cơ quan, văn phòng tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm bỗng đổ xô đến tuyến phố Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng đỗ xe.

Thay vì dành cho việc đi lại, lòng đường, vỉa hè nhiều đoạn trên hai tuyến phố này đang thành những điểm trông giữ xe. Tất cả các điểm trông giữ xe ở đây đều được cắm biển cấp phép của Sở GTVT.

Cụ thể, trên phố Lý Thái Tổ, suốt chiều dài hơn một kilômét nhan nhản điểm trông giữ ô tô xe máy; riêng vỉa hè trước khu vực Cung Thiếu nhi Hà Nội đặc kín xe máy, còn lòng đường bên dưới ô tô cũng đỗ thành hàng dài, cạnh điểm trông giữ xe ở đây là một cột biển cấp phép của Sở GTVT.

Tương tự, trên phố Đinh Tiên Hoàng, hiện có hai khu vực (trước toà nhà hàm cá mập và trước tượng đài Lý Thái Tổ) cũng trở thành nơi đỗ của ô tô, xe máy.

Nếu đoạn trước hàm cá mập là điểm trông giữ xe dịch vụ và có cắm biển cấp phép của Sở GTVT thì điểm trước tượng đài Lý Thái Tổ lại là khu vực thường xuyên dừng đỗ của ô tô biển số xanh.

Trên nhiều tuyến phố cấm như Phố Huế - Hàng Bài, Tràng Thi, Chợ 19-12, Tôn Đức Thắng, Cát Linh, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn - Giải Phóng... Cũng đang xảy ra tình trạng xe dừng đỗ ngổn ngang.

Riêng đường Chợ 19-12, trong quyết định của TP Hà Nội, cấm dừng đỗ xe cả trên vỉa hè, lòng đường nhưng những ngày qua gần một làn đường hướng phố Hai Bà Trưng - Lý Thường Kiệt trở thành điểm đỗ ô tô và có biển cấp phép của Sở GTVT.

Bức xúc trước tình trạng nơi thực hiện nghiêm nơi buông lỏng, nhiều người dân trên các tuyến phố cấm cho rằng, vì văn minh đô thị và chủ trương chung của TP, họ đã chấp hành rất tốt việc không dừng đỗ xe dưới lòng đường.

Nhưng việc dân ở tuyến này thực nghiêm dân ở tuyến khác lại để xe đỗ như cũ là không hợp lý.

CSGT lờ xe vi phạm?

Trước việc một số tuyến phố cấm vẫn có hoạt đông trông giữ xe, hơn nữa lại có biển cấp phép của Sở GTVT, chiều qua ông Nguyễn Hoàng Linh, PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện chỉ có hai khu vực là phố Đinh Tiên Hoàng đoạn trước tòa nhà hàm cá mập và đường Chợ 19-12 vẫn được duy trì hoạt động trông giữ xe.

Theo ông Linh, do Sở QH&KT Hà Nội không có nơi đỗ xe nên để tạo thuận lợi cho Sở QH&KT hoạt động cũng như người dân đến giao dịch, Sở GTVT tiếp tục duy trì điểm trông giữ phương tiện ở đây.

“Với điểm trông giữ xe trên phố Đinh Tiên Hoàng đoạn trước toà nhà hàm cá mập, do được TP quy hoạch là điểm đỗ xe trung chuyển cho khu vực hồ Hoàn Kiếm nên hiện tại Sở đã cấp phép cho điểm đỗ này”, ông Linh nói.

Với các tuyến phố còn lại, trong đó có tuyến như Lý Thái Tổ, Tràng Thi, Cát Linh, Kim Mã... ông Linh cho rằng, Sở GTVT không cấp phép.

Được xem là lực lượng nòng cốt và có nhiệm vụ phối hợp với Thanh tra giao thông để xử lý xe dừng đỗ sai quy định.

Tuy nhiên ngày hôm qua nhiều tổ công tác của CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố lân cận chỉ xử lý người vi phạm giao thông trên đường, các trường hợp vi phạm về dừng đỗ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm các tuyến phố lân cận như Tràng Thi, Phố Huế - Hàng Bài... thời điểm từ 9 đến 11h sáng và từ 14 đến 15h chiều qua không thấy CSGT xử lý.

Chiều qua đại diện liên ngành Công an – GTVT cho biết, sau một tháng thực hiện cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố, lực lượng chức năng đã xử lý 938 trường hợp vi phạm về dừng đỗ, tạm giữ 43 phương tiện (chủ yếu là ô tô).

Trong đó Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa là các khu vực có số trường hợp vi phạm nhiều nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG