Đà Nẵng có 'vị tiền'?

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng làm nhiêm vụ tại các điểm chốt. Ảnh Nam Cường
Cảnh sát giao thông Đà Nẵng làm nhiêm vụ tại các điểm chốt. Ảnh Nam Cường
TP - Việc Đà Nẵng quyết định hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/tháng cho lực lượng CSGT tại 4 trạm cửa ô, chỉ là một trong nhiều chính sách thưởng, hỗ trợ tiền của thành phố. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của số đông. Tuy nhiên có những ý kiến trái chiều, cho rằng Đà Nẵng “vị tiền”, dùng tiền thưởng để tăng hiệu quả.

> Đà Nẵng đoạt giải 'Thành phố thông minh hơn'

Đủ cách thưởng tiền

Năm 2000, Đà Nẵng nổi đình đám với việc mạnh dạn đề xuất và triển khai chương trình “5 không” (không hộ đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không ma túy, không giết người cướp của).

Rồi vài năm sau, Đà Nẵng quyết định thưởng 200.000 đồng/1 người cho những ai phát hiện, thông báo về người lang thang xin ăn trên địa bàn qua đường dây nóng 0511.3550550, hoặc 0511.3550770.

Nơi tiếp nhận thông tin về người lang thang, xin ăn trên địa bàn. Ảnh Nguyễn Huy
Nơi tiếp nhận thông tin về người lang thang, xin ăn trên địa bàn. Ảnh Nguyễn Huy.

Đây mới chỉ là một trong những chính sách thưởng tiền đáng chú ý của Đà Nẵng. Những năm qua, thông tin về chuyện thành phố thưởng tiền cho việc triển khai nhiều chủ trương, chính sách liên tục xuất hiện trên các cơ quan thông tin đại chúng.

Khoảng năm 2008, Đà Nẵng rộ tình trạng đổ trộm phế liệu, rác thải xây dựng (xà bần), để dẹp yên nạn này, thành phố ra quyết định lập đường dây nóng 24/24 tiếp nhận thông tin về các trường hợp đổ trộm xà bần.

Mức phạt cho hành vi này lên đến 10 triệu đồng/1 vụ, và người báo tin cũng được thưởng ở mức “khủng” - 1 triệu đồng/1 lần.

Trong khi nhiều thành phố khác còn loay hoay xử lý tình trạng đất bỏ hoang gây lãng phí, ô nhiễm, thì Đà Nẵng ra chính sách bỏ tiền thuê người dọn sạch, sau đó cho thuê hoặc rào lại. Các chủ đất khi muốn bán hoặc sử dụng lô đất đó phải hoàn phí thành phố đã bỏ ra dọn rác.

Còn nhớ năm 2009, Chủ tịch HĐND, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trực tiếp đối thoại với hơn 130 ông chồng “vũ phu” đã gây nhiều bất ngờ, hiệu ứng.

Không dừng lại ở đây, vị Bí thư Thành ủy này giao nhiệm vụ quản lý theo dõi các “ông chồng cá biệt” về từng địa phương. Thêm vào đó thành phố cũng quyết định thưởng 500.000 đồng/1 người nhằm hỗ trợ Tết cho các “ông chồng tiến bộ”, bỏ cảnh đánh vợ con để động viên, khen thưởng kịp thời.

Tại Đà Nẵng từ lâu có truyền thống thưởng lớn cho tất cả những học sinh, vận động viên và những ai xuất sắc giành những giải thưởng lớn trong mọi lĩnh vực của quốc gia, quốc tế, mức thưởng nhiều chục triệu đồng trở lên.

Mới đây nhất, VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc sau khi giành vé (chuẩn B) dự Olympic London 2012 môn đi bộ, cùng em trai Thành Ngưng cũng là VĐV xuất sắc môn này, và HLV đã được thưởng hàng trăm triệu đồng.

Trước đó là trường hợp của kình ngư Hoàng Quý Phước. Học sinh lớp 8 Hồ Thị Hiếu Hiền - giải Nhất viết thư quốc tế UPU lần thứ 39 (năm 2010), ngoài nhiều tiền thưởng còn được cấp 1 căn hộ chung cư để giúp gia đình có chỗ ở ổn định…

Khó thống kê đầy đủ các chính sách thưởng, hỗ trợ tiền của Đà Nẵng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thể thao, giáo dục, an ninh trật tự đến đời sống, dân sinh…

Mới đây là chủ trương hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/1 tháng cho CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.

Với ngành y tế công lập, thành phố cũng vừa lập một giải thưởng hàng năm mang tên “Tỏa sáng blouse trắng”, với phần thưởng gấp 5 lần lương dành cho những cá nhân vừa giữ y đức, vừa có tài năng …

“Vị tiền”?

“Lương cán bộ nói chung còn thấp, nen việc hỗ trợ cho các lực lượng chuyên trách là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, một cán bộ Công an TP Đà Nẵng, nói.

Tuy nhiên, một số người đặt vấn đề: tại buổi đối thoại với đội ngũ cán bộ thành phố, Bí thư Thành ủy từng ví “cán bộ mà có được cái gì đã mới làm thì khác gì như con cá heo cho ăn mới nhảy múa”.

Nếu hỗ trợ tiền để lực lượng CSGT làm tốt nhiệm vụ thì khác nào tự gây mâu thuẫn? Đăng đàn trên phương tiện thông tin đại chúng, một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý hành chính cho rằng: Chẳng lẽ CSGT được “dưỡng liêm” thì làm tốt, còn những đơn vị khác như Y tế, Giáo dục, Hải quan… không được hỗ trợ thì sao, họ tốt rồi, hay nhìn sang CSGT mà dè chừng, tự nhủ: mình không được “dưỡng liêm” thì sao cũng được !

Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, cho hay: đây là chủ trương của lãnh đạo thành phố nhằm động viên, hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát.

Thực tế tiền hỗ trợ đến nay ngành vẫn chưa nhận được. Nhưng không phải vì tiền mà CSGT mới làm tốt. Đây là nhiệm vụ chính trị, chức năng của ngành. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

“Vị hiệu quả”

Theo ông Trần Bốn, Tổ trưởng tổ xử lý thong tin người lang thang xin ăn (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng): rõ ràng việc lập đường dây nóng, hỗ trợ tiền cho những người phát hiện, thông báo về hàng rong, xin ăn đã cải thiện rõ rệt tình trạng này.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 46 người lang thang, xin ăn được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội, 10 người tâm thần được nhân dân phát hiện và đưa vào BV Tâm thần Đà Nẵng điều trị; ngoài ra hàng trăm đối tượng xin ăn, trá hình ngoài địa phương đã được vận động, thuyết phục trở về quê.

“Nhờ chính sách thưởng tiền, đơn vị kết hợp được các “cộng tác viên” thường xuyên từ đội ngũ bảo vệ chợ, bến xe, nhà ga, đội ngũ xe ôm.

Họ làm tốt, mình thưởng đó là cách động viên và thu hút được đông đảo người dân có ý thức, trách nhiệm tham gia xây dựng đời sống đô thị chung của thành phố”, ông Bốn nói.

Theo ông Ngô Văn Thanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê): Vấn nạn đổ trộm xà bần xuất hiện khá phức tạp từ nhiều năm nay nhưng khi ngành chức năng triển khai kiên quyết bằng các biện pháp phạt nặng, thưởng cho đối tượng phát hiện, báo tin thì đến nay đã giảm đáng kể.

Năm 2011, phường xử lý 6 vụ đổ trộm xà bần. Người dân không hẳn có chuyện thưởng tiền mới báo cơ quan chức năng các vụ việc trên, nhưng có hình thức động viên, khen thưởng tạo phong trào, làm thành “tai mắt” cho phường.

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giảng viên ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Cần có giải pháp lâu dài

Tôi rất đồng tình với việc Đà Nẵng có chủ trương hỗ trợ cho lực lượng CSGT, đây được xem như “mũi đột phá” xét trong bối cảnh tiền lương chung hiện nay. Khi tiền lương còn thấp, chưa xứng đáng thì những cán bộ rất dễ sa ngã trước các khoản hối lộ, đút lót. Đi kèm với đó, Đà Nẵng giao trách nhiệm và tăng hình thức xử lý mạnh tay đối với trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để tạo sự công bằng cần có các giải pháp lâu dài về cải cách tiền lương, thu nhập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.