Tiền gắn liền trách nhiệm

Đà Nẵng “thưởng khủng” cho các vận động viên đạt thành tích xuất sắc Ảnh: Nguyễn Huy
Đà Nẵng “thưởng khủng” cho các vận động viên đạt thành tích xuất sắc Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Đà Nẵng thưởng, hỗ trợ tiền “thông thoáng”, đa dạng, tạo các bước đòn bẩy, đột phá. Ngành chức năng Đà Nẵng lý giải: Từng đồng tiền thưởng phải xứng đáng và đi kèm tính trách nhiệm, điều kiện.

> Đà Nẵng có 'vị tiền'?

Đà Nẵng “thưởng khủng” cho các vận động viên đạt thành tích xuất sắc Ảnh: Nguyễn Huy
Đà Nẵng “thưởng khủng” cho các vận động viên đạt thành tích xuất sắc.  Ảnh: Nguyễn Huy.

Báo Tiền Phong số ra ngày 28-3 đăng bài “Đà Nẵng có “vị tiền”?”, xung quanh vấn đề này chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến trái chiều.

Thưởng “khủng”

Kình ngư Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng) phá kỷ lục SEA Games 26, đạt chuẩn B Olympic 2012... được nhận những mức thưởng 90 triệu đồng từ lãnh đạo thành phố. Thành phố còn “thưởng thêm” 20 triệu đồng cho Phước khi đạt thành tích phá kỷ lục quốc gia trước đó.

Cũng với thành tích này ở giải bơi lội Malaysia mở rộng trước SEA Games 26 vài tháng, Phước được thành phố tặng thưởng thêm 20 triệu đồng, gần gấp đôi mức tiền thưởng theo quy định của Đà Nẵng.

VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc (Đà Nẵng) chỉ riêng việc đạt HCĐ giải đi bộ châu Á, phá chuẩn B Olympic vừa qua, đã được Đà Nẵng thưởng gần 40 triệu đồng, bỏ xa mức thưởng quy định của T.Ư gần chục triệu đồng

Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, từ năm 2007 đến nay, việc khen thưởng VĐV, HLV đạt thành tích cao trên địa bàn được quy định ở mức không quá 50% mức thưởng của T.Ư.

“Mức thưởng này chỉ sau hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Điều đáng nói, cách thưởng của Đà Nẵng tổ chức ngay sau khi VĐV trở về, để động viên khích lệ kịp thời. Mười đồng tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng là thế” - ông Nguyễn Trọng Thao, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở VH-TT&DL Đà Nẵng), nói.

Ngoài ra, Sở này xây dựng chế độ ưu đãi cho các VĐV đạt thành tích xuất sắc, với tổng thu nhập cố định từ 7-15 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi các VĐV khác chỉ được trung bình 4 triệu đồng/1 tháng. Mỗi năm, Đà Nẵng chi ngân sách gần 8 tỷ đồng hỗ trợ VĐV tập huấn nước ngoài và thuê HLV về giảng dạy.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa trao mức thưởng 1-15 triệu đồng/học sinh cho các học sinh đạt kết quả trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012.

Theo Sở này: Mức tiền thưởng cho một học sinh đạt giải tại các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế có thể lên đến 50 triệu đồng/học sinh, gấp đôi mức thưởng chung cho học sinh đạt giải Nhì ở kỳ thi khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quốc tế.

“Bộ GD&ĐT không quy định khung thưởng mà các địa phương tùy điều kiện thực tế của mình quyết định mức thưởng cho học sinh đạt giải. Đà Nẵng thường quy định tiền thưởng này ở mức cao” - một cán bộ văn phòng Sở GD&ĐT cho biết.

Không chỉ thưởng tiền, Đà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ “đặc thù” về thu hút nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: các đối tượng diện thu hút nhân tài được hưởng nhiều ưu đãi, như: Hưởng 100% mức lương ngay từ tháng đầu, hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng trong vòng 5 năm, được thuê chung cư.

Trường hợp ứng viên có bằng tiến sĩ trở lên sẽ do lãnh đạo TP Đà Nẵng trực tiếp phỏng vấn, trường hợp đạt yêu cầu, ngoài các chính sách trên sẽ được ưu tiên cấp chung cư trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Phú Thái, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Đà Nẵng: Trung bình, mỗi năm Đà Nẵng trích ngân sách khoảng 60 tỷ cho đề án hỗ trợ đào tạo ĐH và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và quốc tế cho học sinh, CBCC thành phố.

Đây là một trong các chính sách dụng tiền căn cơ để tạo các bước phát triển lâu dài cho thành phố.Từ năm 2004 đến nay, Đà Nẵng thu hút trên 400 học viên, nghiên cứu sinh đề án đào tạo ĐH và gần 100 nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ.

Các học viên, nghiên cứu sinh tham gia đề án được hỗ trợ toàn bộ học phí, sinh hoạt phí (theo quy định).

Đi liền trách nhiệm

Theo luật sư (LS) Đỗ Pháp (Trưởng văn phòng LS Đỗ Pháp - Đà Nẵng), các văn bản pháp luật không có điều khoản quy định cấm địa phương thưởng, hỗ trợ tiền cho lực lượng, ngành chức năng.

Tùy vào hoàn cảnh thực tế, ngân sách địa phương để cân đối thu chi để có thể có những quy định riêng như việc hỗ trợ thêm lực lượng CSGT tại các trạm cửa ô 5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, chủ trương này xét ở bối cảnh chung lại tạo sự không công bằng giữa các ngành chức năng và với mặt bằng thu nhập chung của cả xã hội.

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (ĐH quốc gia TPHCM): Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tuyên bố đuổi khỏi ngành những CSGT nhận hối lộ. “Được hỗ trợ tiền triệu, nhưng nếu chỉ nhận hối lộ vài ba trăm mà sa thải chắc nhiều người sẽ sợ mà thanh liêm hơn”- GS. Thêm nói.

Theo ông Nguyễn Phú Thái, học viên tham gia đề án hỗ trợ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện xét tuyển và quy định ràng buộc.

Cụ thể: Các học viên phải có kết quả học tập từ khá trở lên; sau khi tốt nghiệp phải làm việc 7 năm cho thành phố, nếu vi phạm sẽ bồi thường gấp 5 lần số tiền hỗ trợ từ đề án.

Không có nhiều địa phương có chính sách riêng đào tạo nguồn nhân lực như Đà Nẵng. Nhờ đó đạt kết quả khả quan về chất lượng học viên, kết quả tốt nghiệp, học viên làm việc cho thành phố chiếm tỷ lệ 95-96%, phần lớn tạo sự hài lòng giữa học viên và đơn vị tuyển dụng.

Về thể thao, ông Thao cho hay: Nếu sau các mùa giải, các chu kỳ, VĐV không đạt được quy định của chế độ ưu đãi sẽ không còn được hưởng chính sách này.

Hiện thực hóa “Quỹ dưỡng liêm công chức”

Tại buổi giao ban báo chí sáng 28-3, trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong liên quan việc hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng cho CSGT, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, cho biết: “Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, mục tiêu của hỗ trợ là ngăn chặn tiêu cực trong mọi lĩnh vực, đột phá đầu tiên là CSGT.

Tôi đã giao Sở Tài chính tìm nguồn chi, mà hướng vẫn là từ nguồn thu xử phạt hành chính về trật tự ATGT. Chúng ta thu tiền xử phạt giao thông mục đích cũng chỉ để đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, và cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, mà không đưa vào lĩnh vực nào khác. Tất nhiên còn nhiều lĩnh vực “nhạy cảm” khác như kiểm lâm, thuế vụ ?, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu”.

Từ năm 2008, tại kỳ họp HĐND cuối năm, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đề xuất xây dựng quỹ hỗ trợ giữ gìn đạo đức cán bộ, công chức, gọi là “Quỹ dưỡng liêm công chức”, khi nào trung ương cho phép sẽ triển khai. Với đội ngũ CBCC Đà Nẵng, ước tính nguồn quỹ lên tới 200 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG