Ba thuyền chìm, hàng ngàn hecta lúa bị ngập

Ba thuyền chìm, hàng ngàn hecta lúa bị ngập
TPO - Theo tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, sáng 1 - 4, ba chiếc thuyền nhỏ bị chìm tại chỗ do ảnh hưởng bão số 1.

 > Bão số 1 suy yếu thành áp thấp, gây mưa diện rộng

Sóng, gió vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống tại Bình Thuận. Ảnh: Báo Bình Thuận
Sóng, gió vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống tại Bình Thuận. Ảnh: Báo Bình Thuận.

Phú Quý (Bình Thuận): Ba thuyền nhỏ bị chìm

Ba chiếc thuyền nhỏ bị chìm tại chỗ (neo đậu trong cảng Phú Quý - Bình Thuận), bao gồm thuyền BTh 85443 TS, công suất 33 CV, chủ tàu Nguyễn Văn Lan, trú tại thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh; thuyền làm dịch vụ mua bán cá ven bờ, công suất 8CV, chủ tàu Đỗ Văn Quý (trú tại thôn Tân Hải, xã Long Hải) và thuyền NT 07480, công suất 10 CV, chủ tàu Nguyễn Văn Yên, trú tỉnh Ninh Thuận.

Hiện tại Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện đang chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ, quân sự huyện, biên phòng và chủ tàu trục vớt, kéo lên bờ đảm bảo an toàn.

Tiếp tục di dân, đề phòng lũ quét

Ngoài ra, UBND TP. Phan Thiết cũng điều động lực lượng và vật tư, gồm 300 bao cát và 4 xe đá để khắc phục tạm đối với các địa phương trong đất liền như thành phố Phan Thiết, có sóng lớn, gây sạt lở tạo hầm ếch tại tuyến đường giao thông Trần Lê (phường Đức Long).

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Phan Thiết cũng đang phối hợp với UBND một số phường, Bộ đội và Công an thành phố di chuyển khẩn cấp người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của cơn bão số 1.

Tại khu phố 5, phường Đức Long công tác cứu hộ, di chuyển tài sản của người dân đang được tiến hành khẩn trương. Lực lượng công an, bộ đội cũng có mặt để giúp người dân.

Ông Phạm Thanh Vũ - Chủ tịch UBND phường Đức Long cho biết: Việc di chuyển người dân đến nơi trú ẩn an toàn đã được thực hiện lúc 8h30 sáng nay. Hiện những hộ nằm trong vùng ảnh hưởng đã được di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thống kê được số hộ cần di chuyển. Bởi độ cao sóng và cấp gió vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Chúng tôi đã cử lực lượng trực 24/24 ở đây, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến xấu có thể xảy ra. Tại phường Thanh Hải và xã Tiến Thành, lực lượng cứu hộ cũng đang tiến hành di chuyển đồ đạc của những hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của sóng biển.

Theo tin cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, mực nước ở các nhánh sông trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Vì vậy, khả năng xảy ra lũ quét dọc các sông là rất cao. Do đó, đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, báo cáo với chính quyền địa phương khi có tình huống xấu xảy ra.

 Phú Yên: Mưa to, ngập nhiều hecta lúa

Tại Phú Yên, trong hai ngày nay, nhiều địa phương trong tỉnh có mưa vừa đến mưa to kèm theo gió lớn khiến hàng ngàn hécta lúa vụ đông xuân đang thời kỳ chắc bông, chín bị ngã đổ, ngập úng, nhiều nơi lúa ngã rạp, chìm sâu trong nước.

Do nước lũ đầu nguồn đổ về với lưu lượng lớn gây chia cắt tại cầu Nhỏ (trên tuyến đường từ trung tâm huyện về xã), UBND xã Hòa Thịnh tổ chức đưa đón nhân dân qua điểm chia cắt. Ảnh: Báo Phú Yên
Do nước lũ đầu nguồn đổ về với lưu lượng lớn gây chia cắt tại cầu Nhỏ (trên tuyến đường từ trung tâm huyện về xã), UBND xã Hòa Thịnh tổ chức đưa đón nhân dân qua điểm chia cắt. Ảnh: Báo Phú Yên.

Do ảnh hưởng bão số 1, huyện Tây Hòa có mưa vừa, đặc biệt trên đầu nguồn sông Bàn Thạch có mưa to, lượng nước lũ đổ về rất lớn và nhanh đã gây ngập úng nhiều diện tích lúa đông xuân.

Ông Trần Văn Ba ở thôn Mỹ Xuân 1, xã Hòa Thịnh cho biết: “Vụ lúa đông xuân này gia đình tôi gieo sạ khoảng 5.000m2, đến nay lúa đang giai đoạn làm đòng, hiện bị ngập sâu trong nước lũ, có khả năng bị mất trắng”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Hòa Thịnh, toàn xã có 642ha trong tổng số hơn 950ha lúa đông xuân bị ngập nước, có những cánh đồng ngập sâu trong nước khoảng 1m, trong đó có 17ha lúa đang trổ, 543ha lúa đang giai đoạn ngậm sữa, 82ha lúa làm đòng; có 52ha bắp, 72ha sắn bị ngập úng và ngã đổ. Tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đến xã bị chia cắt hoàn toàn một đoạn khoảng 50m, gây ách tắc giao thông.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh cho biết: “Cây cầu Nhỏ trên tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã đang thi công, do đó phải làm tuyến đường tránh tạm dài gần 100m.

Tối 31-3, nước lũ đầu nguồn đổ về với lưu lượng lớn gây bứt một đoạn khoảng 50m khiến người dân qua lại không được. Xã đã huy động hơn 20 người đến khu vực bị chia cắt, ngăn cấm không cho người dân qua lại, đồng thời huy động hai chiếc ca nô giúp vận chuyển người dân qua lại tại điểm chia cắt này”.

Ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tây Hòa, cho biết: “Đến chiều ngày 1-4, việc đưa đón nhân dân qua lại tại điểm bị nước lũ chia cắt cầu Nhỏ đã tạm ổn, tuy nhiên việc đưa đón các phương tiện xe đạp, xe máy qua đoạn chia cắt nay vẫn chưa thể thực hiện được”.

Trong khi đó, TP Tuy Hòa cũng có 100ha lúa bị đổ. Huyện Phú Hòa có khoảng 700ha lúa đổ, trong đó 100ha lúa bị ngập trong nước. Những nơi lúa bị ngập úng nặng nhất là xã Hòa Quang Bắc xã Hòa Quang Nam.

Ông Phạm Tấn Thơ, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: “Mưa to kèm theo gió lớn quật mạnh làm lúa rụng nhiều. Số lúa bị đổ ngã sẽ rất khó khăn trong khâu thu hoạch mà còn gây tổn thất lớn”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đông Hòa, sau hai ngày có mưa to và gió mạnh, trên địa bàn huyện đã có khoảng 2.000 ha lúa đông xuân bị đổ ngã và ngập nước (chiếm khoảng 40% tổng diện tích), trong đó có khoảng 1.300 ha lúa đã chín và 700 ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông có khả năng bị thiệt hại nặng.

TPHCM: 2.300 dân di tản tránh bão

Bão số 1 thành áp thấp nhiệt đới đang gây ra mưa to ở TP.HCM. Tại huyện Cần Giờ, mưa to gió giật làm xáo trộn cuộc sống người dân, gần 2.300 người đã phải rời nhà đi tránh bão.

Lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường từ các quận phát cơm miễn phí cho bà con xã đảo Thạnh An vào đất liền tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng/Tuổi trẻ
Lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường từ các quận phát cơm miễn phí cho bà con xã đảo Thạnh An vào đất liền tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng/Tuổi trẻ .

Đầu giờ chiều 1-4, các lực lượng bộ đội, dân quân, đơn vị cứu nạn cứu hộ, thanh niên xung phong tiếp tục mang nhiều bao cát, dây thừng xuống các khu vực ven biển như bến Cầu Đò, Cầu Đen, bãi tắm 30-4, chợ thị trấn huyện Cần Giờ và công viên huyện Cần Giờ để chằng lại nhà cửa, biển báo.

Đến chiều 1-4, đã có 2.295 người dân của hai xã và thị trấn ven biển huyện Cần Giờ là xã Thạnh An, xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh đến nơi trú bão an toàn.

Trong đó, 3 điểm tiếp nhận 1.545 người dân xã Thạnh An gồm: Trung tâm văn hóa huyện Cần Giờ: 670 người; nhà thiếu nhi huyện Cần Giờ: 665 người; Liên đoàn lao động huyện Cần Giờ: 210 người.

Tại xã đảo Thạnh An, phần lớn người dân đã được di dời vào nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu của huyện... Tại đây chỉ còn lực lượng bộ đội, dân quân, cảnh sát và một số thanh niên khỏe mạnh ở lại để trông coi tài sản và tiếp tục che chắn nhà cửa, cầu cảng.

Ba điểm tiếp nhận 500 người dân thị trấn Cần Thạnh gồm: Trường THPT Cần Thạnh: 227 người; Trường tiểu học Cần Thạnh: 200 người, ngoài ra các trường mầm non và bệnh viện tiếp nhận 73 người.

Bốn điểm tiếp nhận 250 người dân xã Long Hòa gồm: Trường tiểu học Long Thạnh: 170 người; nhà văn hóa ấp Đông Hòa: 40 người; trường tiểu học Hòa Hiệp: 25 người; Đồn biên phòng 562: 15 người.

Một người đàn ông đang tìm cách neo thuyền khi sóng gió bắt đầu lớn đầu giờ chiều 1-4 - Ảnh: Thuận Thắng/Tuổi Trẻ
Một người đàn ông đang tìm cách neo thuyền khi sóng gió bắt đầu lớn đầu giờ chiều 1-4 - Ảnh: Thuận Thắng/Tuổi Trẻ.

Số hàng cứu trợ trong và ngoài huyện Cần Giờ cũng đã được tập trung sẵn sàng hỗ trợ người dân chống bão với 700 thùng mì gói, 106 thùng mì ly, 1.300 bình nước uống loại 5 lít, 190 thùng nước loại 20 lít, 50 thùng xúc xích và 500 cái mền. Ngoài ra, ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ còn hỗ trợ người dân gần 7.000 phần ăn sáng, trưa, chiều trong ngày bão đổ vào.

Một chiếc thuyền bị gió thổi nghiêng khi đang di chuyển tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng/Tuổi Trẻ
Một chiếc thuyền bị gió thổi nghiêng khi đang di chuyển tránh bão - Ảnh: Thuận Thắng/Tuổi Trẻ .

Lúc 14g30, ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo phà Bình Khánh (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè) tạm dừng hoạt động chờ bão đi qua.

Ban quản lý phà Bình Khánh và công an khu vực đã phối hợp với công an khu vực tổ chức điểm trú cho người dân tại Trường tiểu học Nguyễn Trực và hiện có hơn 100 người trú tại đây.

Sẽ tiếp tục có mưa to, gió mạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến chiều nay, 1 - 4, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, ở thành phố Phan Thiết có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; La Gi (Bình Thuận) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Phú Quý có gió giật cấp 8; TP. Vũng Tàu có gió giật cấp 8…; Tuy Hòa (Phú Yên) đã có mưa 153mm; Phan Rang (Ninh Thuận) 135mm; Nha Trang 134mm; Hàm Tân (Bình Thuận) 143mm; MĐrăk (Đắc Lắc) 144mm; đảo Phú Quý 205mm; Vũng Tàu 209mm..…

Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn, đến 16 giờ chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 04 giờ ngày 2-4, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên địa phận Căm Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ở các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu tối nay (1-4) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trường Phong
Tổng hợp

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG