Xử lý đập Sông Tranh 2 theo công nghệ Trung Quốc

Xử lý đập Sông Tranh 2 theo công nghệ Trung Quốc
TPO - Hôm nay (18-4), ông Trần Văn Hải, Trưởng ban Quản lý Dự án thủy điện 3, cho biết, có thể khắc phục sự cố đập Sông Tranh 2 (Quảng Nam) bằng công nghệ từng áp dụng tại đập Tam Hiệp (Trung Quốc).

> Nứt thân đập thủy điện Sông Tranh 2 

Ngày 18 – 4 nước vẫn còn rò chảy ở thân đập hạ lưu
Ngày 18 – 4, nước vẫn còn rò chảy ở thân đập hạ lưu. Ảnh: Nguyễn Thành

Ngày 18–4, đoàn công tác của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra, khảo sát và làm việc với Ban quản lý Dự án Thủy điện 3 về việc khắc phục sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2. 

Tại buổi làm việc sau đó với đoàn công tác, ông Trần Văn Hải, Trưởng ban Quản lý Dự án thủy điện 3, thông báo tình hình khắc phục sự cố.

Theo ông Trần Văn Hải, các kết quả quan trắc cho thấy, độ mở của 10 khe nhiệt tương đối lớn, nhưng “hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến an toàn đập”.

Trước mắt, đang tiến hành dán, bịt khe nhiệt bằng cách bơm hóa chất, tạo ra chất mới giống cao su, có thể co giãn.

Về biện pháp xử lý chống thấm, ông Hải trình bày phương pháp dán khe nhiệt ở mặt thượng lưu bằng các tấm SR, kết hợp bơm keo Polyurethan - công nghệ được áp dụng tại đập Tam Hiệp của Trung Quốc.

“Chúng tôi đã gửi hồ sơ ra Bộ Công thương và bộ ban ngành. Tập đoàn thống nhất với phương pháp này. Trong thời gian tới sẽ cử người sang Trung Quốc để đàm phán cung cấp vật liệu, học kinh nghiệm và thuê chuyên gia. Nếu khó khăn từ phía bạn, sẽ chuyển qua phương pháp thứ hai với công nghệ của Mỹ và Thụy Sĩ” - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, chủ đầu tư sẽ tiến hành chống thấm trước mùa mưa bão. Hiện nay, việc xử lý chống thấm thượng lưu dưới mặt nước cao trình cần phải có chuyên gia nước ngoài, bởi trình độ trong nước chưa làm được.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sĩ - Phó bí thư tỉnh ủy Quảng Nam băn khoăn: “Việc rò rỉ nước là có vấn đề. Về lâu dài, mức thấm sẽ ảnh hưởng đến đập thế nào, làm sao đảm bảo? Mức độ rò rỉ hiện nay có an toàn không?”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão Quảng Nam nói, đập A Vương chỉ rò rỉ mức 1,3 lít/s, trong khi đập Sông Tranh 2 rò rỉ đến mức 75 lít/s. Tiêu chuẩn nào đảm bảo rằng đập an toàn tuyệt đối? Cột nước tại đập còn hơn 40 m, bên dưới ai dám khẳng định điều gì? Có khi nào nước chảy thấm qua thân đập chứ không riêng gì khe nhiệt không?

Về thời gian khắc phục xong sự cố, ông Hải cho biết, theo kế hoạch là trước ngày 30–7 tới, nhưng còn phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.