Một mũi tên trúng nhiều đích

Chiếc lồng ấp trẻ sơ sinh ở BV quận 2 từ thời Liên Xô đã hoen gỉ, khoa Nhi nơi đây vắng tanh Ảnh: L.N
Chiếc lồng ấp trẻ sơ sinh ở BV quận 2 từ thời Liên Xô đã hoen gỉ, khoa Nhi nơi đây vắng tanh Ảnh: L.N
TP - Đã có 59 bác sĩ giỏi ở 17 bệnh viện tuyến thành phố được biệt phái về 12 bệnh viện tuyến quận - huyện ở TPHCM trong vòng một năm. Không chỉ hỗ trợ chuyên môn, những bác sĩ này sẽ kết nối để bệnh viện tuyến trên thành lập các phòng khám vệ tinh tại tuyến dưới giúp giảm tải.

> Trẻ em, người già đổ bệnh

Sau khi lãnh đạo BV Ung bướu TPHCM thông báo chủ trương của ngành y tế thành phố về cử cán bộ chuyên môn về hỗ trợ tuyến dưới, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, phó phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện này, hăng hái lên đường về bệnh viện quận 2.

Những ngày đầu về bệnh viện quận, bác sĩ Tuấn phải ngồi chơi xơi nước vì không có bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn cho biết một tuần nay, mỗi ngày khám gần 10 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Tuấn, khi đi về tuyến dưới, tuyến trên mất đi bác sĩ trong khi bệnh viện đang quá tải, nhưng bù lại tuyến dưới được nhiều điều.

“Bệnh nhân nếu muốn khám sàng lọc các bệnh ung thư có thể đến khám tại bệnh viện quận, không phải đi xa, chờ đợi. Các bác sĩ tuyến dưới sẽ tiếp cận được với cách làm việc chuyên hơn”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, việc chia sẻ bác sĩ ở bệnh viện cho tuyến dưới trong hỗ trợ chuyên môn là việc làm kịp thời trong tình trạng quá tải tuyến trên hiện nay.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập khoa ung bướu vệ tinh tại bệnh viện quận này, dự kiến 200 giường. Vì vậy, việc bác sĩ đi hỗ trợ tuyến dưới rất cần thiết cho vấn đề giảm tải sắp tới”, bác sĩ Minh nói.

Khi có thông tin triển khai khoa vệ tinh ở bệnh viện quận 2, từ 23-4, bác sĩ Hồng Thúy ở BV Nhi đồng 2 đã sẵn sàng lên đường.

Bác sĩ Thúy là một trong 6 bác sĩ sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới và khoa vệ tinh tại bệnh viện quận 2, để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên bắt đầu từ tháng 5.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết, bệnh viện mới triển khai được 50% công suất do bệnh nhân vẫn thích lên tuyến trên.

“Việc triển khai Khoa Nhi với 50 giường cùng 6 y bác sĩ để tham gia khám chữa bệnh nội - ngoại trú cho bệnh nhi tại đây từ BV Nhi đồng 2 chắc chắn sẽ kéo bệnh nhân ở lại”, bác sĩ Khanh nói.

Một năm sau khi đi “cắm bản” ở bệnh viện huyện Cần Giờ, bác sĩ Lê Kim Bá Liêm, nói rằng đã tình nguyện về bệnh viện huyện là chấp nhận hy sinh, bởi ở đó thiếu thốn cả vật chất lẫn nhân lực.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Liêm, có được sự hỗ trợ chuyên môn này, bệnh viện tuyến dưới đã có sự tiến bộ tích cực. “Chúng tôi chuyển giao kỹ thuật và đôi khi cầm tay chỉ việc nên giờ đây đồng nghiệp nơi này đã mổ bắt con được 10 trường hợp, mổ thai ngoài tử cung 2 trường hợp...”, bác sĩ Liêm nói.

Đừng “tay không bắt giặc”

Theo các chuyên gia y tế, việc đưa 59 bác sĩ của 17 bệnh viện tuyến thành phố về hỗ trợ các bệnh viện quận, huyện, đồng thời thành lập 12 phòng khám vệ tinh ở 12 bệnh viện quận, huyện với nhiều chuyên khoa như nhi, sản phụ khoa, ung bướu, chấn thương chỉnh hình... ít nhiều giúp bệnh viện giảm tải.

Tuy nhiên, nếu bệnh viện tuyến dưới có được nhân lực chuyên môn nhưng không được đầu tư cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật thì cũng chỉ tay không bắt giặc.

Giám đốc một bệnh viện ở quận 5 nói: “Tâm lý của người dân lúc nào cũng đòi hỏi được điều trị bằng những thầy thuốc giỏi nhất, phương tiện cao cấp nhất. Vì vậy, muốn đưa bác sĩ về tuyến dưới hỗ trợ chuyên môn có hiệu quả, những bác sĩ chuyên khoa cao phải có đồng bộ các cận lâm sàng, các chuyên khoa khác có trình độ tương đương, có một ê kíp làm việc cùng trình độ, có thiết bị… thì mới phát huy được năng lực”.

Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong khi chờ đến năm 2015 các bệnh viện cửa ngõ mới giải quyết được 50% quá tải, giải pháp đưa bác sĩ về tuyến dưới hỗ trợ chuyên môn, thành lập các khoa vệ tinh để giảm tải tuyến trên, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới là cần thiết.

Trong năm 2012, theo kế hoạch, các bệnh viện quận huyện sẽ được bổ sung 63 bác sĩ mới ra trường. Điều này sẽ giúp thúc đẩy nguồn nhân lực cho tuyến dưới. Lãnh đạo bệnh viện quận 9, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè cho biết hiện tại bệnh viện rất thiếu bác sĩ, nhu cầu cần 5-7 người.

Tuy nhiên, vẫn không tuyển được. Trong khi đó, một bệnh viện có 2-3 bác sĩ biệt phái vẫn chưa đủ.

Bác sĩ Trần Văn Khanh nói rằng có bác sĩ giỏi về giúp đỡ là rất tốt nhưng cho đến nay, cơ sở vật chất của bệnh viện quận 2 quá èo uột nên triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao gần như bó tay.

Tại bệnh viện quận này, khoa Nhi gần như thiếu mọi thứ, lồng ấp cho trẻ sơ sinh đã hoen gỉ, còn lại dụng cụ khám thông thường đều quá cũ kỹ…

Một bác sĩ khác cho rằng, nên luân chuyển những bác sĩ có kinh nghiệm và học vị cao để giúp cho quá trình đào tạo tuyến dưới thuận lợi và hiệu quả. Sau một năm được các bác sĩ ở BV Phụ sản Hùng Vương biệt phái về hỗ trợ, các bác sĩ ở BV huyện Nhà Bè từ yếu kém về chuyên môn nay đã lớn mạnh vượt bậc.

Lãnh đạo BV huyện Nhà Bè cho biết, từ chỗ không triển khai được cả cắt amidan thì nay làm rất thành thạo; kể cả can thiệp phẫu thuật tai-mũi-họng, cả những ca khó khác.

“Bệnh viện tuyến quận huyện đã được cải thiện, bằng chứng là việc khám chữa bệnh ngoại trú năm 2011 đạt 95%. Tuy nhiên, sự phát triển chuyên môn sâu không đồng đều, nên chỉ có 20% người điều trị nội trú tại đây.

Trong khi các bệnh viện tuyến trên xây dựng được y hiệu, thu hút người bệnh đến càng đông thì tuyến quận huyện ngược lại.

Vì vậy, việc biệt phái bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin cho người bệnh và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên”, bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG