Công nghệ nửa vời vì ham giá rẻ?

Công nghệ nửa vời vì ham giá rẻ?
TP - Ngày 7–5 tại Quảng Nam, Hội thảo khoa học Phát triển thủy điện bền vững: Các bài học và khuyến nghị do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức. Một lần nữa tính an toàn của đập Sông Tranh 2 được các nhà khoa học mổ xẻ.

> Các nhà khoa học khảo sát Đập thủy điện Sông Tranh 2

Đập thủy điện Sông Tranh 2 - bê tông đầm lăn nửa vời Ảnh: Nguyễn Thành
Đập thủy điện Sông Tranh 2 - bê tông đầm lăn nửa vời. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đập Sông Tranh theo tiêu chuẩn Nga, Mỹ hay Trung Quốc?

Thông tin về sự cố rò rỉ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn là đề tài nóng thu hút sự quan tâm nhất của hội thảo. Trước đó, ngày 6-5, để thu thập bằng chứng, đoàn chuyên gia cùng đoàn ĐBQH Quảng Nam đã đi khảo sát bên trong thân đập.

Sau khi khảo sát, nhiều thành viên của đoàn đã cung cấp các đoạn video bên trong thân đập quay cảnh nước chảy ào ào cho các phóng viên xem (PV tiếp tục bị cấm cửa). Nhiều người tỏ ra quan ngại, nghi ngờ về lưu lượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 được Tổng Cty điện lực Việt Nam (EVN) công bố trước đó là chỉ còn 1,5 lít/s.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP HCM (Hasco), cho biết: “Đoàn tham quan chia làm 3 tốp. Khi tham quan thân đập, cho tôi biết lưu lượng nước thấm chỉ còn 36 lít/s. Nhưng ở đoàn khác lại nhận thông tin là 75 lít/s.

Theo phương pháp quan trắc thủ công ngay trong đường hầm thì lưu lượng nước tính được là 45 lít/s. Ở phía hạ lưu vẫn còn nước thấm. Trong đường hầm không thấy biểu hiện sửa chữa, khắc phục”.

Ông Phúc cũng cho rằng, EVN luôn khẳng định trong thân đập không có vết nứt, mà không hề chứng minh, để khắc phục triệt để phải tiến hành “khám” xem đập Sông Tranh 2 còn nguyên một cục hay có nứt nẻ thành hai hay ba cục ?

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam: “Đập thủy điện Sông Tranh 2 là đập bê tông đầm lăn nhưng nửa vời. Đập bê tông đầm lăn áp dụng theo tiêu chuẩn của Nga, Mỹ, trong khi các đơn vị thiết kế, thi công lại đi áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc không công bố tiêu chuẩn vì cho rằng đó là bí quyết. Mình đứng giữa là chết. Ai cho phép? Bộ Công Thương cũng không trả lời được”. Cũng theo ông Hồng muốn áp dụng đập bê tông đầm lăn ở Việt Nam phải có 46 thí nghiệm lớn hiện đại khác nhau.

Tuy nhiên, ngay cả khi có thí nghiệm về liên quan giữa động đất và đầm lăn ở nước ta cũng không, trong khi quy chuẩn đập thủy điện đang trong quá trình soạn thảo.

TS. Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ thắc mắc: “Trung Quốc đã thừa nhận 40% đập thủy điện, thủy lợi của họ không an toàn sao chúng ta vẫn áp dụng tiêu chuẩn của họ? Phải chăng chủ đầu tư đang ham giá rẻ”.

800 thủy điện đang giết các dòng sông

Phát triển, quy hoạch, quản lý nhà nước về thủy điện và những hệ lụy của thủy điện ở nước ta cũng đã được bàn luận, phân tích rõ tại hội thảo. Các chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đều khẳng định: Phát triển thủy điện hiện nay còn nhiều bất cập từ quy hoạch chiến lược, công nghệ, quản lý và hổng về mặt luật quản lý.

GS.TS Vũ Trọng Hồng khẳng định: “Năng lượng là cần thiết nhưng chúng ta đang có rất nhiều khuyết điểm và sai lầm trong quá trình phát triển. Thủy điện ở Việt Nam phát triển đang quá nhanh. Trong khi đó năng lượng về nước đã gần hết, nguồn nước không còn nữa”.

Hiện cả nước có trên 800 công trình thủy điện vừa và nhỏ, trong khi các dòng sông lớn nhỏ đã bị chặn hết dòng, trở thành các dòng sông chết. Tình trạng trên đặc biệt diễn ra rầm rộ tại miền Trung.

Việc tư nhân hóa dự án hiện đang rất nguy hiểm, là nguyên nhân dẫn đến việc thủy điện phát triển ồ ạt. “Hình thức đầu tư BOT cho công trình thủy điện quốc tế đã cấm nhưng ở Việt Nam thì không” - ông Hồng nói.

Theo TS. Đào Trọng Hưng, thành viên Ban tư vấn VRN, thủy điện đang tàn phá rừng trầm trọng. Để có 1 MW điện thì mất 16 ha rừng. “Tôi gọi: có những dự án phá rừng mang tên thủy điện.

Thủy điện nhỏ nhưng mất rừng không nhỏ”, ông Hưng nói. Còn theo TS Đào Trọng Tứ, thành viên Ban tư vấn VRN: Việc thu phí tài nguyên môi trường rừng hiện nay đối với các công trình thủy điện cũng chỉ là hình thức “đánh đổi” giữa lợi ích kinh tế trước mắt và tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản mà thôi.

Cùng với việc phá rừng thì việc tái định cư thủy điện, hệ lụy hạ lưu cũng đầy bức xúc. Hầu hết các công trình thủy điện sau khi hoàn thành đều đẩy dân vùng TĐC vào chỗ khốn khó, thiếu đất sản xuất.

Ông Hưng dẫn chứng thủy điện Thác Bà từ năm 1968 đến nay nhưng câu chuyện TĐC vẫn còn dai dẳng, dân vẫn chưa ổn định, vẫn nghèo khổ…

Kỹ sư Lê Trí Tập - chuyên gia thủy lợi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận định: “Chúng ta bàn phát triển thủy điện bền vững nhưng bỏ quên TĐC thủy điện bền vững. Biến người dân thành bần cùng vì thủy điện.Địa phương ra sức khắc phục lợi ích cho dân, còn chủ đầu tư thì ra sức khai thác lợi ích thủy điện”.

Ngay sau hội thảo, VRN đã thống nhất ý kiến các chuyên gia, soạn thảo Thông điệp phát triển thủy điện bền vững.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG