Khó kìm giá thuốc

Giá thuốc tăng người bệnh càng thêm khó
Giá thuốc tăng người bệnh càng thêm khó
TP - Khảo sát từ cơ quan chức năng cho thấy giá thuốc vẫn nhích lên từng ngày. Người bệnh đang là đối tượng lãnh nhiều hậu quả.

> Chiêu 'làm giá' thuốc

Giá thuốc bán lẻ bị đẩy lên 2-3 lần

Trong một tháng qua tại khu chợ dược quận 10, TPHCM hàng loạt nhà sản xuất, phân phối trong và ngoài nước gửi báo giá mới điều chỉnh tăng nhiều mặt hàng thuốc từ tháng 5.

Tại khu chợ dược Cuduphar của Cty dược TW2 và chợ dược phẩm quận 10 trên đường Tô Hiến Thành, nhiều chủ cửa hàng cũng kêu vì giá thuốc nhảy liên tục khiến việc phân phối hàng đi tỉnh gặp khó khăn.

Ông Trần D., chủ cửa hàng thuốc 45 cho biết, chỉ trong một tháng có nhiều loại thuốc tăng giá hai lần.

“Từ đầu năm, nhiều loại thuốc đã tăng giá như Nitromint Spray, từ 55.000 đồng tăng lên 60.000 đồng/lọ, Urgo từ 29.488 đồng lên 31.815 đồng/hộp, Ocuvit từ 150.000 đồng lên 157.000 đồng/hộp, Indocolifue từ 63.000 đồng lên 66.000 đồng/hộp. Nay các trình dược viên thông báo, giá nhích lên 3.000-9.000 đồng tùy theo loại nữa”- ông D. nói.

Ở chợ dược, thuốc tăng giá một thì tại các nhà thuốc bán lẻ giá được “đẩy” lên cao hơn 2-3 lần.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hương, 56 tuổi ở quận 3, cho biết: “Khi hỏi mua vỉ thuốc Trafedin điều trị dự phòng bệnh mạch vành, tôi được nhân viên nhà thuốc M.C trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, bảo giá đã tăng lên 19.000 đồng từ một tuần nay. Vào đầu tháng 4, giá thuốc này chỉ 12.500 đồng”.

Khảo giá Trafedin tại chợ dược quận 10, chúng tôi được nhân viên chào giá 17.000 đồng, rẻ hơn 2.000 đồng/vỉ so với giá bán ở nhà thuốc. Nhiều loại thuốc khác như Dogmatin 5mg cũng được các nhà thuốc đẩy giá lên từ 110.000 đồng/hộp lên 115.000 đồng/hộp, hay thuốc Enalapril từ 112.500 đồng/hộp lên 118.125 đồng/hộp và Efferagan Codein từ 320.000 đồng/hộp lên 345.000 đồng/hộp.

“Nhà phân phối yêu cầu tăng giá vì cho rằng giá nguyên liệu, xăng dầu, chi phí đầu vào tăng nên tụi em cũng phải tăng theo”- nhân viên một nhà thuốc trên đường Cống Quỳnh, quận 1 giải thích.

Chặn giá trên… giấy

Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay có hàng chục hồ sơ của các đơn vị xin điều chỉnh, kê khai lại để tăng giá thuốc. Rất nhiều mặt hàng xin tăng giá bất hợp lý.

Tại Cục quản lý Dược cũng có hàng trăm hồ sơ xin điều chỉnh giá đang chờ duyệt. Ông Trần Văn H., Giám đốc Công ty dược phẩm P.H ở quận 10 cho biết, việc ồ ạt xin tăng giá thuốc trong thời điểm này là vì giá xăng, nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng.

Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc một đơn vị phân phối thuốc ở quận Phú Nhuận cho biết, việc lách giá bằng cách đôn giá lên như lâu nay khi thuốc chưa về Việt Nam cũng khó khăn hơn.

Bởi theo Thông tư 50, khi nộp hồ sơ đăng ký mới thuốc nước ngoài, cơ sở sản xuất thuốc ở nước ngoài phải kê khai giá CIF dự kiến nhập khẩu đến cảng Việt Nam.

Để tránh hiện tượng “làm giá” từ nước ngoài, Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài khảo sát giá để đối chiếu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dược và các công ty phân phối trong nước lo ngại tình trạng “phù phép” giá thuốc từ nước ngoài vẫn xảy ra, bởi trước khi cập cảng, những loại thuốc này cũng được bán lòng vòng nên khó kiểm soát được giá gốc.

Theo dược sĩ Đào Thị Ánh, chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc nhập khẩu tại chợ dược quận 10, TPHCM thì lâu nay, cơ sở kinh doanh thuốc tự định giá, nên các công ty dược mặc sức lách luật, nhất là các đơn vị nhập khẩu thuốc nước ngoài.

Nghĩa là khi thuốc về đến Việt Nam, giá đã được đẩy lên, đến khi kê khai giá, doanh nghiệp cứ việc điều chỉnh tăng lên nhưng vẫn không bị tuýt còi, vì không vượt trần như kê khai ban đầu.

Đó là chưa kể tình trạng mua bán lòng vòng qua các tầng nấc trung gian khiến giá thuốc bị đội lên cao, nhiều năm nay vẫn không ngăn chặn được. “Chưa ở đâu như Việt Nam, các Công ty kinh doanh được hôm nay kê khai giá thuốc nhưng người ta tính được cả trượt giá cho đến 5-6 tháng sau”- bà Ánh nói.

Cũng theo bà Ánh, nếu không siết chặt giá thuốc, thị trường dược sẽ loạn, người bệnh sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược VN khảo sát 12.695 lượt mặt hàng thuốc trong tháng 4 cho thấy, 65 lượt mặt hàng tăng giá, trong khi chỉ có 28 lượt mặt hàng giảm giá.

Đợt khảo sát cũng cho thấy, 43 lượt mặt hàng thuốc ngoại tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 6,64%. Nhiều mặt hàng thuốc ngoại tăng giá lên 45%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG