Săn gỗ huê, lạc sáu ngày trong rừng

Săn gỗ huê, lạc sáu ngày trong rừng
Đêm 13-5, phóng viên gặp Nguyễn Văn Tuấn (18 tuổi), một trong hai thanh niên ở thôn Thanh Sen 4, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), bị lạc sáu ngày trong rừng khi đi tìm huê.

Săn gỗ huê, lạc sáu ngày trong rừng

> Trấn cướp gỗ sưa tràn lan ở nhiều xã

Đêm 13-5, phóng viên gặp Nguyễn Văn Tuấn (18 tuổi), một trong hai thanh niên ở thôn Thanh Sen 4, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), bị lạc sáu ngày trong rừng khi đi tìm huê.

Sau 6 ngày cận kề cái chết, Nguyễn Văn Tuấn (bìa trái) đã về nhà
Sau 6 ngày cận kề cái chết, Nguyễn Văn Tuấn (bìa trái) đã về nhà. Ảnh: G.T

Một ngày sau khi trở về nhà, Tuấn phần nào lấy lại được thần sắc. Tuấn cho biết, đây là lần đầu cậu tiếp xúc với người ngoài.

Riêng người cậu họ cùng lạc tên Phạm Quỳnh (24 tuổi, ở cùng thôn) đang còn ở trong rừng do đuối sức và có phần ngại gặp mọi người nên chưa về nhà.

Theo Tuấn thì ngày 24-4, ngay khi rộ lên thông tin nhóm 11 người dân Bố Trạch trúng ba cây huê “ngàn tỉ”, cậu và Quỳnh cùng bốn người khác tức tốc vào rừng. Lương thực cho chuyến đi cả nhóm chuẩn bị đủ một tháng rưỡi.

Khu vực rừng mà nhóm Tuấn “đóng quân” là hung (thung lũng - từ địa phương) Minh Sinh - nơi cách hung Trí có 3 cây huê “ngàn tỉ” bị đốn hạ khoảng 6 - 7 ngày đường.

“Trước chuyến đi bị lạc thì em đã có một lần vào rừng tìm huê rồi. Nhưng lần ni thì đi xa quá, mà hai cậu cháu lại không rành đường”, Tuấn tâm sự.

Sau khi dựng lán thì số người trong nhóm chia nhau ra để tìm huê. Tuấn và Quỳnh cùng đi một hướng. Càng tìm càng đi xa và cả hai bị lạc sau hai ngày dựng lán.

“Khi đi lạc hai cậu cháu chỉ có một con dao, không có bất cứ thứ gì khác. Càng cố tìm đường trở về lán càng đi lạc vào những nơi lạ hoắc”, Tuấn kể.

Ngày thứ hai, ba, tư… trôi qua kể từ khi bị lạc, Tuấn và Quỳnh trở thành “người rừng”. Cả hai biết đã đi lạc qua địa phận rừng của Lào.

Đi không nổi, Quỳnh và Tuấn động viên nhau bò. Khát, không tìm được suối họ dùng dao để chặt những dây leo hút nước. Có khi tìm được cây bán (họ cọ) cả hai chặt hạ để lấy phần lõi bên trong ngọn cây lót lòng.

“Bùa hộ mệnh” duy nhất là con dao nhưng không còn phát huy tác dụng do cùn.

“Vào ngày thứ 5 bị lạc hai cậu cháu đập chết được một con mang để hút máu cầm cự. Thế nhưng, dao cùn quá cũng không xẻ được mang mà hút máu. Hai cậu cháu xác định rứa là mình bỏ xác lại rừng rồi”, Tuấn ứa nước mắt.

Ngày thứ sáu kể từ khi thất lạc, sau khi đối mặt với nhiều loại rắn độc, rét do mưa rừng, tiếng gầm rú của thú hoang, Tuấn và Quỳnh gặp một lèn đá. Họ đứng từ trên cao nhìn xuống thấy thấp thoáng một tấm bạt. Cả hai nhắm thẳng hướng để bò đến.

Đó là một cái lán không người, nhưng có hai tô cháo trắng còn hơi nóng. Đêm hôm ấy, cả hai gặp được một nhóm ba người ở thôn Phúc Khê (cùng xã Phúc Trạch) cũng vào rừng tìm huê.

Ông Nguyễn Phượng, 44 tuổi, bố của Tuấn nhìn con ứa nước mắt: “Tôi cũng theo một nhóm khác đi tìm huê nhưng không có, khi trở về nhà lại hay tin con mất tích. Tôi với mấy anh em trong thôn quay trở lại rừng tìm con nhưng không thấy”.

Nghe ông Phượng nói, chúng tôi quay sang hỏi Tuấn rằng đã từ bỏ ý định vào rừng chưa, Tuấn cười: “Em nghỉ ngơi khỏe thì sẽ vào lại trong đó. Biết đâu gặp may”.

Lập đoàn truy tìm gỗ

Ngày 14-5, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, đã chủ trì cuộc họp với đại diện Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, Huyện ủy và UBND huyện Bố Trạch, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) để bàn hướng xử lý tiếp theo vụ 3 cây huê bị đốn hạ.

Theo ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cần phải có kế hoạch truy quét ngay, đưa gỗ trong rừng ra; nếu còn gỗ thì không một ngày nào yên.

Đại diện Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh cho biết đã giao cho 4 đồn đóng trong khu vực vào cuộc tuần tra kiểm soát chặt chẽ và khẳng định 100% không có chuyện vận chuyển gỗ từ hung Trí ra khu vực biên giới.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó giám đốc Công an tỉnh, đặt vấn đề "vì sao thu giữ được gỗ nhưng không bắt được người?", việc này cần rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, ngày 12-5, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh cho đấu giá lô gỗ sưa giá khởi điểm tương đương 13 triệu đồng/kg.

Mặc dù việc này diễn ra theo kế hoạch trước đó nhưng chính mức giá đó đã gây xáo động, kích động một sự hám lợi.

Ông Nguyễn Xuân Quang kết luận: “Phải tập trung cả hệ thống chính trị để ổn định tình hình trật tự trị an tại khu vực đó, việc này đặt lên hàng đầu. Lực lượng công an vào cuộc nắm tình hình người dân, đầu nậu, người địa phương khác đến.

Tập trung lực lượng, kiểm tra, chốt chặn, thành lập các đoàn truy tìm, truy quét gỗ và các đối tượng trong rừng. Chi cục Kiểm lâm khẩn trương phối hợp với các ban ngành liên quan để từ đó khởi tố vụ án theo đúng trình tự pháp luật”.

Theo thông tin của PV, hiện những người gùi gỗ thuê (có thông tin nói tiền công 50 triệu đồng/hộp) đã mở hướng lên đường Khe Ve (huyện Minh Hóa) chuyển gỗ ra ngoài.

Theo con đường này, 10 hộp gỗ huê quy cách (dài 2,2 m, mặt 0,7 m, dày 8 cm) đã được đưa ra khỏi rừng đêm 12-5.

Theo Gia Tân - Quang Nam
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.