Bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng hằng năm?

Các đại biểu trao đổi bên ngoài hành lang Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
Các đại biểu trao đổi bên ngoài hành lang Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (sáng 22-5) về quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cấp cao do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

> Sẽ công khai kết quả phiếu tín nhiệm

Các đại biểu trao đổi bên ngoài hành lang Quốc hội Ảnh: Hồng Vĩnh
Các đại biểu trao đổi bên ngoài hành lang Quốc hội.            Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông Nguyễn Đình Quyền nói: Việc bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng hằng năm không có gì là “đổi mới” bởi những vấn đề đó người ta làm từ xưa đến nay rồi, mình chưa làm được nên mình nói là mới.

Để việc bỏ phiếu tín nhiệm có thể thay đổi phải sửa luật, còn nếu không cũng vẫn là cũ.

Bỏ phiếu tín nhiệm là một nội dung nằm trong chế định luật về hoạt động giám sát, với điều kiện quy định việc bỏ phiếu chỉ thực hiện khi hội đủ 20% ý kiến đại biểu đề xuất, nhưng (tính) trong một kỳ họp hay trong cả nhiệm kỳ thì cũng chưa được quy định rõ.

Phải sửa luật

Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao xây dựng quy định về bỏ phiếu tín nhiệm để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2012, nhưng chúng ta lại chưa sửa luật về vấn đề này?

Theo tôi không làm như thế được, vì kể cả trong trường hợp Quốc hội xem xét thông qua Đề án này thì cũng phải sửa luật thì mới thực hiện được.

Chúng ta có rất nhiều việc cấp bách hơn là thông qua một đề án để rồi phải chờ sửa luật mới thực hiện. Đảm bảo pháp chế thì không thể lấy đề án “bác” luật được. Phải làm đúng tất cả các quy định của pháp luật, đừng làm sai đi rồi nói là đổi mới. Cần nhận thức lại để làm cho đúng.

Đây cũng là nội dung được dành khá nhiều thời gian tại kỳ họp này như tổ chức thảo luận tại tổ, tại hội trường, ra Nghị quyết để Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Vì thế, sáng nay mới có đại biểu nói với tôi rằng chúng ta đang làm một việc rất lãng phí.

Nghị quyết T.Ư 4 nói rất rõ về việc lấy phiếu tín nhiệm. Và đây cũng là một công việc rất cần thiết mà Quốc hội phải thực hiện. Theo ông, nên làm thế nào cho thực chất?

Vấn đề này đã đặt ra từ lâu rồi.Việc kiến nghị để sửa luật hoạt động giám sát cho thực tế, cụ thể hơn cũng được đề cập từ thời ông Vũ Đức Khiển làm Chủ nhiệm UB Pháp luật khóa 11 nhưng cho đến nay vẫn chưa làm.

Theo tôi việc thực hiện bỏ phiếu hằng năm không cần hội đủ yêu cầu tỷ lệ % đại biểu kiến nghị (theo quy định là 20% số ĐBQH - PV).

Tỷ lệ đó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp bỏ phiếu bất thường, còn với các Bộ trưởng nhất thiết phải tiến hành bỏ phiếu hằng năm.

Thành viên Chính phủ cần có bản kiểm điểm

 Đại biểu lấy đâu thông tin để bỏ phiếu tín nhiệm khi chưa có chế độ báo cáo bắt buộc với từng thành viên Chính phủ? Thông tin sai lệch có thể khiến một bộ trưởng đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ, người cần được làm thì lại phải nghỉ .

Khi người được lấy phiếu mà không nhận đủ 50% số phiếu tín nhiệm thì phải từ chức hoặc bãi nhiệm, ông thấy có hợp lý?

Về nguyên tắc, quy trình bỏ phiếu phải được xem xét chặt chẽ. Các đại biểu khi tiến hành bỏ phiếu cũng phải có đủ thông tin về người được bỏ phiếu.

Nếu thông tin sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến một người nào đó, khiến một bộ trưởng đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ, người cần được làm thì lại phải nghỉ. Vấn đề về nhân sự đều phải tiến hành chặt chẽ và thận trọng, đủ quy trình.

Cơ chế cung cấp thông tin như hiện nay có đủ để ĐB đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ?

Hiện nay ĐB còn rất thiếu thông tin, vì hằng năm các thành viên Chính phủ chưa phải báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội.

Hiện chỉ có Chính phủ báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, còn từng thành viên thì không.

Đại biểu lấy đâu thông tin, ngoài những thông tin thông qua báo chí, qua đơn thư khiếu nại, qua chất vấn và trả lời chất vấn...

Để bỏ phiếu tín nhiệm thực chất, cần có cơ chế mới về chế độ báo cáo. Cụ thể là, hằng năm các thành viên Chính phủ phải có bản kiểm điểm của mình gửi cho đại biểu Quốc hội.

Trong trường hợp cần thiết, bỏ phiếu bất tín nhiệm ai đó thì Quốc hội cần đưa ra thảo luận, còn không thì coi như đây là báo cáo kiểm điểm cuối năm.

Như ông nói, hiện vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm?

Cơ sở để bỏ phiếu thì không thiếu, nhưng bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến nhân sự là vấn đề rất hệ trọng nên quy trình phải được tiến hành chặt chẽ, và quan trọng là phải đủ thông tin.

Ngoài ra, còn rất nhiều việc phải làm, như xây dựng quy trình, cơ chế cung cấp thông tin từ người được bỏ phiếu hằng năm, chế độ công vụ, quy định trách nhiệm cán bộ trong việc thực thi công vụ của mình, những văn bản đó phải đồng bộ.

Nếu làm theo kiểu phong trào như kê khai tài sản để rồi thấy không ai có một tí tài sản nào thì mọi việc chỉ là hình thức. Vì vậy, bỏ phiếu tín nhiệm ngay bây giờ còn rất nhiều khó khăn.

 Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.