Ngổn ngang dự án ngàn tỷ

Ngổn ngang dự án ngàn tỷ
Lấy lý do dự án cấp bách để " lách" Luật Đấu thầu, nhiều dự án đầu tư công có tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã được chỉ định thầu. Tuy nhiên, sau khi " ván đã đóng thuyền" các dự án thi công với tốc độ rùa bò, gây lãng phí lớn và bức xúc cho người dân....

> Nhiều dự án chỉ định thầu thiếu minh bạch

Một con đường tỉnh lộ của Hưng Yên chỉ dài 38 km, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến thời gian thi công 15 tháng, nhưng nay đã gần 24 tháng mặt đường vẫn ngổn ngang...

Dự án cấp bách, làm nhởn nhơ

Đã quá hạn thi công, tỉnh lộ 200 vẫn lồi lõm, nước đọng thành vùng (Ảnh chụp ngày 31-5). Ảnh: Phong Cầm-Phạm Anh
Đã quá hạn thi công, tỉnh lộ 200 vẫn lồi lõm, nước đọng thành vùng (Ảnh chụp ngày 31-5). Ảnh: Phong Cầm-Phạm Anh.

Giữa tháng 7 năm 2010, ông Đặng Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cùng đại diện một số sở, ngành của tỉnh Hưng Yên đã tham dự lễ khởi công toàn tuyến đường tỉnh lộ 200.

Toàn tuyến tỉnh lộ 200 trong dự án dài gần 38 km, đi qua 3 huyện Yên Mỹ, Ân Thi và Tiên Lữ, với tổng vốn đầu tư hơn 974 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Theo dự án được duyệt, sau 15 tháng, sẽ hoàn thành.

Dự án do Sở GTVT Hưng Yên làm chủ đầu tư, đơn vị được chỉ định thầu là Cty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng DĐK (trụ sở chính ở số 5, ngách 629/15 Kim Mã, Hà Nội).

Dự án có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 5 ở địa bàn huyện Yên Mỹ, điểm cuối kết nối với quốc lộ 39A, cách cầu Triều Dương (Tiên Lữ) khoảng 1 km.

Theo thiết kế, đường quy mô 3I đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, được trải thảm bê tông nhựa dày 7cm, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Tuy nhiên, sau 23 tháng khởi công, đã quá hạn 8 tháng, nhưng khảo sát toàn tuyến của PV Tiền Phong cho thấy, trong số gần 38km, mới có khoảng hơn chục kilômét, từ huyện Yên Mỹ đến thị trấn Ân Thi, phần lớn vẫn là đường cũ, lác đác có đoạn mới chỉ được rải đá dăm; phần còn lại, từ thị trấn Ân Thi đến Tiên Lữ mới đang đổ đất, làm nền đường.

Ông Phan Xuân Bình, thôn Lạc Cầu (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ), một người dân sống gần con đường cho biết, đoạn đường đi qua thôn chục năm nay vẫn thế.

Ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa bùn đất lầy lội. Đường hư hỏng trồi cả nền đất, ổ voi, ổ gà như thiên la địa võng.

Ô tô đi qua phải bò rì rì, chồm lên, nhào xuống. Không biết tới bao giờ nhà thầu mới làm đến đoạn này cho dân nhờ, chứ thế này mãi thì dân khổ lắm.

Đoạn đi qua thôn Chi Long (xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ), được coi là thi công cơ bản nhất toàn tuyến, mới thấy xe rải nhựa, xe lu của đơn vị thi công.

“Các chú thấy đó, đường chỉ mới rải được lớp đá, cột điện còn nằm ở giữa đường, nền đường còn đắp chưa xong, nhìn còn lôm côm, nhếch nhác lắm.

Hơn nữa vẫn còn vướng nhà dân, chưa giải phóng xong mặt bằng nên chưa biết khi nào xong” - Một người dân sống gần đường ở đây nói.

Theo hướng tuyến, khoảng 25 km tỉnh lộ 200 phải đắp nền đường mới, thì hiện cả tuyến mới này vẫn như một đại công trường dở dang. Ngay ở cuối đường khu vực hai xã Thiện Phiến và Hải Triều (huyện Tiên Lữ), đường còn đang ủi lấp đất, cầu đang giai đoạn đúc dầm, ép cọc, máy móc, cột bê tông nằm chỏng chơ.

Riêng ở xã Hải Triều, còn hơn 40 hộ dân vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Tuy nhiên, từ khu vực xã Hải Triều, chạy đi ngược lại theo con đường đang làm, thi thoảng mới thấy có máy móc thi công, nhưng đều trong trạng thái “nghỉ ngơi”.

Nhiều người dân cho biết, tuy Cty DĐK được chỉ định thầu thi công nhưng thực tế Cty này đã “chia việc” cho 7 đơn vị khác để triển khai xây dựng. Trong đó, có thể kể đến như: Cty 319, Cty 829, Cty 565, Cty Hoàn Hảo...

Mặt đường 200 đoạn qua xã Hồng Vân, huyện Ân Thi (Ảnh chụp ngày 31-5). Ảnh: PV
Mặt đường 200 đoạn qua xã Hồng Vân, huyện Ân Thi (Ảnh chụp ngày 31-5). Ảnh: PV.

Chiêu đội vốn

Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh lộ 200 do Sở GTVT Hưng Yên làm chủ đầu tư. Dự án được lập và phê duyệt giữa năm 2005, với vốn đầu tư 410 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước thời điểm khởi công, tháng 4-2010, dự án được lập lại và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tăng tổng mức đầu tư lên 974,23 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần. Lấy lý do dự án thuộc diện “cấp bách” nên UBND tỉnh Hưng Yên giao cho chủ đầu tư chỉ định Cty DĐK làm nhà thầu thi công.

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty DĐK lý giải, dự án chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) và không có tiền.

Hiện, Cty DĐK đã làm được khoảng 2/3 kế hoạch nhưng mới chỉ được rót khoảng 200 tỷ đồng. Vì chiều dài toàn tuyến đường là 38km, từ huyện Tiên Lữ đến huyện Yên Mỹ nên việc GPMB hết sức khó khăn.

“Nói thật, làm được như DĐK là tốt lắm rồi vì rõ ràng chúng tôi đã làm quá nhiều. Trong khi những dự án khác được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gấp đôi số vốn ban đầu nhưng họ có làm bằng chúng tôi đâu” - ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, ban đầu khi quyết định tham gia dự án, cứ nghĩ dự án được cấp vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ thì sẽ có tiền đầy đủ.

Nhưng đến nay, vì không có tiền nên Cty không thể đảm bảo tiến độ theo dự kiến. “Cũng may là Cty DĐK không vay ngân hàng, chứ nếu phải vay thì chết từ lâu rồi” - ông Dương nói.

Đường 200 còn vướng hơn 40 hộ dân chưa được tái định cư (Ảnh chụp nhà một hộ dân thuộc diện phải GPMB tại xã Hồng Vân, huyện Ân Thi). Ảnh: PV
Đường 200 còn vướng hơn 40 hộ dân chưa được tái định cư (Ảnh chụp nhà một hộ dân thuộc diện phải GPMB tại xã Hồng Vân, huyện Ân Thi). Ảnh: PV.

Cũng theo ông Dương, về cơ bản, đường sắp thông tuyến, nhiều đoạn đã đổ xong đất, một số đoạn đã rải nhựa nhưng với tình hình này sẽ còn rất nhiều khó khăn nếu không tiếp tục được ứng vốn.

Để làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chỉ định thầu, do dự án cấp bách, nhưng nay thi công tốc độ rùa, gây lãng phí lớn, PV Tiền Phong đã nhiều lần liên lạc (trực tiếp và qua điện thoại) nhưng người được giao phụ trách dự án là ông Nguyễn Ngọc Nhạ - Phó giám đốc Sở GTVT Hưng Yên luôn báo bận.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, quá trình tổ chức chỉ định thầu, hồ sơ yêu cầu chỉ phát hành cho một nhà thầu duy nhất là Cty DĐK cho tất cả các gói thầu xây lắp của tỉnh lộ 200 là không đúng quy định của Luật Đấu thầu.

Nhóm PV

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG