Sẽ trục xuất người Trung Quốc nuôi cá trái phép

Bè cá của người Trung Quốc ngay cửa vịnh Cam Ranh Ảnh : Nguyễn Đình Quân
Bè cá của người Trung Quốc ngay cửa vịnh Cam Ranh Ảnh : Nguyễn Đình Quân
TP - Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, ngày 5-6 trả lời báo chí xung quanh việc một số người Trung Quốc nuôi cá trái phép tại vùng biển Cam Ranh.

> Chủ tịch thành phố biết từ lâu và đang rà soát

Theo quy định của Nhà nước, phải xử phạt hành chính, cảnh cáo đối với người vi phạm, trục xuất lao động trái phép khỏi địa bàn, ông nói.

Ông Nguyễn Tấn Tuân
Ông Nguyễn Tấn Tuân.

Quan điểm xử lý của tỉnh Khánh Hòa thế nào?

Việc này xảy ra lâu rồi. Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh phải nắm lại, cho dù người Trung Quốc là chủ đìa hay người làm thuê thì quản lý nhà nước phải rõ ràng, chứ không thể làm tùy tiện trên đó.

Việc thu mua hải sản, đặc biệt là tôm hùm được thương lái Trung Quốc mua số lượng rất lớn, người dân chỉ lo buôn bán, còn vấn đề an ninh, quản lý trật tự là trách nhiệm quản lý nhà nước.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã giao thành phố Cam Ranh nắm lại và tiến hành xử phạt hành chính, trục xuất nếu không có giấy phép khai thác, nuôi trồng thủy sản tại đây. UBND tỉnh vẫn đang xem xét để làm việc này.

Bè cá của người Trung Quốc ngay cửa vịnh Cam Ranh Ảnh : Nguyễn Đình Quân
Bè cá của người Trung Quốc ngay cửa vịnh Cam Ranh.          Ảnh : Nguyễn Đình Quân.

Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để việc này xảy ra trong nhiều năm, việc xem xét trách nhiệm đó ra sao?

Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Việc tạo điều kiện cho người dân tự do buôn bán, chuyển giao khoa học kỹ thuật là bình thường, rất quý, nhưng vấn đề là phải quản lý về mặt hành chính.

Còn để lao động phổ thông người Trung Quốc vào lại là chuyện khác. Tỉnh Khánh Hòa cũng có nhiều dự án xảy ra tình trạng này và đã bắt chủ đầu tư trục xuất nếu không xuất trình được giấy phép lao động.

Qua thông tin trên báo, Bộ đội biên phòng tỉnh có báo cáo việc này từ năm 2009, sau đó, UBND tỉnh có giao cho UBND thành phố Cam Ranh báo cáo lại và vẫn đang rà soát.

Việc rà soát kéo dài tới 3 năm (từ 2009 đến nay) có phải là quá chậm?Tỉnh xử lý những cá nhân có trách nhiệm ra sao?

UBND thành phố Cam Ranh phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc này. Còn việc xử lý trách nhiệm, Thường trực Tỉnh ủy phải bàn bạc, nghe báo cáo từ phía Cam Ranh.

Chắc chắn phải có kiểm thảo về trách nhiệm quản lý nhà nước. Hậu quả xảy ra chưa nghiêm trọng lắm, nhưng nếu phát hiện sớm hơn thì tốt hơn.

Cá nhân ông thấy việc này có đáng lo ngại không khi mà người Trung Quốc sinh sống, làm ăn nhiều năm ngay cạnh quân cảng quan trọng?

Đúng là lo ngại lắm. Tôi mới làm công tác lãnh đạo được 2 năm và có nghe việc này cũng như có ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, trên biển rất rộng, đặc biệt là vùng nhạy cảm, nếu chúng ta để sơ suất xảy ra như vậy thì có trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Sau này, khi xem xét kỷ luật cũng phải tính toán trách nhiệm của lãnh đạo thành phố Cam Ranh.

Vậy ngoài mục đích kinh doanh của người Trung Quốc ở đây, chúng ta có đặt ra vấn đề gì qua vụ việc này để làm rõ không?

Cơ quan chức năng đang làm nên chưa thể nói được gì. Mặt khác, UBND tỉnh đã giao sở NN&PTNT rà soát lại tất cả huyện- thị có biển. Tuy nhiên, chưa có phát hiện thêm.

Phó Chủ nhiệm UBQP-AN Trần Đình Nhã:

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phải trả lời về việc này

Hà Nội - Phó Chủ nhiệm UBQP-AN của Quốc hội, ông Trần Đình Nhã, nói: “Đây là việc đáng lo ngại. Cần phải làm rõ xem phạm vi khu vực bảo vệ của cảng thế nào, rà soát lại vấn đề cư trú ở khu vực biên giới của người nước ngoài, từ đó có cơ sở để xử lý”.

Theo ông Nhã, trách nhiệm ở đây là của nhiều cấp, nhiều ngành, từ chính quyền, bộ đội biên phòng và công an (quản lý cư trú và khu vực biên giới). Luật Cư trú đã quy định rất rõ về khu vực biên giới và địa bàn ven biển là khu vực biên giới.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện địa phương mình, là người đủ thẩm quyền trả lời về việc này. Phó Chủ nhiệm UBQP-AN cho rằng, cần phải có sự điều tra cụ thể.

Phải làm rõ địa điểm chính xác của những khu lồng bè, ranh giới bảo vệ cảng, tình hình cư trú của người nước ngoài. Nếu người nước ngoài đã lập gia đình tại Việt Nam thì bản chất của mối quan hệ đó thế nào…

Báo chí hãy vào cuộc góp phần làm sáng tỏ vấn đề. “UB QP-AN sẽ họp bàn về vấn đề này. Với tư cách là người tham gia Ủy ban, tôi sẽ đề nghị xem xét lại toàn bộ việc đầu tư ở khu vực biên giới, biển đảo”, ông Nhã nói.

Nguyễn Tuấn ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.