Ban Nội chính là phù hợp

Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng
Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng
TP - Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng cho rằng việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương vừa thực hiện chức năng một ban Đảng đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng là phù hợp hơn so với việc để cơ quan này trực thuộc Chính phủ. Ông Hưng nói:

> Chống tham nhũng phải có tầm và đủ dũng khí

Tình hình chung hiện nay ở cả cấp trung ương đến địa phương đang có quá nhiều ban chỉ đạo. Đây là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Từ thực tiễn công tác của mình, ông nghĩ gì khi có chủ trương tái lập Ban Nội chính?

Khi Hội nghị Trung ương 5 kết luận về vấn đề này, tôi thấy rất vui mừng. Sau 5 năm giải thể Ban Nội chính, chắc chắn trung ương đã có rút kinh nghiệm.

Tôi nghĩ vừa qua đã có sự thiếu hụt về tham mưu cho sự lãnh đạo của Đảng về nội chính, nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay.

Về mô hình tới đây thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tôi thấy phù hợp hơn là để cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng thuộc Chính phủ.

Thể hiện ở chỗ, tầm bao quát và nhiệm vụ của Ban có tính toàn diện chứ không phải trực tiếp vào các vụ việc. Nếu đặt ở cơ quan hành pháp thì có thể sẽ dẫn đến thiếu khách quan, vừa đá bóng vừa thổi còi như có người đã nói.

Vậy so với Ban Nội chính trước đây, điều gì cần được rút kinh nghiệm khi tái lập?

Điều quan trọng là cần làm rõ chức năng nhiệm vụ của Ban làm sao đúng là cơ quan tham mưu chiến lược cho trung ương. Tham mưu chiến lược ở đây là đề xuất được những vấn đề quan trọng cần cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư một cách kịp thời chứ không chỉ xử lý vụ việc cụ thể.

Ví dụ như đảm bảo xây dựng và thực hiện pháp luật sao cho tốt; trong xây dựng luật pháp cần bổ sung, sửa đổi quan điểm, chính sách gì.

Ban tham mưu chiến lược này giúp trung ương theo dõi tình hình phòng chống tội phạm, trong đó có các tội về tham nhũng; nắm bắt được hoạt động của cơ quan chức năng như công an, kiểm sát, toà án... từ đó giúp trung ương có chỉ đạo, uốn nắn kịp thời những xu hướng lệch lạc.

Ban Nội chính cũng phải giải quyết được sự phối hợp đồng bộ, khắc phục khó khăn giữa các cơ quan này. Ban Nội chính là cơ quan tham mưu giúp việc cho Đảng chứ không làm thay các cơ quan chức năng của nhà nước.

Cơ quan nội chính của Đảng không được luật hóa, không có quyền lực nhà nước thì liệu có hiệu quả thực tế không, thưa ông?

Quan điểm của tôi là quyền lực lãnh đạo bao giờ cũng là sự đảm bảo cho quyền lực thực thi của nhà nước. Ban Nội chính không cần thiết phải được giao quyền như bắt giam, tha, khởi tố, truy tố.

Ban Nội chính là cơ quan tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Giải quyết một vụ án phải qua nhiều giai đoạn từ trinh sát điều tra, phát hiện tội phạm đến điều tra và khởi tố, truy tố, xét xử...

Trong quá trình đó rất cần sự phối hợp của các cơ quan tư pháp tạo ra sức mạnh tổng hợp đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả cao, khắc phục tình trạng lọt tội, oan sai và vi phạm các hoạt động tư pháp. Điều đó rất cần có vai trò của Ban Nội chính.

Nói về chỉ đạo ở đây có thể dễ nhầm lẫn, tôi nhấn mạnh là Ban Nội chính trung ương không phải là cấp trên về chuyên môn mà là cơ quan tham mưu về lãnh đạo.

Ngoài việc làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính cần phải có quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính với các cơ quan, ban ngành khác.

Dựa trên cơ sở đó mà hoạt động. Điều rất quan trọng nữa là đội ngũ cán bộ nội chính phải am hiểu chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và phẩm chất tốt.

Khi xử lý vụ án Năm Cam, Ban Nội chính đã để lại dấu ấn tốt. Kinh nghiệm này có cần được phát huy khi tái lập Ban?

Khi có sự tham mưu chỉ đạo của Ban Nội chính, tôi khẳng định là có hiệu quả rõ ràng. Trong thực tế, Ban đã từng tham mưu chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ nhiều vụ án lớn.

Tôi ví dụ như vụ án Năm Cam khi đó rất cần huy động nhiều lực lượng. Ngành công an khi đó cần có thêm lực lượng tư pháp quân đội; Toà án cần vào nghiên cứu hồ sơ ngay từ đầu.

Nhiều vụ án lớn như Tân Trường Sanh, Tamexco, Minh Phụng, Lã Thị Kim Oanh... cũng vậy, Ban Nội chính trung ương và Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy đã thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng lãnh đạo việc giải quyết đúng pháp luật, khắc phục nhiều khó khăn, cản trở, thậm chí cả sự bao che nội bộ...

Cảm ơn ông.

Minh Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG