Phòng khám Trung Quốc: Bác sĩ 'chui' như thế nào?

“Bác sĩ chui” này sau khi bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện “khám bệnh” ở phòng khám Bác Ái đã bỏ trốn Ảnh: L.N
“Bác sĩ chui” này sau khi bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện “khám bệnh” ở phòng khám Bác Ái đã bỏ trốn Ảnh: L.N
TP - Ai cũng có thể trở thành “bác sĩ” ở các phòng khám Trung Quốc. Đó là câu nói vui nhưng rất thực tế bởi những đợt thanh tra của ngành y tế vừa qua cho thấy tình trạng “bác sĩ chui” vô tư hành nghề tại phòng khám này đến mức báo động.

> Ai bảo kê cho phòng khám Trung Quốc?

Bắt mạch phán: Cắt trĩ

Chỉ một mình bác sĩ Trung Quốc là ông Hoàng Phúc Như được ngành y tế cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền nhưng tại phòng khám y học Huê Hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, bệnh nhân vẫn được hàng loạt “bác sĩ” khác khám chữa bệnh.

Ai cũng tự xưng với bệnh nhân là “bác sĩ” Trung Quốc mỗi khi bắt mạch và kê toa thuốc. Khi chúng tôi vào khám ở phòng khám này, một bác sĩ được thông dịch viên giới thiệu là người Quảng Châu, Trung Quốc, rất giỏi về điều trị các bệnh nội khoa.

Bắt mạch cho tôi xong, “bác sĩ” này ghi loằng ngoằng toàn chữ Trung Quốc vào cuốn sổ khám bệnh và được thông dịch viên dịch lại rằng tôi bị dạ dày.

Tôi hỏi không xét nghiệm làm sao biết được, bác sĩ này cho rằng qua lời khai tiền sử bệnh cộng với mạch của bệnh nhân nên đích thị là bệnh dạ dày.

“Anh phải uống 10 ngày thuốc để tiêu diệt con vi khuẩn gây ung thư dạ dày. 10 thang thuốc là 5 triệu đồng”- vị “bác sĩ” này nói sau đó được thông dịch viên dịch lại.

Một đồng nghiệp của tôi cũng trong vai một người bệnh đang được một bác sĩ giới thiệu là Wu Hen đến từ Trung Quốc khám bệnh ở một phòng khác tại đây. Sau khi bắt mạch, bác sĩ này cho hay, đồng nghiệp của tôi bị trĩ nội.

Người này “dọa” không điều trị sớm bệnh càng nặng thêm. Để điều trị, nơi đây sẵn sàng làm trọn gói phẫu thuật xâm lấn không đau với giá 30 triệu đồng/ca. Nếu không phẫu thuật, sẽ có phương pháp điều trị bằng thuốc đông y được lấy từ Trung Quốc sang.

Tuy nhiên những tên thuốc từ điều trị trĩ và bệnh dạ dày đều giống nhau. Theo tìm hiểu danh sách nhân sự mà đơn vị này đăng ký với ngành y tế, ở phòng khám Huê Hạ không có tên hai “bác sĩ” này. Nơi đây chỉ được bắt mạch, bốc thuốc, chẩn trị đông y.

Tuy nhiên, hầu như chức năng vốn có của mình, không còn phòng khám Trung Quốc nào ở nơi đây thực hiện. Hầu hết đều “nâng cấp” sang điều trị Tây y.

Các “bác sĩ” không chuyên môn, bằng cấp vẫn vô tư chỉ định các phẫu thuật về ngoại khoa; cho truyền dịch, kháng sinh. Thậm chí phụ giúp phẫu thuật.

Không còn với chức năng bắt mạch, hốt thuốc, phòng khám Trường An ở đường Hồng Bàng, quận 11 điều trị cho cả bệnh nhân bị xơ gan cổ chướng là giai đoạn cuối của quá trình viêm gan siêu vi B.

Nơi đây cũng quảng cáo sẵn sàng cắt trĩ cho người bệnh nếu có nhu cầu với giá 20-30 triệu đồng/ca; trị tận gốc tiểu đường, sỏi mật.

“Nổ” ì xèo

Ngày 22-6, khi Thanh tra Sở Y tế TPHCM vào kiểm tra Phòng khám Trung Nam ở đường 3-2, quận 11, các thiết bị máy móc nơi đây đều dán “chờ thẩm định”.

Tuy nhiên, chiêu trò này đã bị lật tẩy, bởi trước đó một ngày nơi đây thực hiện nhiều ca cắt trĩ, siêu âm, xét nghiệm đều thông qua các máy móc này. Một bác sĩ ở Sở Y tế TPHCM cho biết quảng cáo “nổ” trên trời chính là phòng khám Trung Nam này.

PGS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh- Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng thừa nhận: “Họ mượn hình ảnh các thiết bị máy móc, cắt ghép hình ảnh bệnh nhân, bác sĩ ở các bệnh viện hiện đại để lấy lòng người bệnh”.

Ngoài “nổ” về kỹ thuật phá thai chỉ mất ba phút mà không bị bất cứ tổn thương nào, nơi đây còn “nổ”: “Công nghệ chỉnh hình bộ phận sinh dục với phương thức quốc tế”.

Đặc biệt, phòng khám này qua mặt cả Sở Thông tin- Truyền thông TPHCM khi in luôn ấn phẩm “chui” tuyên truyền cách chữa bệnh thần kỳ và giới sở hữu “13 bí phương trị liệu bệnh ung thư của nhà họ Lý”.

Quảng cáo ì xèo khác là phòng khám đông y Hiện Đại trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình.

Nơi đây thuê nhiều người đóng giả bệnh nhân nói về căn bệnh hiểm nghèo của mình đã được bác sĩ phòng khám này chữa khỏi, sau đó tung lên ấn phẩm “lậu” mà chính phòng khám xuất bản và quảng cáo trên các kênh truyền hình cáp để lôi kéo bệnh nhân.

Biến tướng tinh vi

Theo hồ sơ, phòng khám Y học cổ truyền An Khang ở đường Nguyễn Trãi, quận 5 vi phạm đến 4 lần nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mới đây cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra phát hiện phòng khám này lại sử dụng “bác sĩ” không được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề và bán thuốc không nguồn gốc.

Còn phòng khám An Khang do một người Trung Quốc là ông Chu Gia Thân điều hành từ khám bệnh, bán thuốc nhưng mới đây khi kiểm tra ông này không có chứng chỉ hành nghề.

Còn một “bác sĩ” khác cũng được giới thiệu là bác sĩ Trung Quốc nhưng chỉ có... chứng nhận chuyên môn y học cổ truyền do Sở Y tế tỉnh An Giang cấp năm 1992.

Theo bác sĩ Lê Minh Hải - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TPHCM, tại TPHCM hiện có 13 cơ sở chẩn trị, phòng khám có bác sĩ là người Trung Quốc được Bộ Y tế cấp phép cho hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Đa số bác sĩ này có giấy chứng nhận trình độ chuyên môn Học viện Trung y Quảng Tây. Bác sĩ Hải cho biết, trước ngày 10-6-2007, để hành nghề ở Việt Nam, các bác sĩ này được Bộ Y tế cấp chứng chỉ và Sở chỉ có chức năng quản lý các thầy thuốc này hoạt động trên địa bàn mình quản lý.

“Mỗi năm chúng tôi thường xuyên kiểm tra 1-2 lần đối với các phòng khám này. Tuy nhiên, không dễ phát hiện sai phạm do họ đối phó tinh vi”- bác sĩ Hải nói.

Tìm hiểu của Tiền Phong, hiện có 13 y, bác sĩ được cấp phép hành nghề tại các phòng khám Trung Quốc ở TPHCM.

Tuy nhiên, thực tế ở các phòng khám, số “bác sĩ” hành nghề khám chữa bệnh có lúc lên đến hàng chục người. Điều này cho thấy, các người Trung Quốc hoạt động khám chữa bệnh là “bác sĩ chui”.

Theo bác sĩ Phạm Kim Bình- quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, khi kiểm tra các phòng khám này, đều phát hiện bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề.

Suýt chết vì uống thuốc Trung Quốc

BR-VT - Ngày 24-6, bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Phó Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Lê Lợi (TP. Vũng Tàu, Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, nơi đây vừa cấp cứu một bệnh nhân nữ (56 tuổi, ngụ tại phường 2) trong tình trạng nguy kịch do dùng thuốc Trung Quốc không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt, thở nhanh, huyết áp tụt, mạch nhanh đến 140 lần/phút, xét nghiệm có toan chuyển hóa máu nặng. Bệnh nhân sau 2 ngày điều trị đã ổn.

Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân bị tiểu đường typ 2, qua giới thiệu của người quen, bệnh nhân đã sử dụng 2 loại thuốc của Trung Quốc, trong đó có một loại đã bị cấm lưu hành từ năm 1978 do những nguy cơ gây tử vong cao. Một loại khác không rõ hoạt chất, không có địa chỉ nhà sản xuất, hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG