Hàng chục hầm lò khai thác thiếc sập bất cứ lúc nào

Hàng chục hầm lò khai thác thiếc sập bất cứ lúc nào
TP - Như Tiền Phong thông tin, ngày 17-7, một vụ sập hầm đãi vàng xảy ra tại bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An), vùi chôn 3 công nhân và làm 7 người bị thương.

> Phát hiện thi thể hai vợ chồng tại khu vực khai thác thiếc

Trong khi đó, hàng chục hầm lò khai thác thủ công quặng thiếc ở huyện Quỳ Hợp đứng trước nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào.

Hầm khai thác quặng thiếc chỉ được chống đỡ sơ sài, không đảm bảo an toàn cho thợ mỏ
Hầm khai thác quặng thiếc chỉ được chống đỡ sơ sài, không đảm bảo an toàn cho thợ mỏ.

Cơ cực phu thiếc

Khu vực Suối Bắc - xã Châu Thành đang bị đào khoét tứ tung, nhiều doanh nghiệp thuê người đào hang chuột từ trên đỉnh xuống chân núi, hang chồng lên hang. Lòng núi khổng lồ bị khoét rỗng ruột, chằng chịt đường hầm như tổ mối.

Khu vực này một phần diện tích khá rộng do một công ty tư nhân thăm dò quặng thiếc. Thực ra, thăm dò chỉ là cái cớ, vì bấy lâu việc khai thác quặng thiếc diễn ra qui mô, rầm rộ.

Một số người dân sở tại nói, giai đoạn thăm dò họ đào quặng lấy luôn, đến khi có được quyết định cấp phép thì quặng thiếc không còn.

Nắng trưa, gió Lào hầm hập, tôi bám Suối Bắc lọt vào các hầm lò quặng thiếc. Nhiều đoạn lán trại san sát kề nhau, tiếng máy nổ, máy rung sàng tuyển quặng rền vang cả một góc núi.

Tại miệng hang, chỉ thấy chống mấy que gỗ sơ sài. Vào sâu bên trong hang mới thấy, thợ chỉ dùng củi chống đỡ những đoạn xung yếu, còn hầu như để không.

Qua ánh điện lờ mờ, tôi sờ tay lên phía vách hang thấy tầng địa chất ẩm ướt, có chỗ nước chảy xuống tí tách. Mỗi khi nghe tiếng mìn nổ đâu đó, lập tức mặt đất rung chuyển. Nhiều đoạn hang các ngách ăn tứ phía trong lòng núi như vòi bạch tuộc.

Một phu tên B cho hay: “Đánh vào lòng núi càng sâu thì quặng càng nhiều”. Khi được hỏi hầm lò chống đỡ sơ sài không sợ sập à? liền được trả lời: “Bọn tui cũng sợ lắm chứ nhưng tất cả vì miếng cơm manh áo mới phải chui vô đây!”.

Phía dưới chân núi, một doanh nghiệp đang khai thác quặng thiếc, nhưng hầm lò hoàn toàn không được chống đỡ, các phu vẫn vô tư làm việc.

Các thợ lò sợ nhất là những lúc đang làm việc dưới hầm lò bị mất điện, máy thông gió ngừng hoạt động rất nguy hiểm, có người đã bị ngất vì thiếu dưỡng khí.

Làm việc dưới hầm lò được chia làm 3 ca/ngày, mỗi ca từ 4 tiếng, khoán theo sản phẩm, ai đủ sức theo được 2 ca/ngày thì cũng có thêm chút thu nhập để gửi về quê nuôi vợ con.

Hằng tháng làm việc vô cùng vất vả, cực nhọc, nhưng người lao động hầm lò nơi đây cũng chỉ được mức thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng.

Ở đây thu nhập khá nhất là thợ khoan âm và phu móc quặng, đạt 5-6 triệu đồng/tháng. Họ dùng máy khoan âm các vị trí để đánh mìn. Công việc này luôn căng thẳng và nguy hiểm tính mạng.

Hầu hết phu thiếc tại Quỳ Hợp chưa được đào tạo cơ bản trước khi xuống hầm lò làm việc, nếu có đào tạo chỉ mang tính hình thức. Chủ yếu họ học hỏi kinh nghiệm của thợ đi trước.

Một số công nhân được các chủ hầm lò trang bị bình cứu hộ mà dân trong nghề thường gọi là bình tự cứu đeo ngang hông.

Khi xảy ra sự cố cháy nổ, sập hầm hoặc hệ thống cấp gió trục trặc thì giật nắp bình lấy khẩu trang đặc chủng để bịt ngang miệng, mũi. Chiếc khăn này có nhiệm vụ lọc các loại khí độc trong vòng 4-6 tiếng.

Hiểm nguy rình rập

Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện nhiều hầm lò chống đỡ tạm bợ, thậm chí không được chống đỡ, chủ mỏ không trang bị các thiết bị an toàn hầm lò.

Tại một số mỏ thuộc xã Châu Hồng (Quỳ Hợp), rốn quặng nằm ở trung tâm núi nên các doanh nghiệp khoan nổ mìn, tạo đường hầm vào lòng núi.

Hiện có hàng chục đường hầm sâu hơn 200m, thường xuyên có mặt khoảng 250 người. Khu vực giáp xã Châu Hồng, Châu Thành có độ cao trên 600m, hiện có 22 cửa hầm chính, nhiều cửa hang nhỏ; 500-600 người tham gia.

Nếu khai thác sai thiết kế, nổ mìn không đúng quy trình, nguy cơ sập hầm rất cao. “Nếu xảy ra sập hầm, con số thương vong sẽ rất khủng khiếp!”, một phu thiếc lo lắng.

Tại khu vực Suối Bắc có đến 5 công ty đang khai thác, thăm dò quặng thiếc. Một số đơn vị trong quá trình khai thác đã đụng nhau dưới hầm lò, bên nào cũng khẳng định là lãnh địa của mình, không ai chịu nhường ai, cuối cùng phải gửi đơn thư khiếu kiện lên huyện giải quyết. Việc xác định lãnh địa của ai ở dưới lòng đất vô cùng phức tạp.

Mùa mưa lũ sắp đến, trong khi nhiều quả núi bị khoét rỗng ruột đang nằm trong tình trạng cảnh báo sập hầm. Tại xã Châu Thành từng xảy ra vụ sập hầm một mỏ thiếc bị bỏ hoang làm 3 người (đều trú tại bản Đồng Huống, xã Châu Quang) phải bỏ mạng.

Ông Cao Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, nói: “Huyện cũng đã kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp khai thác không đúng quy trình. Đối với các doanh nghiệp không chấp hành, đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép và cho dùng mìn đánh sập các hầm lò không an toàn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.