Phát hiện cột đá phân vùng đánh cá thời Minh Mạng

Phát hiện cột đá phân vùng đánh cá thời Minh Mạng
TP) - Ngày 9-8, tin từ Chi cục Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản (KT&BVNLTS) tỉnh TT- Huế cho biết, một cột mốc cổ bằng đá đánh dấu ranh giới về quyền đánh cá có từ gần 200 năm trước vừa được phát hiện tại xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc).

Cột đá được tìm thấy ngẫu nhiên ở vị trí bán ngập trên mặt đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trong chuyến khảo cứu thực địa mới đây của Chi cục KT&BVNLTS tỉnh, nhằm chuẩn bị xây dựng khu bảo vệ thủy sản Gành Lăng (Lộc Bình).

Bề mặt bên phải cột đá khắc dãy Hán tự Minh Mạng nguyên niên, ngũ nguyệt nhị thập bát nhật (năm thứ nhất đời vua Minh Mạng, ngày 28 tháng 5 âm lịch, tức ngày 8-7-1820).

Mặt chính khắc các chữ Phao Võng, Tăng Sà, Thủy Bạn tam xã thủy diện… (tạm dịch là 3 làng chài thủy cư Phao Võng, Tăng Sà, Thủy Bạn…). Các chữ dưới cùng của cột đá chưa đọc được.

Qua đánh giá sơ bộ hiện trường, tham khảo ý kiến bô lão ngư dân địa phương và căn cứ các thư tịch cổ, giới chuyên môn khẳng định, đây là mốc giới “quyền đánh cá” của 3 làng chài tại TT- Huế dưới thời vua Minh Mạng.

Theo giới nghiên cứu, cột mốc đá cổ là một di sản văn hóa độc đáo, hiếm gặp, do chính quyền phong kiến xưa tạo dựng nhằm phân vùng quản lý ngư trường trên hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG