Giải pháp “tam giác” cho thuốc nội

Giải pháp “tam giác” cho thuốc nội
TP - Thuốc sản xuất trong nước mới đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh của người dân. Tại diễn đàn Người Việt Nam (VN) ưu tiên dùng thuốc VN diễn ra ngày 20-8 tại Hà Nội, Bộ Y tế nói rằng, nguyên nhân chính là do thuốc nội chưa chiếm được lòng tin của người bệnh, tâm lý sính ngoại của bác sỹ, bệnh nhân còn nặng nề, vì vậy cần giải pháp “ba cạnh”.

> Mỗi bệnh viện một giá thuốc

Thua trên sân nhà

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện (BV) tuyến trung ương chỉ chiếm khoảng 12% số tiền sử dụng thuốc.

Tỷ lệ này trên cả nước khoảng 47%. Theo ông Nguyễn Văn Tựu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược VN, tổng trị giá thuốc sản xuất trong nước tăng hằng năm, năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại là giá trị thuốc nội so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng đang giảm dần dần trong các năm gần đây, từ 52,85% năm 2007 xuống còn 47,82% năm 2011.

Khảo sát mới nhất của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho thấy, năm 2011, tổng số tiền mua thuốc trong BV lên tới gần 18.500 tỷ đồng, trong đó thuốc ngoại chiếm tới hơn 11.310 tỷ đồng.

Các BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh có tỷ lệ sử dụng thuốc ngoại cho bệnh nhân nhiều nhất, chiếm 66-88%. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nói rằng, tỷ lệ sử dụng thuốc nội còn thấp ở một số tuyến điều trị phụ thuộc vào mô hình bệnh tật.

Cụ thể, còn thấp ở tuyến trung ương vì các BV tuyến trên thường tiếp nhận các ca bệnh nặng, thậm chí nhiều ca đã điều trị dài ngày ở tuyến dưới. Do đó, để nâng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước, nhà sản xuất phải khẳng định được hiệu quả điều trị.

Ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV Hữu nghị VN - Thụy Điển (Quảng Ninh), cho rằng, tuy chiếm tới 50% thị phần dược phẩm, nhưng tại các BV tuyến trung ương, viện chuyên khoa, thuốc nội chỉ chiếm tỷ lệ thấp, bình quân chưa đến 30%.

Theo ông Tiệp, xảy ra thực trạng này là do có yếu tố thói quen, tâm lý đã nhiều năm sử dụng thuốc ngoại. Mặt khác, thuốc nội có nghiên cứu tương đương sinh học (là một công cụ chứng minh thuốc nội có tác dụng tương đương thuốc sáng chế nhập ngoại) còn chưa nhiều.

Mặc dù thuốc nội được các bác sĩ đánh giá là đa dạng với 520 hoạt chất, nhưng chưa có nhiều thuốc chuyên khoa, đặc biệt là thuốc chuyên khoa sâu như tim mạch, tiểu đường… Nhiều cơ sở điều trị rất muốn ưu tiên sử dụng thuốc nội, nhưng các hãng dược trong nước chưa đáp ứng được.

TS Lê Văn Nhã Phương, Phó tổng giám đốc Cty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco, cho biết công ty này có những sản phẩm thuốc tương đương sinh học rẻ hơn thuốc ngoại 10 - 60%. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm thuốc tương đương sinh học đến tay bác sĩ kê đơn, do vướng những quy định về quảng cáo thuốc của ngành y tế.

Giải pháp “tam giác”

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng thuốc VN thành công, cần có sự tham gia của các bộ ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn, chính sách xuất nhập khẩu... cho các doanh nghiệp dược.

Bộ trưởng nhấn mạnh, một trong những sự vào cuộc chủ lực để cuộc vận động thành công là ba góc tam giác gồm người dân, bác sĩ kê đơn và các nhà sản xuất thuốc.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để thuốc nội đến được với người bệnh, bác sĩ có thể sử dụng thuốc tương đương sinh học để kê cho bệnh nhân mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Bà khẳng định, nếu bác sĩ kê đơn thuốc nội thì có thể chữa bệnh được cho nhiều người với cùng mức chi phí thấp. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp dược trong nước tự làm mới mình, nâng cao trình độ cán bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thuốc và tăng cường tuyên truyền, quảng bá để người dân hiểu được những thế mạnh của thuốc nội.

Bộ trưởng cũng kêu gọi người dân thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thuốc trong phòng và chữa bệnh. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, việc thực hiện Đề án Người VN ưu tiên dùng thuốc VN cũng là cơ hội để chấn chỉnh công tác cung ứng, đấu thầu và kê đơn thuốc trong BV.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu ngành y tế thường xuyên đánh giá hiệu quả của việc thực hiện cuộc vận động để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Theo Đề án Người VN ưu tiên dùng thuốc VN, đến năm 2015, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước trong tổng số tiền mua thuốc tại BV tuyến trung ương 3%/năm; tuyến tỉnh, thành phố 4%/năm; tuyến huyện 5%/năm. 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh thuốc tân dược trong nước đạt tiêu chuẩn GMP, GSP, GLP. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 60% nhu cầu sử dụng. Xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước mỗi năm tăng 10 - 15% so với năm trước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG