Đập không bị ảnh hưởng từ động đất

Bờ kè bằng đá chống sụt lún bên cạnh đập thủy điện
Bờ kè bằng đá chống sụt lún bên cạnh đập thủy điện
TP - Ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã khẳng định như vậy, khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong, chiều 6-9. “Dự kiến tuần sau sẽ họp báo công bố tại huyện Bắc Trà My, để dân yên tâm”, ông Hùng nói.

> Tiếp tục có rung chấn ở Bắc Trà My

Tư vấn nước ngoài đánh giá an toàn

Ông Lê Quang Hùng, cho biết: Đến thời điểm này, cơ bản đã hoàn thành ba bước khắc phục sự cố rò rỉ nước đập thuỷ điện sông Tranh 2 (thu nước vào hành lang đập, chống thấm và kiểm định đánh giá để tích nước trở lại) theo đúng lộ trình.

Nhà thầu Hoa Đông của Trung Quốc đã xử lý xong 10 khe dọc thấm nhiều nhất. Còn Viện Khoa học công nghệ xây dựng xử lý dán mặt trên những khe còn lại. Lượng nước thấm trong hành lang đo được hiện nay còn 3 – 5 lít/giây, trong khi thời kỳ đỉnh điểm là trên 80 lít/giây.

Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đánh giá thế nào về an toàn của đập sau khi khắc phục xong, thưa ông?

Ngoài đơn vị tư vấn thiết kế có đánh giá an toàn, hội đồng nghiệm thu nhà nước đã chỉ định tổ chức tư vấn độc lập Colenco - Thụy Sỹ, chuyên đánh giá an toàn đập thủy điện trên thế giới. Họ cũng vừa hoàn thành báo cáo trước thời điểm tích nước.

Tổ chức tư vấn này đã rà soát lại thông số thiết kế, tiêu chuẩn, có kiểm tra cường độ bê tông bằng cách khoan nõn trong thân đập rồi đưa về phòng thí nghiệm độc lập, có sự chứng kiến của các bên.

Có tính toán lại ổn định của đập và có đưa ra một số kịch bản giả thiết cực đoan hơn để kiểm tra an toàn đập, bao gồm cả trường hợp xảy ra động đất.

Sau đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trưng cầu 10 chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đọc và phản biện báo cáo của Colenco. Đến giờ phút này, theo ý kiến của các nhà chuyên môn, tư vấn đều đánh giá đập có đủ điều kiện cho tích nước trở lại.

Như vậy, có thể nói việc khắc phục sự cố đã xong và đập an toàn?

Hiện chúng tôi đang lấy ý kiến của Bộ Công Thương và cơ quan liên quan, sau đó Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ ra văn bản chính thức về vấn đề này.

Khi có đầy đủ thủ tục pháp lý, dự kiến trong tuần tới phía Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực VN sẽ tổ chức họp báo công khai tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam để bà con yên tâm.

Tất nhiên, khi cho tích nước trở lại chúng ta phải theo dõi sát sao xem việc chống thấm có phát huy hiệu quả hay không? Nếu tiếp tục xảy ra rò rỉ thì lại phải tiếp tục xử lý chống thấm.

Ở những điểm vá víu liệu có đảm bảo tuổi thọ?

Vật liệu dùng chống thấm là hữu cơ, cũng là vật liệu chuyên dùng để chống thấm. Tuy nhiên, sau một thời hạn sử dụng nhất định cũng cần có bảo trì. Sau một thời gian sử dụng chúng ta phải chấp nhận dấu hiệu lão hóa và khôi phục lại. Cái này phía thi công có bảo hành theo hợp đồng. Nói chung cái khó là có chống thấm được hay không.

Bờ kè bằng đá chống sụt lún bên cạnh đập thủy điện
Bờ kè bằng đá chống sụt lún bên cạnh đập thủy điện.

Động đất không ảnh hưởng

Nhưng thời điểm mà phía tư vấn độc lập hoàn thành báo cáo chưa xảy ra động đất như ba ngày nay. Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của động đất đến an toàn của thân đập?

Theo thiết kế, công trình này chịu động đất cực đại đến 5,5 độ richter hoặc theo thông số gia tốc nền 0,153g.

Thậm chí tư vấn Colenco còn tính toán sức chịu đựng của đập ứng với động đất 6 độ richter tương đương với gia tốc nền là 0,22g. Số liệu động đất này tính theo đặc điểm đứt gãy của khu vực này, xác suất là 1 trong 5.000 năm.

Theo ông Hùng, chi phí để khắc phục sự cố đập thuỷ điện sông Tranh đến nay khoảng 40 tỷ đồng, do chủ đầu tư và nhà thầu cùng chịu, vì công trình vẫn đang trong quá trình bảo hành, bảo trì.

Cách đây mấy tháng, trong quá trình tích nước cũng đã xảy ra động đất ồ ạt, sau đó đập bị thấm, mạnh nhất thời điểm đó đo được là 3,2 độ richter, còn gần đây xảy ra động đất liên tiếp, các số liệu ghi nhận được cho thấy động đất mạnh nhất tại thân đập là: 0,09g (khoảng 4 độ richter).

Nếu so với gia tốc nền thiết kế cao nhất là 0,153g, thì mức độ động đất mới chỉ bằng 60% so với giới hạn chịu động đất cực đại.

Mấy ngày qua, các chuyên gia đã vào kiểm tra thân đập, không thấy có dấu hiệu gì mất an toàn. Ngay cả những vết trám chống thấm vừa qua cũng không thấy hề hấn gì.

Có ý kiến cho rằng, việc cho tích nước hồ chứa vừa qua đã gây ra động đất kích thích. Nếu là động đất kích thích thì không đáng ngại, vì về nguyên tắc bao giờ nó cũng nhỏ hơn động đất thiết kế và có xu hướng thấp dần trong vòng vài năm.

Còn nếu động đất do nguyên nhân địa chất khác tại khu vực này, thì Viện Vật lý địa cầu sẽ có trả lời.

Nhưng khi chưa xác định được nguyên nhân động đất, làm sao có thể khẳng định đập an toàn nếu động đất tiếp tục xảy ra, thưa ông?

Dù động đất là nguyên nhân gì thì khi thiết kế xây dựng công trình, đã lấy giá trị động đất cực đại. Nếu động đất có xẩy ra thì nó cũng không vượt được mức thiết kế chịu động đất của đập.

Có thể nói, về góc độ chất lượng công trình thì ta hoàn toàn có thể làm chủ được. Còn khi có cảnh báo, sẽ tính toán để có thể điều chỉnh mức độ tích nước của hồ.

Việc để xảy ra thấm nước tại một công trình đặc biệt quan trọng như vậy, liệu có lượng hoá được trách nhiệm?

Đây là một bài học, sau này cũng phải phân định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào làm không chuẩn. Đây cũng là bài học về quản lý đầu tư xây dựng nói chung.

Hiện nay, trong xây dựng chúng ta giao quyền cho chủ đầu tư quá lớn. Hiện Bộ Xây dựng đang sửa lại Nghị định về quản lý xây dựng công trình.

Trong quá trình thi công và nghiệm thu, chắc chắc phải có sự giám sát của cơ quan quản lý tham gia, để thay mặt xã hội xem xét chất lượng công trình chứ không thể giao khoán cho chủ đầu tư được. Lúc xảy ra sự cố thế này thì hồi tố rất khó, vì họ làm xong hết rồi.

Cảm ơn ông.

EVN khẳng định đập vẫn an toàn

Hà Nội (TP) – Tối 6-9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thông cáo cho biết, các dữ liệu quan trắc do các thiết bị lắp đặt trong thủy điện Sông Tranh 2 đo được rung chấn có cường độ lớn nhất 4,2 độ Richter.

Theo EVN, trong trận động đất xảy ra tối 3-9, máy gia tốc đặt gần khu vực Nhà máy thủy điện đã ghi được mức gia tốc nền là 88cm/s2, trong khi công trình Thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế để chịu được gia tốc nền 150cm/s2. Sau khi xảy ra các đợt rung chấn do động đất, EVN đã kiểm tra các hạng mục công trình của Thủy điện Sông Tranh 2 và nhận định các đợt rung chấn vừa qua không gây ảnh hưởng đến công trình. Đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế cường độ kháng nén lớn bảo đảm an toàn khi có động đất tới 5,5 độ Richter.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.