Khai mạc hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần hai

Khai mạc hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần hai
TPO - Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai khai mạc sáng nay (27-9) tại TPHCM và diễn ra đến hết ngày 30-9.

Chủ đề của hội nghị lần này là “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”.

Hội nghị Người Việt Nam ở Nước ngoài lần hai khai mạc sáng 27 - 9. Ảnh: Hữu Vinh
Hội nghị Người Việt Nam ở Nước ngoài lần hai khai mạc sáng 27 - 9. Ảnh: Hữu Vinh.

Tham dự Hội nghị có ông Lê Hồng Anh - Ủy Viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; bà Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước; ông Huỳnh Đảm – Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, cùng nhiều lãnh đạo tỉnh, thành…

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, mục đích của hội nghị là đánh giá đầy đủ và sát thực hơn tình hình, xu hướng phát triển của người Việt ở nước ngoài, cũng như hiệu quả của chủ trương, chính sách đối với cộng đồng.

Từ đánh giá này, việc xây dựng các chương trình, đề án vận động cộng đồng trước mắt và lâu dài sẽ được tiến hành, nhằm huy động nguồn lực của cộng đồng này đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự kiến, khoảng 1.000 đại biểu, trong đó đa số là kiều bào từ các vùng, lãnh thổ trên thế giới, tham dự hội nghị.

Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận bốn vấn đề chính: Tương lai cộng đồng – Những vấn đề của hội nhập và phát triển; Bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc – Động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó đất nước; Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước – Từ tiềm năng đến hiện thực; Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước. Tối 28-9, sẽ diễn ra chương trình Đại nhạc hội tại sân khấu Lan Anh.

Bà con kiều bào về dự Hội nghị. Ảnh: Hữu Vinh
Bà con kiều bào về dự Hội nghị. Ảnh: Hữu Vinh.

Đóng góp 20 tỷ USD một năm

Theo thống kê về người Việt Nam ở nước ngoài, năm 2011, 4,5 triệu kiều bào sinh sống và học tập tại 104 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng tăng lên do hàng năm có thêm hàng trăm nghìn người ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình, hình thành những cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn mới châu Á, Trung Đông, Châu Phi…

Lượng kiều hối đạt hơn 8,854 tỷ USD trong năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012 là 6.45 triệu USD.

Hiện, 3546 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài có dự án đầu tư ở 51/63 tỉnh thành với số vốn đăng ký và đóng góp khoảng 8,4 tỷ USD. Trong đó, Hà Nội, TPHCM là hai nơi có số doanh nghiệp nhiều nhất; Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi thu hút vốn đầu tư lớn nhất.

Thêm vào đó, khoảng sáu tỷ USD đầu tư vào gần hai nghìn dự án lớn nhỏ, cộng với một số đầu tư không thống kê hết vào những công trình du lịch, bất động sản...

Hàng năm, đóng góp của kiều bào ở tất cả các hình thức khoảng 20 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của bà con kiều bào với biển đảo.

“Hội nghị lần này tổ chức sau chuyến đi Trường Sa vừa rồi với ấn tượng rất tốt đẹp. Sau khi nhận rõ được thực tế, chân lý mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, trong đó có bảo vệ chủ quyền, bà con càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tiếp tục có cam kết đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Hội nghị lần này đang chờ đợi những sáng kiến, ý kiến, dự án mang tính đột phá của bà con kiều bào. Hội nghị tiếp tục động viên, huy động nguồn lực kể cả về vật chất và chất xám.

Thông qua Hội nghị, sự phối hợp giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước hiệu quả hơn. Nhiều ý kiến bà con cũng sẽ được áp dụng vào đời sống..." - ông Sơn cho biết.

Năm 2009, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất được tổ chức với dự tham gia của gần 900 đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan, tỉnh, thành trong cả nước.

Kết quả hội nghị cho thấy sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động kiều bào đã có nhiều biến chuyển tích cực, xây dựng và ban hành thêm được nhiều văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho kiều bào trên các lĩnh vực quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú.

Đặc biệt, công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cá nhân người Việt ở nước ngoài được quan tâm hơn trước.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.