Bạn đọc nói về ‘bảo bối’ Trần Xuân Giá

Bạn đọc nói về ‘bảo bối’ Trần Xuân Giá
TPO – Sau khi đăng bài viết: Ông Trần Xuân Giá: 'Tôi có bảo bối để bảo vệ mình', Tiền Phong Online đã nhận được hàng ngàn phản hồi của bạn đọc. TPO xin trích đăng một số ý kiến.

> Khởi tố ông Trần Xuân Giá và ba người khác

Bạn Nguyễn Dũng nhận định: “Ông Giá hơi chủ quan trong sự việc này mặc dù không trực tiếp gây ra việc " quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Một bạn đọc giấu tên phân tích sai lầm của ông Giá trong việc ủy quyền cho nhân viên dùng tiền Ngân hàng ACB gửi vào các tổ chức tín dụng khác: “Ông biến tiền ACB thành tiền cá nhân để đi gửi và làm mất là sai rồi. Dù ở Mỹ hay ở bất cứ nền kinh tế nào khác trên thế giới thì không có chuyện chuyển đổi pháp nhân kiểu như vậy cả.

Bạn đọc Tomm Ngô phân tích: “Ông Giá đã quá tự tin và chủ quan khi cho là “cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm” nhưng lại quên (hay không biết) rằng, Nhà nước chỉ thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh và công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp (Điều 5 LDN). Vậy, ông Giá và những người có liên quan đã bao giờ tự hỏi rằng mình đã hoàn toàn thực hiện các quyền, lợi ích và hoạt động kinh doanh hợp pháp chưa?”

Bạn đọc Nguyễn Hải Đăng nêu quan điểm không đồng tình với các hành xử của ông Trần Xuân Giá: “Các bác vác tiền của ACB đi mà cổ đông chúng em không nhận được một lời xin lỗi. Xã hội nào cũng thế còn rất nhiều cái mà pháp luật không điều chỉnh kịp thì sẽ có các qui phạm đạo đức và một số thông lệ mà vì danh dự cá nhân cũng như thương hiệu của cty sẽ không nên làm.”.

Bạn đọc Ngọc thì cho rằng ông Giá và các cộng sự đã “tự cho mình quyền thích gì làm nấy, không tôn trọng Nhà nước, nhân dân và các cổ đông ACB”

Bên cạnh những ý kiến phê phán thì cũng có những lời chia sẻ với ông Trần Xuân Giá: “Dù sau này hình phạt đối với ông và cộng sự là như thế nào đi nữa, cũng không bằng hình phạt về một người đàn ông"tự cho mình là cha đẻ của luật DN" lao tâm khổ tứ để rồi có kết cục vậy. Xin chia buồn cùng gia đình ông”, bạn đọc tên Huân viết.

Bạn đọc Zai dẫn câu nói của Lão Tử: “tri túc tri chỉ", có nghĩa là biết đủ biết dừng hàm ý chê trách ông Trần Xuân Giá đã không biết dừng lại đúng lúc, lẽ ra nên nghỉ ngơi sau khi về hưu thì công danh sự nghiệp đã trọn vẹn mà không mắc vòng lao lý vào lúc cuối đời.

Báo Tiền Phong luôn trân trọng các ý kiến của độc giả và không có bình luận gì xung quanh sự việc này.

Theo Viết
MỚI - NÓNG