Sai lầm khi chọn địa điểm xây dựng thủy điện Sông Tranh 2?

Sai lầm khi chọn địa điểm xây dựng thủy điện Sông Tranh 2?
TP - Một nghiên cứu độc lập của Liên hiệp các Hội KHKT VN (VUSTA) công bố hôm qua ở Hà Nội cho thấy việc lựa chọn địa điểm xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2 có thể “có vấn đề” bởi nó nằm trong vùng phạm vi ảnh hưởng của đứt gãy hoạt động cấp 2 và đập nằm trên nền cấu tạo địa chất rất yếu.

> Kịch bản di dân nếu đập thủy điện vỡ

“Tích nước đột ngột có thể gây ra sự thay đổi về môi trường sinh chấn dẫn đến gia tăng hoạt động của động đất”, PGS.TS Cao Đình Triều
“Tích nước đột ngột có thể gây ra sự thay đổi về môi trường sinh chấn dẫn đến gia tăng hoạt động của động đất”, PGS.TS Cao Đình Triều.

Nguy cơ cao trượt lở đập

Đề án “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại” do Hội KH&KT Địa Vật lý VN (thuộc VUSTA) tiến hành.

PGS.TS Cao Đình Triều, chủ nhiệm đề tài, nhận định: “Khu vực xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên nền cấu tạo địa chất là đá granite bị phong hóa mạnh với nền địa chất rất yếu”.

PGS.TSKH Phạn Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội), ủy viên hội đồng khoa học đánh giá kết quả thực hiện đề án trên, cho hay, đập Sông Tranh 2 nằm trên nền đá granite là rất nguy hiểm. Đá granite rất cứng nhưng khi gặp nước lại mềm đi nhiều, khiến nền móng đập trở nên yếu.

“Trong quá trình tích nước, các đới đứt gãy nhỏ hoạt động tạo điều kiện cho nước thấm vào nền đá, làm đá bị phong hóa, mềm đi và gây nguy cơ trơn trượt mạnh”, ông Quýnh nói.

Theo ông Triều, nền đá granite ở đây bị cà vá, dập vỡ mạnh, gây nguy cơ trượt lở, tai biến sạt đất, lấp lòng hồ, chặn dòng chảy, và có thể ảnh hưởng cả các công trình dân sinh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thị sát trong hầm thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Nguyễn Thành
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thị sát trong hầm thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bên cạnh đó, địa điểm xây dựng nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi có đứt gãy hoạt động cấp 2.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia độc lập cho thấy có tới 12 đứt gãy hoạt động trong khu vực xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2.

Đáng lưu ý nhất là đứt gãy Trà My rất phức tạp, có bề rộng 10-30km và dài 6-7km. Đứt gãy này được nhận định đi qua khu vực đập thủy điện Sông Tranh.

“Điều tối kỵ là không được xây dựng đập thủy điện trên đứt gãy đang hoạt động. Khi đứt gãy hoạt động, đập có thể dâng lên tụt xuống, dẫn đến phân dị và gãy ra làm đôi”, ông Quýnh cảnh báo.

Cẩn trọng khi tích nước

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, động đất kích thích xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 có những điểm rất đặc biệt như động đất xảy ra tại vùng mà trước đó chưa bao giờ xuất hiện động đất, có biểu hiện hoạt động dồn dập, theo từng đợt, đợt sau có xu thế tăng về tần suất lặp lại và cấp độ mạnh.

Nhóm nghiên cứu cho biết nguyên nhân của các trận động đất này là do quá trình tích nước ảnh hưởng hoạt động của đứt gãy đang hoạt động Trà My.

Trong tương lai, hiện tượng tích nước gây nên động đất kích thích sẽ xảy ra dọc đới đứt gãy cấp 2 Trà My và một số đứt gãy cấp 3 ngay trong lòng hồ. Động đất kích thích cực đại ở đây có thể sẽ lên đến 5,5, thậm chí 6 độ richter.

GS Vũ Trọng Hồng, Tổng Thư ký Hội Thủy lợi, tiếp tục đề xuất không nên tích nước.

“Điểm yếu của VN là chưa hề có đánh giá về động đất kích thích ảnh hưởng đến thủy điện như thế nào, VN cũng chưa có bất cứ nhà khoa học nào chuyên sâu về động đất kích thích. Vì vậy phải mời các chuyên gia nước ngoài đồng thời xây dựng tiêu chuẩn về động đất kích thích trong xây dựng”, ông Hồng nói.

Đại diện EVN: Phải hàng nghìn năm, đá granite mới phong hóa

Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Cty CP tư vấn Xây dựng Điện 1, đơn vị tư vấn thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2, cho biết đúng là đập thủy điện sông Tranh 2 được xây dựng trên nền đá granite song không có chuyện nền đá yếu gây nguy hiểm cho đập. EVN đã khảo sát nghiên cứu địa chất kỹ lưỡng rồi mới chọn địa điểm xây dựng. Đá granite khi gặp nước sẽ bị phong hóa và mềm đi song quá trình ấy kéo dài cả nghìn năm. Đau đầu nhất hiện nay, vẫn theo ông Sơn, là động đất kích thích.

* Hôm qua, 3-10, xảy ra hai trận động đất liên tiếp ở khu vực Bắc Bộ. Trận đầu tiên xảy ra lúc 10h18 sáng có độ lớn 4,4 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Kiến An, TP Hải Phòng, với độ sâu chấn tiêu 15 km. Viện VLĐC nhận định “đây là trận động yếu” nhưng một vùng rộng lớn, kéo dài đến cả thủ đô Hà Nội, đều cảm nhận được sự rung lắc. Tiếp đó, hồi 3h15 chiều cùng ngày ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ xảy ra một trận động đất có độ lớn 3,3 độ richter, độ sâu chấn tiêu 10km.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.