Nên dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Nên dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
TPO - Ngày càng nhiều ý kiến bày tỏ nguyện vọng “nên dừng” hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, trong lúc Bộ Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) đang đi các bước cuối cùng để thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lần thứ hai đói với hai dự án gây tranh cãi suốt hai năm qua này.

> Nỗi buồn hậu thủy điện

Lãnh đạo VQG Cát Tiên cùng chủ đầu tư và chuyên gia Bộ NN&PTNT khảo sát hiện trường khu vực dự tính xây đập thủy điện Đồng Nai 6 Nguồn: VQG Cát Tiên
Lãnh đạo VQG Cát Tiên cùng chủ đầu tư và chuyên gia Bộ NN&PTNT khảo sát hiện trường khu vực dự tính xây đập thủy điện Đồng Nai 6. Nguồn: VQG Cát Tiên.

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được nhận xét có ưu điểm nổi bật là diện tích chiếm đát giảm nhiều so với quy hoạch năm 2002 cũng như thấp hơn so với các dự án thủy điện có cùng công suất khác.

Báo cáo ĐTM phiên bản hai đang được cấp chuyên môn cao nhất là Bộ TN&MT thẩm định cẩn thận. Vậy mà các ý kiến e ngại, thậm chí phản đối, với Đồng Nai 6 và 6A không thấy giảm.

Thiên nhiên linh thiêng

Một trong những e ngại điển hình là ý kiến của UBND Tỉnh Đồng Nai. Đồng Nai là một địa phương chỉ nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và không thuộc phạm vi diện tích hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Vậy mà, trong một văn bản đang lấy ý kiến các bên trước khi chính thức gửi Bộ TN&MT, Sở TN&MT Tỉnh Đồng Nai thể hiện thái độ không chấp nhận báo cáo tóm tắt ĐTM mới nhất dài tám trang do chủ đầu tư hai dự án lập ngày 21-8-2012.

Ngay khi tu nghiệp ở Nhật Bản về, suốt hai năm qua, nhà khoa học trẻ Nguyễn Huỳnh Thuật cùng đồng nghiệp ráo riết sưu tầm các cứ liệu mới nhất chứng minh giá trị vô song ở Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên mà phần lớn diện tích nằm trên địa bàn Đồng Nai.

Anh và nhóm bạn trẻ thuộc Love and Save Cattien National Park Group (Nhóm Yêu quý&Bảo vệ Cát Tiên) cảnh báo giá trị ấy nhất định bi hủy hoại bởi thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu báo cáo ĐTM của hai dự án được Bộ TN&MT thông qua.

Ấn tượng với lập luận của các nhà khoa học trẻ, UBND Tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo VQG Cát Tiên vừa mời họ tham gia góp gió. Trao đổi với Tiền Phong, Nguyễn Huỳnh Thuật thường gọi VQG Cát Tiên bằng cái tên Mẹ hiền Thiên nhiên Cát Tiên. Khu rừng đại ngàn giống như một cơ thể vĩ đại, màu nhiệm, linh thiêng và rất dễ bị tổn thương. Bất cứ tác động nào dù nhỏ đều ảnh hưởng đến toàn cơ thể Mẹ, đến dòng sông Đồng Nai chảy qua Cát Tiên.

Theo TS. Vũ Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Đa dạng Sinh học&Phát triển (Viện Sinh học Nhiệt đới TP HCM), Phức hệ Bàu Sấu trong VQG Cát Tiên là vùng đầm lầy nguyên thủy lớn nhất VN.

Tại đây còn có những bãi muối khoáng hình thành tự nhiên, vốn là nguồn cung cấp muối khoáng vô cùng quan trọng trong việc sinh tồn cho các loài thú hoang dã.

Vùng đất ngập nước này vừa thực hiện tái thả phục hồi thành công nhất thế giới đối với cá sấu xiêm, một loài có nguy cơ tuyệt chủng vĩnh viễn trong tự nhiên.

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thiết kế và thi công kiểu gì cũng có nguy cơ khiến khu vực Bàu Sấu thay đổi bằng một thảm thực vật khác, mà chủ yếu là cỏ và cây bụi, đặc biệt.

Chuyên gia Wuytack, J. và TS Phạm Hữu Khánh - người có hơn 30 năm nghiên cứu và làm việc tại VQG Cát Tiên, cảnh báo xu thế đó sẽ tạo điều kiện cho các loài cây ngoại lai như mai dương xâm chiếm và phát triển, dẫn đến nguy cơ Khu Ramsar Thế giới bị chết theo.

TS Long nhấn mạnh, VQG Cát Tiên còn là khu bảo tồn loài thuộc hàng tốt nhất trong các VQG được bảo tồn tốt của VN. “VQG Cát Tiên được thế giới rất quan tâm và đầu tư vào đây những dự án lớn mà sau Cát Tiên không còn VQG nào của VN nhận được sự quan tâm này”.

Bình yên trong Vườn Cát Tiên Ảnh: Nguyễn Huỳnh Thuật
Bình yên trong Vườn Cát Tiên.  Ảnh: Nguyễn Huỳnh Thuật.

Lỗ chỏng vó

 Trường hợp Thuỷ điện Đồng nai 6 và 6A, việc mất trên 100 ha rừng tự nhiên là rõ ràng. Nhưng tác động tới bão lụt, hạn hán, thiên tai, khí thải nhà kính thì còn phải đánh giá. Tác động thay đổi môi trường sống và thiệt hại về giảm thiểu tính đa dạng sinh học cũng khá rõ rang. Vì vậy việc cân đong lợi hại của sự đánh đổi này có thể thực hiện được trong hoàn cảnh không nhất thiết phải hy sinh môi trường để chống đói nghèo như 20 năm trước đây 

Căn cứ mới nhất mà chủ đầu tư và Hội đồng Thẩm định của Bộ TN&MT muốn thuyết phục dư luận là lợi ích kinh tế cho tất cả các bên. Theo văn bản góp ý ngày 3-10 của Nhóm Yêu quý&Bảo vệ Cát Tiên, đây lại là một trong những căn cứ thiếu thuyết phục nhất.

Báo cáo TĐM do Viện Môi trường&Tài nguyên (Đại học Quốc gia THCM) thực hiện vẫn không khác mấy báo cáo ĐTM trước đó do Vienj KH Thủy lợi Miền Nam làm và bị dư luận phản ứng dữ dội.

Hai công trình thuỷ điện dự kiến đóng góp cho ngân sách nhà nước 12.908 tỷ đồng trong 40 năm hay, hay khoảng 323 tỷ đồng mỗi năm. Thay vào đó, hơn 370 héc ta rừng trong đó có 137 héc ta rừng vùng lõi khu bảo tồn VQG bị phá hủy.

Hơn nữa, nếu xét toàn bộ chu kỳ kinh tế dự tính 40 năm của chủ đầu tư, số tiền đóng góp cho ngân sách ấy sẽ chẳng là quá nhỏ. Làm sao có thể bù đắp lại việc giữ rừng để bán không khí, bán carbon cho thế giới, bán nước sạch cho vùng hạ lưu, cho thuê dịch vụ môi trường rừng để làm du lịch nông thôn về với rừng, học cách sống của đồng bào bản địa vùng sâu như bác Nguyễn Đức Phúc ở Lâm Đồng đã làm?

Báo cáo ĐTM mới nhất vẫn chưa tính toán cẩn trọng và khách quan tác động tới đất canh tác khi những cánh đồng lúa quan trọng (các huyện Cát Tiên, huyện Bù Đăng, Tân Phú, Vĩnh Cửu) nằm ngay vùng chân đập, khi an sinh sinh kế của những gia đình sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông bị ảnh hưởng và, quan trong hơn hết, khi môi trường xã hội của cộng đồng dân cư ở lưu vực sông, nhất là đồng bào bản địa (Mnong, Mạ, Stieng, Chau Ro), bị đảo lộn.

Kế hoạch xây dựng hai thuỷ điện này cộng hưởng cùng những đập thuỷ điện khác, nhất là ba đập thủy điện (Đồng Nai 3, 4 và 5) ở thượng nguồn của VQG Cát Tiên, chắc chắn sẽ làm giảm mực nước của sông Đồng Nai. Mực nước cao là yêu cầu quan trọng để có nước ngược dòng chảy của suối Đăk Lua cấp nước cho các vùng đất ngập nước ở phía bắc phân khu Cát Tiên và Bàu Sấu.

Ngày 3-10, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, thành viên Hội đồng Thẩm định ĐTM hai Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chia sẻ trên cộng đồng mạng: “Hội đồng chưa họp dù đã khảo sát, đánh giá hiện trường. Tuy nhiên, tôi chỉ là một thành viên, một lá phiêu nên tác động cũng rất hạn chế. Nhưng hứa với các bạn, là cán bộ khoa học thì sẽ trung thực và khách quan. Tôi cũng muốn chia sẻ quan điểm về các dự án “đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế kinh tế”.

TS. Tobias Garsteki, chuyên gia của Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN), cùng các đồng nghiệp thực hiện chuyến điến dã một tuần căng thẳng cuối tháng 9 vừa qua để thẩm định hồ sơ đề cử VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới.

Sau chuyến khảo sát, ông nói: “Những yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, tác động vào điều kiện tự nhiên và hiệu quả của công tác bảo tồn luôn được cân nhắc nhiều”.

Trong văn bản gửi Bộ TN&MT, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị thực hiện theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn số 45/TTg-KTN ngày 31-8-2011: “Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng mà ảnh hưởng tới tiêu chí, mục đích, và nội dung xác lập Vườn Quốc gia Cát Tiên thì dừng xây dựng dự án”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.